Trong thời đại ai ai cũng phải “multitask” - làm việc đa nhiệm, việc quản lý thời gian và sắp xếp những đầu việc là yếu tố vô cùng quan trọng để người dùng có thể quán xuyết hết cả công việc và đời sống cá nhân. Giữa vô vàn ứng dụng ghi chú thông tin trên các cửa hàng ứng dụng, Notion nổi lên như một hiện tượng trên TikTok vào đầu năm 2021. Đến cuối năm 2022, nền tảng này thu hút hơn 20 triệu người dùng, đạt giá trị ước tính khoảng 10 tỷ USD.


Thế nhưng trước khi trở thành nền tảng phổ biến như hiện nay, có lẽ ít ai biết rằng Notion từng trải qua 2 lần suýt phá sản bởi… không ai muốn sử dụng nền tảng. Thậm chí, Founder của Notion còn từng phải sa thải toàn bộ nhân viên và vay tiền của mẹ để lập nghiệp. Vậy, làm thế nào mà nền tảng có thể vươn lên thành một “đế chế” như hiện nay?


Từ nền tảng “không ai muốn dùng”....


Ivan Zhao - một trong hai nhà sáng lập Notion sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên tại Canada. Kể từ khi còn nhỏ, ông đã có niềm đam mê to lớn với việc mã hoá và lập trình. Vào năm 2013, khi Ivan là sinh viên Đại học, ông đã học viết code trong thời gian rảnh và nhận ra đây là một “vũ khí” vô cùng lợi hại. Khi ấy, nhiều người bạn của ông không biết viết code, vì thế ông đã giúp họ đăng tải các tác phẩm lên Internet. 


Ivan Zhao - một trong hai nhà sáng lập Notion


Từ việc giúp đỡ bạn bè, ông Ivan nhận thấy mình có thể tận dụng khả năng viết code thành công việc kinh doanh, đặc biệt là khi các trang blog như Wordpress và mạng xã hội bắt đầu trở nên thịnh hành vào thời điểm đó. Sau đó, ông gặp một sinh viên khác tên Simon Last - người tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Maryland và từng là Kỹ sư Phần mềm tại Viện Khoa học Nebula Inc. Cả hai đã nhanh chóng trở thành bạn thân và cùng nỗ lực theo đuổi ước mơ thành lập Notion. 


Trong hai năm tiếp theo, ông Ivan và Simon đã làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng nền tảng của riêng mình cùng với sự hỗ trợ của bốn nhân viên khác. Tuy nhiên, thời điểm đó không quá lý tưởng để các công ty khởi nghiệp. Nền tảng xuất hiện quá nhiều lỗi, khiến nó liên tục bị sập, gây trở ngại trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, cũng không có nhiều người dùng tin tưởng hai nhà sáng lập trẻ. Không ai sử dụng, không sinh ra lợi nhuận, số vốn khởi nghiệp của họ cũng dần cạn kiệt. Việc sinh sống và làm việc tại San Francisco trở nên quá đắt đỏ với “công ty 6 thành viên”.


Trước khi trở nên phổ biến như hiện nay, không có nhiều người muốn dùng Notion


Không thể trụ vững, cả hai nhà sáng lập đành phải sa thải toàn bộ nhân viên và chuyển đến khu vực có chi phí sống rẻ hơn bất kỳ khu vực nào trên toàn thế giới - Kyoto (Nhật Bản). Tại đây, họ càng nỗ lực làm việc hơn, dành hơn 18 tiếng/ngày để làm việc trong bộ đồ ngủ. Thế nhưng để gồng gánh chi phí, ông Ivan đã phải… vay hơn 150 nghìn USD từ mẹ mình. Có nhiều người cho rằng, nếu gia đình của ông không khá giả như thế, có lẽ Notion đã “chết từ trong trứng nước”.


… đến Notion được định giá 10 tỷ USD


May mắn thay, sau bao nỗ lực, cuối cùng cả hai đã ra mắt đứa con tinh thần là Notion 1.0 trên web và Mac vào năm 2016. Với bản thiết kế đơn giản, phù hợp cho nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, người dùng có thể ghi chú, quản lý tài liệu, sắp xếp các đầu việc trong ngày một cách chi tiết. Các nhà sáng lập muốn ứng dụng trở nên thú vị như khi chơi LEGO, vì thế họ “đặt tên” cho mỗi hàng, mỗi mục trong ghi chú của người dùng là một “khối” (block). Dù người dùng không am hiểu về công nghệ hay lập trình, họ vẫn có thể tuỳ ý chỉnh sửa, sắp xếp các thông tin một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, Notion cũng không đánh vào một tệp khách hàng cụ thể nào. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng Notion, từ sinh viên, nhà sáng tạo, quản lý hay thậm chí là Giám đốc Điều hành của một công ty.


