Kế hoạch nội dung dày đặc xuyên suốt cả năm khiến các marketer dễ rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng hay luôn cảm thấy bế tắc khi phải suy nghĩ sáng tạo? Hay marketer đang tìm cách tối đa hoá lợi nhuận của thương hiệu trong giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện nay? Tái sử dụng nội dung đã đăng (repurpose) là một phương pháp hiệu quả giúp marketer giải quyết những vấn đề này.
46% marketer công nhận rằng việc tái sử dụng nội dung đem lại hiệu quả cao, thậm chí còn cao hơn so với việc sáng tạo một nội dung mới hoàn toàn. Marketer có rất nhiều lựa chọn cho loại chiến lược này: biến một bài đăng blog thành video hay podcast, thể hiện podcast thành dạng infographic, báo cáo hay nghiên cứu được trình bày theo dạng bài đăng trên mạng xã hội,...
Đương nhiên, các marketer không thể chọn một nội dung ngẫu nhiên rồi chuyển hoá chúng thành một định dạng khác bất kỳ. Bên cạnh đó, không phải tất cả nội dung tiếp thị đã đăng đều phù hợp để tái sử dụng. Cùng khám phá 8 cách thực hiện chiến lược tái sử dụng nội dung thật hiệu quả thông qua bài viết dưới đây!
1. Bắt đầu với nội dung phổ biến nhất trên các kênh
Nội dung hoạt động hiệu quả nhất trên các kênh của thương hiệu vốn đã có một lượng khán giả riêng, vì thế khi chuyển hoá chúng sang một định dạng mới, thương hiệu sẽ có nhiều tiềm năng thu hút đúng tệp người dùng mục tiêu hơn. Các marketer nên lựa chọn nội dung để tái sử dụng theo các tiêu chí sau:
- Có tỷ lệ tương tác cao
- Khai thác chủ đề vẫn còn liên quan tới bối cảnh hiện tại
- Có thể dễ dàng cập nhật thông tin hoặc dữ liệu mới
- Có thể “tái chế” thành các định dạng khác một cách thuận tiện
"Have A Sip" là series talkshow thành công hàng đầu của Vietcetera trên YouTube. Thừa thắng xông lên, Vietcetera chuyển đổi talkshow thành các định dạng khác như video dạng ngắn, podcast,... nhằm chinh phục nhiều tệp khách hàng hơn
Ngoài ra, hãy phân tích đâu là chi tiết quan trọng giúp nội dung cũ thành công: một cách tiếp cận đề tài độc nhất, định dạng video hấp dẫn hay sự xuất hiện của nhân vật nổi tiếng? Giữ lại những ưu điểm này cho nội dung được tái sử dụng, marketer có thể gia tăng hiệu quả tiếp thị hơn nữa. Một số công cụ trực tuyến hỗ trợ phân tích mức độ hiệu quả của nội dung mà nhà tiếp thị nên tham khảo: Google Analytics, SEMrush,...
2. Tận dụng những nội dung khai thác chủ đề “không bao giờ cũ”
Những nội dung như mẹo vặt cuộc sống, hướng dẫn cách thực hiện, bí quyết từ chuyên gia,... thường được người dùng quan tâm năm này qua năm khác. Vì thế, marketer có thể chuyển đổi toàn bộ nội dung sang định dạng mới hoặc chuyển đổi một phần rồi dẫn đường liên kết về nội dung cũ trên bài đăng mới, kêu gọi khán giả truy cập liên kết. Một lưu ý nhỏ cho thương hiệu là cẩn thận tính cập nhật của số liệu nghiên cứu (nếu có) hoặc tính thời điểm của các ví dụ minh hoạ,... trong nội dung cũ.
3. Chia nội dung dài thành nhiều phần nhỏ
Với các nội dung dạng dài như bài báo, sách điện tử, bài viết trên website, báo cáo hay nghiên cứu,... marketer có thể chia thành nhiều phần nhỏ, chi tiết và “dễ tiêu hoá” hơn đối với người dùng. Cách làm này không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận được phạm vi đối tượng rộng hơn, có mối quan tâm đa dạng hơn mà còn gia tăng hiệu quả cho các chiến lược tiếp thị nhắm mục tiêu (remarketing).
Trên trang Facebook Advertising Vietnam, album "We Are Creators" tập hợp những bài đăng khai thác góc nhìn đắt giá nhất đúc kết từ tuyến bài long-form We Are Creators trên website
Để xác định nội dung dạng dài nào có tiềm năng tái sử dụng và nên khai thác theo góc nhìn ra sao, thương hiệu hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Nội dung đó có liên quan và còn giá trị đối với khán giả mục tiêu hay không?
- Kết quả tiếp thị mà nội dung đó đã đem lại là gì (tỷ lệ tương tác, tỷ lệ chuyển đổi sang mua hàng,...)?
- Có bất kỳ góc nhìn/ chủ đề (content angle) nào chưa được đề cập đến trong nội dung mà khán giả mục tiêu sẽ quan tâm không?
