Tuần vừa qua thương hiệu có những tin tức nổi bật nào? Khám phá ngay cùng series Spotlight của Advertising Vietnam!


1. CỰU CEO GRAB TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC APPLE VIỆT NAM



Trước đây, bà Nguyễn Thái Hải Vân từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Marketing của Unilever Việt Nam (2016 - 2019) và Giám đốc Điều hành tại Grab Việt Nam (2019 - 04/2022). Theo thông tin được cập nhật trên hồ sơ LinkedIn, bà Hải Vân hiện nay đang giữ vai trò Giám đốc Quốc gia tại Apple Việt Nam. Bà đã làm việc với vị trí mới từ tháng 5/2022.


Nhiều nguồn tin cho biết đây là động thái mở rộng hoạt động của ông lớn ngành công nghệ Apple tại Việt Nam. Theo báo cáo quý 2 năm 2022 của hãng, Apple đã đạt doanh thu kỷ lục 97,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tim Cook, Giám đốc Điều hành cho biết: "Chúng tôi chứng kiến mức doanh thu cao kỷ lục trong quý vừa qua ở cả thị trường phát triển và đang phát triển. Mức tăng trưởng lên đến hai con số tại Brazil, Indonesia và Việt Nam. Doanh thu cao gấp đôi ở thị trường Ấn Độ."


Bên cạnh đó, ông Tim Cook cũng cho biết hãng sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất sản phẩm trung hòa carbon vào năm 2030. 


Tổng hợp


2. VIETINBANK “THẮNG LỚN” TẠI THE ASIAN BANKER VỚI 4 GIẢI, TRONG ĐÓ CÓ MỘT GIẢI THƯỞNG KHU VỰC 



Vừa qua, tổ chức toàn cầu The Asian Banker đã trao tặng 4 giải thưởng dành cho các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng VietinBank, bao gồm: Ngân hàng số sáng tạo nhất Châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng Tài trợ Thương mại tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng mở tốt nhất Việt Nam. Như vậy, VietinBank là đại diện Việt Nam duy nhất nhận giải thưởng khu vực của The Asian Banker trong hạng mục “Giao dịch thông suốt” với “Ngân hàng số sáng tạo nhất” dành cho VietinBank eFAST.  


VietinBank eFAST là ngân hàng số dành cho doanh nghiệp được VietinBank ra mắt phiên bản web từ năm 2008 và phiên bản ứng dụng vào năm 2017. Vào năm 2022, ngân hàng cho ra mắt nền tảng eFAST hoàn toàn mới được nâng cấp 81 chức năng và bổ sung 55 tính năng/tiện ích. Sự cải tiến này giúp chuyển đổi eFAST từ “tĩnh” - cung cấp dịch vụ theo yêu cầu người dùng sang eFAST “động” - cho phép tương tác, thấu hiểu, gợi mở nhu cầu, mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng.


Việc ứng dụng công nghệ hiện đại để mang lại sự đa dạng về tính năng, trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, cũng như tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về số lượng giao dịch cũng như số lượng khách hàng đăng ký mới đã giúp VietinBank eFAST được trao giải 'Ngân hàng số sáng tạo nhất' ” - The Asian Banker nhận định trong công bố giải thưởng trên website của mình. 


Hằng năm, The Asian Banker tổ chức các chương trình giải thưởng uy tín cho Ngành Tài chính - Ngân hàng nhằm đánh giá sản phẩm, dịch vụ cũng như hoạt động của các ngân hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. 


Theo VietinBank


3. BỘ Y TẾ YÊU CẦU CHẤN CHỈNH QUẢNG CÁO “CHỮA KHỎI BỆNH ĐỒNG TÍNH”



Đầu tháng 8 năm nay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước về việc chấn chỉnh các cơ sở quảng cáo chữa khỏi bệnh đồng tính, công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.


Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ ngày 17/5/1990, WHO chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Kể từ năm 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh, không có tên trong bảng DSM 5 (Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần). WHO cũng xác định "đồng tính không phải là bệnh", mà là những người có xu hướng tính dục với người đồng giới.


Do vậy, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình quán triệt các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới; khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này; Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh; không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người hành nghề trong việc thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.


4. DỊCH NHẦM “SƯỜN XÁM TRUNG QUỐC” THÀNH “GEISHA NHẬT BẢN”, MINISO BỊ LÊN ÁN KHI GÂY HIỂU LẦM CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG



Được thành lập vào năm 2013, Miniso là chuỗi cửa hàng bán lẻ các mặt hàng gia dụng của Trung Quốc. Vào ngày 25/07, tài khoản Instagram của Miniso Tây Ban Nha (@miniso.spain) đã đăng tải hình ảnh sản phẩm với nội dung: “mystery toy boxes featuring Disney Princess dolls" (tạm dịch: Hộp đồ chơi bí ẩn với các búp bê công chúa Disney). Những búp bê này khoác lên mình chiếc sườn xám - trang phục truyền thống của phụ nữ Trung Quốc. 


Điều đáng chú ý là trong bài đăng, thương hiệu đã dịch nhầm "búp bê sườn xám Trung Quốc" thành "búp bê geisha Nhật Bản". Do đó, sự nhầm lẫn trong dịch thuật của Miniso đã gây hiểu lầm và bất mãn cho người dùng. Thậm chí khi họ để lại bình luận chỉ ra lỗi sai sót của thương hiệu, tài khoản Instagram của Miniso chỉ đáp lại bằng một biểu tượng tươi cười, không hề đính kèm lời giải thích nào khác.


