COVID-19 xảy ra cùng những biện pháp giãn cách xã hội đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội với sự lên ngôi của các nội dung dạng video.


Nhân sự kiện “Facebook Video Summit 2021”, phóng viên Advertising Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Khôi Lê, Giám đốc Kinh doanh của Facebook tại thị trường Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về về hành vi sử dụng video của người dùng Việt trong bối cảnh bình thường mới.


Ông Khôi Lê, Giám đốc Kinh doanh của Facebook tại thị trường Việt Nam


Xin ông cho biết thay đổi lớn nhất về thói quen sử dụng video của người dùng Internet Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, và thay đổi này có tác động như thế nào tới các doanh nghiệp?

 

Dưới tác động của dịch COVID-19, thay đổi lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy là sự tăng trưởng mạnh mẽ của video mạng xã hội (social videos), hay có thể nói video mạng xã hội đã trở thành bình thường mới với người dùng Internet tại Việt Nam. Trong khoảng từ 2013 – 2020, thời gian dành để truy cập mạng xã hội của người Việt tăng trưởng lên trên 40%, và hiện có 8 trên 10 người dân Đông Nam Á xem video trên mạng xã hội (1). Đồng thời, thời lượng xem Video online trung bình đã tăng trưởng 4 lần, gấp đôi so với dự đoán trước khi COVID-19 bùng phát (2). Video mạng xã hội là một trong những xu hướng nội dung mới đang lên ngôi trong giai đoạn hiện tại.


Riêng tại Việt Nam, 68% người dùng Internet xem video ít nhất một lần mỗi ngày. Trung bình họ dành khoảng trên 1 giờ cho mỗi lần xem video trên mạng xã hội. (3) Không chỉ là mạng xã hội để giải trí, khảo sát của chúng tôi cho thấy, có tới 97% người dùng Việt nhận biết Facebook là một nền tảng video, và 74% người dùng lựa chọn xem video trên Facebook bởi tính tiện dụng có thể xem mọi lúc mọi nơi.


Những số liệu này là minh chứng rõ nhất cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi qua kênh kỹ thuật số của các doanh nghiệp cũng mang lại hiệu quả đầu tư và tối ưu doanh số cao hơn hẳn các kênh khác. Trong đó, việc chuyển dịch đầu tư sang video mạng xã hội nên trở thành một bình thường mới tất yếu cho các doanh nghiệp Việt.


Theo ông, các doanh nghiệp cần lưu ý gì về hành vi xem video của người dùng trong trạng thái bình thường mới này?

 

Chúng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu và đã phát hiện ra nhiều thông tin thú vị về hành vi của người dùng Việt Nam khi tiếp cận với các nội dung video. Một số điểm chính có giá trị cho các doanh nghiệp lưu tâm có thể kể đến như, người tiêu dùng Việt xem video trên mạng xã hội xuyên suốt cả ngày, ở bất cứ đâu: họ xem video cả khi ở nhà và cả khi đi ra ngoài (3).


Bên cạnh đó, họ cũng ưa chuộng xem các video dạng ngắn (dưới 3 phút). Họ xem các video này trung bình 2,1 lần, theo sau đó là 1,7 lần xem video thời lượng trung bình (3 - 10 phút) (3). Dẫu vậy, sự ưa chuộng về độ dài xem video có khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày: 58% người tiêu dùng thích xem video trung bình vào buổi sáng; 51% người tiêu dùng thích xem video ngắn vào buổi trưa; 55% thích xem video trung bình vào buổi tối (3). Khi nghĩ tới video thời lượng ngắn, video thời lượng trung bình, Facebook là lựa chọn số 1 của người dùng video Việt Nam. Có tới 87% người tiêu dùng Việt lựa chọn Facebook để xem video thời lượng ngắn và trung bình.


