Không như những biển quảng cáo hiện đại ngày nay với sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại, quảng cáo Việt Nam thời xưa vẫn dễ dàng thu hút “mọi ánh nhìn” bằng sự độc đáo và mộc mạc riêng của mình. Từ các biển hiệu cửa hàng, áp phích trên đường phố đến quảng cáo trắng đen trên mặt báo đều thể hiện sự sáng tạo và cách sử dụng ngôn từ mang đậm “chất” riêng của người Sài Gòn thời bấy giờ.


Từ những hình vẽ trắng đen trên mặt báo...

 

Quảng cáo bắt đầu du nhập và phát triển ở nước ta thông qua sự truyền bá lối sống tiêu dùng của người Pháp dưới thời Pháp thuộc (1884 - 1945). Trong giai đoạn đầu, quảng cáo Việt Nam chủ yếu là những hình ảnh trắng đen với từ ngữ ấn tượng được in trên các tờ báo.


Quảng cáo của Tuần báo Đàn bà với tiêu đề “giật tít” vô cùng độc đáo.


Một quảng cáo thú vị về sản phẩm thuốc trị hôi nách. Với cách thể hiện là cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng kèm theo các câu văn vần hài hước, quảng cáo đã tạo nên sự gần gũi và thu hút mọi độc giả.


Quảng cáo đèn dầu Phoebus nổi tiếng thời bấy giờ được đăng trên tờ báo Phong Hóa.


Quảng cáo dạy kèm Anh văn của Giáo sư Lê Văn Lương đăng trên báo Ngày xưa.


Kiểu quảng cáo đơn giản của một tiệm may.


Khoảng thời gian sau đó, kinh tế nước ta dần phát triển và ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước bắt đầu đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cũng như sản phẩm tới mọi người.


Tập đoàn năng lượng Shell đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và quảng bá rộng rãi hình ảnh thương hiệu tới mọi người.


Quảng cáo đơn giản mà đánh thẳng vào tâm lý người tiêu dùng của hãng giày Bata. Vào thời điểm đó, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người lao động và tầng lớp trung lưu đi trên mình đôi giày Bata.


Nestlé thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1912. Được biết, tên gọi “sữa Con Chim” được người Việt “nhớ mặt đặt tên” từ logo của Nestlé là một tổ chim.


Trước năm 1975, xá xị rất phổ biến tại miền Nam và phần lớn do hãng BGI sản xuất. Xá xị đầu tiên được chứa trong chai thủy tinh có nhãn hiệu hình con cọp nên còn được gọi là “xá xị con cọp”.


Quảng cáo kem đánh răng Hynos với biểu tượng là nhân vật “Bảy Chà Và đen” (người đàn ông da đen tới từ Java) có hàm răng trắng muốt in trên bao bì mỗi sản phẩm.


Quảng cáo xà phòng “Con dê cũ” của hãng Tân Phúc Hoa.


Quảng cáo của xe Lambretta thịnh hành nhất Sài Thành thời bấy giờ. Mẫu quảng cáo lấy hình ảnh tình yêu đôi lứa là điểm nhấn từ đó làm nổi bật những lợi ích của xe.


Ngoài những mặt hàng phổ biến, thậm chí quan tài cũng có cách quảng cáo độc đáo không kém. Hãng quan tài Tobia đánh đúng vào tâm lý “người Việt dùng hàng Việt” với slogan “Ta về ta tắm ao ta, dầu là đục ao nhà cũng hơn”.


Ngoài quảng cáo trên báo, hòm Tobia còn xuất hiện trên xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn.


...Đến các biển hiệu, áp-phích ấn tượng ngoài đường phố


Qua thời gian, quảng cáo nước ta dần phát triển và bắt đầu thêm các màu sắc nổi bật, bắt mắt hơn. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những tấm áp-phích quảng cáo rực rỡ trên đường hay các con phố từ trong Nam đến ngoài Bắc.


Biển quảng cáo của Shell được đặt tại một cửa hàng xăng.


Quảng cáo của Xà bông Việt Nam.



Quảng cáo Kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh chàng da đen cùng hàm răng trắng muốt quen thuộc.


Quảng cáo của hãng sữa Cal-Best (Bông Trắng) với thông điệp “Giúp cho trẻ em mạnh khỏe và chóng lớn”.


Quảng cáo thuốc lá Nationales, được dịch sang tiếng Việt là Tam Sắc vì trên bao bì của sản phẩm có ba màu cờ của nước Pháp.


Quảng cáo của hãng Hàng không Việt Nam.


Không giới hạn ở các bảng áp-phích hay biển hiệu trên đường phố, người Việt đã phát huy tối đa sức sáng tạo bằng cách tận dụng vật liệu sẵn có và tạo ra những ấn phẩm vô cùng độc đáo.


Quảng cáo xổ số Tombola của Hội Phước Thiện Việt Nam kêu gọi đồng bảo mua vé số nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi vào năm 1954.


Sự kết hợp độc đáo giữa biển hiệu và các hình ảnh vẽ tay trên mành che nắng.


Những quảng cáo đầy màu sắc trên tường về thuốc trị bệnh.


Ngoài các hình thức trên, các rạp phim cũng nhanh chóng tận dụng xe ngựa - phương tiện di chuyển phổ biến thời đó để quảng bá cho rạp của mình. Trên đây là biển quảng cáo của rạp chiếu phim Thành Chung (Chợ Lớn).


Tạm kết:


Qua những biển quảng cáo trên ta có thể thấy sự sáng tạo vượt trội của người Việt ngay cả khi công nghệ hiện đại chưa ra đời. Với những gam màu nổi bật, bố cục đơn giản, câu từ gần gũi, thông điệp rõ ràng đã tạo nên các quảng cáo ấn tượng trên khắp nẻo đường phố và góp phần hình thành nên nét văn hóa quảng cáo rất riêng của dân ta thời bấy giờ.


Anh Thư / Advertising Vietnam