Đến tận tối ngày 09/08, Miniso mới chính thức đưa ra lời xin lỗi. Thương hiệu tuyên bố rằng: "Sau khi nhận được phản hồi trực tuyến từ người dùng, chúng tôi đã liên hệ đội ngũ nhân sự ở Tây Ban Nha và yêu cầu xóa bài đăng ngay lập tức. Chúng tôi chân thành xin lỗi tất cả người dùng Trung Quốc cũng như những người hâm mộ Miniso." Thương hiệu cũng đưa ra yêu cầu chấm dứt mối quan hệ hợp tác với agency truyền thông tại Tây Ban Nha.


Bên cạnh đó, Miniso cũng giải thích sườn xám có nguồn gốc từ Trung Quốc và thương hiệu rất ngưỡng mộ nền văn minh lịch sử lâu đời, những thành tựu văn hóa của quốc gia này. "Trong tương lai, Miniso Tây Ban Nha sẽ củng cố và đào tạo đội ngũ tốt hơn nhằm đảm bảo mang đến những sản phẩm, giá trị văn hóa và trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với công chúng", thương hiệu chia sẻ.


Vụ việc này đã thu hút lượng thảo luận và chia sẻ mạnh mẽ trên các kênh mạng xã hội. Công ty Giám sát Truyền thông CARMA báo cáo có hơn 35% bình luận tiêu cực liên quan đến các từ khóa "miniso", "geisha" và "qibao" (sườn xám). Ông Charles Cheung, Tổng Giám đốc CARMA cho biết: "Nhiều người dùng không đồng ý với việc Miniso tăng doanh thu bằng cách định vị mình như một thương hiệu Nhật Bản."


Theo PanDaily


5. DOMINO'S PIZZA ĐÓNG TẤT CẢ CỬA HÀNG Ở THỊ TRƯỜNG Ý VÌ KINH DOANH KHÔNG HIỆU QUẢ 



Domino's Pizza đã chính thức đóng chi nhánh cuối cùng trong số 29 chi nhánh cửa hàng tại thị trường Ý. Mặc dù đa phần người dân “đất nước của pizza" ưa thích những chiếc pizza truyền thống hơn pizza đến từ một thương hiệu Mỹ, một số người tiêu dùng nước Ý vẫn bày tỏ sự thắc mắc và bất ngờ trước thông tin này. 


Domino's gia nhập thị trường Ý vào năm 2015, với tham vọng mở đến 880 cửa hàng. Domino'sePizza - đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu tại Ý đã lên kế hoạch tạo sự khác biệt so với cửa hàng pizza địa phương bằng việc cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà và các hương vị pizza kiểu Mỹ. 


Kế hoạch đầy tham vọng của Domino's Pizza gặp khó khăn khi các cửa hàng địa phương bắt đầu ký hợp đồng với dịch vụ của các bên thứ ba như Deliveroo Plc, Just Eat Takeaway.com NV, Glovo để mang sản phẩm đến tận nhà khách hàng, phục vụ nhu cầu ăn uống ở nhà do các lệnh hạn chế. 


Ngoài sự cạnh tranh gay gắt với các nhà hàng địa phương mở rộng dịch vụ giao hàng từ thời kỳ đại dịch, việc kinh doanh của Domino's còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền mặt và không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Các biện pháp ngăn cản người cho vay đòi trả nợ hoặc thu giữ tài sản của công ty đã hết hạn vào ngày 1/7/2022. Hiện tại, toà án Ý vẫn chưa đưa ra thông báo nào về nghĩa vụ thanh toán của Domino's. 


Đại diện của Domino's và ePizza tại Mỹ và Ý đã không trả lời các tin nhắn, bình luận từ đầu năm 2022. Các cuộc gọi đến tất cả 13 cửa hàng còn mở ở Ý tính đến năm 2022 đều không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Domino's cũng dừng cung cấp dịch vụ giao hàng đặt qua website từ ngày 29/7/2022 trước khi chính thức đóng cửa hàng cuối cùng. 


Theo AdAge


6. AGENCY GREY BỔ NHIỆM GIÁM ĐỐC SÁNG TẠO MỚI PHỤ TRÁCH RIÊNG THƯƠNG HIỆU COCA-COLA TRÊN TOÀN CẦU



Agency Grey đã bổ nhiệm Laura Visco, Executive Creative Director tại agency full-service 72andSunny (Amsterdam) trở thành Giám đốc sáng tạo mới cho thương hiệu Coca-Cola trên phạm vi toàn cầu.  


Laura Visco sẽ làm việc tại văn phòng Grey London và báo cáo với Javier Campopiano, Giám đốc sáng tạo toàn cầu của GreyGiám đốc sáng tạo toàn cầu cho OpenX từ WPP. OpenX là công ty được thành lập dành riêng cho Coca-Cola vào đầu năm nay, ngay sau khi WPP trở thành agency phụ trách thương hiệu. Ngoài Coca-Cola, Laura Visco sẽ đảm nhiệm thêm nhãn hàng Volvo, trực thuộc nhóm sáng tạo lãnh đạo của OpenX cũng như làm việc với đội ngũ sáng tạo trên toàn cầu tại các thương hiệu con của WPP. 


Javier Campopiano chia sẻ: "Tôi đã ngưỡng mộ những gì Laura đã làm trong một thời gian dài, nhưng quan trọng hơn, mọit người ngưỡng mộ sự độc đáo của cô ấy trong việc không ngừng tạo ra những thay đổi về cả lời nói và hành vi người tiêu dùng trong ngành hàng của chúng tôi.


Laura Visco là nữ Giám đốc sáng tạo đầu tiên của 72andSunny. Cô đã có kinh nghiệm làm việc với các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Bumble, Fanta, Axe... trước đây. 


The AdAge


Trang Ngọc / Advertising Vietnam