Chính thức ra mắt vào năm 2013, đến nay chỉ mới tồn tại tròn một thập kỷ, nhưng Canva đã trở thành cái tên khuynh đảo giới thiết kế với 135 triệu người dùng mỗi tháng. Không chỉ thiết kế hình ảnh, ứng dụng này còn hỗ trợ người dùng làm powerpoint, chỉnh sửa video, cung cấp thư viện đồ hoạ và phông chữ đồ sộ,... Với thao tác “kéo - thả” đơn giản và các tính năng “dễ học, dễ dùng”, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng Canva để sáng tạo.


Song trước khi trở thành một “đế chế” trị giá 40 tỷ USD, Tổng Giám đốc Điều hành của Canva đã phải đón nhận hơn 100 lời từ chối hợp tác vì cho rằng cô không có bằng cấp từ các trường Đại học danh giá, cũng như là một trong số ít phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ. Vậy làm thế nào để Canva có thể “lội ngược dòng” để trở thành một trong những công cụ thiết kế phổ biến như hiện nay? 


Hơn 100 lần kêu gọi đầu tư nhưng không nhận được gì ngoài lời từ chối


Vào năm 2006, Melanie Perkins (sinh năm 1987 - Tổng Giám đốc Điều hành của Canva hiện tại) chỉ mới 19 tuổi. Trong quá trình kiếm thu nhập bằng cách dạy các sinh viên thiết kế tại trường Đại học Tây Úc (The University of Western Australia), Perkins nhận ra rằng nhiều sinh viên thấy các nền tảng của Microsoft và Adobe quá khó để sử dụng. Cô chia sẻ với CNBC: “Mọi người thường phải dành cả một học kỳ để tìm hiểu xem các chức năng và công cụ thiết kế nằm ở đâu. Do đó, tôi nghĩ rằng các ứng dụng trực tuyến và cho phép người dùng cùng thiết kế với nhau sẽ đơn giản hơn nhiều.”


Đó là ý tưởng sơ khai hình thành nên ứng dụng Canva. Từ mong muốn đó, Perkins và Cliff Obrecht (bạn trai của cô) đã cùng bắt tay vào thực hiện nền tảng thiết kế trực tuyến. Với nguồn lực và quy mô nhỏ, họ đã biến phòng khách ở nhà thành văn phòng làm việc. 


Nền tảng thiết kế trực tuyến hàng đầu hiện nay khởi sinh từ ý tưởng của Melanie Perkins và Cliff Obrecht


Họ thành lập một doanh nghiệp chuyên thiết kế kỷ yếu tên là Fusion Yearbooks vào năm 2008. Trang web này tạo điều kiện cho các sinh viên cùng nhau thiết kế cuốn kỷ yếu đầu tiên. Sau đó, họ in và gửi chúng đến các trường học trên khắp đất Úc. Phần mềm được phát hành miễn phí và các trường chỉ cần trả tiền cho việc in ấn. Trong năm đầu tiên, có 16 trường học đăng ký sử dụng phần mềm của Perkins. Tuy nhiên, những điều này không đủ để đáp ứng tham vọng của hai nhà sáng lập. Họ muốn mở rộng kinh doanh và nhiều người biết đến ứng dụng hơn nữa.


Để làm được điều này, cô Perkins đã liên tục kêu gọi đầu tư nhưng bà không nhận lại được gì ngoài lời từ chối của hơn 100 nhà đầu tư với những lý do như “nhà sáng lập không có bằng cấp từ Đại học Harvard, Stanford hay MIT” hay ý tưởng không có gì đặc biệt. Đến năm 2010, cô Perkins tham dự một hội nghị tại Thung lũng Silicon và có cơ hội gặp gỡ nhà đầu tư Bill Tai - người đã hỗ trợ TweetDeck và Zoom. Sau khi nghe bà trình bày ý tưởng và mục tiêu, Bill Tai đã nhanh chóng giới thiệu Perkins với vài người khác, trong đó có ông Lars Rasmussen - Nhà đồng sáng lập Google Maps. Sau đó, Rasmussen đã trở thành nhà cố vấn đầu tiên của Canva. Đồng thời, Bill Tai cũng đồng ý đầu tư 25 nghìn USD và giúp nhóm huy động thêm vốn để xây dựng ứng dụng này.


