Trong một dự án, có những nhân sự thể hiện rất rõ vai trò của bản thân như Designer, Content,... Thế nhưng, đằng sau một dự án còn có sự góp mặt của đông đảo nhân viên đến từ các bộ phận khác như Production, Account, Finance,... Tuy vậy, không phải lúc nào họ cũng được ghi nhận nỗ lực và công sức. Đó là lý do nhiều nhân sự đã tìm cách "make noise" để chứng minh vai trò của bản thân, dù đôi khi đây không phải là việc mà họ muốn làm.


“Make noise” để được ghi nhận công sức


Trong quá trình thực hiện dự án, mỗi một nhân sự đều có vai trò riêng của bản thân: team Copy có thể được ghi nhận nhờ những câu tagline hay, Planner góp phần lên kế hoạch cho dự án,... Thế nhưng có một số nhân sự khó có thể thể hiện vai trò của mình bởi họ có vô số đầu việc “không tên”. 


Một số nhân sự khó có thể thể hiện vai trò của mình bởi họ có vô số đầu việc “không tên”


Đơn cử như với một Account, nhân sự sẽ là cầu nối nhận brief từ khách hàng, sau đó cùng làm việc với team Internal để pitching (đấu thầu), trình bày ý tưởng. Trong giai đoạn này, Account là người chịu trách nhiệm giao tiếp, kết nối giữa đội ngũ Internal và khách hàng. Thậm chí, đôi khi họ phải bật chế độ "bật khách" để đảm bảo hiệu suất công việc.


Tương tự, các Producer/Project Manager cũng là những nhân sự đảm nhận công việc quản lý thời gian/ngân sách/con người và làm việc với khách hàng nhưng họ lại ít khi được ghi nhận công sức. “Rất dễ để nhận ra vai trò của các tổ trong ngày on set: Thành công của đạo diễn là kể một câu chuyện hay, của DOP là có những cú máy đẹp, của Art Director là set design,... Thành công của sản xuất là tất cả những thứ đó cộng lại, nhưng lại rất ít khi được gọi tên. 


Hơn nữa, chúng mình thường đã hoàn thành công việc từ giai đoạn tiền kỳ. Do đó đến ngày quay, việc của mình là đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ như dự tính. Thế nên không chỉ riêng Internal team, những người trong ekip thường không hiểu đúng về vai trò của tổ sản xuất trong dự án”, chị Thuỳ Linh - Project Manager/Producer tại Cinemout nói.


“Thành công của sản xuất rất ít khi được gọi tên”, chị Thuỳ Linh chia sẻ


Và chính vì không được gọi tên đúng vai trò, nhiều nhân sự mới phải tìm cách “make noise” trong quá trình thực hiện dự án. Theo đó, “make noise” đôi khi chỉ là một câu nói, một cái nhíu mày, hay cụ thể hơn là nhân sự thường xuyên kiểm tra tiến độ của dự án, tổ chức các cuộc họp với khách hàng,... Chị Thuỳ Linh cho biết, vốn dĩ vai trò của chị giống như “người hùng thầm lặng” trên set. Trước khi bước vào giai đoạn on set, chị đã phải đưa ra phương án giải quyết tất cả các vấn đề từ khách hàng trước rồi team mới bắt đầu thực hiện, nhưng mọi người trong team thường không biết đến điều ấy. 


“Trước đây mình hay quan niệm là ‘Work hard in silence and let your success make noise’, nhưng dần dà có nhiều trường hợp buộc mình phải lên tiếng, phải cho mọi người trong đoàn biết mình đang có nhiệm vụ gì trên set, mình cũng có tiếng nói và mọi người cần tôn trọng mỗi một nhân sự trong đoàn để cùng nhau ‘chèo lái’ dự án về bờ an toàn”, chị Thuỳ Linh bày tỏ. 