- Nội dung đó đã sử dụng video, hình ảnh, infographic,... hay chưa?
4. Hợp nhất các nội dung mang chủ đề tương tự nhau
Ngược lại với việc chia nhỏ nội dung, marketer có thể hợp nhất các bài đăng khai thác các góc nhìn/ chủ đề gần như tương tự thành một nội dung hoàn chỉnh, đem lại nhiều giá trị thông tin hơn cho khán giả mục tiêu. Thông tin càng dài yêu cầu một định dạng nội dung càng hấp dẫn và dễ hiểu để đủ khả năng giữ chân người dùng.
Đều khai thác chủ đề biến tấu sản phẩm thành muôn vàn thức uống khác nhau, định dạng photo album (bên trái) lại thu hút và tạo ra nhiều giá trị thông tin hơn cho độc giả
Một số gợi ý hay ho dành cho thương hiệu:
- Tổng hợp các bài viết trên blog thành video: Định dạng video sẽ giúp nội dung được thể hiện một cách đầy đủ, trực quan và thu hút hơn.
- Tổng hợp các bài viết trên blog thành podcast: Podcast là một lựa chọn đáng cân nhắc cho những bài viết có hàm lượng thông tin cao, giúp thương hiệu tiếp cận được tệp khách hàng yêu thích định dạng nội dung âm thanh.
- Tổng hợp các bài viết trên blog thành infographic: Tính súc tích và trực quan của infographic giúp nội dung trở nên đáng tin cậy và dễ hiểu hơn.
- Tổng hợp các bài viết trên mạng xã hội hoặc chuyển đổi video thành blog dạng dài: Giải pháp này giúp người dùng tiếp cận thông tin một cách toàn diện và rõ ràng khi thông tin được trình bày đầy đủ hơn.
- Tổng hợp các nghiên cứu, sách điện tử, bản recap hội thảo,... thành blog dạng dài: Đây là một gợi ý tuyệt vời giúp thương hiệu lưu trữ thông tin học thuật theo định dạng thân thiện hơn với người dùng.
5. Khai thác nội dung do người dùng sáng tạo (User-Generated Content - UGC)
Hãy chia sẻ trải nghiệm thực tế, câu chuyện hay suy nghĩ của người dùng trên bất kỳ nội dung nào có liên quan để thể hiện một góc nhìn mới và tăng giá trị cho nội dung tái sử dụng. Khai thác UGC một cách sáng tạo không chỉ giúp nội dung tiếp thị trở nên đáng tin cậy hơn mà còn tạo ra những kết nối sâu sắc hơn với người dùng mục tiêu, từ đó thúc đẩy các loại tỷ lệ chuyển đổi.
6. Đặt mục tiêu mới cho nội dung cũ
Tái sử dụng nội dung không chỉ là biến hoá chúng thành nhiều định dạng khác hay theo nhiều góc nhìn/ chủ đề mới mẻ. Thay vào đó, thương hiệu có thể sử dụng lại nội dung cũ đó để phục vụ mục tiêu tiếp thị mới như tăng tỷ lệ tương tác, tiếp cận đối tượng mới, nâng cao lưu lượng truy cập, thu hút khách hàng tiềm năng,.... Chiến lược tái sử dụng này sẽ tối ưu hóa ngân sách tiếp thị nội dung của thương hiệu.
Ví dụ, một bài nghiên cứu trên blog của thương hiệu nhằm giáo dục người dùng mục tiêu một cách đơn thuần về một chủ đề cụ thể liên quan đến thương hiệu, nay có thể được đính kèm ở cuối email bán hàng để tăng độ uy tín, từ đó chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành người mua cuối.
7. Đừng bỏ qua xu hướng thịnh hành hay các dịp đặc biệt trong năm
"Tổng tấn công" các nền tảng bằng bài đăng về xu hướng mới nhân dịp đầu năm
Xu hướng đang thịnh hành hay các dịp đặc biệt trong năm có thể là cơ hội tuyệt vời để tái sử dụng nội dung và tiếp cận tệp khán giả mới. Các nội dung phù hợp với thời đại và bối cảnh thực tế cũng là giải pháp thúc đẩy tương tác khá hiệu quả. Nhà tiếp thị có thể cập nhật thông tin mới cho nội dung cũ, điều chỉnh các bài đăng cũ theo nhiều định dạng khác nhau, bổ sung xu hướng đang được quan tâm hàng đầu,...
8. Bổ sung lời chứng thực từ chuyên gia
Thương hiệu đang sở hữu hàng loạt bài đăng học thuật có khả năng mang đến nhiều thông tin giá trị nhưng lại không có sức hút với độc giả? Hãy thêm vào đó một vài lời chia sẻ từ các chuyên gia, từ đó nâng cao giá trị thức thời và mức độ uy tín cho chúng. Một gợi ý khác cho thương hiệu chính là hợp tác với các doanh nghiệp hoặc chuyên gia trong ngành, đưa nội dung cũ của thương hiệu lên các kênh truyền thông của doanh nghiệp hay chuyên gia đó.
Trang Ngọc