Sự phối hợp ăn ý giữa Marketing và PR sẽ tăng doanh thu và lôi kéo sự chú ý cho doanh nghiệp. Nhưng muốn phối hợp cả hai, bạn trước tiên phải biết phân biệt chúng đã. 


Marketing và PR là hai hoạt động riêng lẻ nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau: Marketing sẽ đem lại hiệu quả cho PR và PR giúp đẩy nhanh quy trình Marketing. 


Điểm mạnh của PR nằm ở độ nhận diện, mạng lưới quan hệ và linh hồn thương hiệu. Còn “vũ khí” của Marketing lại là chỉ số, bảng phân tích, sự đo lường và doanh thu. Triển khai một chiến dịch hòa hợp được cả hai là tạo ra những nội dung chất lượng đẩy mạnh doanh số, tăng lượt truy cập và tạo ra những chỉ số có ý nghĩa. Chính những lợi điểm đó mà trong một khảo sát gần đây, có hơn 50% chuyên gia truyền thông tin rằng PR và Marketing sẽ liên tục song hành với nhau trong năm 2022 (Theo Neil Patel). 


Phân biệt Marketing và PR


Muốn sử dụng hòa hợp cả hai, bạn buộc phải nhuần nhuyễn ở từng hoạt động riêng lẻ và phân biệt được Marketing và PR. Thế nhưng trong bối cảnh tiếp thị kỹ thuật số, lằn ranh giữa Marketing và PR rất nhạt nhòa, điều này khiến người mới vào nghề và thậm chí là người làm thâm niên khó phân biệt hai hoạt động này. Dưới đây là 3 điểm khác biệt lớn giữa chúng. 


Mục tiêu


Mục tiêu của Marketing là tăng doanh thu bằng cách cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ cho đúng người và vào đúng lúc. 


Hãng điện thoại Oppo vừa tung ra chương trình quảng bá cho dòng sản phẩm mới Reno 7 Z và Reno 7


Mục tiêu của PR là xây dựng quan hệ với công chúng, giúp tăng cảm tình thương hiệu (brand sentiment), giữ hình ảnh tích cực và tạo danh tiếng tốt cho nhãn hàng. 


Biti’s Hunter tạo hình ảnh tích cực trong mắt công chúng trong chuỗi chiến dịch Đi để trở về 


Thời gian thực hiện


Marketing nhắm đến mục tiêu ngắn hạn qua các chiến dịch được triển khai theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn có thể kéo dài nhiều tháng, hoặc nhiều năm.


PR hướng đến mục tiêu dài hạn, vì vậy sẽ được triển khai trong khoảng thời gian lâu hơn, thậm chí dài bằng tuổi đời của thương hiệu. 


Cách đo lường


Mục tiêu khác nhau dẫn đến những chỉ số đo lường khác nhau giữa hai nhánh này. Một chiến lược marketing thành công khiến doanh số tăng. Còn một hoạt động PR hiệu quả sẽ liên quan đến số người tiêu dùng phản ứng tích cực, lượt nhắc đến, lượt tương tác và chỉ số thiện cảm với nhãn hàng. 


Tuy khác nhau, PR và Marketing vẫn là hai chuỗi hoạt động phục vụ một mục tiêu chung: Làm rõ sự tồn tại của doanh nghiệp trong mắt khách hàng tiềm năng. Chiến dịch #ShotOnIphone của hãng điện thoại Apple năm 2015 chính là ví dụ cho sự ăn ý giữa Marketing và PR. 7 năm trước, một số người dùng chê bai điện thoại Apple cho ra ảnh chất lượng thấp. Đáp trả làn sóng công kích đó, hãng “trái táo khuyết” khởi xướng chiến dịch UGC (User Generated Content) - kêu gọi người dùng chụp ảnh bằng Apple và chia sẻ trên Instagram kèm hashtag #ShotOnIpiPhone. Kết quả trả về sau chiến dịch là 6.5 tỉ media impression và 95% brand mention tích cực. Sau sự kiện đó Apple đã bán ra hơn 231 triệu chiếc điện thoại và doanh thu tăng 62 triệu USD so với năm 2014. #ShotOnIphone thành công đến độ Apple đã tái khởi động chiến dịch vào năm 2022. 


Chiến dịch #ShotOnIphone không chỉ giúp Apple lật ngược tình thế mà thậm chí tăng doanh thu. 


Marketing và PR sẽ không tự nhiên phối hợp với nhau. Dưới đây là 5 cách để bạn dùng một mà được 2:


Đầu tư Guest Posting


Trong mảng marketing, guest posting nghĩa là đường link dẫn về website của bạn với mục tiêu cải thiện SEO và tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Nếu guest posting của bạn xuất hiện ở nhiều trang web uy tín, Google sẽ hào phóng cho bạn một thứ hạng tìm kiếm cao hơn, cải thiện tỷ lệ nhấp (click through rate) và kéo khách hàng tiềm năng tới chiếc phễu mua hàng (sale funnel). 


