Tiếp thị di động bằng mã QR: Từ “vũ khí” chống dịch đến công cụ marketing hiệu quả

Từ khi đại dịch xảy ra, việc sử dụng mã QR đã gia tăng nhanh chóng. Công nghệ này được ứng dụng để khai báo y tế, hỗ trợ trong công tác truy vết, kiểm soát di chuyển, thanh toán không tiền mặt,... Có lẽ ít ai biết rằng, mã QR đã được phát minh vào năm 1992 và có “tuổi đời” gần 30 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây cũng được xem là hình thức tiếp thị di động (mobile marketing) áp dụng chiến lược kéo hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. 


Cùng “giải mã” sự tăng trưởng thần tốc của mã QR trong bối cảnh đại dịch và tìm hiểu ứng dụng của công nghệ này trong tiếp thị di động!



Mã QR (Quick Response) là loại mã vạch 2D bao gồm các điểm đen trên nền trắng. Mã có thể đọc bằng điện thoại với sự hỗ trợ của camera hay máy đọc mã vạch. Sau khi quét, mã QR điều hướng người dùng đến trang web đích hoặc yêu cầu thực hiện một hành động cụ thể. 

Sự khác nhau giữa giao diện mã vạch thông thường và mã QR



Loại mã này được phát triển lần đầu vào năm 1992 khi Masahiro Hara - nhà phát triển máy quét mã vạch được khách hàng yêu cầu thiết kế một máy quét mã nhanh hơn. Trong quá trình nghiên cứu, Masahiro Hara đã nhận thấy những bất cập của mã vạch truyền thống như chỉ chứa được tối đa 20 ký tự, lưu trữ thông tin hạn chế và chỉ được quét theo một chiều cố định. 


Vì vậy, Masahiro Hara đã phát triển hệ thống mã vạch mới với mục đích lưu trữ nhiều dữ liệu hơn và cho phép quét mã theo nhiều hướng. Mã QR được ứng dụng lần đầu vào năm 1994 bởi công ty Denso Wave (công ty con của Toyota hoạt động trong lĩnh vực công nghệ có trụ sở tại Nhật Bản) để theo dõi quá trình sản xuất xe.


Masahiro Hara "cha đẻ" của công nghệ mã QR


Mã QR bắt đầu phổ biến vào năm 2011 khi Macy's (thương hiệu bán lẻ thời trang có trụ sở tại New York) và Best Buy (nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng đa quốc gia của Mỹ) triển khai tại các cửa hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng mã QR tại thời điểm đó gặp khá nhiều khó khăn như tốc độ truy cập Internet chậm, điện thoại thông minh không được sử dụng phổ biến, phải tải xuống ứng dụng hỗ trợ quét mã và giao diện chuyển hướng không tối ưu cho điện thoại. 


Theo Tạp chí Forbes, năm 2012, “mã QR là một công nghệ đang bước vào thời kỳ suy tàn” vì cả doanh nghiệp và người dùng đều đang sử dụng sai cách. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của mã QR kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã chứng minh điều ngược lại. Bằng chứng là loại mã vạch 2D này đã được quét trên 14 triệu điện thoại di động ở Mỹ. Theo một nghiên cứu của Statista thực hiện tại Mỹ và Anh, 85% người được khảo sát đã từng sử dụng mã QR và 30% đã quét mã trong vòng một tuần trước. Đúng như tạp chí WIRED (Mỹ) đã nhận định: “Mã QR đã đi trước thời đại”.


Lượng người dùng mã QR tăng "phi mã" trong bối cảnh COVID-19


Những cải tiến về công nghệ thông tin và mạng di động đã góp phần thay đổi vai trò của mã QR. Tổng lượng “dân số” trên Internet đạt hơn 5,2 tỷ người. Tốc độ tải xuống trung bình trên thiết bị di động vào tháng 7/2021 đạt 55,07 Mbps (nhanh hơn 98,9% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với thực tế là hai ông lớn Apple (bản cập nhật iOS 11) và Android đều cho phép quét mã từ ứng dụng máy ảnh. Những yếu tố này đã góp phần giúp mã QR “phản hồi nhanh” đúng với tính chất và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. 



Với những ưu điểm siêu việt, mã QR được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là mảng truyền thông - tiếp thị. 