Bên cạnh đó, 97% người dùng bày tỏ nhu cầu nhận được những thông tin quảng cáo từ thương hiệu và mong muốn được tương tác với thương hiệu. Facebook Video có tính thúc đẩy hành động với thương hiệu cao hơn so với các nền tảng video khác (3). Đặc biệt, gần 90% người dùng Việt Nam sẵn sàng thực hiện hành động sau khi xem video trên bởi Facebook Video có tính tương tác, theo thời gian thực và lan toả hành động cao. Người tiêu dùng Việt cho hay Facebook video dễ tương tác hơn so với thông thường gấp 1.3 lần, 75% người tiêu dùng Việt xem video được chia sẻ, thích hoặc bình luận bởi gia đình và bạn bè trên Facebook (3).


Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp tận dụng những kiến thức về xu hướng hành vi này để có thể có những điều chỉnh phù hợp cho hoạt động kinh doanh?

 

Thực tế cho thấy, những chiến dịch có tích hợp video trực tuyến thường cho ra hiệu quả đầu tư cao hơn những chiến dịch không có video trực tuyến. Do đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần lên kế hoạch tích hợp video trong chiến lược marketing để tối ưu hoá hiệu quả đầu tư.

 

Người tiêu dùng Việt cũng ngày càng thông thái hơn, họ dành thời gian để tìm hiểu và đưa ra quyết định mua hàng trước khi tới cửa hàng. Vì vậy, việc tạo dựng dấu ấn thương hiệu và thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn cân nhắc có vai trò tiên quyết. Các doanh nghiệp Việt cần chú trọng tới 3 nhiệm vụ cụ thể:


  • Một là cần làm nổi bật thông điệp thương hiệu, tạo liên tưởng cá nhân mạnh mẽ bởi mức độ liên quan của nội dung video tới những sở thích cá nhân và hành vi thực hiện trên mạng xã hội chính là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy người tiêu dùng Việt xem một nội dung video;
  • Hai là doanh nghiệp cần đưa ra những nội dung truyền cảm hứng và nâng cao mức độ uy tín của thương hiệu để chiếm được lòng tin của người dùng;
  • Ba là các chiến lược kinh doanh và truyền thông cần cân nhắc có các yếu tố kết nối với người tiêu dùng một cách có ý nghĩa để tạo dựng mối quan hệ vững bền.


Với 69 triệu người xem video tiềm năng trong độ tuổi từ 18 – 65, bao gồm gần như toàn bộ người dùng video hàng tháng tại Việt Nam, Facebook đem tới một thị trường khổng lồ cho các nhà tiếp thị và mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dựa trên hành vi xem video của người dùng, Facebook cung cấp toàn diện giải pháp quảng cáo, bao gồm Quảng cáo video ngắn trên Bảng tin và Stories, Quảng cáo tương tác (Bình chọn, AR), Nội dung được tài trợ (Branded Content), cũng như Quảng cáo trong luồng (In-stream Ads). Facebook là nền tảng không thể thiếu để tạo nên sự thành công của chiến dịch marketing hiệu quả trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

 

Vậy ông có thể chia sẻ một trường hợp điển hình đã rất thành công trong việc tận dụng xu hướng này?

 

Trong năm vừa qua, Aquafina đã hợp tác cùng với Multimedia và Facebook trong mô hình hợp tác nội dung nhân khuôn khổ tuần lễ thời trang Việt Nam. Aquafina chạy xen kẽ quảng cáo trong luồng như vị trí quảng cáo duy nhất (In-stream standalone) để gây chú ý về show diễn và quyền tài trợ của Aquafina. Đồng thời sử dụng Live-stream để công bố cuộc thi phối trang phục đường bố, cùng hàng loạt những quảng cáo video hậu chương trình. Chiến dịch giúp Aquafina nâng chỉ số gợi nhớ thương hiệu lên 2.7 điểm, chỉ số nhận biết thương hiệu lên 2.1 lần và mức độ yêu mến lên 1.2 lần. (4)

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Xem thêm thông tin về Facebook Video Summit Việt Nam tại: https://fvs2021.splashthat.com/

 

Nguồn:
GlobalWebIndex, amongst 18+yo Internet users in ID,MY,PH,SG,TH,VN, Q1-Q2 2020.
WARC Article with Limelight Studies, 2020
FB Commissioned Kantar Video U&A Study, 2020
Facebook for Business, Successful Story, 2020