Công nghệ hiện nay đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống con người, từ những sinh hoạt hàng ngày như giải trí, học tập, cho đến công việc và giao tiếp. Mỗi ngày, người tiêu dùng phải đối mặt với một lượng lớn thông tin và quảng cáo, điều này khiến các thương hiệu phải nỗ lực hơn bao giờ hết để tạo ra những chiến dịch quảng cáo vừa sáng tạo vừa hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các sản phẩm mới, những chiến dịch quảng cáo hiện nay cần phải tạo ra một kết nối cảm xúc sâu sắc với người tiêu dùng. Người dùng không còn chỉ quan tâm đến những tính năng kỹ thuật hay ưu điểm sản phẩm, mà họ còn muốn cảm thấy rằng sản phẩm đó thực sự phù hợp với lối sống, giá trị cá nhân của mình. Chính vì thế, các thương hiệu phải giải được bài toán này mới có thể làm thân với người tiêu dùng.
Kết hợp quảng bá hệ sinh thái các sản phẩm của thương hiệu nhằm nhấn mạnh sự tiện lợi cho người dùng
Để làm nổi bật hơn giá trị của hệ sinh thái sản phẩm, nhiều thương hiệu đã không ngừng phát triển các chiến dịch truyền thông nhằm nhấn mạnh sự tiện lợi, trải nghiệm liền mạch và đồng bộ hóa giữa các thiết bị.
Nổi bật là Samsung với việc tận dụng sức mạnh của hệ sinh thái sản phẩm trong chiến dịch “Galaxy Ecosystem”. Thay vì chỉ tập trung quảng bá từng thiết bị riêng lẻ, Samsung đã khéo léo giới thiệu sự kết nối liền mạch giữa các sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và tai nghe không dây. Chính sự kết nối này đã giúp người dùng thấy rõ giá trị thực sự của việc sử dụng các sản phẩm cùng hệ sinh thái, từ đó tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ khác.
Ngoài ra, khi tất cả các thiết bị trong hệ sinh thái hoạt động mượt mà với nhau, người dùng sẽ ít có nhu cầu chuyển sang các sản phẩm từ đối thủ. Điều này không chỉ tăng cường sự tiện lợi mà còn khiến họ cảm thấy gắn bó hơn với thương hiệu.
Hay với Apple với chiến dịch ‘Big Fish', thương hiệu đã kết hợp quảng bá hai sản phẩm Apple Watch và iPhone. Cụ thể, khi người dùng muốn chụp hình nhưng hai tay đều không thuận tiện thì họ có thể sử dụng tính năng thông minh của Apple Watch kết nối với iPhone để chụp hình.
Như vậy, việc kết hợp quảng bá hệ sinh thái không chỉ giúp thương hiệu nổi bật giữa thị trường cạnh tranh mà còn tạo ra giá trị lâu dài, xây dựng lòng trung thành và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Triển khai các chiến dịch có thông điệp gần gũi với người tiêu dùng để nói về các tính năng phức tạp của công nghệ
Một trong những thách thức lớn nhất mà các thương hiệu phải đối mặt là việc làm sao để giữ được sự nhận diện thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng, đặc biệt khi sản phẩm của họ liên tục được nâng cấp và thay đổi. Quảng cáo công nghệ thường mang tính phức tạp, với nhiều thông tin kỹ thuật cần phải truyền tải, điều này đôi khi có thể khiến người xem cảm thấy choáng ngợp và khó tiếp thu.
Chính vì thế vừa giới thiệu được những tính năng nổi bật của sản phẩm, vừa giữ cho thông điệp đơn giản và dễ hiểu là một bài toán khó. Tuy nhiên, Google đã thành công truyền tải thông điệp công nghệ có phần khô khan của mình thông qua chiến dịch ‘Chromebook'. Thương hiệu tiến hành triển khai các quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời (DOOH), giúp truyền tải thông điệp một cách ngắn gọn và súc tích, từ đó làm cho sản phẩm Chromebook trở nên gần gũi và dễ nhớ hơn với người tiêu dùng.
