Nghỉ phép để đi nghỉ dưỡng hoặc du lịch là một cách để nhân sự giải toả áp lực công việc. Thế nhưng dạo gần đây, có nhiều nhân viên cho rằng họ cảm thấy… có lỗi vì nghỉ phép. Nguồn cơn của cảm xúc “tội lỗi” này đến từ đâu? 


Anh Nguyễn Nhật Minh, Account Supervisor tại ZEE nói rằng “có lỗi khi nghỉ phép” là một cảm giác rất hay gặp với những người làm quảng cáo. “Luôn có những task bất chợt xuất hiện trong kì nghỉ như sửa lại proposal để trình sếp, làm gấp một bài đăng mạng (social post) để bắt kịp xu hướng trong thời điểm đó. Hay cũng không quá lạ với hình ảnh marketer cuối tuần sẽ lên công ty làm việc thay vì đi chơi. Tất nhiên ai cũng muốn được nghỉ ngơi trong công việc, nhưng bản chất agency là hoạt động theo dạng nhóm và teamwork vì vậy nếu một nhân sự nghỉ phép sẽ khó tránh khỏi cảm giác có lỗi”, anh Nhật Minh chia sẻ. 


Luôn có những task bất chợt xuất hiện trong kì nghỉ như sửa lại proposal để trình sếp, làm gấp một bài đăng mạng (social post) để bắt kịp xu hướng trong thời điểm đó


Trong khi đó, chị Lê Phượng Hằng, Senior PR Executive tại ISOBAR Việt Nam nói đùa rằng du lịch/nghỉ dưỡng chẳng qua là cũng chỉ là đổi môi trường làm việc. “Chúng tôi lúc nào cũng mang laptop bên người. Đúng là khi nghỉ phép thì chắc chắn bạn cần phải sắp xếp các task trước đó, tuy nhiên, có những tình huống bất ngờ đôi khi sẽ xảy ra khi bạn nghỉ, dù có team hỗ trợ nhưng nếu bạn là người nắm chính và hiểu rõ khách hàng thì công việc vẫn nên được ưu tiên. Chính vì vậy bản thân mình khi nghỉ phép cũng sẽ có tâm lý mang theo laptop để phòng hờ”, chị Phượng Hằng nói. 


Nhân sự có lỗi vì nghỉ phép, vẫn chạy task dù đang nghỉ dưỡng,... lại là vài nhãn mác nữa trong vô số những phàn nàn trước đó về làm việc ngoài giờ. Nhưng trách nhiệm thực sự của các đơn vị agency là gì, họ có phải là người gây lỗi? 


Không cố ý ép uổng nhân viên 


Nhân sự cho rằng quảng cáo là một ngành nghề đặc thù, dịch chuyển theo từng giây biến đổi của sự kiện xã hội. Chính vì vậy, nhân sự làm việc trong ngành nghề này cũng sẽ nếm mật nằm gai, có những trải nghiệm mà người ngành khác nhìn vào cho rằng “bóc lột”, “khắc nghiệt", “bào sức”. Mà làm việc ngoài giờ hay nghỉ phép vẫn chạy deadline chính là một loại trải nghiệm như vậy. 


Chị Phượng Hằng cho biết nếu làm việc ngoài giờ là một lựa chọn trong hầu hết các ngành nghề, thì với quảng cáo đó là “một phần không thể thiếu”. “Một dự án ‘ăn theo’ các content đang trending thì việc phải bỏ thêm thời gian để hoàn thành task là điều tất yếu”, chị Phượng Hằng cho biết. 


“Một dự án ‘ăn theo’ các content đang trending thì việc phải bỏ thêm thời gian để hoàn thành task là điều tất yếu”, chị Phượng Hằng cho biết. 


