Trong xây dựng thương hiệu và thiết kế website, màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng và làm tăng tỷ lệ chuyển đổi. Theo dữ liệu do WebFX công bố, khách hàng thường đưa ra đánh giá tổng thể về một website sau 90 giây truy cập, và có đến 62% - 90% trong số những đánh giá đó là dựa vào màu sắc. Đó cũng chính là lý do vì sao thương hiệu cần phải có một chiến lược thông minh trong việc lựa chọn màu sắc phù hợp với mục tiêu và đối tượng khách hàng của doanh nghiệp, từ đó làm tăng nhận diện thương hiệu và thúc đẩy quyết định mua hàng.


Vậy tâm lý học màu sắc là gì và nó có ảnh hưởng như thế nào đến quyết định mua hàng của khách hàng? Làm thế nào để ứng dụng tâm lý học màu sắc vào việc xây dựng và thiết kế website một cách hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.


Khái niệm và vai trò của tâm lý học màu sắc trong marketing


Tâm lý học màu sắc (color psychology) là những nghiên cứu về cách màu sắc ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ, hành vi và quá trình ra quyết định của con người. Trong lĩnh vực marketing, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tâm lý học màu sắc có thể làm gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu lên đến 80% và ảnh hưởng đến 85% quyết định mua hàng của khách hàng. Đó là lý do vì sao đây được đánh giá là một công cụ marketing hiệu quả, có tác động đến cách người mua cảm nhận về các thương hiệu và sản phẩm khác nhau.


Màu sắc đại diện cho những giá trị và nét tính cách khác nhau của thương hiệu


Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn màu sắc thương hiệu


Trước hết, việc lựa chọn màu sắc cho thương hiệu thường bắt nguồn từ đối tượng khách hàng mục tiêu và những đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng này. Bằng việc xác định các yếu tố liên quan đến giới tính, tuổi tác, văn hoá và thói quen mua hàng, các thương hiệu có thể tính toán và lựa chọn màu sắc mang lại sức hấp dẫn lớn nhất cho thương hiệu và thu hút khách hàng mục tiêu.


1. Giới tính


Theo một nghiên cứu được công bố bởi Kissmetric, xanh dương là màu được yêu thích bởi hầu hết các khách hàng thuộc giới tính nam và hơn ⅓ nhóm khách hàng nữ. Nếu sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu hướng đến tất cả các nhóm giới tính, các màu tiềm năng mà thương hiệu có thể lựa chọn là xanh dương, xanh lá cây hoặc đỏ. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng có thể tạo điểm nhấn bằng các màu trung tính như đen, trắng và xám. 



Cũng theo nghiên cứu này, màu sắc bị phân biệt rõ ràng nhất giữa các nhóm giới tính là màu tím, với 23% nữ giới và 0% nam giới thích màu này. Vì thế, màu tím là một sự lựa chọn tuyệt vời nếu sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu nhắm đến đối tượng khách hàng là nữ giới. Việc lựa chọn màu sắc phù hợp với giới tính của đối tượng mục tiêu sẽ giúp thương hiệu trong việc tạo ra nội dung hình ảnh trực quan cho bộ nhận diện và website thương hiệu.


2. Độ tuổi


Sự khác biệt trong độ tuổi khách hàng cũng ảnh hưởng đến mức độ yêu thích các màu sắc khác nhau. Nhóm khách hàng trẻ tuổi thường bị thu hút bởi những màu sắc có độ tương phản cao với tông màu sáng hoặc tối rõ rệt. Các màu cơ bản như xanh lam, vàng và đỏ cũng có xu hướng gây ra phản ứng mạnh hơn đối với nhóm khách hàng này. Độ tuổi càng cao, con người càng có xu hướng dịch chuyển sự yêu thích sang các tông màu nhạt và ít có sự tương phản.


Một số gợi ý về màu sắc yêu thích theo từng nhóm tuổi khác nhau 

(Nguồn: DesignMantic)


3. Văn hoá


Một số màu sắc có ý nghĩa khác nhau tại các quốc gia khác nhau. Vì thế, lựa chọn màu sắc dựa trên đặc điểm văn hoá là một yếu tố vô cùng quan trọng mà các thương hiệu cần cân nhắc khi tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình. Chẳng hạn, người Mỹ và người Anh đánh giá xanh lam là một màu sắc tích cực, khơi gợi lòng yêu nước và cảm giác yên bình. Trong khi đó, ý nghĩa của màu sắc này lại thay đổi hoàn toàn tại Iran, nơi mà màu xanh da trời gắn liền với tang tóc.


