Tính cạnh tranh cao giữa agency trong các buổi pitching khiến cho trải nghiệm thất bại không còn quá xa lạ đối với các nhân sự ngày nay. Tuy vậy, việc rớt pitch vẫn luôn mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực, dù có trải qua bao nhiêu lần đi chăng nữa.


Nỗi buồn khi rớt pitch


Các buổi đấu thầu (pitching) là một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nhiều agency để giành quyền đảm nhận và phụ trách dự án, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác tiềm năng và bền vững với doanh nghiệp. Mỗi lần tham gia pitching, nhân sự agency đều phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị bản kế hoạch (proposal) chi tiết nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, vì cơ hội luôn chỉ có một nên trải nghiệm rớt pitching cũng không còn mấy xa lạ đối với các nhân sự ngày nay. Nỗi buồn, sự thất vọng, tiếc nuối, thậm chí nước mắt là điều khó tránh khỏi.


Anh L.B - Content Creator chia sẻ: “Đó là một proposal mà mình đã chuẩn bị rất kỹ, đầu tư nhiều công sức vào phần ý tưởng nội dung. Content cũng đã được thảo luận và thống nhất trong toàn bộ nhóm. Tuy nhiên, đến lúc thuyết trình cho khách hàng, mình mới nhận ra ý tưởng đã bị thay đổi đột ngột mà không được thông báo trước. Quá sốc vì nội dung khác xa so với những gì bản thân đã chuẩn bị, mình chỉ còn biết đọc theo slide như một cái máy. Kết quả không ngoài dự đoán, công ty mình rớt pitch. Lần đó, mình cảm thấy năng lực của bản thân, những chất xám và công sức mà mình đã đổ vào dự án không được đồng nghiệp tôn trọng. Đáng lý ra, account và planner nên nói với mình về mọi thay đổi xảy ra. Dù không khóc ngay trong buổi thuyết trình, nhưng mình đã không thể kìm nén được cảm xúc và rơi nước mắt khi chia sẻ với những đồng nghiệp bằng tuổi trong công ty.”


Nỗi buồn, sự thất vọng, tiếc nuối, thậm chí nước mắt là điều khó tránh khỏi khi nhân sự agency rớt pitch


Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong agency, việc tham gia pitching không còn là điều mới mẻ đối với chị Yến Phương - Account Manager. Tuy nhiên, trải nghiệm lần đầu rớt pitch vẫn luôn là điều tồi tệ không thể nào quên. “Đối với các nhân sự mới bước vào ngành này, họ luôn mong muốn những cố gắng và nỗ lực của mình sẽ được đền đáp hoặc mang lại kết quả tốt nhất có thể. Do đó, khi thất bại lần đầu tiên, mình thực sự rất buồn vì bản thân đã dành nhiều thời gian và chất xám để chuẩn bị, từ việc làm slide cho đến tìm hiểu về khách hàng, cùng cả team thức ngày thức đêm để làm proposal, quotation phù hợp. Ngoài nỗi thất vọng, mình còn cảm thấy nghi ngờ về năng lực của bản thân. Liệu mình có thật sự giỏi như mình nghĩ không, và liệu mình có phù hợp với công việc này hay không? Nhưng sau khi nếm trải việc rớt pitch, mình đã dành thời gian để suy nghĩ về ưu và nhược điểm của bản thân. May mắn rằng mình có một người sếp tận tâm, thay vì chỉ trích thì sếp đã giúp mình chỉ ra những lỗi sai để có thể sửa đổi và rút kinh nghiệm cho những lần sau.”


Sự đầu tư về chất xám và công sức không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như ý cho các nhân sự khi tham gia pitching. Chị H.A - Copywriter cho biết: “Lần rớt pitch đáng nhớ nhất của mình chính là khi tham gia vào một chiến dịch Valentine vào đầu năm nay. Đây là một đề bài khá thú vị từ client, về chủ đề tình yêu được kể qua góc nhìn của một sản phẩm công nghệ. Cả team, bao gồm account, planner và creative, đã dành khá nhiều tâm huyết và sự chuẩn bị cho dự án. Buổi họp internal cũng không giống như mọi khi, cả team cùng ngồi lại và chia sẻ những câu chuyện tình yêu thú vị để lấy cảm xúc. Thậm chí, ban giám đốc còn tổ chức một cuộc thi kể chuyện tình yêu cho tất cả thành viên trong công ty, nhằm cung cấp thêm chất liệu và góc nhìn cho planner và creative trong quá trình ‘giải brief’. Dù đã đầu tư vô cùng kỹ lưỡng là vậy, những kết quả lại không như ý khiến mình buồn khá lâu. Tuy nhiên, lần rớt đó đã giúp mình nhận ra nhiều điều quan trọng và đáng nhớ, cũng là nỗi đau đáu của dân làm nghề đi bán idea cho khách hàng. Điều mình rút ra được đó chính là: một idea hay, một câu chuyện thú vị cũng rất cần một nghệ thuật bán thú vị.”


"Một idea hay cũng rất cần một nghệ thuật bán thú vị”, chị H.A chia sẻ


Rớt pitch có đáng sợ không?