Tiếp thị di động (mobile marketing) là hoạt động quảng bá sản phẩm và dịch vụ thông qua các thiết bị di động. Tương tự như tiếp thị truyền thống, các mục tiêu chính của tiếp thị di động bao gồm tăng khả năng ghi nhớ, duy trì sự hài lòng của khách hàng, thu hút khách hàng, xây dựng thương hiệu và nghiên cứu thị trường


Tuỳ thuộc vào người bắt đầu hoạt động tiếp thị (nhà tiếp thị hoặc khách hàng), loại hình này được chia thành hai chiến lược cơ bản: đẩy và kéo. Trong đó, chiến lược đẩy bao gồm những hoạt động để đẩy nội dung đến khách hàng như gửi tin nhắn SMS hay email. Ngược lại với chiến lược kéo, người dùng chủ động bắt đầu quá trình tìm kiếm thông tin sản phẩm sau đó giao tiếp với các nhà tiếp thị thông qua thiết bị di động. 


Tuỳ thuộc vào người bắt đầu hoạt động tiếp thị, tiếp thị di động được chia thành chiến lược đẩy và kéo


Trên cơ sở đó, mã QR là một công nghệ được ứng dụng trong chiến lược kéo. Bằng việc chủ động quét mã, người dùng có thể truy cập những thông tin tiếp thị từ thương hiệu. Mã QR trong tiếp thị di động được hệ thống thành 2 loại dựa vào vị trí mã và thông tin của mã




Tác giả Müge Klein, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Thổ Nhĩ Kỳ - Đức đã thực hiện nghiên cứu “Đóng góp của mã QR trong Marketing Mix”. Qua đó cho thấy mã QR được ứng dụng trong tất cả các giai đoạn và đóng góp tích cực đến các nhân tố trong mô hình 4Ps (Product, Price, Promotion, Place) và 4Cs (Consumer, Cost, Communication, Convenience).

Tác giả sử dụng cửa hàng đồ chơi ảo của công ty Walmart tại Hoa Kỳ làm case study cho việc áp dụng mã QR trong Tiếp thị di động. Thương hiệu thiết kế một khu vực trưng bày sản phẩm “ảo” với mã QR gắn trên mỗi mặt hàng. Chỉ bằng việc quét mã, khách hàng có thể truy cập thông tin về sản phẩm trên website trực tuyến mà không cần vào cửa hàng thực để xem tận mắt. 


Góc trưng bày các sản phẩm đồ chơi ảo kèm mã QR của Walmart


1. Sản phẩm - Khách hàng

(Product - Customer)


Với yếu tố Sản phẩm - Khách hàng, việc ứng dụng mã QR hỗ trợ các nhà tiếp thị thu thập ý kiến của người tiêu dùng để phát triển sản phẩm. Điều này cũng có thể triển khai thành một “phần thưởng” như khuyến mãi, voucher dành cho khách hàng tham gia khảo sát. 


2. Giá cả - Chi phí

(Price - Cost)


Mã QR cũng được ứng dụng tương tự các công nghệ tiếp thị di động khác đối với yếu tố giá cả/ chi phí. Bằng việc quét mã, người tiêu dùng có thể nhận được các phiếu giảm giá độc quyền hoặc cá nhân hóa tương tự như những phiếu giảm giá được nhận qua SMS hoặc email. 


Năm 2020, Burger King đã ra mắt chương trình khuyến mãi đặc biệt khi tất cả mọi người đều đang “mắc kẹt” tại nhà vì COVID-19. Mã QR chứa thông tin ưu đãi sẽ chạy khắp màn hình trong 15 giây quảng cáo TV. 10 nghìn người dùng quét mã đầu tiên sẽ nhận được Burger Whopper miễn phí khi đặt hàng trên ứng dụng Burger King. 


Burger King ứng dụng mã QR cho quảng cáo TV


Không chỉ cung cấp lợi ích nhanh chóng cho khách hàng thông qua hành động quét mã, việc tiếp thị di động dựa trên mã QR cũng đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho thương hiệu. Walmart sẽ không phải tốn phí bảo trì, sửa chữa để duy trì một cửa hàng ảo. Tất cả các chi phí mà họ bỏ ra chỉ bao gồm phí thuê biển quảng cáo và bảo trì cửa hàng trực tuyến, các khoản này tiết kiệm hơn rất nhiều so với cửa hàng thực. 


