Ra mắt công chúng vào năm 2012, Duolingo đã sớm trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Ứng dụng học ngôn ngữ trực tuyến này cung cấp các khóa học với hơn 30 ngôn ngữ, gồm tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Trung, Nhật, Hàn,... 


Sau hơn một thập kỷ phát triển, “đế chế” học ngoại ngữ này đã thu hút hơn 500 triệu người dùng. Ngoài ra, chú cú xanh của Duolingo cũng trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng, giúp người dùng toàn cầu dễ dàng nhận biết ứng dụng ở mọi nơi. Trước khi đạt được những thành tựu như hiện nay, ít ai biết rằng Duolingo từng thua lỗ hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn đầu ra mắt. Chỉ trong vòng một thập kỷ, nền tảng này đã làm thế nào để trở nên nổi tiếng, có hàng trăm triệu lượt tải về và nhiều chiến dịch quảng cáo vang dội như hiện nay? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau!


Hành trình tạo nên Duolingo của “thiên tài” Luis Von Ahn


Kể từ khi mới 12 tuổi, ông Luis Von Ahn - nhà sáng lập Duolingo sau này đã thể hiện khả năng sáng tạo của mình bằng cách ao ước được mở một phòng tập gym miễn phí bằng cách tạo ra những chiếc máy có thể tạo ra năng lượng điện. Thế nhưng ông nhận thấy rằng ước mơ có một “nhà máy sản xuất” điện của riêng mình và sử dụng nguồn năng lượng đó để... bán cho các nhà máy điện quá viển vông nên đã sớm từ bỏ.


Song ý tưởng điên rồ thời thơ ấu không thể ngăn cản Luis Von Ahn mơ tưởng đến những ý tưởng táo bạo khác. Trò chơi giải trí The ESP được ông ra mắt vào năm 2005 đã thu hút hơn 13 nghìn lượt chơi chỉ trong vòng 4 tháng. Sự thành công này đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của cả Sergey Brin và Larry Page - hai nhà sáng lập nên Google. Chỉ vài tháng sau đó, Google đã mua lại trò chơi này và phát triển nó thành công cụ Google Image Labeler.


Giao diện của công cụ Google Image Labeler


Nếu thường xuyên sử dụng các dịch vụ trên Internet, nhất là của Google, có lẽ người dùng đã không còn xa lạ với mã CAPTCHA. Trong những năm đầu tiên trong quá trình nghiên cứu học và bảo vệ luận án Tiến sĩ của mình, Von Ahn đã giúp vị Giáo sư cố vấn của ông - Manuel Blum phát triển một công cụ xác minh danh tính số. Ngày nay, những đoạn CAPTCHA này được dùng để chống lại các truy cập ảo từ máy móc, các spam bot,...


Với mong muốn “kết hợp công nghệ và những điều thú vị để khai thác những khoảng thời gian và sự tập trung ngắn hạn của mọi người trong xã hội”, ông Von Ahn tiếp tục bắt tay vào xây dựng sản phẩm thứ 3 - Duolingo. Nhà sáng lập hiểu rằng để học một ngôn ngữ mới, người dùng sẽ phải chi tiền mời gia sư, mua sách vở, đăng ký các khóa học đắt đỏ, nhưng không hẳn ai cũng đủ điều kiện để đầu tư như thế. Vì thế, Duolingo ra đời với mục tiêu hỗ trợ tất cả mọi người học tập ngôn ngữ mới, đồng thời vừa học vừa vui chơi, giải trí.


Các logo của Duolingo qua từng giai đoạn


Dù là một ứng dụng được đông đảo người dùng yêu thích và sử dụng, song Duolingo lại là startup thua lỗ suốt một thập kỷ. Điều này xảy đến là vì Luis Von Ahn không tạo nên các gói đăng ký (subscription) bởi mong muốn tất cả mọi người đều được sử dụng ứng dụng để học hỏi những ngôn ngữ mới. Duolingo nổi lên như một ứng dụng với “không quảng cáo, không phí ẩn, không đăng ký, chỉ miễn phí”. Khi ấy, startup này sở hữu hàng triệu người dùng nhưng không hề có doanh thu. 


Mãi đến năm 2017, khi Duolingo ra mắt phiên bản đăng ký, doanh thu của công ty mới bắt đầu tăng lên, đạt 70 triệu USD vào năm 2019. Đến năm 2020, con số này tăng gấp đôi khi hàng triệu người dùng bất ngờ phát hiện ra một cách hiệu quả để giết thời gian trong đại dịch.


