Tầm nhìn của một nhà sáng tạo có chiến lược: Hoạ sĩ Thái Linh dùng chất liệu dân gian định hình phong cách cá nhân, cộng tác cùng Samsung đưa hội hoạ Việt Nam ra thế giới

Nhiều màu sắc, nhiều chi tiết và thậm chí là có phần… “điên rồ”, các tác phẩm nghệ thuật của chàng hoạ sĩ trẻ Phạm Ngọc Thái Linh tạo ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác cho người xem, khiến bất cứ người yêu nghệ thuật nào cũng có thể bất ngờ với ý nghĩa ẩn sau từng nét vẽ. Càng quan sát tranh của anh, người ta lại càng cảm thấy “cuốn” khi từng bước khám phá vẻ đẹp của dòng tranh dân gian, được thể hiện dưới một góc nhìn và tư duy hiện đại của người trẻ trong thời đại mới. 


Thừa hưởng niềm đam mê hội hoạ từ gia đình, Phạm Ngọc Thái Linh đang từng bước khẳng định bản thân thông qua “vũ trụ hội hoạ” do chính mình tạo ra, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá truyền thống. Anh cho biết, hành trình của anh với hội hoạ không đơn thuần chỉ là một sở thích, mà đó còn là một sự lựa chọn nghiêm túc và lâu dài, với đích đến cuối cùng là chinh phục dòng tranh sơn mài Việt Nam. Câu chuyện của hoạ sĩ Thái Linh cũng chính là một minh chứng rõ nét về sự tài năng, góc nhìn độc đáo của thế hệ trẻ và cách mà họ thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua chiến lược định hình và xây dựng sự nghiệp cá nhân.



Một trong những điểm đặc biệt người ta có thể tìm thấy ở tranh của Thái Linh chính là sự xuất hiện liên tục và nhất quán của hình tượng Chú Bé Đậu. Kể về khởi nguồn của nhân vật này, anh cho biết: “Cơ duyên đến khi tôi lần đầu được nhìn thấy tranh Đông Hồ và cảm thấy khá ấn tượng với hình ảnh của Chú Bé Ôm Gà. Vào thời điểm đó, trên thị trường có rất ít người khai thác đề tài truyền thống và hình tượng của chú bé ôm gà hầu như chưa từng được sử dụng hay sáng tạo bởi bất cứ ai. Vì thế, tôi quyết định tạo ra một nhân vật của riêng mình, lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật này. Đây cũng chính là cột mốc đánh dấu hành trình tôi xây dựng và phát triển phong cách cá nhân.” 


Kể từ đó, Chú Bé Đậu trở thành người bạn đồng hành cùng Thái Linh trong mọi tác phẩm nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi để anh đắm chìm trong những ký ức tuổi thơ đầy tinh nghịch và thể hiện những suy nghĩ, cái “tôi” đầy khác biệt khi thực hành sáng tạo. Lấy cảm hứng từ chất liệu văn hoá dân gian nhưng không vì thế mà bị giới hạn và lẩn quẩn mãi trong “cái hồn” của bức tranh đó, bản thân anh trong quá trình sáng tạo luôn ý thức rất rõ trong việc tạo nên những câu chuyện thể hiện góc nhìn và tâm trạng của tác giả, để mỗi tác phẩm được tạo ra đều được thoả mãn 3 yếu tố: Bản năng, Bất ngờ và Viễn tưởng. 


