Cập nhật những tin tức nổi bật của các thương hiệu trong tuần vừa qua với series Spotlight của Advertising Vietnam!


1. 5 THƯƠNG HIỆU CỦA VINAMILK LỌT TOP 10 THƯƠNG HIỆU SỮA VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA ĐƯỢC CHỌN MUA NHIỀU NHẤT TẠI VIỆT NAM



Vinamilk đứng đầu Top 10 Thương hiệu sữa và sản phẩm từ sữa được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam, theo báo cáo Dấu chân Thương hiệu 2022 (Brand Footprint 2022) thực hiện bởi Worldpanel của Kantar. Đây là lần thứ 10 liên tiếp Vinamilk được vinh danh là thương hiệu sữa được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất, kể từ báo cáo “Dấu chân Thương hiệu" đầu tiên công bố tại thị trường Việt Nam vào năm 2011.


Cụ thể, thương hiệu sữa “quốc dân" Vinamilk nhận về 3 chiến thắng đáng kể: Thương hiệu sữa được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất; Top 3 Nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất; Thương hiệu sữa đặc được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất. Ngoài ra, trong danh sách Top 10 thương hiệu sữa và các sản phẩm từ sữa được chọn mua nhiều nhất, Vinamilk còn “ghi danh" 2 thương hiệu con là SusuProbi. Như vậy, chỉ riêng danh sách Top 10 này, Vinamilk đã chiếm 5/10 vị trí với thương hiệu Vinamilk, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam, SusuProbi


Báo cáo "Dấu chân Thương hiệu" là một nghiên cứu xếp hạng do Bộ phận Worldpanel, Kantar - công ty toàn cầu về tư vấn, dữ liệu và insights thực hiện. Báo cáo công bố các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được chọn mua nhiều nhất ở 44 quốc gia, phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2011. Được biết, báo cáo dựa vào Điểm tiếp cận người tiêu dùng (Consumer Reach Points - CRP) để đo lường lượng khách hàng mua sản phẩm và mức độ thường xuyên mua nhằm đánh giá sức mạnh thương hiệu.


Tổng hợp


2. 51% NHÂN SỰ NGÀNH QUẢNG CÁO TẠI VIỆT NAM MUỐN NGHỈ VIỆC VÀ CHUYỂN NGÀNH



Tháng 12/2021, khảo sát nguồn nhân lực của Anphabe cho biết, tình trạng nghỉ việc ồ ạt xuất hiện trên thế giới đã diễn ra tại Việt Nam khi tỷ lệ người đi làm muốn tìm công việc mới trong 6 tháng gần ở mức 58%. 


Không chỉ là rời khỏi công ty, nhiều nhân sự còn mong muốn chuyển sang ngành khác. Theo số liệu từ các khảo sát của Anphabe: trung bình cứ 10 người nghỉ việc, có 4 người muốn chuyển sang ngành khác (chiếm 40%). Trong đó, cao nhất đến từ ngành Viễn thông (66%), Du lịch (54%) và ngành Quảng cáo đứng thứ 5 với 51%.


Tuy được dự đoán là phát triển nhanh chóng cả về mặt nội dung và hình thức sáng tạo, thế nhưng ngành quảng cáo vẫn không thể tránh được việc nhân sự nghỉ việc ồ ạt. Tình hình này diễn ra sau khi nhân sự nhận lương thưởng quý 1/2022. Điều này sẽ gây khó khăn cho cấu trúc ngành Quảng cáo khi nguồn cung nhân sự ngày càng giảm.


Anphabe cho biết, có hai xu hướng nghỉ việc ở người lao động. Trước đây, nhân sự phải chắc chắn mình đã có công việc mới thì họ mới nộp đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhân sự muốn nghỉ ngơi một thời gian rồi mới bắt đầu tìm việc. Thậm chí nhiều người còn nghỉ việc ngang. Xu hướng thứ hai là họ công khai chia sẻ dự định nghỉ việc, đơn cử như việc đăng tải trạng thái "Open to Work" trên LinkedIn


Tổng hợp


3. META PHÁT HÀNH BÁO CÁO NHÂN QUYỀN THƯỜNG NIÊN ĐẦU TIÊN



Công ty mẹ của FacebookMeta đã phát hành báo cáo nhân quyền thường niên đầu tiên vào ngày 14/7 vừa qua, sau nhiều năm bị cáo buộc làm ngơ trước thực trạng bắt nạt trên mạng gây ra bạo lực trong thế giới thực ở những nơi như Ấn Độ và Myanmar. Báo cáo được đăng tải trên website chính thức của Meta.


Báo cáo nhân quyền của Meta bao gồm những kết quả được thẩm định trong giai đoạn 2020 - 2021 và một bản đánh giá về tác động nhân quyền đang gây tranh cãi ở Ấn Độ. Meta đã ủy quyền cho công ty luật Foley Hoag (Boston, Mỹ) chỉ đạo thực hiện.


Trong bản tóm tắt công bố báo cáo, Meta lưu ý rằng công ty luật này đã cho biết “các vấn đề nhân quyền nổi bật trên các nền tảng của Meta do bên thứ 3 gây ra”, trong đó bao gồm “kích động thù địch, phân biệt đối xử hoặc bạo lực”. Bên cạnh đó, báo cáo không đề cập đến nội dung “cáo buộc Meta thiên vị trong kiểm duyệt nội dung".


