Trước khi được biết đến với cái tên “tỷ phú thời trang”, ông Ralph Lauren từng sống trong một ngôi nhà chật hẹp với 6 người. Dù phải tranh thủ từng phút để vừa học vừa làm, ông vẫn không bỏ quên ước mơ có cho mình một “đế chế” với phong cách thời trang cổ điển, sang trọng và quý tộc. 


Sau này, thương hiệu thời trang mang tên ông thành công với doanh thu hơn 6 tỷ USD năm 2023 ở các mảng thời trang, phụ kiện, nước hoa,... Không những thế, thương hiệu còn kiên trì điều hành quỹ từ thiện dành cho bệnh nhân ung thư suốt hơn 20 năm qua, tiếp tục hợp tác với nhiều nhãn hàng để thực hiện nhiều chiến dịch ý nghĩa khác. 


Khi ước mơ từ những bản vẽ được “lên rập” 


Ralph Lauren (1939) sinh ra và lớn lên tại New York trong một gia đình 6 thành viên gồm bố, mẹ và 3 người anh chị em. Mặc dù phải sống trong một ngôi nhà nhỏ và ở chung trong căn phòng chật hẹp với 2 người anh trai, ông Lauren miêu tả “mình đã có một tuổi thơ thật hạnh phúc”. 


Từ nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng thẩm mỹ thiên phú của mình. Ông thường vẽ và thiết kế những bộ quần áo mang phong cách cổ điển, sang trọng pha trộn với Preppy - một phong cách được lấy cảm hứng từ những bộ đồng phục trường đại học Ivy League trong giai đoạn 1910 - 1912. Đối với ông, những biểu tượng thời trang Hollywood như Fred AstaireCary Grant là nguồn cảm hứng bất tận cho những trang vẽ chứa đựng ước mơ về một thương hiệu thời trang của riêng mình. 


Từ nhỏ, Ralph Lauren đã bộc lộ tài năng nghệ thuật thiên phú của mình


Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Ralph Lauren theo học ngành Kinh doanh ở trường Đại học Baruch College tại Manhattan (Mỹ). Ông dành toàn bộ thời gian buổi sáng để làm thêm và tham gia lớp học vào buổi tối. Dường như hiểu được những con số không phải là đam mê của mình, ông đã quyết định nghỉ học sau 2 năm “lầm đường”. Năm 1962, Ralph Lauren phục vụ tại Quân đội Mỹ. 


Năm 1963, khi đang là nhân viên bán hàng tại thương hiệu bán áo sơ mi, âu phục cổ điển Brook Brother, ông Lauren nhận thấy các mẫu thiết kế trang phục cho nam lúc bấy giờ “không được thuận mắt” và có phần hơi… lỗi thời. Lúc này, ông bỗng nhớ đến ước mơ thuở nhỏ về một thương hiệu thời trang với những bản vẽ do chính mình thiết kế. Ý nghĩ này đã thôi thúc ông bắt tay vào thực hiện hoá kế hoạch còn bỏ ngỏ này. 


“Không vừa mắt” với các kiểu dáng cà vạt được bán thời điểm khi đó, Ralph Lauren quyết định thiết kế và ra mắt thương hiệu bằng tên của mình


Ông Ralph Lauren chính thức giới thiệu thương hiệu Ralph Lauren vào năm 1967. Với sản phẩm “chào hàng” đầu tiên, ông đã thể hiện niềm đam mê sự cổ điển và sang trọng trong thiết kế cà vạt dành cho nam. Ông nhận định rằng cà vạt của ông sẽ thành công hơn các sản phẩm hiện có trong thị trường bởi đàn ông lúc bấy giờ có xu hướng lựa chọn những mẫu cà vạt rộng và sáng hơn. 


