Năm 2024 đánh dấu việc một số phiên bản của các nhân vật biểu tượng thuộc hàng kinh điển như Chuột Mickey, Peter Pan, hổ Tigger,... hết hạn hợp đồng. Điều này cũng có nghĩa hình ảnh của chúng sẽ được các nhà sáng tạo trên thế giới tự do sử dụng.
Ngày 01/01/2024 đánh dấu sự kiện phiên bản Chuột Mickey điều khiển bánh lái, trong phim Steamboat Willie (1928) hết hạn bản quyền và trở thành tài sản công cộng. Dự đoán trước điều này, nhiều nhà sáng tạo thuộc các lĩnh vực trò chơi điện tử, phim điện ảnh,... nhanh chóng công bố các sản phẩm phái sinh từ hình tượng nhân vật này. Từ một hình tượng thuần khiết dành cho trẻ nhỏ, Steamboat Willy Mickey nay xuất hiện trong cả các ấn phẩm dành riêng cho người lớn.
Và Chuột Mickey lái tàu không phải hình tượng kinh điển duy nhất sẽ được “xào nấu” trong năm 2024.
Hổ Tigger
Trong phim Winnie the Pooh: Blood and Honey (2023), chú gấu Pooh mê mật ong ngày nào cùng bạn heo Piglet đã biến chất thành một những quái vật ăn thịt người. Dù nhận nhiều chỉ trích từ khán giả, nhà sản xuất vẫn ấn định ra mắt phần hai trong năm nay. Lần này, hổ Tigger sẽ là nhân vật phản diện chính. Thông tin này được công bố từ trước khi nhân vật hết hạn bản quyền - ngày 01/01.
Hiện tại, phần hai chỉ mới tiết lộ tạo hình nhân vật. Theo cách nhà sản xuất Winnie the Pooh: Blood and Honey từng khắc họa gấu Pooh, chú hổ hiền lành ngày nào giờ đã bị biến tướng thành hình tượng lệch lạc, xa rời với ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả.
Phiên bản sân khấu của Peter Pan
“Cậu bé không bao giờ lớn” Peter Pan là đứa con tinh thần của nhà văn/ nhà biên kịch J.M. Barrie, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1902, trong tiểu thuyết The Little White Bird. Trên thực tế, hình tượng khởi thủy của Peter Pan đã trở thành tài sản công cộng tại Châu Âu vào năm 1986 - 50 năm sau ngày mất của Barrie.
Tuy nhiên, phiên bản nhạc kịch của Peter Pan, trong vở kịch cùng tên do chính J.M. Barrie sáng tác, chỉ xuất hiện từ năm 1928. Theo Luật Bản Quyền của Anh, sau 95 năm, bản quyền của Peter Pan phiên bản nhạc kịch hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023. Điều này đồng nghĩa việc các nhà sáng tạo toàn thế giới có thể công bố các sản phẩm phái sinh liên quan đến hình tượng năm 1928 của Peter Pan kể từ đầu năm 2024.
Mickey và Minnie trong Plane Crazy
Ngoài Steamboat Willie, chuột Mickey trong năm 1928 còn là nhân vật chính của phim hoạt hình ngắn Plane Crazy, dài hơn 5 phút. Tạo hình chú chuột và cô bạn gái Minnie có nhiều khác biệt so với các phiên bản sau này, cụ thể là đôi tai và mắt to hơn. Theo thống kê từ hãng Disney, bộ phim mất hai tuần thực hiện, mỗi ngày các họa sĩ phải vẽ trung bình 700 bức.
Plane Crazy có hai phiên bản: Bản phim câm được ký bản quyền ngày 26/05/1928, đã hết hạn từ đầu năm 2024. Trong khi đó, bản có âm thanh được ký bản quyền ngày 09/08/1930, sẽ hết hạn vào đầu năm 2025, theo luật Bản quyền Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc xuyên suốt năm 2024, các sản phẩm phái sinh liên quan chỉ được sử dụng phần hình ảnh của Plane Crazy Mickey và Minnie, còn phần âm thanh nhân vật thì phải đợi đến năm sau.
The Man Who Laughs
Không chỉ vai chính Gwynplaine, tất cả nhân vật thuộc phim điện ảnh The Man Who Laughs (1928) từ năm 2024 sẽ trở thành tài sản công cộng, theo luật Bản quyền của Mỹ.
Gwynplaine, do cố tài tử Conrad Veidt thủ vai, sở hữu một chứng bệnh đặc biệt, khiến gương mặt anh luôn trông như đang cười. Tuy là người tốt, nhưng nụ cười quái dị của Gwynplaine lại là nguồn cảm hứng để bộ ba tác giả truyện Bill Finger, Bob Kane và Jerry Robinson sáng tạo nên ác nhân Joker - kẻ thù số một của Người Dơi. Đến thời hiện đại, cả Gwynplaine và Joker đều là những tương đài kinh điển trong văn hóa giải trí của người Mỹ.
Hề Charlot trong phim The Circus
Nhân vật chú hề Charlot (Hề Sác-lô) do “Vua hài Anh” Charlie Chaplin thể hiện là hình tượng kinh điển, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả. Sau khi ra mắt lần đầu trong phim Kid Auto Races at Venice, nhân vật được đón nhận nồng nhiệt, trở thành biểu tượng của thời kỳ phim câm của Hollywood.
Thực chất, nhân vật không có phim riêng, mà sẽ xuất hiện trong hầu hết sản phẩm điện ảnh có Charlie Chaplin tham gia. Vì vậy, vấn đề bản quyền của tương đối phức tạp. Theo luật Điện ảnh Mỹ, hình ảnh của Hề Charlot trong phim tình cảm - hài The Circus (1928) trở thành tài sản công cộng trong năm nay. Các phân cảnh nổi bật trong phim này cũng chịu chung số phận, sẽ được các sản phẩm phái sinh tùy ý sử dụng; điển hình là cảnh kinh điển khi Hề Charlot biểu diễn màn đi dây thăng bằng.