Chế tài hình sự áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có tính chất khắc nghiệt nhất so với chế tài dân sự hoặc chế tài hành chính. Tuy nhiên, trước những bản án nặng nề, tổn thất cả về tài chính lẫn danh tiếng, tại sao vẫn còn nhiều thương hiệu xem nhẹ việc hiểu và thực thi pháp luật?

 

Cùng khám phá góc nhìn của luật sư Phạm Đại Lợi, hiện đang là thành viên của Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh về các vấn đề xoay quanh luật bản quyền trong quảng cáo ở Việt Nam qua bài viết sau!


Internet phát triển khiến việc vi phạm bản quyền trong quảng cáo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết


Ông nhận định thực trạng vi phạm luật bản quyền trong quảng cáo tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra với tình hình như thế nào?

 

Vi phạm luật bản quyền trong quảng cáo, hay nói rõ hơn là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo, xảy ra khá phổ biến và ngày càng trở nên phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của internet tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh online khiến hành vi sử dụng những sản phẩm trí tuệ mà chưa được cho phép dễ dàng hơn bao giờ hết.

 

Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm trong hoạt động quảng cáo chủ yếu là bản quyền tác giả và nhãn hiệu. Dạng vi phạm phổ biến là thương hiệu thực hiện đưa hình ảnh, nhạc, kịch bản (copy toàn bộ hoặc một phần), nhãn hiệu đang được bảo hộ khi chưa được nhận được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu vào nội dung quảng cáo phục vụ cho mục đích thương mại.

 

Như ông cũng đã đề cập ở trên, internet và công nghệ phát triển nhanh chóng mở ra khả năng kết nối không giới hạn, việc chia sẻ tác phẩm qua mạng xã hội, video trực tuyến và các nền tảng truyền thông khác có đang tạo ra thách thức mới về việc quản lý và bảo vệ bản quyền trong quảng cáo không?

 

Tất nhiên là có. Sự bùng nổ và phát triển của mạng internet cũng như các nền tảng trực tuyến khác và công nghệ đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có sẵn chủ đích vi phạm luật sở hữu trí tuệ trong cho việc sao chép, phân phối và chia sẻ tác phẩm bất hợp pháp một cách nhanh chóng và rộng rãi. Trong bối cảnh hiện nay, dù đang hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào thì việc quản lý cũng như bảo vệ tài sản trí tuệ là một thách thức lớn không chỉ đối với chính thương hiệu đó mà còn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý.


Sự bùng nổ và phát triển của mạng internet vô hình chung tạo ra điều kiện thuận lợi cho những hành vi vi phạm luật bản quyền trong quảng cáo

 

Ông có thể chia sẻ về trải nghiệm bản thân trong những vụ việc từng trực tiếp tham gia giải quyết hoặc nghe được về luật bản quyền trong quảng cáo không?

 

Như đã đề cập, các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong quảng cáo hiện nay xảy ra tương đối nhiều. Dẫn chứng cụ thể có thể nhắc đến một vụ việc được báo chí đăng tải rất nhiều gần đây về chương trình âm nhạc R.V mùa 2 (không tiện nêu tên) đã sử dụng trái phép hình ảnh đồ họa của nhà thiết kế nước ngoài để làm poster quảng cáo cho chương trình.

 

Trình bày cụ thể về nguyên nhân, ban tổ chức chương trình giải thích là do sơ suất của bộ phận thiết kế khi đã sử dụng hình ảnh này từ trang download miễn phí. Vụ việc tuy đang được các bên tích cực giải quyết nhưng hậu quả của nó cũng phần nào ảnh hưởng đến uy tín chương trình.

 

Từ câu chuyện thực tế trên, thương hiệu cần phải có ý thức, nắm vững kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ và phổ biến đến nhân viên hay đối tác của mình, khuyến khích tự sáng tạo độc lập và tuyệt đối không sao chép của bất kỳ ai và tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia sở hữu trí tuệ về các vấn đề liên quan phát sinh.


“Người trong cuộc” - tác giả và cả những người vi phạm bản quyền nghĩ gì về việc thực thi luật sở hữu trí tuệ?


Như đã đề cập ở trên, dường như nhiều doanh nghiệp, và nhất là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang xem nhẹ việc tìm hiểu cũng như thực thi luật bản quyền trong quảng cáo. Theo ông, thực trạng đáng buồn này bắt nguồn từ đâu?

