Khi đã nắm rõ công việc, một Graphic Designer sẽ đứng trước “ngã ba” quan trọng đối với sự nghiệp - nơi phải chọn để tiếp tục thiết kế hay rẽ hướng sang Art Director. 


Tại buổi talkshow diễn ra trên ứng dụng OnMic, anh Leo Phan - Giám đốc sáng tạo với hơn 20 năm kinh nghiệm đã chia sẻ về chủ đề “Graphic Designer trở thành Art Director - Tư duy nào cần cho bạn?”.

 

Cùng khám phá qua thông tin dưới đây.


Cần xác định mục tiêu nghề nghiệp ngay từ đầu

 

Hiện nay, tại Việt Nam, một số trường chỉ tập trung đào tạo nền tảng thiết kế, một số khác thì dạy về nền tảng quảng cáo, trong khi đó ngành quảng cáo đòi hỏi vững chắc cả hai nền tảng trên. Vì không có “master plan” nghề nghiệp nên các bạn sinh viên ngành thiết kế khi ra trường dễ mất động lực hoặc mơ hồ về con đường tương lai. 

 

Hầu hết các agency bao gồm cả ATL (Above The Line), BTL (Below The Line) hay digital sẽ có các vị trí Designer và Art Director. Trước tiên, cùng làm rõ hai khái niệm này.

 


Graphic Designer là gì?

 

Graphic Designer là những người làm công việc thiết kế đồ họa. Đây là nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa các yếu tố như kiểu chữ, hình ảnh để truyền tải thông điệp đến người xem, trong đó phần ý tưởng thiết kế có thể do chính Graphic Designer nghĩ ra hoặc được hướng dẫn bởi Art Director. 



Art Director là gì?


Art Director (Giám đốc nghệ thuật) là người chịu trách nhiệm về phong cách và hình ảnh trực quan trên sản phẩm hoặc một chiến dịch quảng cáo. Họ tạo ra thiết kế tổng thể, chỉ đạo và giám sát đội ngũ phát triển các tác phẩm nghệ thuật. Vị trí này yêu cầu có tư duy sáng tạo, art direction và khả năng quản lý con người. 



Mất bao lâu để Graphic Designer trở thành Art Director? 


Graphic Designer phải có kinh nghiệm ít nhất 1-2 năm để “mài giũa” công việc một cách thuần thục, hiểu mọi thuật ngữ thiết kế, các thao tác cần cho công việc cũng như bố cục và phạm trù của thiết kế cho từng ấn phẩm quảng cáo trong mỗi môi trường khác nhau. Đồng thời, Graphic Designer lúc này cũng biết được hạng mục công việc và chiến thuật trong một chiến dịch quảng cáo,... 


Khi đã nắm rõ công việc, một Graphic Designer sẽ đứng trước “ngã ba” quan trọng đối với sự nghiệp - nơi phải chọn để tiếp tục thiết kế hay rẽ hướng sang Art Director. Đây không phải là quyết định dễ dàng, nhưng vẫn có thể lựa chọn theo cách sau:


  • Nếu đam mê sáng tạo bố cục, quan tâm tâm lý thị giác thì Graphic Designer nên thử sức ở vị trí Senior Graphic Designer. Vị trí này vẫn nhận mô tả sản phẩm từ cấp trên, chọn góc nhìn phù hợp nhất để thể hiện được sản phẩm. Với điểm mạnh là tư duy thiết kế, một Senior Graphic Designer sẽ có cơ hội trở thành Head of Designer trong thời gian ngắn.


  • Nhưng khi nhận ý tưởng từ cấp trên, Designer có sự tính toán ý tưởng phù hợp với chiến dịch đó thì nên ứng tuyển vị trí Art Director. Lúc này, “độ chín” với nghề được thể hiện qua tư duy sáng tạo, hiểu chiến lược, hiểu quảng cáo, hiểu truyền thông, có định hướng mĩ thuật và sẵn sàng quản lý con người.