Đứng trước những nhãn mác như làm việc ngoài giờ, giao task khi đang nghỉ phép, làm việc 24/7, chị Hiền Nguyễn, Co-Founder của Square Group với nhiều năm làm việc trong ngành nói rằng đây không phải là mang tiếng mà thực tế là vậy. “Văn hoá của thị trường Việt Nam và vài nước châu Á là không trả tiền công lao động theo giờ. Khách hàng thường có những yêu cầu, đòi hỏi chất lượng sản phẩm và thời gian hoàn thành theo một cách vô giới hạn”, chị Hiền Nguyễn chia sẻ.  


Theo chị Hiền Nguyễn, nghỉ phép mà vẫn chạy deadline không phải là do lãnh đạo hay các cấp quản lý cố ý ép uổng nhân viên, nguyên nhân sâu xa ở đây là do tâm lý xem Agency là “chiếu dưới”, còn Client là “chiếu trên” vốn đã ăn sâu tại thị trường Việt. “Khi đã được (bị) coi là ‘chiếu dưới’ thì tức là ‘chiếu trên’ muốn thế nào cũng cố chiều cho bằng được, bất chấp việc một nồi cơm có thể chín được trong 5 phút hay không. Không ai quan tâm. Vì vậy nếu các bạn bị cuốn hút bởi nghề nghiệp này ở Việt Nam, thì phải biết chấp nhận rằng những ‘tiếng xấu’ kia là có thật, chẳng qua là ở mỗi nơi lãnh đạo kiểm soát nó như thế nào”. 


“Khi đã được (bị) coi là ‘chiếu dưới’ thì tức là ‘chiếu trên’ muốn thế nào cũng cố chiều cho bằng được, bất chấp việc một nồi cơm có thể chín được trong 5 phút hay không", chị Hiền Nguyễn nói


Với câu hỏi agency có lỗi hay không trong câu chuyện giao task khi nhân viên đang nghỉ phép, có thể tóm gọn lại bằng lý giải của chị Hiền Nguyễn. “Nhà quản lý không có lỗi nếu các cuộc gọi hay công việc nhân viên phải làm trong quá trình nghỉ phép là không thể tránh khỏi, không thể thay thế. Nhưng họ sẽ có lỗi nếu cố ý coi thường thời gian nghỉ ngơi của nhân viên, không có ý thức tôn trọng đời sống riêng, cố tình giao việc hay liên hệ với nhân viên đó bất chấp đó là thời gian nghỉ phép của họ mặc cho việc đó có thể phân bổ cho người khác”. 


Từ chối cũng được, nhưng không nên 


Nếu OT được xem như một “thuộc tính" của agency, và nhận task phát sinh khi đang nghỉ phép là một yêu cầu đi kèm của nghề này, nhiều nhân sự sẽ tự hỏi liệu họ có được lựa chọn từ chối nhận task mà sếp/quản lý giao. 


Theo nhân sự agency, vì nghỉ phép là quyền lợi nên sẽ chẳng ai cấm cản việc nhân viên từ chối task. “Tuỳ thuộc vào ‘gu’ làm việc của mỗi người, bạn có quyền lựa chọn làm hay không làm. Nếu bạn đã có báo trước với sếp về khối lượng công việc và thu xếp hoàn thành task trước khi nghỉ phép thì việc từ chối nhận công việc không phải là thiếu chuyên nghiệp”, chị Phượng Hằng đưa ra quan điểm. 


“Tuỳ thuộc vào ‘gu’ làm việc của mỗi người, bạn có quyền lựa chọn làm hay không làm"


Tuy nhiên, chị Hiền Nguyễn cho rằng về nguyên tắc nhân sự có thể từ chối, nhưng trên thực tế thì họ không nên làm vậy. “Vì nó trái với tính chất tự nhiên của ngành nghề này. Quá trình chuẩn bị và thực hiện một chiến dịch hay một dự án là một quá trình liên kết, kết nối các mắt xích công việc được thực hiện bởi nhiều người, nhiều đầu mối. Đây không phải là dạng công việc có thể trì hoãn hay chờ đợi khi có thật đầy đủ người mới làm. Vì vậy khi một người có việc riêng cần phải nghỉ phép thì người đó vẫn có thể bàn giao lại cho đồng nghiệp, tuy nhiên có rất nhiều thông tin mà chỉ có người đó nắm rõ nhất và chi tiết nhất hoặc khi dự án chạy đến một giai đoạn nhất định thì có những quyết định chỉ có người đó có thế quyết, hoặc khách hàng cần một ý kiến của người đó. Và trong những tình huống này thì có thể 90-95% thời gian là người đó vẫn đang nghỉ phép, thân thể thì ở nhà nhưng đầu óc thì vẫn phải bỏ ra cho công việc”. 


