Khởi đầu là một hình thức giải trí, eSports (Thể thao điện tử) đã nhanh chóng phát triển và trở thành một ngành công nghiệp đầy tiềm năng. Nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, sự tham gia của các thương hiệu lớn và xu hướng toàn cầu hóa, eSports có khả năng cạnh tranh với các môn thể thao truyền thống về cả lượng khán giả lẫn quy mô tài chính.


Theo nghiên cứu của Tech Collective, đến năm 2028, giá trị thị trường của thể thao điện tử sẽ đạt 5,1 tỷ USD, thu hút hàng triệu người chơi và khán giả trên toàn cầu. Đặc biệt, khu vực ASEAN, với 310 triệu người chơi, đang nổi lên như một thị trường game phát triển nhanh nhất thế giới. 


Trong suốt 10 năm qua, các đội tuyển thể thao điện tử của Việt Nam không chỉ mở rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á mà còn cạnh tranh sòng phẳng với những đội tuyển hàng đầu trên toàn thế giới. Tại SEA Games 31, đoàn thể thao điện tử Việt Nam đã xuất sắc mang về 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Sự xuất hiện của thể thao điện tử tại SEA Games cũng thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy lĩnh vực này. Hiện nay, nghề game thủ chuyên nghiệp và các ngành nghề liên quan đến game cùng thể thao điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. 


Thể thao điện tử Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại SEA Games 31 vào năm 2023


Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường eSports, các công ty công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á đã không ngừng đầu tư và triển khai các dự án eSports. Bằng cách này, họ không chỉ khai thác một thị trường kinh tế đầy tiềm năng, mà còn đóng góp vào việc đưa eSports vươn tầm thế giới, tạo ra một hệ sinh thái eSports sôi động và chuyên nghiệp hơn.


Điển hình là sự hợp tác giữa VNGGames Riot Games trong lĩnh vực eSports của Liên Minh Huyền Thoại. Hai đơn vị đã chính thức ký kết để triển khai các giải đấu eSports quy mô toàn châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2025. Thỏa thuận này được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho người chơi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của bộ môn thể thao điện tử, khi được chính thức ghi danh trong các mùa giải thể thao lớn cả trong nước và quốc tế.


VNGGames Và Riot Games công bố kế hoạch hợp tác Liên Minh Huyền Thoại Esports 2025 


Nhiều sự kiện quy mô lớn như “The International” diễn ra tại Singapore và “Free Fire World Series” càng khẳng định sự phát triển sôi động của ngành công nghiệp game trong khu vực. Đặc biệt, bộ môn thi đấu eSport tại Đại hội Thể thao Châu Á 2023, tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc), luôn trong tình trạng cháy vé, cho thấy một thị trường đang bùng nổ.


Không chỉ trong khu vực, các sự kiện và giải đấu thể thao điện tử ngày càng trở nên phổ biến, thu hút sự chú ý của giới trẻ trên toàn cầu. Năm 2023, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đã chính thức đưa thể thao điện tử trở thành môn thi đấu chính thức, mặc dù không tính huy chương. Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã công bố việc thành lập Thế vận hội Thể thao điện tử (Olympic Esports Games), với kỳ Thế vận hội đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2025 tại Saudi Arabia. 



Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chính thức xác nhận việc thành lập Thế vận hội Thể thao điện tử (Olympic Esports Games) và kỳ Thế vận hội đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Saudi Arabia


Tại Việt Nam, FPT Telecom và Tập đoàn Giải trí Gaming and Media (GAM Entertainment) cũng hoàn thành việc hợp tác để xây dựng một hệ sinh thái thể thao điện tử toàn diện, bao gồm các giải đấu lớn, cuộc thi eSports và sự kiện game. Ngoài ra, hai bên cũng đang phối hợp đưa eSports vào nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, viễn thông và nội dung số, nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này và khai thác tiềm năng thị trường.


Những tiến bộ công nghệ cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển ngành, nâng cao trải nghiệm của cả người chơi lẫn khán giả. Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đang trở thành những xu hướng hàng đầu, mang lại không gian chơi game sống động. VR cho phép người chơi trải nghiệm trong một môi trường mô phỏng hoàn hảo, tạo cảm giác hiện diện và tương tác mạnh mẽ hơn. 


Ngược lại, AR “phủ sóng” các yếu tố kỹ thuật số lên thế giới thực, cải thiện trải nghiệm mà không làm tách biệt người chơi khỏi môi trường xung quanh. Hơn nữa, một số đổi mới trong lĩnh vực trò chơi trên thiết bị di động đã giúp nhiều nhà phát triển dễ dàng tiếp cận hơn, bởi vì điện thoại thông minh và máy tính bảng cho phép chơi game chất lượng cao ngay cả khi đang di chuyển. Những đột phá công nghệ này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận của ngành thể thao điện tử mà còn thu hút một lượng khán giả đông đảo và thúc đẩy một cộng đồng game thủ năng động, hòa nhập.


Sự phát triển của các phòng máy cybercafe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thể thao điện tử, giúp người chơi trải nghiệm các tựa game esports một cách chuyên nghiệp và nhất quán.


Những tiến bộ công nghệ về VR và AR cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển ngành eSports và nâng cao trải nghiệm của cả người chơi lẫn khán giả


Thị trường game thể thao điện tử tại Việt Nam đang trải qua một sự nâng cấp và phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, sự kiện Vietnam GameVerse 2024 đã thu hút tới 40.000 lượt khách tham dự, gấp đôi so với năm 2023. Bên cạnh đó, sự ra đời của Liên minh game và Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cũng là minh chứng cho xu hướng này. Theo báo cáo của Statista vào năm 2023, Việt Nam có hơn 600 người chơi game chuyên nghiệp, xếp thứ 11 trên thế giới. Những con số này đi kèm với sự ra đời của nhiều dự án hợp tác của các doanh nghiệp tiếp tục cho thấy tiềm năng phát triển lớn của ngành thể thao điện tử và các giải đấu eSports tại Việt Nam trong tương lai.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.