Theo dữ liệu từ Kantar, có tới 54% người tiêu dùng cho biết họ đã thấy hoặc nghe về thông tin sai lệch liên quan đến các hành động bền vững của các thương hiệu. Điều này cho thấy rằng sự mất lòng tin vào các tuyên bố về tính bền vững đang trở thành một thách thức lớn đối với ngành công nghệ.
Nhận thức được vấn đề này, LG đã triển khai chiến dịch “The Advocate For Abnormal Food” với mục tiêu xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng. Chiến dịch sử dụng hoạt hình stop-motion để kể câu chuyện về một người đàn ông địa phương đã nỗ lực chống lãng phí thực phẩm và thu hút được sự quan tâm của các loài động vật.
Thông qua câu chuyện này, LG không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường mà còn xây dựng một mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng, từ đó tạo dựng lòng trung thành lâu dài với thương hiệu.
Chiến dịch 'Menopause Mode' của LG cũng đã khéo léo khai thác một vấn đề tế nhị nhưng rất quan trọng trong đời sống của phụ nữ – triệu chứng nhạy cảm trong giai đoạn tiền mãn kinh. Thay vì chỉ đơn thuần quảng bá tính năng điều chỉnh nhiệt độ của sản phẩm, LG đã tích hợp một thông điệp nhân văn, nhấn mạnh sự thấu hiểu và chăm sóc của thương hiệu đối với nhu cầu thực tế của phụ nữ.
Hợp tác với các thương hiệu cùng ngành hàng hoặc người có tầm ảnh hưởng để tăng cường độ nhận diện
Trong một thị trường mà công nghệ đã trở nên phổ biến, việc tạo ra sự khác biệt không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn cần có sự hợp tác giữa các thương hiệu. Chiến dịch hợp tác giữa Samsung và Google cho sản phẩm Galaxy Z Fold3 5G là một ví dụ điển hình. Samsung đã kết hợp sức mạnh phần cứng của mình với khả năng phần mềm của Google để tạo ra một trải nghiệm người dùng độc đáo và đột phá. Chiến dịch này đã giúp cả hai thương hiệu không chỉ khẳng định vị quan trọng trong lĩnh vực công nghệ mà còn tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về tương lai của công nghệ di động.
Không chỉ hợp tác với các thương hiệu cùng lĩnh vực, các công ty công nghệ có thể hợp tác với người nổi tiếng, nghệ sĩ để quảng bá sản phẩm của mình. Apple đã hợp tác cùng nhóm nhạc K-Pop Newjeans cho ra mắt chiến dịch Shot on iPhone với MV ETA. Được biết, toàn bộ cảnh quay trong MV đều được thực hiện bởi các tính năng của iPhone 14 Pro.
Hay với Samsung hợp tác với nhóm nhạc BTS trong các chiến dịch quảng bá dòng sản phẩm Galaxy, giúp thương hiệu tiếp cận không chỉ người hâm mộ của nhóm nhạc mà còn kết nối với thế hệ trẻ - những người luôn tìm kiếm sự sáng tạo và phong cách sống hiện đại. Chiến lược này không chỉ làm nổi bật sản phẩm mà còn tạo ra một không gian gắn kết mạnh mẽ giữa công nghệ và văn hóa đại chúng.
Việc sáng tạo trong quảng cáo công nghệ không chỉ giúp các thương hiệu nổi bật trong một thị trường cạnh tranh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng. Những chiến dịch này không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn mang lại giá trị cảm xúc, giúp tạo ra sự gắn kết và lòng trung thành từ phía khách hàng. Đây chính là yếu tố then chốt giúp các thương hiệu công nghệ như Google, Apple, LG và Samsung không ngừng củng cố vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.
Kim Yến
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!