Không chỉ chú trọng đến sự độc đáo của các thiết kế bao bì, việc tiết giảm màu sắc, họa tiết in ấn cũng như lựa chọn các vật liệu có thể tái chế, quy cách đóng gói dễ sử dụng, không cần thêm túi nilon bọc ngoài đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các công ty và startup thời gian gần đây.


Vật liệu đóng gói góp phần đáng kể vào vấn đề rác thải của thế giới. Túi nhựa, giấy gói nhựa, hộp nhựa, tấm xốp và bọc bong bóng nhựa.... một số vật liệu này sẽ mất hơn 400 năm để phân hủy sinh học và sẽ làm ô nhiễm cũng như xả rác vào cảnh quan, và đại dương, theo GetApp.


Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ in ấn đã làm gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi đơn vị đều cố gắng mang đến những thiết kế độc đáo, bắt mắt và điều này tiêu tốn nhiều mực in hơn để mang chúng đến với người tiêu dùng. Một thành phần quan trọng trong kết cấu của mực in là nhựa, thứ giúp cho màu sắc bám dính vững chắc vào các bề mặt. Cùng với đó, chúng cũng chứa nhiều chất hữu cơ dễ bay hơi có thể gây ra ô nhiêm môi trường.


Các loại thiết kế đóng gói truyền thống không giúp người tiêu dùng dễ dàng cầm nắm hoặc bảo quản sản phẩm. Điều này cũng khiến cho cần phải bổ sung thêm các loại túi đựng một lần tiện lợi để có thể vận chuyển và trước đây thường là bao bì nilon khó phân hủy.


Dẫu vậy, nhờ những chiến dịch vận động gần đây của các nhà hoạt động môi trường, các công ty lớn trong ngành kinh tế cũng như sự đột phá sáng tạo trong cách các nhà thiết kế tiếp cận thị trường đã giúp thay đổi phần nào nhận thức về các dạng bao bì bền vững, thân thiện hơn.


Bao bì bền vững cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn đang phát triển. Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các sản phẩm được tạo ra, sử dụng và sau đó bị loại bỏ, góp phần gây ra vấn đề rác thải trên thế giới. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nguồn tài nguyên được sử dụng lâu hơn thông qua quá trình tái chế cũng như thu hoạch, tái sử dụng và tân trang các bộ phận.
Theo GetApp.


Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Gartner vào năm 2021, 51% chuyên gia hàng đầu trong chuỗi cung ứng kỳ vọng vào việc nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở rộng hơn nữa trong tương lai và bao bì bền vững là một phần quan trọng để đáp ứng nhu cầu đó.


Trước đó, trong sự kiện giới thiệu mẫu Macbook mới hồi cuối năm ngoái, Apple, công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, đã nhấn mạnh cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon cho mọi sản phẩm của hãng vào năm 2030. Cùng với đó, hãng cũng đặt việc ngưng sử dụng nhựa trong bao bì làm tiêu chí sản xuất kể từ năm 2025 tới đây.


Những cải tiến mới nhất trong công đoạn dán nhãn và cán màng đang giúp chúng tôi giải quyết 4% nhựa còn lại trong dấu chân carbon từ bao bì. Để loại bỏ nhu cầu dán nhãn trên bao bì của iPhone 14 và iPhone 14 Pro, chúng tôi đã phát triển một máy in tùy chỉnh với độ phân giải cao có khả năng in trực tiếp lên mặt sau của hộp. Việc loại bỏ các nhãn này sẽ giảm được hơn 300 tấn nhựa và 3700 tấn khí thải carbon.
Apple cho biết trong thông báo.


Vậy có những cách nào để tạo ra một thiết kế bao bì thân thiện môi trường?


Vật liệu thay thế, nhựa tái chế


Như trong trường hợp của Apple kể trên, công ty này gần đây đã loại bỏ các loại hộp đóng gói bằng nhựa để chuyển sang sử dụng chất liệu mới là gỗ tái chế hoặc sợi gỗ được thu hoạch từ nguồn có "trách nhiệm với môi trường". Hãng cũng đã xóa bỏ lớp màng đóng gói nilon bên ngoài, đồng thời "sử dụng lớp sơn bóng in phủ mới thay thế cho phương pháp cán nhựa truyền thống" mà theo đơn vị cho biết là có thể cải thiện khả năng tái chế bao bì sản phẩm.


Vật liệu giấy, nhựa tái chế được sử dụng thay thế nhựa bền vững trong bao bì sản phẩm. Ảnh: AppleVật liệu giấy, nhựa tái chế được sử dụng thay thế nhựa bền vững trong bao bì sản phẩm. Ảnh: Apple


Ngoài vật liệu giấy tái chế, một số loại nhựa tái chế cũng đã được sử dụng rộng rãi gần đây. Công ty may mặc Printful của Hoa Kỳ cho biết đã đưa vào sử dụng loại vật liệu này từ năm 2021 và giờ đây hơn 90% sản phẩm của công ty được đóng gói bằng mẫu túi mới này.


Các công ty cung cấp hàng hóa tiêu dùng sử dụng nhiều nhựa hàng đầu trong ngành kinh tế như Unilever gần đây cũng đã công bố việc giảm thiểu sử dụng nhựa khó phân hủy trong bao bì để chuyển sang nhiều vật liệu bền vững hơn như các loại bình bằng thép có thể sử dụng lâu dài hay bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc xử lý dễ dàng.