Thương hiệu đi đầu trong “cách mạng thời trang quý tộc” 


Khi những chiếc cà vạt đưa tên tuổi của Ralph Lauren trở nên nổi tiếng, ông quyết định tiến xa hơn và rẽ hướng sang mảng thời trang quần áo. Nhằm khẳng định hãng không chỉ bán quần áo mà còn “bán” lifestyle, ông đổi tên thương hiệu thành Polo Ralph Lauren vào năm 1971: “Các bộ quần áo và sản phẩm thời trang tôi từng thiết kế trước đây đều mang nhiều tầng lớp ý nghĩa về cuộc sống: cách con người sống, cách họ muốn sống và cách họ ước mơ cuộc sống của họ sẽ diễn ra như thế nào.” 


Với những thiết kế được làm từ vải tweed đầy thời trang, pha trộn kiểu cách của 3 quốc gia Anh - Mỹ - Pháp, Polo Ralph Lauren bước vào thời kỳ hoàng kim khi thương hiệu bắt đầu “lấn sân” sang thị trường thời trang nữ. Dù đây là một quyết định táo bạo nhưng hãng đã “làm nên chuyện” cùng các mẫu áo sơ mi măng sét (the shirt's cuff) có kiểu dáng mới mẻ. Sản phẩm đã ngay lập tức trở thành cơn sốt đối với phái nữ trên toàn thế giới. Vào những năm 1970, Polo Ralph Lauren giới thiệu bộ sưu tập quần áo nữ đầu tiên với các sản phẩm đều được làm từ cotton. Những item này đã trở thành “signature” (tạm dịch: đặc trưng) của thương hiệu sau này. 


Các kiểu dáng áo có cổ thuộc Polo Ralph Lauren được ưa chuộng bởi nữ giới


Sau những thành công vang dội và có mức độ nhận diện nhất định trong lòng khách hàng, thương hiệu tiếp tục ra mắt dòng sản phẩm áo thun độc đáo với nhiều màu sắc khác nhau vào một năm sau. Để thêm phần thu hút cho sản phẩm, hãng lần đầu ra mắt logo “Ralph Lauren Polo Player” vào năm 1974. Logo miêu tả hình ảnh một người đàn ông chơi Polo (một trò chơi quý tộc tại Anh) trên lưng ngựa. Theo quan điểm của ông Lauren, người chơi Polo là hiện thân của tinh thần thể thao, tinh tế và thanh lịch. Màu sắc đen - trắng chủ đạo nhấn mạnh sự đơn giản và cổ điển mà hãng luôn theo đuổi. Theo thời gian, logo này đặc trưng đến mức mỗi khi nhìn thấy chúng, người dùng sẽ nghĩ đến một Ralph Lauren sang trọng. 


Biểu tượng “Ralph Lauren Polo Player” xuất hiện hơn 50 năm trên các sản phẩm con thương hiệu


Polo Ralph Lauren bắt đầu “len lỏi” vào lĩnh vực thời trang toàn cầu khi vinh dự trở thành thương hiệu thiết kế bộ đồng phục cho đội tuyển Mỹ vào Thế vận hội Olympic. Không những thế, hãng còn đứng sau các bộ trang phục vô cùng đẹp mắt xuất hiện trong loạt bộ phim đình đám như Gatsby Vĩ Đại (1974), Annie Hall (1977),...


Năm 1986, Polo Ralph Lauren có cho mình trụ sở chính đầu tiên tại thành phố New York. Thương hiệu giới thiệu linh vật đầu tiên là chú gấu nâu vào năm 1991. Ý tưởng này xuất phát khi ông Ralph Lauren được em trai của mình tặng chú gấu bông Steiff vào dịp sinh nhật. Đặc biệt hơn, ông Jerry đã khéo léo thiết kế bộ âu phục đặc trưng của ông Ralph như áo sơ mi oxford xanh, cà vạt kẻ sọc, áo len dệt kim,... cho chú gấu. Từ đó, Polo Bear ra mắt công chúng với 200 phiên bản giới hạn và “cháy hàng” chỉ sau 1 tuần được bán. Linh vật chú gấu nâu dần xuất hiện trong các bộ sưu tập của thương hiệu như áo sweater, áo thun, áo polo,... và phủ sóng rộng rãi trên thị trường.