“Make noise” thì dễ, nhưng không phải ai cũng muốn làm điều đó


Những tưởng việc nhân sự “make noise” là do cố ý… “làm màu” và tạo áp lực cho team member, thế nhưng đôi khi chính bản thân nhân sự cũng cảm thấy không thoải mái khi làm điều này. Anh Q.H chia sẻ: “Với vai trò là PM/Producer, dù đôi khi project có ‘quằn’ đến mấy, mình cũng phải vững vàng, bình tĩnh để trấn an mọi người, dù thật ra lúc đó chính mình cũng không hề ổn. Áp lực là người đứng đầu, mọi người luôn nhìn vào mình, với suy nghĩ mình là người chịu trách nhiệm với team, với dự án, với client. Tất cả những áp lực trên mình cũng chỉ có thể giữ một mình chứ khó có chia sẻ với ai khác.”


Ngoài ra, anh CreaCo Pham - Art & Photo tại CreaCo Creative Production & The Boxes Studio cũng bày tỏ, một dự án có rất nhiều yếu tố, thành tố, nhân tố, biến số phát sinh cấu thành. Do đó, những nhân sự đảm nhận công việc quản lý dự án như PM/Producer sẽ nắm được vấn đề ở đâu, của ai. “Tất nhiên, PM/ Producer vẫn luôn muốn công việc hiệu quả cao nhất vì họ là người lead dự án, đồng thời làm việc trực tiếp và chịu trách nhiệm với khách hàng. Chính vì thế, PM/ Producer thường sẽ chịu nhiều áp lực nếu dự án không diễn ra suôn sẻ”, anh nói. 


“PM/Producer thường sẽ chịu nhiều áp lực nếu dự án không diễn ra suôn sẻ”


Các nhân sự cho rằng, việc một người phải cố ý “make noise” trong quá trình thực hiện dự án là do có những hiểu lầm về vai trò của bản thân, đồng nghiệp. Là một Producer/PM, anh Q.H chia sẻ bản thân thường xuyên bị hiểu sai khi hầu hết nhân sự, hay đôi khi là cả client, chỉ nghĩ đơn giản PM/Producer là người ở giữa ‘cầm tiền’ của client, lo paperwork, đi liên hệ nhân sự để deal giá tốt và truyền tải thông tin thôi. Thế nhưng trên thực tế, PM/Producer vừa phải là người làm nền tốt ở backstage cho mọi người tỏa sáng, nhưng cũng phải là người có thể perform tốt khi spotlight chiếu vào. Dù làm nền hay đứng spotlight thì PM/Producer cũng là một phần quan trọng của một màn trình diễn thành công.


Anh Q.H nói thêm: “Mình hay đùa với các bạn của mình là mình không biết viết JD cho vị trí PM/Producer ra sao. PM/Producer có rất nhiều việc quan trọng nhưng rất khó có thể gọi tên, và những việc này đôi khi còn không lặp lại ở mỗi project. Một thực trạng là số đông PM/Producer chỉ tập trung vào việc xây dựng quan hệ với client và nhân sự để ‘có job’, có ‘rate yêu thương’,... mà không để tâm vào việc nâng cao chuyên môn cùng kỹ năng liên quan khác để manage thật tốt mọi thứ. Có lẽ điều này cũng làm chính team Internal hiểu lầm về vai trò của PM/Producer.”



Vậy thì có thể thấy, những nhân sự bị cho là “make noise” hay “make color” cũng có nỗi niềm riêng. Để công việc trơn tru hơn, tránh tình trạng “đội này mạnh - mạnh ai nấy làm”, cả team cần làm rõ vai trò, trách nhiệm và đầu việc của mỗi một nhân sự trước khi bắt đầu thực hiện dự án. Điều này giúp team tránh được những hiểu lầm không đáng có, từ đó giúp quá trình làm việc trở nên nhịp nhàng hơn. 


Nội dung: Kim Ngọc

Minh hoạ: Huy Mai