Để có được những ích lợi trên, bạn không thể guest posting ngẫu nhiên ở một trang web bất kỳ. Neil Patel đã đưa ra 4 tiêu chuẩn chọn một trang web phù hợp để bạn guest posting: 


  • Nội dung trang web đó có cùng chủ đề với bạn.
  • Trang web có cùng nhóm đối tượng độc giả bạn đang nhắm tới. 
  • Trang web có chỉ số engagement cao.
  • Chủ nhân trang web tương tác tích cực trên mạng xã hội. 



Xây dựng danh sách các website để đăng tải bài viết, tiến hành guest posting thu hút lượng traffic về trang web của chính bạn. 


Sử dụng Backlink


Backlink là một trong những cách kéo lượt truy cập về website. Khảo sát của Ahrefs chỉ ra rằng “Một trang càng có nhiều backlink sẽ hút được càng nhiều lượt truy cập tự nhiên từ Google (Organic Traffic)”. Neil Patel khuyên rằng, đặt backlink ở phần giữa bài viết sẽ tăng tỉ lệ Referral Traffic 387% so với đặt ở phần thông tin tác giả (author bio). 


Tối ưu hóa chiến lược marketing bằng email


Marketing bằng email vẫn chưa lỗi thời. Trên thực tế đây lại còn là kênh marketing sinh lời nhất với mỗi 1 USD đầu tư sẽ đem về 36 USD doanh số. Dù thông tin từ hòm mail làm người tiêu dùng quá tải, họ vẫn là đối tượng mục tiêu có khả năng mua hàng nhất, và dễ trao cho bạn thứ quý giá nhất của họ: thời gian. 



Grab giới thiệu gói Bảo hiểm TDNS xe cơ giới qua email 


Marketing qua email giúp xây dựng mối quan hệ với khách hàng - cốt lõi của PR. Chẳng hạn mỗi một Welcome Email (Thư chào mừng) là một cơ hội để nhãn hàng tự giới thiệu, giải thích vấn đề của subscribers và gợi ý cho họ một hoặc nhiều giải pháp. Marketing qua email bằng cách đó tạo ra ấn tượng tốt về thương hiệu. Độc giả càng được sưởi ấm bao nhiêu, họ càng dễ mua hàng khi bạn bắt đầu quảng bá sản phẩm và dịch vụ. 


Tận dụng Influencer Marketing


Tiếp thị qua người có sức ảnh hưởng (Influencer Marketing) được dự đoán sẽ chạm mốc 16.4 tỷ USD đô trong năm nay. Influencer (người có sức ảnh hưởng trong xã hội) có thể là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, một chuyên gia, YouTuber, Tik-Toker,...vv…hoặc bất kì ai tạo ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định, được người trong cộng đồng đó tin tưởng và thậm chí là bắt chước hành vi, lối sống và cách ăn mặc. Chính những đặc điểm đó mà người có ảnh hưởng đem lại hiệu quả tiếp thị cao hơi so với các phương tiện truyền thống như đài truyền hình, báo giấy, phát thanh,...vv…


Châu Bùi là gương mặt Influencer được lượng lớn người theo dõi tại Việt Nam, với nhiều dự án hợp tác với các thương hiệu thời trang nổi tiếng.

(Ảnh: IG@chaubui_)


Thương hiệu sẽ tạo được hình ảnh tốt và có độ nhận diện cao nếu hợp tác với đúng influencer. Đúng ở đây nghĩa là “phù hợp nhất với thương hiệu”, là influencer hoạt động tích cực trong ngành hàng của doanh nghiệp, sở hữu một lượng lớn người theo dõi và có hình ảnh tốt trong mắt dư luận. 


Tối ưu hóa thông cáo báo chí


Tiếp thị nội dung (Content marketing) và SEO là một cặp “bài trùng”. Chính vì vậy, tối ưu hóa thông cáo báo chí cũng sẽ đem lại hiệu quả cho SEO. Một thông cáo báo chí tốt cho SEO sẽ cần:


  • Chứa từ khóa 
  • Có hình ảnh đính kèm: Theo kết quả khảo sát của Orbit Media, bài viết sử dụng hơn 10 hình ảnh sẽ đạt thứ hạng tìm kiếm cao hơn. 
  • Sử dụng CTA (Call to action): Thông cáo báo chí không phải là trang bán hàng trực tiếp, nhưng không phải vì thế mà bạn bỏ qua yếu tố CTA. Chỉ số CTR từ CTA trong thông cáo báo chí là 4.23%, vì thế hãy khuyến khích họ ghé thăm trang web, đọc bài viết mới hoặc khám một nghiên cứu gần đây nhất. 


Trên đây là cách phân biệt hoạt động marketing và hoạt động PR cùng 5 kĩ thuật “biến 2 thành 1”. Đặt marketing và PR vào cùng một guồng quay, hỗ trợ cho nhau và phục vụ cùng một mục tiêu lớn sẽ đem lại cả hiệu quả doanh thu lẫn cảm tình thương hiệu.


Hằng Trần/ Advertising Vietnam 

Nguồn Neil Patel