Trà Giang (Gydient): Từ Á khoa Đại học, cộng tác với “gã khổng lồ” Adobe & Amazon đến Giám đốc Sáng tạo đưa khoa học vào nghệ thuật trong triển lãm thế giới ảo EVA

Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường hay môi trường thực - ảo trộn lẫn là những khái niệm có phần trừu tượng. Thế nhưng những khái niệm này đang dần trở thành một phần khó tách rời trong hiện thực đời sống của nhân loại. Lấy cảm hứng từ những khái niệm trong không gian ảo, tháng 05/2023, tại không gian nghệ thuật De La Sól, buổi triển lãm EVA - Exposed Virtual Anonymity (Lộ Ảo Danh) được ra mắt, thu hút hơn 6.500 lượt tham quan chỉ trong vòng 4 ngày. 


Khởi xướng dự án nghệ thuật này là chị Trà Giang (Gydient) - Giám đốc Sáng tạo hiện đang hoạt động tại Việt Nam và Đức, đồng thời cũng là chủ nhân của nhiều dự án đạt giải thưởng từng xuất hiện trên báo chí quốc tế như Art Directors Club New Work, Type Directors Club New York, Communication Art, It's Nice That, Poster House New York,...



Không đơn thuần chỉ là một sản phẩm sáng tạo ngắn hạn, EVA - Exposed Virtual Anonymity là dự án dài hơi thuộc đồ án tốt nghiệp của Gydient tại Đức. Chị cho biết, buổi triển lãm kỹ thuật số vừa qua chính là màn “debut” của EVA cùng với sự cộng tác và tổ chức của The Lab Saigon cũng như Giám đốc Sáng tạo Tuân Lê, mở đầu cho chuỗi sự kiện về chủ đề không gian ảo, danh tính ảo và quyền riêng tư sau này.


Lấy ý tưởng từ một thế giới vừa thực vừa ảo phức tạp, song hình ảnh trong thế giới của EVA lại không gắn liền với những chiếc ô tô bay, toà nhà chọc trời hay nhân vật ảo tựa phim hoạt hình như metaverse. Thay vào đó, EVA bắt đầu với “An Old Dream” (một giấc mơ cũ) khi đi ngược lại quá khứ để truy tìm nguồn gốc của thực tế ảo. Đó là những năm 1968 với thiết bị Sword of Damocles được đeo vào mắt của Ivan Sutherland, năm 1989 khi Công ty Nghiên cứu VPL đầu tư hơn 350 nghìn USD vào một hệ thống theo dõi, năm 1990 với thiết bị VIEW của NASA & VPL cho đến thiết bị thực tế ảo Quest Pro được Meta giới thiệu vào năm 2022, đánh dấu một cột mốc mới khi con người bước vào vũ trụ “metaverse”.



Từ đó, EVA tiếp tục hành trình với “The Watcher” - nơi người xem có thể suy ngẫm về cái giá của “sự tự do” khi vấn nạn theo dõi, rình rập người dùng của các công ty công nghệ đã kéo theo một loạt các rủi ro tiềm ẩn: đánh cắp thông tin và đe doạ danh tính trên môi trường số. Đến cuối cùng, giai đoạn “The Presentation of the Self” là lúc EVA thể hiện tham vọng trong việc khám phá “hiện thực” về thế giới ảo, về danh tiếng cá nhân trong cuộc sống hiện đại, qua đó góp phần thay đổi hành vi của người dùng trong thế giới mạng thông qua những tiếng nói, góc nhìn đa dạng từ 10 nghệ sĩ trẻ.


Chia sẻ về dự án lần này, chị cho biết: “Tôi mang EVA về Việt Nam với ý định xây dựng tiếng nói trong cộng đồng các bạn trẻ Việt về vấn đề xây dựng danh tính ảo. Trong quá trình hiện thực hoá mục tiêu đó, tôi may mắn nhận được nhiều sự ủng hộ với số lượng ekip lên đến hơn 70 người. EVA không chỉ là một dự án đòi hỏi nhiều thời gian cho quá trình nghiên cứu lịch sử học thuật, lý thuyết Virtual Identity hay Virtual Building mà đây còn là dự án khiến tôi cảm thấy tự hào nhất vì có thể làm việc với nhiều đội ngũ tài năng và tự mình đưa ra những quyết định chủ chốt. Hơn hết, tôi cảm thấy biết ơn vì có cơ hội được cung cấp các thông tin khoa học liên quan đến chủ đề này, đồng thời cống hiến giá trị nghệ thuật cho cộng đồng cùng các nghệ sĩ tham dự.” 