Đôi khi việc suy nghĩ lại hoàn toàn về cách chúng ta thiết kế và đóng gói sản phẩm là cách tốt nhất để giảm lượng nhựa. Việc giảm lượng vật liệu trong sản phẩm chỉ vài gram có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên toàn bộ dòng sản phẩm.
Unilever cho biết trong một tuyên bố trên website chính thức.


Dove sử dụng thép không gỉ để làm hộp đựng sản phẩm giúp người dùng dễ dàng tái sử dụng. Ảnh: DoveDove sử dụng thép không gỉ để làm hộp đựng sản phẩm giúp người dùng dễ dàng tái sử dụng. Ảnh: Dove


Giảm kích thước bao bì


Một trong những biện pháp mà nhà thiết kế nên cân nhắc trong quá trình sáng tạo bao bì sản phẩm có thể giúp giảm tình trạng ô nhiễm đồng thời tăng lợi ích kinh tế đó là việc giảm kích thước đóng gói.

Apple đã loại bỏ một số phụ kiện trong gói hàng (bao gồm cả đốc sạc, một chiếc tem decal mang logo công ty) để giảm kích thước hộp đóng gói giúp cho lượng vật liệu sử dụng ít hơn trên mỗi đơn vị hàng hóa. Việc này cũng tạo lợi ích cho việc vận chuyển sản phẩm được tối ưu hơn, giảm số lượng chuyến bay, giảm ô nhiễm môi trường...


Ít họa tiết, không cán màng


Một xu hướng gần đây được nhìn thấy ở hầu hết các công ty lớn là việc loại bỏ nhiều màu sắc khỏi các thiết kế bao bì. Việc in ấn trên các vật liệu như giấy tái chế mang lại hiệu quả thị giác không cao, vì vậy, nhiều công ty đã chỉ sử dụng các thiết kế đơn giản, ít màu sắc và hầu như chỉ in các thông tin cần thiết để người tiêu dùng nắm bắt.


Bao bì đóng gói táo của Heirloom vừa giúp người dùng nhận biết chất lượng sản phẩm bên trong, vừa đáp ứng yêu cầu về thân thiện môi trường. Ảnh: Red TomatoBao bì đóng gói táo của Heirloom vừa giúp người dùng nhận biết chất lượng sản phẩm bên trong, vừa đáp ứng yêu cầu về thân thiện môi trường. Ảnh: Red Tomato


Đồng thời, các lớp phủ bóng, phủ mờ hiện cũng đã bị loại bỏ ở nhiều thiết kế để thực sự mang đến hiệu quả về bảo vệ môi trường. Một số nhãn hàng cũng đã sử dụng các loại họa tiết cắt xẻ ngay trên chính bao bì sản phẩm để vừa giúp giảm vật liệu vừa khiến chúng trở nên thú vị hơn. Người dùng thậm chí còn có thể nhìn thấy chính xác các sản phẩm bên trong thay vì chỉ phải hình dung qua các thiết kế in ấn truyền thống bên ngoài trước đây.


Bao bì thông minh, linh hoạt


Không chỉ dừng lại ở các dạng đóng gói vuông vắn truyền thống, giờ đây bạn có thể nhìn thấy các thiết kế bao bì đặc biệt sáng tạo và linh hoạt ở những công ty lớn.


Thùng đựng TV của Samsung có thể chuyển đổi thành kệ đựng nhờ lớp các-tông dày và cứng cáp. Ảnh: Samsung Eco-Package


Chiếc túi đựng của H&M có thể biến thành móc treo quần áo để người tiêu dùng sử dụng một cách dễ dàng thay vì bỏ đi ngay sau khi mua về. Hay thùng đựng một số mẫu TV của Samsung có thể chuyển đổi thành kệ đứng với nhiều ngăn, cho phép cất giữ đồ đặc biệt hữu hiệu...


Các thiết kế mới cũng hướng đến khả năng cầm nắm dễ dàng hơn cho người dùng. Công ty rượu vang Viajes de un catador vào năm 2015 đã giới thiệu một thiết kế đóng gói đột phá khi toàn bộ bao bì sản phẩm được thiết kế bởi giấy với phần tay cầm có thể dễ dàng mang đi mà không cần thêm túi đựng bên ngoài. Cùng với đó, phần thân của sản phẩm cũng được tạo ra các vị trí để người dùng dễ dàng gắn vòi lấy rượu một cách tiện lợi.


Thiết kế tiện lợi và đầy sáng tạo của thương hiệu rượu Viajes de un catador. Ảnh: Nut Creatives


Hay trước đó, công ty Coca-Cola cũng thiết kế một số bao bì đóng gói của mình để người dùng có thể biến chúng thành thân đựng kính thực tế ảo tăng cường...

Hiện nay, các chiến dịch bảo vệ môi trường đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của người tiêu dùng mà còn cả các công ty và đặc biệt là đội ngũ sáng tạo sản phẩm. Sự đột phá trong quy cách đóng gói, sử dụng các loại vật liệu mới trong thiết kế, hạn chế sử dụng màu sắc trong in ấn tuy nhiên vẫn phải mang đến khả năng nhận diện tốt cho thương hiệu là điều mà những người làm việc trong ngành kinh tế này cần tích cực khám phá trong tương lai.


Theo Interfase.info