Theo Business of Apps, hiện nay Duolingo đang có hơn 500 triệu người dùng đăng ký sử dụng, 37 triệu người đang hoạt động mỗi tháng một lần. Ứng dụng này đã thu hút cả những nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Khloe Kardashian và Jack Dorsey đến những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà sáng lập Von Ahn chia sẻ: “Khoảnh khắc tôi cảm thấy tự hào nhất là khi tôi nhận ra, ‘chà, người đàn ông giàu nhất thế giới đang sử dụng cùng một hệ thống như những tầng lớp khác trong xã hội’. Điều này có ý nghĩa rất lớn với tôi.”


Điều gì tạo nên thành công của Duolingo?


1. Mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dùng qua hình thức gamification


Hiểu rằng việc học một ngôn ngữ sẽ rất khó khăn và nhàm chán, đội ngũ thiết kế đã kết hợp nhiều yếu tố giải trí trong ứng dụng. Đầu tiên, khi ứng dụng đang tải lên, người dùng sẽ nhìn thấy những lời động viên như "Chỉ cần dành 15 phút trên Duolingo mỗi ngày, bạn sẽ đọc được 100 từ vựng Tây Ban Nha trong một tháng đấy", "Từ mới bắt đầu đến người muốn học nâng cao, Duolingo có chương trình học cho tất cả mọi người",... Tưởng chừng đơn giản nhưng những thông điệp này giúp người dùng có động lực học tập, đồng thời gắn bó lâu dài với ứng dụng. 


Ứng dụng hiển thị những lời động viên đơn giản


Bên cạnh đó, các bài học được thiết kế đơn giản với các khái niệm từ vựng và ngữ pháp cơ bản, và dần dần trở nên khó hơn khi người dùng tiến bộ. Cách tiếp cận này được thiết kế nhằm giúp người dùng chậm rãi phát triển các kỹ năng của họ mà không cảm thấy choáng ngợp. Khi chuyển sang một bài học mới, người dùng có thể thấy rõ sự tiến bộ của bản thân. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy có động lực, tiếp thu nhiều kiến thức hay mà còn mang lại cảm giác mỹ mãn sau khi trải qua nhiều bài học.


Các bài học được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, tuỳ thuộc vào khả năng của người dùng


Nếu người dùng chăm chỉ học tập liên tục trên ứng dụng, họ sẽ nhận được “streak”. Sau đó, người dùng được khuyến khích hoàn thành một bài học mỗi ngày để duy trì thành tích của họ. Chiến lược tâm lý này đã giúp Duolingo giữ chân hàng triệu người dùng muốn duy trì thành tích lâu dài trên nền tảng. 


Nhìn chung, Duolingo đã ứng dụng mô hình 8 động lực Octalysis của Chuyên gia Game hoá Yu - Kai Chou để tạo động lực cho người chơi. Mô hình này được xây dựng dựa trên các yếu tố động lực của con người, giúp Duolingo ứng dụng Gamification một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, 8 động lực đó bao gồm: Mục đích & Nghĩa vụ cao cả; Phát triển & Thành tựu; Khuyến khích sáng tạo & Phản hồi; Chủ quyền & sở hữu; Ảnh hưởng xã Hội & Khả năng liên hệ; Độ hiếm & Cảm giác nôn nóng, cuối cùng là Tính khó lường & Cảm giác tò mò.


Duolingo đã ứng dụng 2 trong 8 động lực của Yu-kai Chou:

  • Động lực phát triển và thành tựu: Thiết kế ứng dụng của Duolingo giúp người dùng cảm thấy mình đang “lên level”, học hỏi được thêm kỹ năng và đạt được những thành tích nhất định trong quá trình sử dụng. Thành tích chính là động lực cốt lõi để khích lệ sự phát triển hay vượt qua thử thách của người chơi. Duolingo đã áp dụng yếu tố này bằng các tính năng tích điểm và thăng cấp trong quá trình học của người dùng, thúc đẩy việc học tập chăm chỉ và thường xuyên hơn trên nền tảng Duolingo.
  • Mục đích và nghĩa vụ cao cả: Động lực này khiến người tham gia cần phải làm điều gì đó mang tính lý tưởng và có ý nghĩa. Để tạo động lực này, nền tảng đã lồng ghép tính năng nhiệm vụ vào ứng dụng. Mỗi ngày người chơi phải hoàn thành một vài nhiệm vụ bất kỳ để duy trì thành tích học tập trên Duolingo.


Người dùng mong muốn được duy trì “streak” trên nền tảng


2. “Linh vật” cú xanh biểu tượng và những chiến dịch Marketing thú vị


Bên cạnh giao diện ứng dụng đẹp mắt và tối giản, nhắc đến Duolingo thì không thể không đề cập đến chú cú xanh biểu tượng. “Linh vật” của ứng dụng gây ấn tượng với hai trạng thái cảm xúc: lúc hiền hoà, thân thiện, khi tựa “cô giáo chủ nhiệm” bắt học sinh học bài. Nếu chỉ xem hình ảnh trên giao diện ứng dụng, ắt hẳn chú cú xanh sẽ được yêu thích vì luôn đồng hành cùng người dùng trên hành trình học tập.