3. Xúc tiến - Truyền thông

(Promotion - Communication)


Trong sách “Định nghĩa và tái định nghĩa” của Louis J Haugh, sales promotion được định nghĩa là “Một hành động trực tiếp cung cấp giá trị tăng thêm của sản phẩm hoặc khuyến khích đội ngũ bán hàng, nhà phân phối, người tiêu dùng cuối cùng đưa ra quyết định. Mục tiêu của xúc tiến bán hàng là tạo ra một đơn đặt hàng ngay lập tức". 


Việc ứng dụng công nghệ mã QR trong xúc tiến - truyền thông có khả năng kích thích sự tò mò của người tiêu dùng. Yếu tố tâm lý này khiến người tiêu dùng quét mã mặc dù không quan tâm đến các sản phẩm. Từ đó, trang web đích có thể cấp quyền truy cập vào các nội dung sản phẩm đa dạng như giá cả, quảng cáo và chiến dịch tiếp thị,...


Ứng dụng mã QR trong xúc tiến - truyền thông kích thích sự tò mò của người tiêu dùng


Trong case study cửa hàng ảo của Walmart có 2 lý do chính thúc đẩy khách hàng quét mã:

  1. Tò mò về mã 
  2. Yêu thích sản phẩm


Bằng cách quét mã, khách hàng nhận được nội dung khuyến mãi và các thông tin về sản phẩm. Giao tiếp giữa nhà tiếp thị và người tiêu dùng có tính trực tuyến và tương tác cao, khách hàng tự do bắt đầu hoặc kết thúc tương tác bất kỳ lúc nào. 


Vì công nghệ mã QR cho phép điều hướng đến nhiều dạng thông tin khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, âm thanh hoặc thông tin kết hợp, những nội dung này có thể thu hút người tiêu dùng không có ý định mua trở thành khách hàng của thương hiệu. Mặt khác, hoạt động tiếp thị được khởi xướng bởi người tiêu dùng giúp tăng cơ hội tương tác với những nội dung thương hiệu. 

Người dùng có thể tương tác với mẫu xe Porsche chỉ bằng việc quét mã


Tại Hội chợ triển lãm kỹ thuật số 2018, Porsche đã ứng dụng mã QR để mang đến một trải nghiệm đầy sống động cho người dùng. Thương hiệu thiết kế website đích cho phép người dùng tùy chỉnh màu sắc và tương tác với mẫu xe Porsche Cayenne Turbo 2019.



4. Vị trí - Sự tiện lợi

(Place - Convenience)


Mã QR được ví như chiếc “chìa khoá vạn năng” mở ra thế giới trực tuyến đa dạng thông tin. So với một cửa hàng vật lý, các cửa hàng ảo sử dụng mã QR dễ dàng cung cấp thông tin đa dạng cho người dùng tại website đích, việc mua hàng vì thế mà nhanh chóng hơn. 


Ông lớn Amazon Go cũng không đứng ngoài công nghệ này. Cửa hàng đã ứng dụng mã QR cho phép người dùng tự động thanh toán và không cần nhân viên thu ngân, vừa tiết kiệm nguồn nhân lực vừa mang đến sự tiện lợi cho khách hàng. 


Amazon Go tăng sự tiện lợi cho khách hàng bằng việc ứng dụng mã QR


Tạm kết


Mã QR là một thành tựu công nghệ đột phá quan trọng trên thế giới. Theo dự đoán của các chuyên gia, mã QR có thể giúp các doanh nghiệp phát triển vượt bậc sau đại dịch. Cùng với những tác động của mã QR lên Marketing Mix, doanh nghiệp có thể linh hoạt ứng dụng công nghệ này để tiết kiệm chi phí và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. 


Bài viết có tham khảo các nguồn dưới đây:

Contribution of QR-Codes to the Marketing Mix − A Case Study

QR Code Marketing: QR Code Use Cases for Proximity Marketing in 2021


Thực hiện Advertising Vietnam

Content: Tú Nhã

Design: Đạt Đặng



Tiếp thị di động bằng mã QR: Từ “vũ khí” chống dịch đến công cụ marketing hiệu quả

Lý Tú Nhã

Lý Tú Nhã

Senior Content | Advertising Vietnam

30 Thg 10 2021

Lưu

Cùng chuyên mục