Người dùng Notion có thể tuỳ ý chỉnh sửa, sắp xếp các thông tin


Khi ấy, với đội ngũ nhân sự chỉ gồm hai người, Ivan và Simon đã áp dụng tư duy thiết kế để có thể xây dựng Notion lại từ đầu. Ông Ivan chia sẻ: “Tôi lập trình thì Simon sẽ thiết kế. Ngược lại, nếu tôi thiết kế thì anh ấy sẽ lập trình. Chúng tôi luân phiên nhau làm việc và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung.” Với tư duy giữ mọi thứ tinh gọn và nhanh nhẹn, Ivan đã dần tạo nên một công ty nơi mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt. Mỗi nhân sự tham gia công ty sau này đều phải am hiểu thiết kế, xây dựng UX và viết code. 


Sau khi thành công với phiên bản trên web và Mac, Ivan và Simon tiếp tục mở rộng Notion dưới dạng ứng dụng trên Windows và iOS. Tuy nhiên, họ lại không lường trước được sự tăng trưởng mạnh mẽ đến thế trong tương lai.


Ứng dụng Notion trên hệ điều hành Microsoft


Một năm sau khi ra mắt Notion 1.0 (tức năm 2017), hai nhà sáng lập nhận ra rằng tính năng được yêu thích nhất trong ứng dụng là cơ sở dữ liệu. Người dùng có thể viết ra “tất tần tật” đầu việc cần làm, phân loại chúng theo nhiều cách khác nhau và tự do sắp xếp chúng như một trang tính Excel, biến điều này trở thành thế mạnh của Notion. 


Vì thế, đội ngũ phát triển đã hiển thị các ghi chú theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chế độ xem danh sách, bảng kandan và nhiều chức năng nâng cao khác. Đến tận ngày nay, chưa có một ứng dụng nào có cơ sở dữ liệu đầy đủ và có nhiều tính năng sắp xếp thông tin như Notion. 


Đến tháng 3/2018, ông Ivan và Simon ra mắt Notion 2.0. Nhờ tiếng vang từ bản phát hành đầu tiên, phiên bản mới nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng. Tờ Wall Street Journal đánh giá đây là ứng dụng duy nhất giúp người dùng đạt năng suất trong cả công việc và cuộc sống. Tiềm năng của Notion đã khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào công ty nhỏ này, tuy nhiên ông Ivan cho rằng quá nhiều nguồn vốn có thể “giết chết” công ty nhỏ của mình. Thay vì gọi vốn, ông tập trung vào việc cải thiện tính năng của Notion nhằm biến nền tảng trở thành không gian làm việc hàng đầu.


Tờ Wall Street Journal đánh giá đây là ứng dụng duy nhất giúp người dùng đạt năng suất trong cả công việc và cuộc sống


Dù hai nhà sáng lập vẫn mong muốn phát hành ứng dụng miễn phí cho công chúng, họ cũng cần kiếm tiền để duy trì hoạt động kinh doanh. Vì thế, Notion chuyển sang hợp tác với các công ty mới thành lập và tập đoàn lớn nhằm giúp họ quản lý dự án. Kết quả là, Notion đạt 1 triệu người dùng chỉ sau 2 năm ra mắt và hợp tác với các tên tuổi như Amazon, Pixar, Uber, Toyota và Nike. Lúc ấy, công ty vẫn chỉ có 10 nhân viên. Cũng chính nhờ những lợi nhuận này, ông Ivan đã có thể trả lại cho mẹ mình số tiền ông vay để ra mắt nền tảng.


Vào năm 2020, khi cả thế giới chìm trong đại dịch, các nhân sự ở đa lĩnh vực phải chuyển sang chế độ làm việc từ xa (work from home). Lúc này, Notion phát triển như một hiện tượng khi các Influencer trên YouTube đăng tải các video khen ngợi Notion giúp họ duy trì năng suất làm việc, khiến ngày càng nhiều người biết đến ứng dụng. Ngoài ra, một số người dùng cũng đăng các video TikTok khiến Notion được giới trẻ chú ý.