Cũng giống như nỗi sợ thất bại, rớt pitch là trải nghiệm mà bất cứ nhân sự agency nào cũng phải tập làm quen khi gắn bó với nghề. “Dù là lần đầu hay lần thứ 10, pitching thất bại luôn là điều không ai mong muốn. Nhân sự sẽ luôn cảm thấy buồn vì đánh mất cơ hội làm việc với khách hàng và mang về doanh thu cho công ty. Tuy nhiên, mình tin rằng nỗi buồn khi rớt pitch sẽ dần trở nên quen thuộc theo thời gian, và thay vào đó là sự tự nhìn nhận bản thân. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi rớt pitching liên tiếp, nhân sự sẽ cảm thấy hoài nghi về năng lực của chính mình,” chị Yến Phương cho hay.


Khi nhân sự đầu tư nhiều tâm huyết và công sức vào việc pitching, thất vọng hay thậm chí là cảm xúc vỡ òa, rơi nước mắt là điều khó tránh khỏi. Những kỳ vọng cũng như cảm giác tự tin về ý tưởng của bản thân khiến việc rớt pitch đôi khi là cú sốc cho các nhân sự. Tuy nhiên, đối với anh L.B, pitching thất bại không thực sự là một điều quá kinh khủng: “Hiện nay có rất nhiều agency tồn tại. Tính cạnh tranh cao trong một năm kinh tế khó khăn như vậy khiến việc rớt pitch là điều dễ xảy ra. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến một vấn đề khác, đó chính là vài agency thiếu sự đầu tư đúng mức vào việc pitching, vì họ biết rằng bản thân có quá nhiều đối thủ. Điều này cho phép họ dễ dàng ‘đổ lỗi’ cho những agency khác đang làm tốt hơn. Nhưng với những người đã đầu tư nhiều công sức, việc rớt pitch luôn mang lại cảm xúc buồn khó tả.”


"Đối với các nhân sự đã đầu tư nhiều công sức, việc rớt pitch luôn mang lại cảm xúc tiêu cực", anh L.B cho biết.


Vượt qua "nỗi đau" rớt pitch


Có lẽ rằng, sự chia sẻ và cảm thông của đồng đội chính là “chìa khóa” giúp các nhân sự vượt qua nỗi đau rớt pitch một cách hiệu quả nhất. Chị Yến Phương chia sẻ: “Sau mỗi lần rớt pitch, mình cần khoảng 1-2 ngày để ổn định và thích nghi với tình huống đó, xem xét lại những chuyện đã xảy ra để nhìn nhận về thiếu sót của bản thân. Mình cũng có thể chia sẻ với đồng nghiệp, tán gẫu để cảm thấy sự thất bại này không quá đáng sợ. ‘Không sao đâu, làm tốt lắm rồi’ là lời an ủi chị thường nghe nhất từ đồng nghiệp. Sau đó, mọi người sẽ nói những câu pha trò vui vẻ, chẳng hạn như ‘đen thôi, đỏ quên đi’ để tinh thần cả team không bị quá trì trệ.”


Bên cạnh sự an ủi và cảm thông giúp nhân sự vượt qua nỗi buồn rớt pitch, những bài học quý giá sau mỗi lần nếm trải thất bại cũng khiến họ cảm thấy bản thân được trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Chị H.A cho biết: “Mình nhận ra, rào cản khó nhất khi đi pitching đó chính là idea, insight, câu chuyện Tiếng Việt nhưng mình phải bán bằng Tiếng Anh. Vậy nên đôi khi, những vẻ đẹp trong ngôn ngữ sẽ bị lu mờ. Điều quan trọng nhất là mình phải trình bày slide như thế nào cho thật rõ ràng, dễ hiểu, vì phải hiểu trước thì mới đến phần ‘thấy hay’ được. Lần rớt pitch đó, mình vội vàng quá nên khách hàng chưa kịp hiểu hết ý tưởng.”


Sự chia sẻ và cảm thông của đồng đội chính là “chìa khóa” giúp các nhân sự vượt qua nỗi đau rớt pitch một cách hiệu quả


Còn đối với chị Yến Phương, pitching thất bại đã giúp chị học cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn. “Mình hiểu rằng, thất bại không phải là kết thúc, cũng không phải là điều tồi tệ nhất. Ngược lại, điều này giúp mình đạt được tiến bộ nhanh hơn trong công việc. Sau mỗi lần rớt pitch, mình học hỏi từ các công ty đối thủ để có thể thay đổi cách làm việc tốt hơn và phù hợp với khách hàng sau. 


Đến tận bây giờ, mình và sếp vẫn thường nhắc lại vài câu chuyện từ những ngày đầu làm nghề. Khi đó, những hợp đồng đầu tiên mình pitch chỉ có giá 2 triệu thôi, nhưng hiện tại con số này cũng đã lên tới 2 tỷ. Mình nhìn nhận được bản thân đã ‘lớn’ như thế nào trong quá trình gắn bó với công việc, thấy rõ nỗ lực và công sức của mình đã được đền đáp ra sao. Mặc dù đã từng rớt pitch, nhưng hiện tại đã có những khách hàng công nhận năng lực của mình. Khi nhìn lại quãng đường đó, mình cảm thấy vui, buồn và cũng bồi hồi.”


Nội dung: Phương Anh

Minh họa: Huy Mai