Cách giảm thiểu tối đa cảm giác có lỗi 


Nói bản chất agency là làm việc linh hoạt không có nghĩa giao task khi nhân sự đang nghỉ phép là chuyện bình thường. Như chị Hiền Nguyễn nói, bức quá mới làm thế, quản lý chỉ giao task cho nhân sự nghỉ phép khi họ không còn lựa chọn nào tốt hơn. Anh Nhật Minh cho rằng: Tuy nhiên, để đơn giản hoá suy nghĩ và cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhân sự nên có kế hoạch công việc cụ thể để tìm được những thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Đồng thời người làm agency nên xem công việc của mình là tạo ra giá trị tốt hơn cho khách hàng và thương hiệu nên để đạt được mục tiêu chung lớn thì mình sẽ cố gắng hỗ trợ các hạng mục công việc hết mình", anh nói. 


 Nhân sự nên xem nghề nghiệp của mình là để tạo ra giá trị tốt hơn cho khách hàng", anh Nhật Minh nói.


Về phía agency, chị Hiền Nguyễn cho rằng cấp quản lý và lãnh đạo nên dần dần thay đổi tư duy và khả năng giải quyết tình huống của các nhân sự cấp cao trong công ty. “Công việc trong agency chắc chắn là loại hình công việc cần sự linh động vì thế sự hiểu biết, sự cảm thông, thái độ sống biết tôn trọng người khác và khả năng sắp xếp, xoay sở đáp ứng sự linh hoạt của công việc và sự linh động về mặt nhân sự của các nhân sự cấp cao trong một agency là tối quan trọng để nhân viên có thể cảm thấy thời gian nghỉ ngơi của mình được tôn trọng”, chị Hiền Nguyễn nói. 


Đồng thời nhân sự nên xem nghề nghiệp của mình là để tạo ra giá trị tốt hơn cho khách hàng, vì vậy mọi vấn đề liên quan tới công việc vẫn nên suy nghĩ mục tiêu cho brand


Với chị Phượng Hằng, nếu không thể tránh khỏi việc giao task khi nghỉ phép thì agency nên chọn cách khéo léo khi phân bổ. “Tính chất công việc tại agency rất khó để có thể né tránh được những sự cố bất ngờ hoặc gấp. Điều mà các agency có thể làm đó là tạo ra môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện, sếp và nhân viên chia sẻ thoải mái với nhau, có những hoạt động gắn kết đồng nghiệp để họ tự nguyện cống hiến cho công việc”, chị Phượng Hằng chia sẻ. 


Kể cả khi nhân sự vẫn nhất quyết muốn từ chối task, chị Hiền Nguyễn cho rằng nên biết cách từ chối để không làm tổn hại đến mình. “Bản thân tôi từng là một người sếp, tôi sẽ rất tôn trọng và đánh giá cao khi nhân viên biết từ chối một cách hợp tình hợp lý với cách thức nhã nhặn, nhưng luôn có trách nhiệm với công việc. Thay vì quay lưng mặc kệ và chỉ biết đến việc nghỉ của mình thì có thể giải thích cặn kẽ những lý do không thể đảm nhận nhưng nếu có thể, cùng với cấp trên có trách nhiệm trong việc sắp xếp làm sao để mọi việc ổn thỏa. Người nhân viên này sẽ được đánh giá cao mà vẫn có thể tận hưởng kỳ nghỉ của mình”, chị cho biết.  


Minh hoạ: Huy Mai

Hằng Trần