Notion trở thành một hiện tượng trên TikTok


Đến ngày 04/01/2021, hàng triệu người dùng phát hiện nền tảng này bị… sập. Họ không thể đăng nhập vào ứng dụng và theo dõi các đầu việc của mình. Sau một tháng, sự cố này lặp đi lặp lại khiến nhiều người dùng bày tỏ sự “khủng hoảng” của mình khi không thể truy cập Notion. Không chỉ có người dùng cá nhân, những nhóm khách hàng doanh nghiệp như Adobe, Headspace và Figma cũng gặp phải vấn đề này. 


Trước nhu cầu ngày càng tăng cao, Notion cần phải mở rộng quy mô. Để khắc phục vấn đề này, nền tảng này đã mất nửa năm để cải tổ lại cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết tình trạng tải dữ liệu chậm và đối phó với đợt tăng người dùng tiếp theo. Ông Askahy Kothari - Giám đốc Điều hành của Notion chia sẻ: “Đây là một thách thức thú vị. Chúng tôi cảm thấy là công ty đang trên đà phát triển mạnh mẽ.”


Sự phổ biến của nền tảng cũng như văn hóa làm việc trực tuyến lan rộng trong thời gian đại dịch hoành hành đã giúp Notion tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Sau nhiều năm gọi vốn quy mô nhỏ, Notion đã gọi được 275 triệu USD trong vòng vốn mới nhằm phát triển quy mô công ty. Thương vụ này đã nâng giá trị của công ty lên 10 tỷ USD. Năm 2022, Notion đã có hơn 20 triệu người dùng. Tính đến tháng 4/2023, Notion có hơn 30 triệu người dùng - con số chứng minh khả năng phát triển nhanh chóng của nền tảng. 


Sau vòng gọi vốn mới, giá trị của công ty lên đến 10 tỷ USD


Các chiến lược marketing nào đã giúp Notion thu hút 30 triệu người dùng chỉ sau 7 năm?


Notion là một start-up nhỏ, không tích cực kêu gọi vốn, phát hành ứng dụng miễn phí,... Vậy làm thế nào để nền tảng này phát triển thành một “đế chế” như hiện nay?


Trước hết, sự tăng trưởng vượt bậc của Notion được cho là dựa vào “đòn bẩy” của chiến lược Product-led Growth (tăng trưởng nhờ vào sản phẩm). Cụ thể, nền tảng cung cấp cho người dùng các tiện ích như:

  1. Dễ dàng đăng ký sử dụng
  2. Dễ dàng chuyển đổi thông tin từ các nền tảng khác thông qua tính năng import 
  3. Dễ dàng chia sẻ thông tin giữa các người dùng trên cùng nền tảng
  4. Cung cấp số lượng lớn các template có sẵn giúp người dùng tuỳ chỉnh và cá nhân hoá giao diện ở các trang nội dung
  5. Quy trình onboard điều hướng người dùng và gợi ý cho họ một template phù hợp với bản thân


Bên cạnh đó, chiến lược marketing cũng góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của nền tảng này. 


1. Xây dựng chiến lược nội dung phù hợp cho từng nền tảng mạng xã hội


Hầu hết các thương hiệu đều sẽ quảng bá sản phẩm, tiếp cận người dùng qua các trang mạng xã hội. Thế nhưng, không ít các thương hiệu lại rơi vào “cái bẫy” sử dụng cùng một nội dung cho tất cả nền tảng, khiến cho các nội dung của thương hiệu trở nên mờ nhạt và khó tiếp cận người dùng một cách hiệu quả. Với trường hợp này, Notion lại trở thành một cái tên nổi bật hơn cả. Ở LinkedIn, Twitter và Instagram, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa các bài đăng trên các nền tảng này. Cùng so sánh các bài đăng trên từng nền tảng:


Bài đăng trên LinkedIn của Notion


Cùng một nội dung nhưng đây là bài đăng trên Twitter


Có thể thấy, văn phong và cách thể hiện nội dung của Notion có điểm khác biệt giữa các nền tảng. Điều này cũng phù hợp với tệp đối tượng mục tiêu sử dụng nền tảng. Đơn cử như với LinkedIn, Notion đánh mạnh vào các “Lead and Manager” - những người quản lý tại các công ty. Tại đây, nền tảng nhấn mạnh rằng họ có thể giúp các nhân sự quản lý dự án tốt hơn. Còn với Twitter, Notion chỉ đơn giản liệt kê những tính năng mới và kêu gọi người dùng đọc bài viết đính kèm bên dưới.