Song phần lớn người dùng lại có “ác cảm” với chú cú này bởi tính cách thúc giục và gây ám ảnh. Để giữ chân người dùng sử dụng ứng dụng, Duolingo thường xuyên gửi những thông báo nhắc nhở, đơn cử như “Đã đến giờ học tiếng Nhật rồi”, “Bạn phải mau học đi thôi” hay thậm chí là giận dỗi “Những lời nhắc này dường như chẳng có tác dụng gì. Chúng tôi sẽ ngừng gửi chúng ngay bây giờ”


Một số thông báo từ Duolingo


Không chỉ mang đến những thông báo “nhẹ nhàng” như thế, Duolingo còn “chơi lớn” chiếu hẳn lời nhắc nhở lên các tòa nhà vì sợ người dùng phớt lờ thông báo trên điện thoại. Vào ngày 10/6/2021, Duolingo đã trình chiếu các thông báo nhắc nhở từ 10 đến 15 mét vuông trên các tòa nhà tại thành phố São Paulo (Brazil). 


Sau khi tiến hành đặt câu hỏi trên mạng xã hội, Duolingo đã chọn ra một số người dùng có thành tích “cúp học” nổi trội để thiết kế các thông báo dựa trên kế hoạch học tập của họ. Với sự giúp đỡ của máy bay điều khiển Drone, Duolingo đã trình chiếu lời nhắc ngoài cửa sổ ban công của người được chọn, phối hợp với người thân và bạn bè để đảm bảo người dùng chú ý đến thông báo dành cho mình. Từ đó, công ty đã “buộc” người dùng quay lại với việc học tập ngoại ngữ của mình.



Dù đã nỗ lực nhắc nhở nhưng đôi khi, Duolingo vẫn không thể thuyết phục họ tiếp tục học. Dỗi hờn vì không thể giữ chân người dùng, nhiều lần chú cú xanh đã đến thế giới thực để trực tiếp truyền đạt lời nhắc nhở. Vào ngày Cá tháng Tư năm 2019, Duolingo đã tung ra một video hài hước nhằm giới thiệu tính năng mới Duolingo Push. Với thời lượng hơn 2 phút, đoạn video đã thể hiện hình ảnh chú cú xanh theo sát người dùng, dù đó là một cuộc họp, tập gym hay hẹn hò. Nhân vật này luôn nhìn chằm chằm vào người dùng, buộc họ phải mở điện thoại lên và bắt đầu học ngay lập tức. Qua đó, video đã làm nổi bật mục tiêu “khuyến khích người dùng học tập” vốn làm nên thương hiệu của hãng. 



Nỗ lực tiếp theo của công ty chính là “xâm chiếm” cả thế giới ảo nơi người dùng thường “cúp học” để giải trí. Cụ thể, Duolingo đã hợp tác với công ty tiếp thị kỹ thuật số MediaMonks thực hiện một chương trình nơi các nhà lập trình, phát triển trò chơi có thể gửi ý tưởng trò chơi liên quan đến chú cú xanh về Duolingo. Công ty sẽ tiến hành xem xét và chọn lọc các sáng kiến thú vị và đưa chúng vào thế giới ảo metaverse. Qua đó, Duolingo cũng trở thành nền tảng học ngôn ngữ đầu tiên có mặt trên vũ trụ ảo Roblox.


Chú cú xanh xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thiết bị điện tử, đời thật đến cả thế giới ảo


Tháng 8/2022, Duolingo lần đầu tiên đến Việt Nam. Đặt chân đến thị trường này đúng vào dịp Tết Trung thu, công ty đã hợp tác với tiệm bánh theo phong cách Pháp - Bakes để mang đến những bài học thú vị cho người dân TP.HCM. Trong hoạt động chính thức đầu tiên tại Việt Nam, linh vật cú xanh đã lái xe quanh thành phố và dừng tại các địa điểm công cộng nơi đông người tụ họp như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cầu Ánh Sao và Phố Đèn lồng. Tại đây, cú xanh sẽ thử thách trình độ ngoại ngữ của người dùng bằng cách đưa ra đề bài “nói từ ‘bánh Trung thu’ bằng một trong bốn ngoại ngữ hàng đầu mà người Việt thường học trên ứng dụng bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật”. Nếu vượt qua thử thách, người dùng sẽ nhận được một chiếc bánh Trung thu miễn phí.


Chú cú xanh đáng yêu tại Phố Đèn lồng (TP.HCM)


Kim Ngọc