4. Hành vi mua hàng


Dữ liệu của Kissmetrics cũng cho thấy màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi mua hàng của khách hàng. Những người có cá tính mạnh và hành vi mua hàng bốc đồng thường bị hấp dẫn bởi màu đỏ, cam, đen và xanh hoàng gia (royal blue). Những người có xu hướng mua sắm tiết kiệm thường yêu thích màu xanh hải quân (navy blue) và xanh mòng két (teal). Trong khi đó, những tông màu nhạt hơn như hồng và xanh da trời (sky blue) sẽ hấp dẫn những người mua hàng truyền thống. 



Ứng dụng tâm lý học màu sắc vào xây dựng website thương hiệu


Mỗi màu sắc khác nhau sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. Hiểu rõ tâm lý học màu sắc của khách hàng sẽ giúp thương hiệu cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và xây dựng website một cách hiệu quả. Dưới đây là ý nghĩa cụ thể của một số màu sắc cơ bản mà thương hiệu có thể tham khảo.


Xanh dương 


Là màu sắc phổ biến nhất, không có gì ngạc nhiên khi xanh dương đại diện cho nhiều lợi ích khác nhau. Các sắc thái của màu xanh dương thường tượng trưng cho sự bảo vệ, lòng trung thành và trách nhiệm. Đó có thể cũng chính là lý do các tổ chức tài chính như PayPal, Visa hay Bank of America đưa xanh dương vào bộ nhận diện thương hiệu và thiết kế website của mình. Mặc dù là một màu phổ biến và sử dụng rộng rãi, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu xanh dương đại diện cho chất ức chế sự thèm ăn tự nhiên. Vì thế, chúng thường ít được sử dụng trong lĩnh vực ẩm thực. 


Giao diện website của Paypal được thiết kế dựa trên màu xanh dương nhằm gia tăng niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu


Sử dụng màu xanh dương cho nút kêu gọi hành động (CTA) sẽ khiến thương hiệu trở nên có giá trị và đáng tin tưởng hơn trong mắt khách hàng.


Màu vàng


Màu vàng thường được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh cảnh báo và biển báo giao thông. Bên cạnh đó, theo The Logo Factory, đây cũng là màu sắc gắn liền với ánh sáng mặt trời, thúc đẩy cảm giác lạc quan và vui tươi. Cũng chính vì lý do đó mà chúng thường được sử dụng nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.


Tuy nhiên, màu sắc này cũng sở hữu một nhược điểm nghiêm trọng liên quan đến khả năng đọc. Khi đứng một mình, màu vàng hầu như không thể hoặc rất khó có thể đọc được. Vì thế, lời khuyên để các thương hiệu ứng dụng màu sắc này một cách hiệu quả vào trong thiết kế website là hãy cân nhắc sử dụng nó như một màu nền cho nút CTA và lựa chọn màu sắc tương phản, chẳng hạn như màu đen, cho nội dung văn bản bên trong. 


Các thương hiệu thường xuyên kết hợp màu vàng với đường viền hoặc thể hiện văn bản bằng một màu sắc tương phản để logo trở nên nổi bật hơn


Màu đỏ


Theo WebFX, màu đỏ có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người mua hàng. Trong marketing, màu đỏ thường được sử dụng để gia tăng áp lực, tạo ra sự khẩn cấp và khơi dậy niềm đam mê. Đây cũng là màu sắc được chứng minh là có hiệu quả trong việc kích thích sự thèm ăn. Vì thế, rất nhiều thương hiệu trong lĩnh vực ẩm thực đã lựa chọn màu đỏ để thu hút khách hàng, trong đó có thể kể đến như Coca-Cola, Lays hay KFC.


Màu đỏ gắn liền với Coca-Cola trong mọi thiết kế của thương hiệu


Các thương hiệu nên tận dụng màu sắc này bằng cách thêm màu đỏ bên cạnh hoặc cùng với những thông báo mang tính chất khẩn cấp hoặc tạo ra áp lực cao cho quyết định mua hàng.