Với các bài đăng trên nền tảng Instagram, Notion lại sử dụng những câu từ, sticker trẻ trung hơn để giới thiệu về văn phòng làm việc, nhân viên, các hoạt động tại văn phòng của họ. Điều này phù hợp với tệp người dùng trẻ của Instagram. 


Bài đăng trên Instagram


Và ở YouTube, Notion sử dụng nhiều đồ hoạ bắt mắt để minh hoạ cho việc sử dụng các tính năng có trên nền tảng. Bên cạnh đó, nền tảng cũng sử dụng giọng đọc hồ hởi để kích thích sự hứng thú của người xem. Nội dung của video cũng đa dạng từ việc hướng dẫn cách sử dụng Notion, trò chuyện cùng các khách mời, podcast,...



2. Tạo nội dung hữu ích hỗ trợ người dùng


Phân khúc đối tượng sẽ trở thành “công cốc” nếu công ty không tạo nội dung phù hợp với từng tệp người dùng. Trong một cuộc phỏng vấn với Mission.org, bà Camille Ricketts - Trưởng phòng Tiếp thị của Notion đã chia sẻ rằng: “Nội dung của nền tảng phải mang lại lợi ích cho với khán giả hoặc phải khuấy động cảm xúc. Và điều này đúng ngay cả với tiếp thị B2B, bởi vì những người ra quyết định cuối cùng chính là con người.”


Đây có lẽ là lý do tại sao hầu hết blog của Notion tràn ngập các bài viết hướng dẫn sử dụng Notion, phương pháp tăng năng suất làm việc, giới thiệu template,... Hơn nữa, nền tảng cũng đã sản xuất các nội dung nhắm mục tiêu vào một phân khúc rộng hơn - các công ty khởi nghiệp. Cách tiếp cận này đã giúp họ dần dần mở rộng quy mô sản xuất nội dung của mình.



3. Chú trọng xây dựng cộng đồng fan riêng


Một trong những yếu tố mạnh nhất trong chiến lược content marketing của Notion chính là cộng đồng fan mà nền tảng đã xây dựng từ khi mới ra mắt. Với hơn 30 triệu người dùng làm việc ở đa lĩnh vực và sinh sống trên toàn thế giới, chính cộng đồng này là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho Notion. 


Theo đó, các thành viên trong cộng đồng sẽ tự sáng tạo các template theo ý thích của bản thân. Sau đó, họ sẽ chia sẻ với đông đảo người dùng khác, tự tổ chức các sự kiện và webinar để trao đổi các phương pháp ghi chú,... là một số cách giúp Notion gia tăng sự trung thành từ người dùng. Những người hâm mộ yêu quý nền tảng, muốn chia sẻ cách mà họ ghi chú sẽ truyền cảm hứng cho những người chưa dùng Notion, từ đó thành công giúp nền tảng tận dụng nội dung do người dùng tạo (UGC - User Generated Content). Điều này cũng giúp đội ngũ của Notion giảm bớt gánh nặng sản xuất nội dung. 


Ngoài ra, fan của họ không giới hạn ở Notion mà còn mở rộng sang nhiều nền tảng khác như Facebook, Reddit, Twitter, Clubhouse, Discord,... Nhiều người dùng trung thành của Notion được ưu ái gọi với cái tên “Đại sứ Notion” bởi họ là những người giúp quảng bá, giới thiệu nền tảng đến với những người khác. Đơn cử như group “Notion Việt Nam” trên Facebook đã có đến 230,4 nghìn thành viên tích cực thảo luận về các template, cách sử dụng Notion,... Bên cạnh đó, một số Đại sứ của Notion cũng có các kênh YouTube và trang web riêng, nơi họ chia sẻ các hướng dẫn sử dụng Notion với hàng nghìn người theo dõi.



Bên cạnh đó, tài khoản YouTube Marie Poulin với gần 40 nghìn người đăng ký cũng thường xuyên đăng tải các video hướng dẫn cách dùng Notion trong nhiều trường hợp sử dụng khác nhau. Đặc biệt hơn, video của Marie có phụ đề tiếng Việt để người dùng dễ dàng tìm hiểu. Điều này giúp Notion dễ dàng tiếp cận được với nhiều đối tượng tiềm năng hơn và thành công lan toả sức ảnh hưởng của mình.



Kim Ngọc