Trong nhiều năm trước đó, các nhóm nhân quyền tại Ấn Độ và trên toàn cầu đã lên tiếng cảnh báo về lời nói mang tính căm thù và chống đối người Hồi giáo trên các nền tảng trực tuyến của Meta, dẫn đến những căng thẳng trong xã hội và nhân quyền ở Ấn Độ - thị trường lớn nhất trên toàn cầu của Meta nếu tính theo số lượng người dùng.


Theo CNBC


4. OPPO BỊ CÁO BUỘC TRỐN THUẾ 550 TRIỆU USD BỞI CHÍNH PHỦ ẤN ĐỘ



Chính phủ Ấn Độ mới đây đã cáo buộc Oppo trốn thuế khoảng 44 tỷ rupee, tương đương 550 triệu USD tại nước này.


Cụ thể, cơ quan chống buôn lậu của Ấn Độ cho rằng Oppo đã gian lận trong việc kê khai thông tin mặt hàng nhằm hưởng quyền lợi miễn thuế hải quan lên đến 375 triệu USD. 175 triệu USD còn lại được trốn nộp thuế bằng cách cố tình thanh toán các khoản phí ở nước ngoài. 


Đứng trước những cáo buộc này, một số nhân viên cấp cao của Oppo đã thừa nhận hành vi kê khai thông tin thiếu chính xác và đang tiến hành thanh toán 56,2 triệu USD tiền thuế.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc làm của giới chức Ấn Độ nhằm mục tiêu kiềm chế sự phát triển của Oppo, trong bối cảnh các hãng sản xuất smartphone của Trung Quốc như Oppo đang chiếm thị phần ngày càng lớn ở thị trường nội địa.


Theo Nikkei Asia


5. NETFLIX CHỌN MICROSOFT LÀ ĐỐI TÁC BÁN QUẢNG CÁO 



Vào ngày 13/07 vừa qua, Netflix đã tuyên bố chọn Microsoft là "đối tác bán hàng và công nghệ quảng cáo toàn cầu" đầu tiên của nền tảng. Ông Greg Peters, Giám đốc Điều hành của Netflix cho biết: "Microsoft đã chứng minh được khả năng hỗ trợ tất cả nhu cầu quảng cáo chúng tôi khi cả hai cùng nhau xây dựng một dịch vụ hỗ trợ quảng cáo mới. Quan trọng hơn, Microsoft mang đến sự linh hoạt và đổi mới liên tục trên cả khía cạnh công nghệ và bán hàng, cũng như các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ cho người dùng của chúng tôi."


"Đây chỉ là bước khởi đầu và chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn của Netflix rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người dùng và các nhà quảng cáo. Chúng tôi rất vui khi được làm việc cùng Microsoft để biến điều này thành sự thật", ông Greg Peters chia sẻ thêm.


Trong một bài đăng của Microsoft, công ty cho biết các nhà tiếp thị có thể liên hệ họ để đưa quảng cáo vào hệ sinh thái của Netflix. Tất cả các quảng cáo được phân phát trên Netflix sẽ chỉ có sẵn thông qua nền tảng Microsoft.


Theo AdAge


6. SAU THỜI GIAN CHẦN CHỪ, LEGO CHÍNH THỨC RÚT KHỎI NGA “VÔ THỜI HẠN”



Mới đây hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới Lego tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động kinh doanh tại Nga do “tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài”. Trước đó, công ty đã dừng phân phối sản phẩm đến thị trường Nga vào tháng 3, tuy nhiên các cửa hàng đồ chơi Lego tại Nga vẫn hoạt động kể từ đó đến nay để bán số lượng hàng còn lại.


Đại diện Lego cho biết công ty sẽ chấm dứt hợp tác với tập đoàn Inventive Retail Group, hiện đang là công ty điều hành các cửa hàng Lego tại Nga. Công ty cũng đã cung cấp các gói hỗ trợ tài chính đến 70 nhân sự thôi việc. Được biết, Lego là một trong số ít các thương hiệu phương Tây vẫn ở lại Nga sau khi chiến sự giữa Nga - Ukraine xảy ra vào ngày 24/2.


Tổng hợp


7. ACCENTURE ĐANG HOÀN TẤT MUA LẠI AGENCY THE STABLE



Ngày 13/07, The Stable thông báo trên website rằng Accenture đã đồng ý mua lại agency này nhằm củng cố chuyên môn chuyển đổi thương mại của The Stable ở Bắc Mỹ.


Accenture là một công ty tư vấn quản lý toàn cầu về kỹ thuật số, điện toán đám mây, công nghệ với quy mô hơn 700.000 nhân sự. Trong khi đó, The Stable là một agency chuyên về thương mại đa kênh ở Mỹ, được thành lập từ năm 2015. Khoản đầu tư chiến lược vào The Stable sẽ nâng cao khả năng của Accenture trong việc nhanh chóng xây dựng và vận hành hệ sinh thái đa kênh, hướng đến tối đa hóa hiệu suất bán hàng và mang đến trải nghiệm thương mại và tiếp thị sáng tạo cao cấp hơn cho khách hàng.


The Stable là thương vụ mới nhất trong số một loạt thương vụ mua lại của Accenture, bao gồm agency về thương mại Businet System and Tambourine (Nhật Bản), Openmind (Ý), Glamit (Argentina) và Experity (Brazil).


Tổng hợp


Trang Ngọc / Advertising Vietnam