Trước EVA, Gydient từng ghi dấu ấn với các dự án tạo nhiều “tiếng vang” trong cộng đồng sáng tạo. Từ những màn hợp tác cùng Fustic.Studio cho các khách hàng quốc tế hay các dự án cá nhân về thiết kế quảng cáo cho các nhãn hàng như Amazon, Pull&Bear, Beck Ice’s,... Có thể thấy, ở Gydient luôn tồn tại sự đa dạng và những nét độc đáo riêng trong cách làm sáng tạo. Phong cách đó được chị gói gọn trong 3 từ: Brave, Thoughtful và Authentic. 


“Sáng tạo về cơ bản là một thử thách của loài người. Nếu không cố gắng tạo ra những thứ mới thì nguồn tài nguyên trong bộ não con người sẽ trở nên lãng phí. Chúng ta đang sống trong một thời đại của A.I nơi mà bất kì công cụ nào cũng có thể tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh. Vì thế, bản thân mỗi nhà sáng tạo cần nhận thức được những khả năng không thể thay thế của con người và chủ động hơn trong việc sáng tạo”, chị cắt nghĩa. Vì lẽ đó mà các tác phẩm của Gydient luôn có sự dũng cảm, phá cách, đa dạng trong màu sắc và cách truyền tải. Đó có thể là những thiết kế đầy màu sắc phù hợp với sở thích của đại chúng như bộ sưu tập Pull&Bear Collection, Pull&Bear x Posca hay những dự án lấy cảm hứng từ thời đại số với những khái niệm có phần “trừu tượng” như NFT và Virtual Identity.



Chị cho rằng, một nhà sáng tạo giỏi không nên đơn thuần tập trung vào cái đẹp. Khi công nghệ ngày càng phát triển, việc tạo ra một sản phẩm đẹp đang dần trở nên dễ dàng và ít tốn thời gian hơn. Thế nhưng, đây cũng là lúc mà khía cạnh “thoughtful” ở mỗi người làm sáng tạo ngày càng trở nên có giá trị. “Bất kỳ một sản phẩm sáng tạo nào đều cần công sức thiết kế, suy nghĩ và lao động của nhiều người. Quá trình tạo ra một thiết kế đẹp đôi khi sẽ rất nhanh, song việc nghiên cứu để tạo ra ý nghĩa thực sự đằng sau mỗi tác phẩm có thể cần rất nhiều nỗ lực và thời gian của người làm sáng tạo. Vì thế, đừng chỉ tập trung vào cái đẹp để rồi lười biếng trong quá trình suy nghĩ và sản xuất”, chị chia sẻ.


Với Gydient, sáng tạo không đồng nghĩa với việc tự do và để mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát. Thay vào đó, mỗi ý tưởng và tác phẩm trước khi được thành hình đều phải đáp ứng được mục tiêu, thông điệp mà nhà sáng tạo muốn truyền tải. Tính “authentic” lúc này nằm ở việc sáng tạo ra những tác phẩm chân thật, phản ánh đúng những thông điệp ban đầu của người làm sáng tạo. 




Nhìn lại hành trình từ Á khoa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Creative Partner của Fustic.Studio đến Giám đốc Sáng tạo hoạt động song song ở hai quốc gia Đức và Việt Nam hiện tại, Gydient cho biết hành trình chị gắn bó với lĩnh vực Sáng tạo giống như “nghề chọn người”. Với đam mê học vẽ từ nhỏ, chị dần phát triển khả năng của mình trong lĩnh vực Graphic Design và rồi quyết định gắn bó với mảng Branding (thiết kế thương hiệu) cho các nhãn hàng. “Một campaign đôi khi chỉ cần visual để quảng bá trong một thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Nhưng với branding, nếu có khả năng tạo ra một thiết kế tốt, tác phẩm của nhà sáng tạo sẽ đọng lại tiếng vang trong thời gian dài hơn, thậm chí có thể lên đến hàng chục năm. Đó là lý do tôi quyết định chọn Branding như một ‘mũi nhọn’ trong hành trình phát triển của mình trong lĩnh vực sáng tạo. Việc tạo ra những thiết kế có tầm ảnh hưởng lớn và lâu dài khiến tôi tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong công việc”, chị chia sẻ.