Nữ ca sĩ Nayeon (TWICE) thường được người hâm mộ “bắt gặp” diện Polo Bear 


Với doanh thu gần 1 tỷ USD, thương hiệu “lột xác” trở thành công ty đại chúng trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 1997. Nhờ những “cống hiến đi đầu trong ngành thời trang”, nhà sáng lập Ralph Lauren gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá như Lifetime Achievement (1991), Womenswear Designer of the Year (1995), Menswear Designer of the Year (1996, 2007),... Năm 2001, ông thành lập tổ chức từ thiện Polo Ralph Lauren với mong muốn hỗ trợ nghiên cứu bệnh ung thư, xóa mù chữ và các hoạt động từ thiện khác. 


Trở thành “biểu tượng thời trang của thời đại”, thương hiệu liên tục đạt những con số ấn tượng từ năm 2002 có doanh thu 2,3 tỷ USD đến 2020 với 6,1 tỷ USD. Dù gặp phải nhiều khó khăn trong đại dịch, thương hiệu vẫn chứng minh được sức hút và phong độ của một “đế chế” tồn tại hơn nửa thập kỷ khi đạt doanh thu 6,4 tỷ USD (2023), qua đó tiếp tục bành trướng trên thị trường bằng nhiều bộ sưu tập, chiến dịch độc đáo.


Cách thương hiệu "con ngựa chiến" lan tỏa phong cách thời trang đến công chúng


1. Khẳng định mình không chỉ đơn thuần là thương hiệu thời trang 


Chứng minh Ralph Lauren không chỉ là một thương hiệu hoạt động duy nhất trong lĩnh vực thời trang, thương hiệu chính thức mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại New York vào năm 2014. Lấy cảm hứng từ phong cách cổ điển đặc trưng của hãng, quán được bao phủ bởi các tông màu nâu và bàn gỗ chủ đạo, mang đến không gian tràn ngập sự vintage. Ngoài ra, hãng cũng sản xuất các sản phẩm như cà phê Ralph's Decaf Coffee với hương vị đậm đà phù hợp cho espresso hoặc cà phê phin, cốc, bình nước,... và bày bán tại quán cafe. 


Không gian bên trong Ralph Lauren Coffee 


Cũng trong năm đó, thương hiệu cho ra mắt The Polo Bar - không gian nơi thực khách có thể trải nghiệm trà chiều và làm bánh trực tiếp. Đặc biệt, dresscode (tạm dịch: quy tắc trang phục) khi tham gia tại quầy bar được hãng nhấn mạnh: “Polo Bar có quy định về trang phục lịch sự và thanh lịch. Khách hàng sẽ không được phép vào cửa nếu mặc đồ thể thao, đồ đi biển, áo phông, áo hoodie, quần jean rách hoặc đội mũ.” Quy tắc trên được đặt ra nằm đảm bảo đúng concept quý tộc và sang trọng mà không gian tại The Polo Bar muốn mang đến. 


Ông Ralph Lauren tại The Polo Bar 


Sau đó, Ralph Lauren tiếp tục dẫn dắt khách hàng đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi đưa những thiết kế của mình vào thế giới ảo. Năm 2022, hãng cùng công ty trò chơi điện tử Epic Games bắt tay thực hiện dự án “Polo Stadium” (Sân vận động Polo). Khi các thương hiệu thời trang khác vẫn chưa tham gia vào metaverse hoặc không biết tận dụng “mảnh đất béo bở” này, Ralph Lauren đã “phất cờ” và tự hào gọi mình là người tiên phong thời trang trong thế giới ảo. Bộ sưu tập trong lần kết hợp trên được lấy cảm hứng từ dòng sản phẩm Polo Sport ra đời những năm 1990. 