Đội ngũ sáng lập nên Canva


Thành công chinh phục hàng triệu người dùng khắp thế giới và trở thành "đế chế" sau 10 năm


Trải qua nhiều khó khăn, cô Perkins đã thành công ra mắt ứng dụng Canva vào tháng 8/2013. Lúc này, Canva chỉ nhận được một vài đánh giá trên các trang blog công nghệ từ người dùng. Thế nhưng theo Forbes, nền tảng này đã ra mắt vào thời điểm “hoàn hảo”. 


Lúc ấy, mạng xã hội phát triển mạnh với hơn 70 triệu doanh nghiệp trên Facebook, 25 triệu hồ sơ doanh nghiệp trên Instagram và 18 triệu trang công ty trên LinkedIn. Sự trỗi dậy của các nền tảng mạng xã hội đã thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Nhằm tương tác và thu hút người dùng, họ buộc phải sử dụng các hình ảnh và đồ họa bắt mắt. Thế nhưng hầu hết các Social Media Manager - những người chịu trách nhiệm về các nội dung trên mạng xã hội cho doanh nghiệp lại không phải là “dân chuyên” đồ hoạ. Vì thế, họ cần một nền tảng đơn giản, dễ dùng. Với nền tảng miễn phí, dễ sử dụng cho bất kỳ ai cần thiết kế hình ảnh/video, Canva đã thay đổi “cuộc chơi” dành cho doanh nghiệp và những người không chuyên.


Các tính năng trên Canva đơn giản, ai cũng có thể sử dụng được


Từ số lượng đăng ký nhỏ giọt ban đầu, Canva đã tăng lên 50.000 người dùng trong tháng đầu tiên. Đến năm 2014, khi ứng dụng huy động được thêm 3 triệu USD từ Quỹ sáng lập của Thiel và Shasta Ventures, 600.000 người dùng đã tạo ra 3,5 triệu thiết kế trên nền tảng. Gần 10 năm sau, cụ thể là ngày 15/02 vừa qua, Canva đã đăng tải bài viết chúc mừng cột mốc 15 tỷ thiết kế đã được tạo ra trên ứng dụng tại 190 quốc gia. Quy mô của công ty cũng ngày càng mở rộng với hơn 2.000 nhân sự.


Thế nhưng giữa vô vàn ứng dụng thiết kế ngoài kia, lý do nào khiến Canva trở nên phổ biến đến thế?


1. Đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp người dùng khác nhau


Mô hình kinh doanh của Canva nhắm đến hai loại người dùng. Thứ nhất là những người dùng thông thường muốn thiết kế thiệp mời sinh nhật hay các bài đăng trên mạng xã hội. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng xử lý ảnh đồ họa chuyên nghiệp như Adobe Photoshop hay Illustrator đều đòi hỏi người dùng phải có kiến thức về đồ họa, màu sắc, bố cục, tỷ lệ, thành thạo thao tác hiệu chỉnh,… Những yếu tố này đòi hỏi người dùng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, mày mò để tạo ra một tác phẩm ưng ý. Nhưng với Canva, thao tác thiết kế đơn giản hơn nhiều.


Với tệp người dùng này, họ có thể sử dụng những tính năng, đồ hoạ, phông chữ và mẫu thiết kế có sẵn trên Canva mà không cần mất phí. Người dùng chỉ cần một máy tính hay điện thoại có kết nối Internet là có thể thiết kế gần như mọi thứ từ ảnh cho blog, ảnh quảng cáo Facebook, bài thuyết trình, logo, tờ rơi, Infographic.… Ngoài ra, họ cũng có thể cài phần mềm Canva trên máy tính để dễ sử dụng hơn. 



Thứ hai là những người cần phải chỉnh sửa hình ảnh để đáp ứng nhu cầu công việc hàng ngày nhưng lại không chuyên về thiết kế, đơn cử như các nhà tiếp thị, người viết blog và nhà thiết kế đồ họa mới bắt đầu. Lúc này, họ có thể đăng ký tài khoản Canva Pro. Ứng dụng sẽ cung cấp nhiều tài nguyên thiết kế phong phú hơn bao gồm video, hình ảnh, icon, hình minh họa, hình nền, font chữ,… 


Hiện nay, hơn 85% trong số 500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ đang sử dụng Canva cho một số hoạt động của mình và vẫn còn tiềm năng để mở rộng và phát triển ra quy mô lớn hơn. Một số khách hàng doanh nghiệp tiêu biểu của Canva hiện nay là: American Airlines, Kimberly-Clark, McKinsey và Salesforce. Cuối năm 2021, Canva đã huy động được 200 triệu USD, giúp công ty này đạt định giá lên đến 40 tỷ USD.