 

Nếu như khoảng 20 năm trước đây, có thể nói rằng pháp luật quy định về sở hữu trí tuệ còn khá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp. Vì thế, có nhiều trường hợp các thương hiệu ít chú trọng cũng như tuân thủ đúng luật là điều dễ hiểu.

 

Tuy nhiên, từ khi nước ta Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam gia nhập WTO thì việc cam kết tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ được nhà nước hết sức sát sao trong quá trình chỉ đạo và giám sát thực hiện. Theo đó, vào năm 2005, sự ra đời của bộ luật sở hữu trí tuệ (SHTT) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách các cơ quan, bộ ban ngành có thẩm quyền quản lý những doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.

 

Từ đó đến nay đã gần 20 năm, bộ luật sở hữu trí tuệ vì thế không còn mới mẻ đối với các doanh nghiệp nữa. Do vậy, việc không hiểu biết hay vi phạm của những thương hiệu trong bối cảnh hiện nay là điều không thể chấp nhận.

 

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm phổ biến còn có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như: Thiếu hiểu biết về pháp luật sở hữu trí tuệ, thiếu vốn nên chỉ tập trung vào mục tiêu tiết kiệm chi phí mà chấp nhận rủi ro pháp lý, mong muốn thu về kết quả nhanh hơn thay vì đầu tư sản xuất….Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh lấy hình ảnh, nội dung có sẵn thuộc bản quyền hoặc sử dụng nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ để quảng cáo bất kể việc có nhận được sự đồng ý hay không từ tác giả, chủ thể quyền. Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Tình trạng vi phạm luật bản quyền trong quảng cáo có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau 

 

Chỉ vì cái lợi trước mắt khi sử dụng những hình ảnh, nội dung không có bản quyền, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại vi phạm pháp luật. Theo ông, hậu quả mà hành động này gây ra là gì?

 

Như đã đề cập ở trên, việc tự ý sử dụng hình ảnh, nội dung hoặc nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ để quảng cáo cho hoạt động kinh doanh mà chưa được sự đồng ý của chủ thể quyền, theo luật sở hữu trí tuệ là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu nếu như bị phát hiện sẽ tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để quyết định bị chế tài xử phạt. Có thể kể đến một số chính sách xử lý như: Vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (gỡ bỏ yếu tố vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm ...) hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài các chế tài đã nêu, họ còn có thể bị tác giả, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Vì vậy theo tôi, việc bảo vệ quyền tác giả hiện nay cần phải được quan tâm hơn, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế như hiện nay. Pháp luật là công cụ bảo vệ cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng và những nỗ lực cụ thể nhằm chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các bên liên quan.

 

Trái lại, hậu quả của việc chậm trễ, không quan tâm xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo của thương hiệu có thể khiến khả năng cạnh tranh suy giảm, lâu dần sẽ trở nên bị động trong việc ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm quyền hoặc tốn kém công sức, tiền bạc để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

 

Ở khía cạnh còn lại, những tác giả của bản quyền khi gặp phải tình huống bị vi phạm họ phải chịu những tổn thất gì? Đâu là khó khăn trong việc bảo vệ quyền tác giả?

 

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm quyền có thể phải chịu thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Về vật chất, thiệt hại gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút trong thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh và chi phí ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Tùy vào hành vi xâm phạm quyền mà chủ thể quyền xác định các mức độ tổn thất. Cần lưu ý rằng, đây phải là thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền và có minh chứng cụ thể, rõ ràng.

 

Các khó khăn trong việc bảo vệ quyền tác giả có thể kể đến ý thức và hiểu biết của chủ thể quyền. Có nhiều trường hợp vì chưa nắm rõ quy định nên họ không nhanh chóng trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho mình. Mặc dù quyền tác giả tự động bảo hộ khi tác phẩm được sáng tạo ra, nhưng để thuận lợi hơn trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền (không phải chứng minh chủ thể quyền), cá nhân và thương hiệu cần đăng ký tác phẩm của mình để được cấp Giấy chứng nhận. Ngoài ra, những khó khăn gặp phải trong quá trình đăng ký như quá nhiều công đoạn rắc rối, thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu sự phối hợp với cơ quan chức năng cũng có thể dẫn đến việc bị xâm phạm bản quyền.