Không nhất thiết mọi Graphic Designer đều phải trở thành Art Director vì ai cũng có lựa chọn riêng, miễn là biết được thế mạnh của mình nằm ở đâu để rèn luyện, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Từ đó, mỗi người đều có thể sớm đạt được mục tiêu trong sự nghiệp của mình. 


Thích nghi trong thời đại của quảng cáo


Quảng cáo là thế giới của hình ảnh và câu chữ, là công việc nhân văn, dùng nội dung giáo dục và truyền thông để truyền cảm hứng, tạo cho người xem khát khao, động lực. Do đó, ngành quảng cáo luôn đòi hỏi những ý tưởng sáng tạo. Các marketer nên học hỏi qua những khóa học hoặc tự mình xem sách, báo, học tập theo những quảng cáo hay, mang lại giá trị thực sự cho sản phẩm và khách hàng; đồng thời, cần tránh học theo các quảng cáo rác, không chỉn chu, không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc trau dồi kỹ năng, nắm kiến thức nền về quảng cáo và chuyên môn thiết kế là vô cùng quan trọng. Sau tất cả, marketer sẽ tìm được con đường tiệm cận để đến với người tiêu dùng. 


Chiến dịch “Lời chúc hóa hành động, lấm bẩn mang điều hay” phát triển trên thông điệp "Dirt is good" của OMO


Một ví dụ hay về quảng cáo có thể học hỏi là chiến dịch “Dirt is good” của OMO. 


Trong khi cuộc chiến giặt sạch của OMO và Tide dần đi vào lối mòn vì rõ ràng bột giặt là dùng để giặt trắng. Đây là tính chất của ngành hàng, nếu cứ tiếp tục quảng cáo theo điều hiển nhiên này, OMO sẽ khó tạo được khác biệt. Vì vậy, thông điệp “Dirt is good” thu hút rất nhiều sự quan tâm từ lúc mới ra mắt và thay đổi cách nhìn của các bà mẹ châu Á. 


OMO hướng đến việc cho trẻ em có thể thoải mái sáng tạo, tham gia các hoạt động có thể lấm bẩn, nhưng bù lại đứa trẻ sẽ biết quan sát, thấu cảm và phát triển trí não. OMO xuất hiện như người hỗ trợ bà mẹ giặt sạch quần áo, không sợ con bị bẩn. Các quảng cáo sau đó cũng dựa vào nền tảng thương hiệu truyền thông “Dirt is good” để sáng tạo nhiều hoạt động nhân văn cho trẻ em. 


Còn đối với quảng cáo của Điện máy XANH và bột giặt ABA, hai thương hiệu này đã đạt thành công nhất định trong việc định vị thương hiệu và giúp tăng nhận diện với người tiêu dùng. 


Quảng cáo của Điện máy XANH hướng đến việc định vị thương hiệu


Tăng nhận diện đối với khách hàng là mục tiêu các quang cáo của bột giặt ABA


Tóm lại, hãy biết xác định mục tiêu của quảng cáo và chọn lọc những điều hay về ý tưởng, concept, thông điệp, hình thức quảng cáo,.... Vì quảng cáo là không giới hạn nên các marketer chỉ cần biết kết hợp những yếu tố sáng tạo một cách đúng đắn thì sản phẩm và chiến dịch sẽ tiếp cận đến khách hàng.


Tạm kết 

 

Thông qua bài viết được đúc kết trên những chia sẻ của anh Leo Phan, hy vọng rằng Graphic Designer, Art Director và những bạn làm trong ngành quảng cáo sẽ hiểu rõ các khái niệm cũng như có thêm những định hướng, tư duy cần thiết để thành công.

 

Các bạn có thể chờ đón thêm nhiều buổi chia sẻ thú vị về ngành quảng cáo bằng cách bấm theo dõi anh Leo Phan trên ứng dụng OnMic.

 

Tải app bằng QR Code

 

 

Tải ứng dụng OnMic tại https://www.getonmic.com để nghe nhiều kiến thức thú vị đến từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau hàng tuần.


Linh Hà | Advertising Vietnam