Bên cạnh đó, Canva còn áp dụng mô hình “Freemium” - sự kết hợp giữa “free” (miễn phí) và “premium” (cao cấp), cho phép người dùng sử dụng miễn phí một sản phẩm hay tính năng. Bên cạnh tính năng dành riêng cho những người dùng Canva Pro, nền tảng này vẫn đảm bảo cung cấp cho người dùng miễn phí những tính năng hữu ích và giúp cho quá trình thiết kế của họ trở nên dễ dàng hơn.


Nhiều hình minh hoạ hoặc hình ảnh, âm thanh chỉ dành cho những người dùng đăng ký Canva Pro


2. Chứng minh giá trị của công cụ chỉnh ảnh, trao quyền cho người dùng tự do sáng tạo


Vào năm 2020, khi người dùng truy cập vào trang web của Canva, nội dung đầu tiên mà họ thấy ở trang chủ là dòng chữ “Canva, your secret weapon for stunning design” (tạm dịch: Canva là vũ khí bí mật để thực hiện những thiết kế đẹp mắt). Tuyên bố ngắn gọn, đơn giản của ứng dụng đã biến sản phẩm của họ thành những “anh hùng”. Qua đó, ứng dụng nhắn nhủ rằng người dùng có thể sử dụng Canva để thiết kế hình ảnh


Thông điệp trực quan của Canva hiển thị trên trang chủ


Theo nguyên tắc “Vòng tròn vàng” (Golden Circle) của tác giả Simon Sinek, ông cho rằng những doanh nghiệp thành công đều tiếp cận khách hàng dưới ba cấp độ của vòng tròn này bao gồm Why (tại sao?), How (thế nào?) và What (cái gì?). Theo đó, Canva đã chứng minh giá trị của công cụ thiết kế với ba yếu tố sau:

  • Tại sao — Trao quyền cho người dùng tự do sáng tạo những thiết kế của riêng họ.
  • Làm thế nào - Các tính năng “kéo - thả” đơn giản giúp người dùng thiết kế mọi thứ trong vài phút.
  • Cái gì — Người dùng có thể dễ dàng thiết kế và biến ý tưởng thành hiện thực khi sử dụng Canva.

Nguyên tắc “Vòng tròn vàng” (Golden Circle) của tác giả Simon Sinek


Canva xuất phát với mô hình thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng trên nền tảng web giúp người dùng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thiết kế các sản phẩm kỹ thuật số như menu, hình ảnh mạng xã hội một cách nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, Canva đã phát triển thêm ứng dụng di động, đồng thời mở rộng thêm khả năng cộng tác thiết kế theo thời gian thực (realtime). Theo đó, nhiều người dùng có thể cùng lúc truy cập và sửa trực tiếp một mục thiết kế.


Đơn cử như khi 3 đến 5 người đăng nhập và sử dụng cùng một tài khoản của công ty, cả team có thể xem, nhận xét hoặc chỉnh sửa một cách trực tiếp, đảm bảo thiết kế được hoàn chỉnh trước khi tải về. Các tính năng theo thời gian thực giúp Canva trở nên phổ biến hơn trong các doanh nghiệp, đặc biệt là kể từ sau thời kỳ đại dịch khi mọi người có xu hướng làm việc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại văn phòng. 


Người dùng có thể sử dụng Canva để cùng nhau thiết kế


3. Tiếp cận hàng triệu người dùng nhờ tích cực SEO trên Google


Theo UberSuggest, những từ khoá mà Canva “chiếm lĩnh” trên các công cụ tìm kiếm thường là “Color Wheel”, “Brochure” và “gift certificate templates”. Theo đó, mỗi khi người dùng tìm kiếm những từ khóa này, trang web của Canva sẽ hiển thị đầu tiên trên Google Search. Ngoài ra, kết quả tìm kiếm của những từ khoá có bao gồm “design” hay “online” cũng sẽ hiển thị kết quả của ứng dụng.


