“Bóng ma công sở” là cụm từ có phần phiến diện thường được sử dụng để mô tả thế hệ Gen Z trong công việc. Đây là hiện tượng các nhân viên chỉ làm đúng phần việc của mình, nói không với việc làm thêm giờ vô lý và thường không hứng thú trong việc kết nối với đồng nghiệp. 


Do sự khác biệt về giá trị, quan điểm và cách nhìn nhận công việc giữa Gen Z và các thế hệ trước dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu lầm thế hệ này thường hay xuất hiện hiện tượng “Bóng ma công sở”. Tuy nhiên, thay vì vội vàng dán nhãn tiêu cực, hãy nhìn nhận Gen Z với sự thấu hiểu và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiệu quả và nhân văn hơn. 



Nhân viên Gen Z thường bị hiểu lầm về thái độ khi từ chối sếp do chưa giỏi trong việc giao tiếp


Phần lớn nhân viên ở thế hệ Gen Z thường đi làm thì chỉ làm đúng phần việc được ghi rõ trong bảng mô tả công việc lúc đăng ký ứng tuyển và sẽ từ chối nếu cấp trên có giao phần việc không đúng với mình. Tuy nhiên, khi các nhân sự Gen Z trả lời quá thẳng thừng thì bị sếp “ghim" lúc nào không hay mặc dù Gen Z cũng không có ý gì quá đáng. 


Theo S.C (2002, Content Writer): “Khi đi làm thì mình chỉ làm đúng phần việc của mình thôi, sếp có giao gì thêm mà ngoài phần mình nắm thì mình sẽ từ chối”. Bản thân S.C cũng là một Gen Z hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông, bạn thường có xu hướng không nói chuyện quá thân mật với đồng nghiệp và luôn trao đổi thẳng thắn với sếp nếu bạn cảm thấy có vấn đề đang xảy ra. 


Đôi lúc nhân sự Gen Z nghĩ rằng, những câu nói chỉ là phản biện bình thường nhưng đối với cấp trên thì đó được cho là “hỗn", hiểu lầm thế hệ Gen Z hiện nay khi đi làm sẽ thường xuyên “bật” lại cấp trên. 


M.L (1995, Content Manager) nói: “Có đôi lúc các bạn nhân viên Gen Z trong team từ chối công việc thẳng thừng khiến chị cảm thấy chạnh lòng. Chị cũng gặp nhiều trường hợp như vậy nên thành ra lại có ấn tượng không tốt với các bạn thuộc thế hệ Gen Z”.



Nguyên nhân của sự hiểu lầm không đáng có này nằm ở sự khác biệt giữa các thế hệ dẫn đến việc giao tiếp chưa hiệu quả giữa cấp trên và cấp dưới. Khác với thế hệ trước, nhân sự Gen Z thường sẽ chưa biết cách giao tiếp và thể hiện bản thân một cách tinh tế. 


Ngoài ra, những câu chuyện truyền tai nhau về trải nghiệm với cấp dưới là Gen Z càng góp phần cho các sếp có cái nhìn chưa tốt về Gen Z. Điều này dẫn đến cả hai lại càng không hiểu nhau, từ đó chất lượng đầu ra công việc lại không cao. Ngoài ra, việc từ chối sếp có thể xuất phát từ nhân sự Gen Z mong muốn được trao đổi cởi mở về lý do thay vì chỉ đơn giản là làm theo mệnh lệnh.


Các công ty đều thấu hiểu nỗi lo của nhân sự Gen Z, nên thường hạn chế trao đổi công việc sau giờ làm


Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ, tiếp xúc nhiều với thông tin và có khả năng tiếp thu nhanh chóng. Họ mong muốn được làm việc linh hoạt, tự chủ và có nhiều thời gian cho bản thân để phát triển sở thích, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống. Việc bó buộc vào công việc theo khuôn mẫu truyền thống, làm việc quá giờ hoặc tham gia các hoạt động tập thể đôi khi lại không phù hợp với mong muốn và lối sống của Gen Z. 


Nhân sự H.N (2001, Graphic Design) chia sẻ: “Đồng hồ vừa chỉ đúng 6 giờ tối là mình thu dọn đồ đạc tan làm ngay. Một ngày chỉ chúi mắt vào máy tính cũng khiến mình kiệt quệ về mặt tinh thần. Nên mình mong muốn sẽ có một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân, bạn bè và gia đình sau giờ làm”. 




Gen Z hiện nay ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của mình nên sau thời gian đi làm là thời gian mà họ dành cho bản thân, nạp lại năng lượng để hôm sau có thể làm việc một cách hiệu quả. Với một số nhân viên Gen Z, cân bằng giữa công việc và cuộc sống còn là yếu tố then chốt để nhân sự duy trì tinh thần cống hiến và nỗ lực hết mình cho công việc. Ngoài ra, các công ty hiện nay cũng thấu hiểu được nỗi lo của Gen Z nên sau giờ làm, nhân viên sẽ hạn chế trao đổi công việc với nhau. 


Nhân sự M.L (1995, Content Manager) nói: “Sau giờ làm là các nhân viên hầu hết đều không còn nhắn tin bàn việc với nhau nữa và ở công ty cũng ít các trường hợp tăng ca. Nên cả chị các bạn nhân viên Gen Z vừa có nhiều thời gian cho bản thân và vừa có thể cân bằng được công việc”.


H.N chia sẻ thêm, ở công ty bạn luôn hoàn thành các công việc được giao với chất lượng tốt nhất. Tuy đúng giờ là tan làm nhưng bạn H.N vẫn nghiêm túc với công hiện hiện tại và sẵn sàng cống hiến tài năng của mình cho doanh nghiệp. 

Kim Yến

Minh họa: Họa sĩ Huy Mai



Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!