Anh chia sẻ: “Tôi định nghĩa bản thân là một người hoạ sĩ, có những góc nhìn và câu chuyện của riêng mình chứ không phải là một người lưu giữ văn hoá. Vì thế nên khi bắt đầu vẽ, tôi đã xác định rằng bản thân sẽ không sử dụng hoàn toàn các giá trị truyền thống mà chỉ lấy cảm hứng từ những hình ảnh đó để phát triển ra các tác phẩm dựa trên phong cách cá nhân.” Bên cạnh giá trị truyền thống dân gian, anh Thái Linh cũng bày tỏ niềm yêu thích đối với chủ đề khoa học viễn tưởng và tâm linh. Anh gói gọn tất cả những sở thích trong một bức tranh với nhiều chi tiết và tầng ý nghĩa phức tạp được vẽ theo chủ nghĩa tối đa (maximalism). “Đó là một công cụ để tôi thoả mãn được cả yếu tố ‘bản năng’ và ‘viễn tưởng’ trong mình. Trước khi vẽ, tôi chỉ định hình về một chủ đề cụ thể chứ không quan tâm quá nhiều đến bố cục hay các chi tiết nhỏ. Đến khi đặt bút vẽ, concept và các chi tiết cũng theo đó dần hiện lên theo những suy nghĩ, tâm sự mà tôi muốn truyền tải. Yếu tố ‘bất ngờ’ đến khi chính bản thân tôi cũng không biết cho điểm cuối khi hoàn thành bức tranh sẽ như thế nào”, anh kể.



Bản năng trong phong cách sáng tạo là thế, nhưng anh Thái Linh không hề “bản năng” với chính hành trình sự nghiệp của mình. Từ dự định ban đầu khi theo học ngành phi công đến “bước ngoặt” rẽ ngang và nghiêm túc với nghề hội hoạ, anh đã sớm xác định mong muốn lâu dài với nghệ thuật, từ đó vạch ra một chiến lược phát triển sự nghiệp sau này. Ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng định hướng cá nhân, ngay từ những năm Đại học, anh hợp tác với bạn xây dựng nên thương hiệu thời trang Nirvana Streetwear và tận dụng khoảng thời gian đó để thử nghiệm với nhiều phong cách nghệ thuật riêng biệt, từ minimalism, anime cho đến tattoo. Đến khi quyết định neo giữ với các giá trị truyền thống, anh dần có những định hướng chiến lược hơn cho phong cách cá nhân và rồi phát triển sâu hơn với hình tượng Chú Bé Đậu. “Chú Bé Đậu là người bạn đồng hành với tôi từ trước đến nay, và cũng sẽ là người đi theo tôi đến hết đời”, anh nói.


Với anh Thái Linh, niềm đam mê hội hoạ không chỉ đơn thuần là sở thích sớm nở tối tàn trong vài năm, mà đó còn là một hành trình bền bỉ và cực kỳ nghiêm túc. Anh chia sẻ: “Từ mong muốn trở thành một người hoạ sĩ của Việt Nam, trong suốt những năm tháng Đại học ở cái tuổi 18 - 20, tôi đã lập ra một chiến lược phát triển sự nghiệp và kiếm tiền từ tranh đến năm 28 - 30 tuổi. Bắt đầu từ việc vẽ digital cho đến việc thử nghiệm trên các chất liệu khác nhau như tranh canvas hay làm đồ gốm, điểm đến cuối cùng vẫn là chinh phục nền hội hoạ Việt Nam và cụ thể là dòng tranh sơn mài truyền thống”.



Đến thời điểm hiện tại, những nỗ lực của anh đã được đền đáp khi Thái Linh không chỉ thành công xây dựng dấu ấn trong lòng người yêu nghệ thuật, mà còn dần được công nhận bởi đông đảo nhóm khán giả đại chúng. Bên cạnh đó, anh cũng bắt đầu hợp tác với các thương hiệu trong các chiến dịch truyền thông sáng tạo. Gần đây nhất, Thái Linh là một trong những đại diện đến từ Subculture (tiểu văn hoá) góp mặt trong chiến dịch quảng bá dòng sản phẩm Galaxy Z Flip5 của Samsung.



Trung thành với hình ảnh Chú Bé Đậu đặc trưng, Thái Linh đã khắc hoạ nên một vũ trụ Galaxy Z nơi yếu tố đặc sắc của văn hoá Việt Nam được giao thoa và gắn kết với thế giới đa sắc màu của những người trẻ bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và dám tự tin thể hiện bản sắc độc đáo của riêng mình. Tác phẩm được lấy ý tưởng từ một vũ trụ nơi mỗi chiếc điện thoại chứa đựng một thế giới khác nhau, được liên kết với nhau bằng một cánh cổng dịch chuyển không gian thông qua chiếc màn hình điện thoại. Và chiếc điện thoại Galaxy Z là nơi để mọi người hội nhập và chia sẻ các nền văn hoá với nhau, thể hiện đúng tinh thần “Nhập hội linh hoạt” mà Samsung muốn truyền tải. 