Canva nhắm mục tiêu đến những từ khoá tập trung vào giải pháp, nghĩa là ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng những giải pháp cụ thể mà họ đang tìm kiếm, đơn cử như “design twitter ads online” (thiết kế quảng cáo Twitter trực tuyến). Chiến lược SEO của Canva không những có thể thu hút khách hàng trực tuyến, mà còn có CPC (Cost Per Click - chi phí mỗi lần nhấp chuột vào quảng cáo) thấp nhưng vẫn xếp hạng cao trên Google Search, giúp nền tảng này tiếp cận với người dùng dễ dàng hơn.




4. Tận dụng mạng xã hội để truyền thông


Trong thời đại mà việc giao tiếp với khách hàng được thực hiện trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, chiến lược truyền thông xã hội sẽ giúp thương hiệu phát triển và mở rộng. Đội ngũ của Canva đã khéo léo nhận biết điều này và tận dụng các mạng xã hội khác nhau để quảng bá ứng dụng.


Giá trị mà Canva mang lại cho người dùng là sự dễ dàng thiết kế mọi thứ mà không cần cập nhật kiến thức hay được đào tạo trước đó. Từ đó, công ty đã truyền thông thông điệp cốt lõi này trong tất cả các bài đăng trên mạng xã hội của mình, đặc biệt là trong các quảng cáo trên Facebook.


Một bài đăng hướng dẫn người dùng sáng tạo ý tưởng trên Canva


Canva cũng thường xuyên đăng tải các tutorial trên tài khoản YouTube chính thức


Trên nền tảng Instagram, công ty đã thành thạo sử dụng User-Generated Content (UGC - nội dung do người dùng tạo) nhằm khuyến khích mọi người chia sẻ thiết kế của họ với hashtag #canvalove. Khi nhấn vào từ khoá này, mọi người sẽ dễ dàng nhìn thấy những bài đăng của cộng đồng những người thích sáng tạo và thiết kế. Canva sẽ lựa chọn một số bài đăng của người dùng để đăng tải lại hình ảnh của họ, từ đó khuyến khích những người khác sử dụng nền tảng này để có cơ hội được xuất hiện trên tài khoản Instagram chính thức của Canva. 


Thể hiện các cam kết có ý nghĩa với xã hội


Không chỉ hỗ trợ người dùng sáng tạo, sau khi đã đạt được những thành công nhất định, đội ngũ sáng lập nên Canva đã dành thời gian thực hiện nhiều hoạt động có ích cho xã hội. Cụ thể, công ty đã ra mắt chương trình “Canva for Nonprofits” nhằm cung cấp tài khoản thiết kế miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần giúp các tổ chức dễ dàng thực hiện các chiến dịch marketing hơn.  


Chương trình cung cấp tài khoản Canva miễn phí cho các tổ chức phi lợi nhuận


Hơn nữa, Melanie Perkins và Cliff Obrecht đã cam kết trao 30% cổ phần trị giá 12 tỷ USD cho một quỹ từ thiện đang tìm cách xóa bỏ tình trạng nghèo đói trên thế giới vào năm 2021. Cô Perkins chia sẻ trong một cuộc họp báo: “Điều này có vẻ ngây thơ nhưng tôi tin rằng chỉ cần đủ tiền và thiện chí, chúng ta có thể giải quyết hầu hết các vấn đề trên thế giới.” Theo đó, hai vợ chồng nhà sáng lập sẽ bắt đầu thu thập thông tin và nhanh chóng mở rộng chương trình để có thể hỗ trợ tất cả người nghèo trên thế giới. Có thể thấy, đội ngũ của Canva đã nỗ lực thực hiện các trách nhiệm xã hội để không ngừng tạo ra giá trị và đóng góp cho cộng đồng. 


Đến năm 2022, cô Perkins đã cam kết loại bỏ sự thiên vị về giới trong các quyết định tuyển dụng tại công ty. Động thái này cho thấy những trách nhiệm lớn hơn của Canva trong việc tạo ra giá trị, đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng trong đội ngũ nhân sự của công ty trên toàn cầu, những nhân sự nữ chỉ kiếm được 68% so với những gì nam giới làm cho cùng một công việc. Điều này có nghĩa là phụ nữ phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để có được mức lương như nhau. Do đó, Canva và nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã tham gia chương trình #BreakTheBias (tạm dịch: Phá bỏ định kiến) để đấu tranh cho một thế giới không có phân biệt đối xử và bất bình đẳng. 


Kim Ngọc