Hoà hợp và thích nghi với môi trường công sở mới là một thử thách lớn đối với các nhân viên, đặc biệt là những nhà lãnh đạo và quản lý. Bước vào một công ty mới, họ thường đối mặt với nhiều thử thách khi vừa phải thích nghi công việc trong thời gian ngắn, vừa khẳng định năng lực quản lý của mình nhưng đồng thời cũng phải xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp dưới đã có thời gian làm việc lâu năm. 


Dù có ít hay nhiều kinh nghiệm, “hoà hợp với team mới” luôn là một thách thức lớn


Thay đổi môi trường làm việc để phù hợp hơn với bản thân không phải là một xu hướng mới. Những nhân sự cũ đang làm việc tại công ty có thể sẽ có những đánh giá hoặc cái nhìn khác khi phải đón nhận một người quản lý mới có tuổi đời còn trẻ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, background ở vị trí Manager trước đó. Vì thế, trong quá trình làm việc, một vài tình huống có thể xảy ra khiến cho những đồng nghiệp này cảm thấy nghi ngờ về kỹ năng lãnh đạo, dẫn đến việc không công nhận năng lực của những nhà quản lý trẻ. Anh Minh Phạm đang làm việc tại Chiic Digital cho biết anh đã từng gặp khó khăn tại đơn vị cũ khi không nhận được sự tin tưởng từ các quản lý đồng cấp bởi họ cho rằng anh là “ma mới”, đồng thời cũng là nhân sự quản lý trẻ nhất công ty. “Các nhân sự trong công ty cũ không tỏ ra hỗ trợ các yêu cầu về công việc vì mình là người mới. Ngay cả khi mình yêu cầu sự trợ giúp từ cấp cao hơn thì vấn đề cũng không được giải quyết triệt để. Cá nhân mình nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt hay rơi vào tình trạng ‘làm lâu lên lão làng’ hoặc ‘quan hệ’, tức nhân sự bị đánh giá dựa trên khả năng khéo léo cư xử hơn là năng lực”, anh nói.


"Cá nhân mình nghĩ rằng các nhân sự có xu hướng bị đánh giá dựa trên khả năng khéo léo cư xử hơn là năng lực"


Bên cạnh tuổi tác và kinh nghiệm, chị Minh Trang - Strategy Manager cho rằng văn hoá công ty cũng là một "rào cản" khiến các nhà quản lý gặp khó khăn trong thời gian đầu hoà nhập. Chị chia sẻ: “Có một giai đoạn khi vừa onboard ở công ty cũ, mình cảm thấy khá rụt rè và thiếu tự tin. Công việc chuyên môn yêu cầu mình phải có sự kết nối và phối hợp teamwork giữa các nhân sự trong team. Thế nhưng mỗi đồng nghiệp là một tính cách khác nhau, mọi người thường bị chi phối bởi cảm xúc trong công việc. Vì thế, mình đã mất khá nhiều thời gian để quan sát cách làm việc của mỗi người và có cách ứng xử phù hợp. Ngoài ra, văn hoá công ty cũng là một yếu tố khiến mình cảm thấy bản thân đang bị ‘đóng khung’ và không thể là chính mình trong những ngày đầu đổi việc. Thời gian đó, mình mất khoảng 2 tuần để có thể hòa nhập, trò chuyện và kết nối với các thành viên trong team.”


Còn đối với chị Mẫn Nghi - Content Leader tại XYZ Saigon, khó khăn lớn nhất khi thay đổi môi trường làm việc là làm quen và hoà nhập với đồng nghiệp mới, đặc biệt là với những người có tính cách hướng nội. “Thông thường, mọi người sẽ kết nối và trở nên thân thiết với đồng nghiệp thông qua các hoạt động bonding hằng ngày như ăn trưa, nhưng mình thì thích chậm rãi tiếp xúc, từ từ mở rộng ‘comfort zone’ (vùng an toàn) của mình và bắt đầu tìm hiểu những sở thích chung của bản thân và đồng nghiệp mới”, chị nói.


Khó khăn lớn nhất của nhân sự hướng nội khi thay đổi môi trường làm việc là hoà nhập với đồng nghiệp mới


Ngoài ra, một lý do phổ biến khiến nhân sự không hòa hợp với sếp mới là do họ đã quá thân thuộc với người sếp cũ. Anh Minh Phạm cho rằng đôi lúc các nhân viên dưới quyền bày tỏ thái độ không hợp tác vì chưa tin tưởng sếp mới, hoặc có thể do cảm xúc cá nhân với nhân sự cũ. Đồng tình với ý kiến này, chị Minh Trang bày tỏ quan điểm cá nhân về lý do khiến các nhà quản lý có nhiều năm kinh nghiệm khó hoà nhập trong giai đoạn đầu là vì họ phải đảm nhận một team có các nhân sự đã quá quen thuộc và thân thiết với nhà quản lý cũ. Do đó, họ sẽ khó mở lòng với Manager mới và thường mang trong mình tâm thế đối phó, thậm chí là so sánh giữa người mới và người cũ. Điều này khiến các nhà quản lý cảm thấy khó khăn trong việc cư xử và ít nhiều có thể ảnh hưởng đến quá trình quản lý công việc và nhân sự.