Khó khăn trong việc bảo vệ quyền tác giả có thể kể đến ý thức và hiểu biết của chủ thể quyền

 

Với kinh nghiệm của mình, theo ông thì đâu là rào cản lớn nhất đối với các thương hiệu khi thực thi luật bản quyền quảng cáo?

 

Các quy định của pháp luật về chế tài liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã tương đối rõ ràng và đầy đủ. Cái còn lại là sự phối hợp giữa chủ thể quyền và các cơ quan chức năng trong việc xử lý làm sao có hiệu quả nhất.

 

Có thể đưa ra phỏng đoán rằng: Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường mạng internet sẽ trở nên phổ biến hơn ở giai đoạn tới khi công nghệ số ngày càng phát triển. Không chỉ vậy, các vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chuyển biến nhanh chóng, tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Chính những điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm cho cả chủ thể bản quyền và cơ quan chức năng do các thông tin vi phạm rất dễ dàng bị đối tượng gỡ bỏ trước khi kiểm tra.

 

Do vậy, đối với những vụ việc phức tạp cần kiến thức pháp lý chuyên sâu về luật sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nên tìm đến các chuyên gia hoặc luật sư để được tư vấn các phương án xử lý phù hợp.


Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường mạng internet sẽ trở nên phổ biến hơn ở giai đoạn tới khi công nghệ số ngày càng phát triển


Kiến thức pháp luật có vai trò quan trọng đối với thương hiệu khi tiến hành sản xuất quảng cáo


Rào cản nào là lớn nhất trong việc phổ cập luật bản quyền trong quảng cáo với các doanh nghiệp?

 

Vấn đề lớn nhất chính là ý thức của thương hiệu khi tiến hành sản xuất quảng cáo và các hoạt động thu hút khách hàng. Họ cần phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và đặc biệt quan tâm đến pháp luật về sở hữu trí tuệ. Khi thị trường dần hình thành thói quen phổ biến cho nhau về luật pháp giữa các đơn vị kinh thì tình trạng vi phạm sẽ giảm sút đáng kể.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng cần đẩy mạnh công tác rà soát, giám sát và xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Phải làm sao để có được chế tài phù hợp để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

 

Theo ông, làm sao để nhà quảng cáo, người sử dụng tác phẩm, nhà sản xuất nội dung và cơ quan quản lý thực thi luật bản quyền trong quảng cáo tốt hơn?

 

Để các bên liên quan thực thi luật sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn, những biện pháp có thể kể đến như: Tăng cường phổ biến và giáo dục về quyền sở hữu trí tuệ; Khuyến khích cá nhân cùng doanh nghiệp tự thân sáng tạo cũng như đầu tư hơn vào việc phát triển sản xuất nội dung; Xây dựng các quy trình và hệ thống để đảm bảo tuân thủ pháp luật; Thiết lập quy trình kiểm tra và xác minh tác phẩm trước khi sử dụng; Ngăn chặn việc sử dụng tác phẩm vi phạm quyền; Tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia pháp lý để đảm bảo thực thi luật sở hữu trí tuệ chính xác và hiệu quả.


Những gợi ý giúp các bên liên quan thực thi luật bản quyền trong quảng cáo tốt hơn

 

Theo ông, đâu là sai lầm thường gặp của các doanh nghiệp khi thực thi luật bản quyền trong quảng cáo?

 

Sự chủ quan không thực hiện kiểm tra hoặc xác minh kỹ lưỡng nguồn gốc của tác phẩm trước khi đưa vào quảng cáo hoặc các hoạt động marketing dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm bản quyền mà không biết. Vì thế, thương hiệu cần xây dựng ý thức tìm hiểu để nắm vững kiến thức pháp luật cũng như chủ động phổ biến đến nhân viên cũng như đối tác của mình để cùng chấp hành tốt pháp luật.

 

Ngoài ra, những chủ thể sáng tạo quảng cáo thương mại cần độc lập trong hoạt động sản xuất và tuyệt đối không sao chép của bất kỳ ai khi thực hiện. Thương hiệu tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia sở hữu trí tuệ về các vấn đề liên quan để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. 


Nội dung: Minh Anh

Minh hoạ: Huy Mai 


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!