Ngày nay các nền tảng xã hội được biết đến nhiều hơn bởi giá trị giải trí của chúng hơn là tính “xã hội” trong tên gọi. Sự trỗi dậy của nền kinh tế sáng tạo là ví dụ điển hình.


Mới đây, nền tảng YouTube và Twitch đã triển khai thêm một số chương trình giúp các nhà sáng tạo nội dung có thêm thu nhập. Những động thái này đã cho thấy các nền tảng đã coi trọng giá trị do những nhà sáng tạo mang lại. Ngoài ra, việc điều chỉnh hay giới thiệu các hình thức quảng cáo mời cũng là chủ đề các marketer quan tâm, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trên đà suy thoái và các doanh nghiệp đang siết chặt vấn đề chi tiêu.


Sau đây là các chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo của các nền tảng nội dung phổ biến nhất hiện nay.


TikTok


Nền tảng video dạng ngắn TikTok hiện chia sẻ doanh thu quảng cáo qua chương trình có tên “TikTok Pulse” ra mắt vào tháng Năm, theo tỷ lệ 50/50 với các nhà sáng tạo nội dung có hơn 100 nghìn người theo dõi.


TikTok hiện chia sẻ doanh thu quảng cáo qua chương trình có tên “TikTok Pulse” ra mắt vào tháng Năm.


Youtube


YouTube mới đây đã thông báo chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo của họ sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 1/2023. Các video truyền thống sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ 50/50, các video dạng ngắn (Shorts) sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ 45% thuộc về nhà sáng tạo nội dung, 55% còn lại thuộc về YouTube.


Meta


Instagram trước đó đã cho phép các nhà sáng tạo nội dung giữ 55% doanh thu quảng cáo hình thức “in-stream”, đây là dạng quảng cáo hình ảnh hoặc video, phát trước, trong hoặc sau các nội dung (hình ảnh/video/bài đăng) trên nền tảng. Tuy nhiên, chương trình này đã dừng vào tháng 2/2022, khi Meta thông báo sẽ chuyển hướng tập trung vào nội dung video dạng ngắn Reels. Hiện chỉ còn nền tảng Facebook hỗ trợ chia sẻ 55% doanh thu quảng cáo cho các nhà sáng tạo nội dung qua 2 hình thức quảng cáo “in-stream” và quảng cáo trên Facebook Reels.


Facebook hỗ trợ chia sẻ 55% doanh thu quảng cáo cho các nhà sáng tạo nội dung qua 2 hình thức quảng cáo “in-stream” và quảng cáo trên Facebook Reels.


Snapchat


Snapchat không tiết lộ tỷ lệ phần trăm chia sẻ doanh thu quảng cáo, nhưng người sáng tạo nội dung có thể kiếm tiền bằng cách thêm quảng cáo giữa video của họ. Số liệu trên trang Variety đã cho thấy Snapchat trả hơn 250 triệu USD cho hơn 12.000 người sáng tạo thông qua chương trình Snapchat Spotlight chỉ trong năm 2021.


Twitch


Nền tảng Twitch vào tháng trước đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” sau khi công bố kế hoạch thay đổi chương trình chia sẻ doanh thu cho các nhà sáng tạo nội dung. Bắt đầu từ tháng 6/2023, những người sáng tạo nội dung trên Twitch sẽ tiếp tục được giữ 70% doanh thu từ quảng cáo đối với 100.000 USD đầu tiên, sau mức doanh thu này họ chỉ còn nhận 50%. Một số người sáng tạo Twitch cho rằng đây là một sự “cắt giảm lương” của nền tảng.


Bắt đầu từ tháng 6/2023, những người sáng tạo nội dung trên Twitch sẽ tiếp tục được giữ 70% doanh thu từ quảng cáo đối với 100.000 USD đầu tiên.


Tuy nhiên, thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội không có tính ổn định khi các chính sách về chia sẻ doanh thu quảng cáo bị thay đổi liên tục dựa trên tình hình kinh tế/xã hội trên thế giới. Ví dụ trong mùa dịch Covid-19, Instagram đã giới thiệu chương trình chia sẻ lợi nhuận qua nội dung video dạng dài có tên IGTV, hay Snapchap đã giới thiệu hình thức quảng cáo chèn giữa Stories trong cùng thời điểm. Giờ đây, khi tình hình kinh tế có dấu hiệu đi xuống, những loại hình chia sẻ quảng cáo này đã bị ngưng trên cả hai nền tảng


Jenny Tsai, Giám đốc điều hành của Wearisma - Nền tảng influencer marketing, cho biết: “Ngân sách quảng cáo của các thương hiệu đang dần ít lại, trong khi đó mạng xã hội là những doanh nghiệp ‘sống’ nhờ quảng cáo. Chính vì thế nền tảng nào cũng đang tích cực thực hiện các động thái để thu hút người dùng, qua đó tăng doanh thu từ quảng cáo cho chính họ và những người sáng tạo nội dung”. 


Người sáng tạo luôn quan tâm khi các nền tảng thực hiện những thay đổi liên quan đến chia sẻ doanh thu. Tuy nhiên trong quá trình thực thi các thay đổi, một số nền tảng đã không đưa ra lời giải thích rõ ràng và vô tình làm một số nhà sáng tạo nội dung bày tỏ sự thất vọng. Ví dụ “ngôi sao” TikTok Hank Green đã lên mạng bày tỏ sự không đồng tình khi khoản thu nhập anh nhận từ TikTok đã dần ít đi, một số chuyên gia lý giải rằng việc giảm thu nhập trên Tiktok là do số lượng nhà sáng tạo tăng dần lên trong khi quỹ chi trả vẫn không thay đổi. 


Bà Tsai cho rằng các nền tảng nên đưa thông tin rõ ràng hơn trong các chính sách chia sẻ doanh thu: “Nhiều nhà sáng tạo nội dung đã cho rằng các nền tảng không minh bạch trong vấn đề tính toán mức doanh thu chia sẻ, trong khi việc chia sẻ doanh thu quảng cáo là một trong những nguồn thu nhập chính của các nhà sáng tạo nội dung”.


Tuy nhiên, sự “không chắc chắn” trong việc chia sẻ doanh thu đã khiến các nhà sáng tạo nội dung tìm kiếm các cách thức khác nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập, tránh tình trạng “trứng trong cùng một rổ”. Một trong những hình thức được ưa chuộng là tiếp thị liên kết (affiliate marketing) và hợp tác với các nhãn hàng. Lấy ví dụ từ Vine, nền tảng video 6 giây “nổi đình nổi đám” trên mạng được ra mắt vào năm 2012. Vào tháng 10/2016, công ty mẹ của Vine là Twitter đã tuyên bố “đóng cửa” ứng dụng vì nền tảng đã không thể đưa ra các chương trình chia sẻ doanh thu thích hợp cho người sáng tạo nội dung vì những giới hạn của format video 6 giây. Nhiều người dùng phụ thuộc hoàn toàn thu nhập từ nền tảng đã phải “nếm trái đắng” khi Vine đóng cửa, chính vì vậy thế hệ nhà sáng tạo nội dung mới đã phải đa dạng hóa doanh thu để tránh trường hợp tương tự diễn ra.


Theo Digiday

Tân Phan