Trang phục “ảo” do chính Ralph Lauren thiết kế khi hợp tác cùng với trò chơi Fortnite 


Ông David Lauren - Giám đốc Thương hiệu chia sẻ: “Từ lâu, chúng tôi luôn tiên phong tạo ra những giấc mơ và thế giới mới. Mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với Fortnite lần này sẽ mang đến trải nghiệm đột phá cho cộng đồng người chơi và người tiêu dùng.” Với chiến lược lần này, Ralph Lauren hy vọng sẽ tiếp cận được 400 triệu người dùng của Fortnite. Trước đó, thương hiệu cũng từng ra mắt Polo Shops trên nền tảng trò chơi điện tử Roblox nhằm cho phép người chơi có thể mua và thay đổi trang phục cho nhân vật ảo. 



2. Tìm kiếm những gương mặt phù hợp với “phong cách vượt thời gian” 


Đánh vào Hàn Quốc - một trong những thị trường được xem là tích cực hưởng ứng những xu hướng thịnh hành, Ralph Lauren lựa chọn kết hợp cùng những người nổi tiếng và các KOL nổi tiếng với phần đông giới trẻ tại đất nước này. 


Năm 2020, Ralph Lauren tuyên bố nữ ca sĩ Krystal trở thành Đại sứ Thương hiệu của hãng tại Hàn Quốc. Đúng với biệt danh “công chúa băng giá”, khí chất của Krystal đã thể hiện được những gì mà Ralph Lauren muốn truyền tải đến với khách hàng: sang trọng, cổ điển và quý tộc. Nữ ca sĩ Hàn Quốc vẫn thường diện những bộ trang phục của Ralph Lauren trong các sự kiện của thương hiệu. Để đáp lại, hãng cũng tích cực “đẩy bìa” cho cô nàng trên trang bìa của các tạp chí lớn như như Vogue, Marie Claire,... 


Krystal diện trang phục Ralph Lauren xuất hiện trên tạp chí Vogue Korea số tháng 9/2022


Krystal trong đoạn quảng cáo bộ sưu tập đồng hồ RL888 mới nhất của Ralph Lauren


Nối tiếp Krystal, CEO Ralph Lauren tại Hàn Quốc bất ngờ tuyên bố lựa chọn nam ca sĩ Mark (NCT) là Đại sứ Thương hiệu khu vực tiếp theo. “Hãng thời trang thời đại” này nhận định: “Mark có sức hấp dẫn vượt thời gian và luôn nhận được sự yêu mến từ người hâm mộ. Anh ấy là người có thể biểu hiện những gì hoàn hảo nhất mà Polo Ralph Lauren muốn truyền tải”. Dù đồng hành cùng Ralph Lauren chưa đến một năm nhưng nam ca sĩ đã ba lần xuất hiện trên bìa tạp chí hàng đầu như Harper's Bazaar, W Korea và Esquire Korea. 


Nam ca sĩ Mark (NCT) trong bộ âu phục của Ralph Lauren 


Những tưởng thương hiệu sẽ tiếp tục đồng hành cùng các diễn viên, ca sĩ, đầu tháng 10 vừa qua, Ralph Lauren bất ngờ đăng tải đoạn video có sự xuất hiện của đội tuyển thể thao điện tử Hàn Quốc T1. Các thành viên gồm Faker, Zeus, Oner, Gumayusi và Keria xuất hiện đầy lịch lãm trong các bộ âu phục của Ralph Lauren, mang đến vẻ ngoài khác lạ so với diện mạo giản dị mà người hâm mộ thường thấy trong các trận đấu của đội tuyển. Điều này đã góp phần chứng minh các bộ trang phục của hãng có khả năng toát lên sự sành điệu và sang trọng cho bất kỳ ai diện chúng.