Chia sẻ về quá trình làm việc cùng Samsung, anh cho biết: “Tôi cảm thấy khá vui vì phong cách vẽ của mình đang ngày càng được mọi người chấp nhận. Trong quá trình làm việc, bên cạnh việc đáp ứng một số yêu cầu nhất định về mục tiêu quảng bá sản phẩm, brand team của Samsung cũng cho tôi khá nhiều ‘đất’ để tự do thể hiện cá tính hội hoạ và hầu như không hề có rào cản nào khi sáng tạo”



Từ việc chăm chút cho từng nét vẽ, từng mảng màu hay từng chi tiết phức tạp trong mỗi bức tranh cho đến việc lập kế hoạch lâu dài cho hành trình gắn bó với nghề vẽ, có thể thấy, Thái Linh đã thay đổi cách nhiều người định nghĩa về một người hoạ sĩ chuyên nghiệp. Không sáng tác tranh theo cảm hứng, giờ giấc lung tung, không ăn mặc luộm thuộm, tóc dài, đeo kính hay khoác trên mình những bộ quần áo dính đầy màu, đối với anh, sáng tạo là phải có quy củ. 


“Tôi tin rằng nghệ thuật phải được rèn luyện từ những thói quen. Với tôi, hội hoạ là cái nghề có thể đi theo mình cả đời, bởi khi vẽ, không biết bao giờ nhà sáng tạo mới có thể kiếm được tiền và nuôi sống được bản thân. Chính vì thế, bản thân tôi luôn cố gắng hàng ngày để không ngừng nuôi dưỡng sự sáng tạo. Nhiều người nói rằng ‘nghệ sĩ là phải làm việc theo cảm hứng’, thế nhưng, nếu cứ đợi có cảm hứng mới bắt tay vào sáng tạo, vậy thì bao giờ mới có thể vẽ được một tác phẩm chỉn chu?”, anh bày tỏ.



Cho rằng sáng tạo chỉ hiệu quả nếu nhà sáng tạo thật sự nghiêm túc với các tác phẩm của mình, anh Thái Linh cho biết bản thân luôn dành thời gian mỗi ngày để vẽ và nghĩ về vẽ. Đôi khi, trong một tháng, anh chỉ cho ra mắt 1 - 2 sản phẩm trên trang cá nhân. Nhưng đằng sau những tác phẩm ít ỏi đó là chuỗi ngày liên tục sáng tạo, vẽ ra hàng trăm bản phác thảo khác nhau cho đến khi anh tìm ra một bản phác thảo đủ hay và đủ chất lượng.


Với những bạn trẻ đang trên hành trình tìm kiếm phong cách cá nhân và theo đuổi một sự nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo, anh đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người khi đã xác định xây dựng sự nghiệp, dù là sáng tạo hay bất cứ lĩnh vực nào khác, đều cần phải nghiêm túc với chính mình và hiểu rõ bản thân muốn gì. Không phải cứ ‘nghệ sĩ’ là có thể tự cho mình cái quyền sống thơ thẩn hay tâm hồn trên mây, hãy suy nghĩ thật kĩ về con đường mình đi và lên chiến lược thật kĩ cho con đường đó”.


Tầm nhìn của một nhà sáng tạo có chiến lược: Hoạ sĩ Thái Linh dùng chất liệu dân gian định hình phong cách cá nhân, cộng tác cùng Samsung đưa hội hoạ Việt Nam ra thế giới

Thảo Vy

Thảo Vy

Content Specialist | Advertising Vietnam

11 Thg 09 2023

Lưu

Cùng chuyên mục