Màu đen 


Mặc dù màu đen đôi khi được gắn liền với những ý nghĩa tiêu cực, đây là một màu sắc thường được sử dụng bởi các thương hiệu xa xỉ. Bên cạnh sự bí ẩn, màu sắc này gợi lên sự thanh lịch, sang trọng và tinh tế. Trong tâm lý học màu sắc, đen đại diện cho uy quyền, sức mạnh và uy tín. Điều này giải thích lý do vì sao Prada, Rolls Royce và Chanel đều sử dụng màu đen trong logo của mình. 


Nếu thương hiệu muốn đưa ra một thông báo quan trọng hoặc nghiêm túc thì màu đen, đặc biệt là khi được sử dụng với phông chữ đậm, có thể tạo ra ấn tượng và thu hút sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng cần có sự kết hợp khéo léo khi sử dụng màu sắc này trên website để tránh mang lại cảm giác nặng nề, tiêu cực.


Chanel đã rất khéo léo khi kết hợp hai màu đen - trắng vào thiết kế website, tạo cảm giác dễ chịu và nêu bật sự sang trọng cho thương hiệu


Màu trắng


Màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ và tối giản, đồng thời mang lại cảm giác sang trọng cho thương hiệu. Để sử dụng màu trắng một cách hiệu quả, hãy thêm nhiều khoảng trắng vào landing page và tận dụng nó làm màu chủ đạo cho nút CTA trong trường hợp website thương hiệu sở hữu một màu nền tối để tạo sự tương phản.


Sự kết hợp của hai màu trắng - đen mang lại cảm giác tối giản và sang trọng


Sử dụng màu sắc để làm tăng tỷ lệ chuyển đổi trên website của thương hiệu? 


Theo Neil Patel Digital, dưới đây là các bước mà thương hiệu có thể áp dụng để xây dựng website một cách hiệu quả dựa trên tâm lý học màu sắc. 


1. Phân tích bảng màu tổng thể trên website thương hiệu


Trước khi bắt đầu thay đổi màu sắc trên website, điều quan trọng là các thương hiệu cần hiểu rõ mục đích của thiết kế và cách phối màu mà thương hiệu đang sử dụng. Hãy lựa chọn màu sắc mang ý nghĩa phù hợp với giá trị và tinh thần của thương hiệu, để từ đó tạo ra một ấn tượng tốt hơn trong mắt khách hàng. 


2. Lựa chọn màu sắc tương phản


Những màu đậm và tương phản thường đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra tỷ lệ chuyển đổi. Bất kể thương hiệu sử dụng màu sắc nào, hãy suy nghĩ về cách thể hiện và kết hợp chúng trên website của mình. Các thương hiệu nên tạo ra một màu riêng biệt dành cho những nút CTA để khiến nó trở nên nổi bật hơn trong mắt khách hàng.


Dropbox sử dụng màu xanh dương nổi bật trong nền đen của website cho các nút kêu gọi đăng ký và sử dụng dịch vụ 


3. Kiểm thử phân tách (split test) và thực hiện các cải tiến


Đây là bước cuối cùng nhưng cũng đồng thời là bước quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cải thiện tỷ lệ chuyển đổi website thương hiệu. Sau khi thực hiện các thay đổi về màu sắc trên website của mình, các thương hiệu cần có sự theo dõi, đánh giá và kiểm tra để không ngừng cải tiến và hoàn thiện giao diện tối ưu nhất. Từ đó, thương hiệu có thể cải thiện doanh số bán hàng, số lượt người đăng ký và doanh thu cho thương hiệu.


Đơn cử, tạp chí Smashing đã từng thử nghiệm nhiều nội dung và hình thức cho nút CTA trên website của mình. Trong đó, các nút CTA khác nhau sẽ có sự khác biệt về kích thước văn bản (nhỏ hoặc lớn), màu sắc (đỏ hoặc xanh) và độ dài văn bản (sử dụng cụm từ “Download For Free” hoặc “Download”)




Kết quả thử nghiệm cho thấy, nút CTA “Download For Free” được thể hiện bằng màu đỏ và kích thước nhỏ đã giúp website này cải thiện tỷ lệ chuyển đổi lên đến 60%, vượt trội hơn cả những dòng chữ có kích thước lớn nhất được thể hiện bằng màu xanh. Một trong những lý do chính là dòng chữ màu đỏ tạo ra sự tương phản so với bảng màu chung của website tạp chí này. 



Theo Neil Patel

Thảo Vy