Các thành viên đội tuyển T1 trong bộ trang phục Ralph Lauren 



3. Thực hiện các chiến dịch tôn vinh tính nhân văn 


Pink Pony là một phiên bản “đặc biệt” được bán ra với logo “The Polo Player” có màu hồng, đây được xem là màu sắc chủ đạo trong chiến dịch này. Khi khách hàng mua sản phẩm thuộc Pink Pony, 25% số tiền sẽ được quyên góp cho cuộc chiến chống ung thư của Ralph Lauren. 


Nhằm lan toả những giá trị nhân văn, quỹ từ thiện Polo Ralph Laurenđã thực hiện nhiều chiến dịch hướng đến xã hội, đặc biệt là bệnh nhân ung thư trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2000, Pink Pony được thành lập với sứ mệnh đảm bảo rằng tất cả bệnh nhân mắc bệnh ung thư đều có thể tiếp cận với phương pháp điều trị chất lượng ở giai đoạn sớm nhất nhằm tăng khả năng chữa khỏi bệnh. Thương hiệu nhấn mạnh: “Khi những người chúng ta yêu thương mắc bệnh ung thư, tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng; từ vợ chồng, cha mẹ, anh chị em cho đến bạn bè. Đây là nỗ lực của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.” 


Logo của thương hiệu được thay đổi thành màu hồng dành riêng cho chiến dịch Pink Pony


Thương hiệu đã hợp tác hơn 20 năm với Memorial Sloan Kettering Cancer, trung tâm ung thư toàn diện tại Mỹ, trong công cuộc tìm kiếm những phương pháp và giúp đỡ bệnh nhân. 



Tiếp nối các chiến dịch ý nghĩa, nhân dịp 50 năm thành lập, thương hiệu đã tổ chức một buổi trình diễn với sự tham gia của nhiều gia đình đam mê thời trang của hãng vào năm 2019. Đặc biệt, bữa tiệc này còn có sự tham gia của gia đình ông Ralph Lauren - người sáng lập nên thương hiệu. Chiến dịch mang tên “Family is who love you” (tạm dịch: Gia đình là những người yêu thương bạn), trong đó nêu bật tám nhóm văn hóa đại diện cho các loại gia đình: từ gia đình nhiều thế hệ, các cặp đồng giới đến gia đình một mẹ và hai con. 


Ông Jonathan Bottomley - Giám đốc Tiếp thị Ralph Lauren cho biết: “Tầm nhìn của Ralph luôn được xây dựng dựa trên những giá trị về gia đình. Trọng tâm chúng tôi hướng tới là những chiến dịch tôn vinh ý nghĩa của gia đình: động lực tích cực nhất và là sự đoàn kết mạnh mẽ nhất cho mỗi cá thể.”



Mới đây, để chào mừng Thế vận hội Olympic diễn ra vào năm 2024, Ralph Lauren vinh dự được trở thành thương hiệu thiết kế riêng trang phục cho các vận động viên đội tuyển Mỹ tham gia thi đấu. Thương hiệu đã lựa chọn Katie Ledecky - Kình ngư người Mỹ từng đạt huy chương vàng Olympic và đang giữ kỷ lục ở nhiều nội dung, làm đại sứ thương hiệu cho bộ sưu tập lần này. Với tông màu xanh đen chủ đạo, điểm xuyến thêm đỏ và trắng biểu trưng cho quốc kỳ Mỹ và dòng chữ USA màu đỏ ở giữa, Ralph Lauren hy vọng có thể truyền tải được ngọn lửa và ý chí chiến thắng đến cho các vận động viên. 


Nữ kình ngư Katie Ledecky trở thành đại sứ thương hiệu, diện thiết kế riêng của Ralph Lauren dành cho đội tuyển Mỹ trong Thế vận hội Olympic 2024 diễn ra tại Pháp 


Tú Như


Đăng ký Newsletter để cập nhật những thông tin mới nhất về các thương hiệu