Với Gydient, thiết kế thương hiệu không chỉ giới hạn ở những bộ nhận diện mà còn được mở rộng ra với khái niệm “giao tiếp thị giác”. Theo đó, chị cho biết Công nghệ đang ngày càng phát triển, vì thế nên các khái niệm đa ngành cũng theo đó được hình thành và giao tiếp thị giác cũng đang ngày càng trở nên phổ biến và có sự khác biệt giữa các ngành với nhau. Theo đó, bên cạnh những kỹ năng chuyên môn về brand design hay copywriter, giao tiếp thị giác đòi hỏi người làm sáng tạo phải có một chiến lược đúng đắn thông qua sự đầu tư và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu. Chị Gydient cũng nhận định rằng khả năng thấu hiểu và có phối hợp làm việc với nhiều đối tượng khác nhau chính là kỹ năng vô cùng quan trọng để đảm bảo mục đích cuối cùng của giao tiếp thị giác là truyền tải thông điệp và tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng trong suốt quá trình tiếp xúc với thương hiệu. 


Từng làm việc với nhiều khách hàng là các thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chị nhận định dựa trên những trải nghiệm cá nhân: “Ở châu Âu, đặc biệt là Đức, ngành công nghiệp thiết kế đã tồn tại từ rất lâu và đã có những khuôn khổ nhất định. Điều này đồng nghĩa với việc các khách hàng đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với nhà sáng tạo, vì thế khi có nhu cầu thiết kế, họ đã hình dung rõ ràng về mong muốn của mình. Ngược lại, với các khách hàng ở Việt Nam, bản thân tôi thường sẽ có sự song hành để giải đáp những thắc mắc của khách hàng, đồng thời dành nhiều thời gian hơn trong việc tư vấn sáng tạo cho họ. Tuy nhiên, dù là khách hàng quốc tế hay trong nước, công việc muốn đạt được hiệu quả thì đều phải thông qua quá trình giao tiếp, nghiên cứu và thấu hiểu khách hàng.”



Có thể thấy, dù làm việc ở đâu hay với phong cách nào, yếu tố “giao tiếp” và “thấu hiểu khách hàng” cũng được chị Gydient đặt lên hàng đầu và xem nó như một “tôn chỉ” của một nhà thiết kế giỏi. Chính vì thế nên trước khi bắt đầu nghiên cứu đề bài (brief) cho mỗi dự án, chị luôn dành thời gian để nói chuyện với khách hàng, qua đó hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và khiến cho quá trình làm việc trở nên hiệu quả hơn. “Thành phẩm sáng tạo cuối cùng bao giờ cũng đến từ nỗ lực của cả hai phía: nhà sáng tạo và khách hàng. Trong quá trình làm việc với khách hàng từ nhiều lĩnh vực, kinh nghiệm và phương pháp làm việc khôn ngoan nhất tôi đúc kết cho bản thân mình chính là ‘hãy giới hạn feedback theo thời gian’. Thay vì sử dụng thước đo về ‘số lượng’ cho những lần feedback, việc tạo ra áp lực về thời gian sẽ giúp các nhà sáng tạo lẫn khách hàng tập trung toàn bộ nỗ lực cho dự án, từ đó khiến cho chất lượng và hiệu quả công việc nên tốt nhất có thể”, chị đúc kết. 



Trà Giang (Gydient): Từ Á khoa Đại học, cộng tác với “gã khổng lồ” Adobe & Amazon đến Giám đốc Sáng tạo đưa khoa học vào nghệ thuật trong triển lãm thế giới ảo EVA

Thảo Vy

Thảo Vy

Content Specialist | Advertising Vietnam

07 Thg 08 2023

Lưu

Cùng chuyên mục