Cảm giác bị “cô lập” vì không thể hòa nhập với không khí chung của công ty


Nghiên cứu của công ty Korn Ferry cho thấy, khoảng 33% nhà lãnh đạo bày tỏ họ trải qua ít nhất một trường hợp thất bại khi cố gắng thích nghi với một môi trường công sở mới. Điều này đã góp phần gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất và tinh thần làm việc của cấp quản lý và nhân sự.


Về bản thân người quản lý, chị Mẫn Nghi chia sẻ rằng nếu không hòa nhập tốt với công ty mới, nhân sự thường dễ rơi vào tình trạng “burn out”, chán nản, tụt mood hoặc cảm giác bị cô lập. Từ đó, những cảm xúc tiêu cực này sẽ gây ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu suất làm việc của nhân sự. 


Nếu nhân sự không cảm thấy thoải mái và tự tin trong môi trường làm việc mới, họ khó có thể làm việc hiệu quả và đạt được mục tiêu cao. Năm 2019, Harvard Business Review đã thực hiện một khảo sát với hơn 1.700 nhân sự tại hơn 20 quốc gia khác nhau về kinh nghiệm của họ khi chuyển sang làm việc tại công ty mới. Theo đó, nghiên cứu cho thấy việc không hòa nhập tốt với công ty mới có thể khiến năng suất làm việc của nhân sự giảm sút. Các nhân sự cấp quản lý đã cho biết họ mất trung bình khoảng 3 tháng để đạt được năng suất làm việc bình thường sau khi chuyển sang công ty mới. Thời gian này có thể dài hơn nếu họ không nhận được sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn trong quá trình hòa nhập. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp nhân sự chấp nhận nghỉ việc vì không thể hoà hợp với môi trường làm việc mới, đơn cử như anh Minh Phạm đã rời khỏi công ty cũ sau hai tháng thử việc.


Đã có nhiều trường hợp nhân sự chấp nhận nghỉ việc vì không thể hoà hợp với môi trường làm việc mới


Bên cạnh việc tác động tiêu cực đến bản thân các nhân sự, việc quản lý khó hoà nhập với môi trường mới cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất làm việc và kế hoạch của tập thể công ty. Anh Minh Phạm cho rằng cấp quản lý là những người điều phối và tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược. Nếu họ không thể hoà hợp với môi trường mới, điều này sẽ dẫn đến việc trì trệ các hoạt động của trong team, đồng thời ảnh hưởng khá nặng đến hình ảnh cá nhân của nhân sự quản lý.


Muôn vàn áp lực của cấp quản lý


Có thể nói, hoà hợp và thích nghi với môi trường làm việc mới là một thử thách lớn đối với các nhân viên, đặc biệt là những nhà lãnh đạo và quản lý. Dù đứng trên cương vị là cấp trên nhưng chính họ cũng cần được hoà nhập với tập thể và trải nghiệm niềm vui trong công việc. Không những thế, việc kết nối với tập thể cũng giúp nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân người sếp và cả team.


Để làm được điều đó, các nhân sự cấp cao cần có sự chuẩn bị trước khi bước chân vào một môi trường mới. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Mẫn Nghi bày tỏ rằng, việc xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là nhân tố quan trọng với cấp quản lý vì đây là chìa khóa giúp mình đạt được hiệu suất làm việc và tinh thần thoải mái hơn trong thời gian đầu. “Với cá nhân mình, việc hòa nhập với đồng nghiệp sẽ bắt đầu từ việc làm tốt những task của mình và chủ động giúp đỡ những người khác trong khả năng và phạm vi công việc. Đối với cấp dưới, những nhân sự thuộc cấp quản lý sẽ cần tinh tế hơn, tìm hiểu kỹ hơn để có một phương pháp quản lý phù hợp thông qua việc quan sát, trò chuyện và lắng nghe”, chị nói.


Bên cạnh đó, chị Minh Trang cũng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân khi đến môi trường mới. Chị cho rằng “tinh thần” là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất mà nhân sự cần trang bị để có thể hòa nhập và làm việc thật tốt. Một tinh thần làm việc thiện chí với mọi vấn đề trong công việc có thể mang lại những tác động tích cực đến team. “Ngoài ra, đứng ở góc độ của một người quản lý khi gia nhập một tập thể mới, các nhân viên không biết mình là ai và có năng lực ra sao. Vì thế, để nhận được sự ủng hộ và tôn trọng từ nhân viên cũ, điều quan trọng nhất là Manager cần phải biết lắng nghe và kết nối với nhân sự của mình. Ở vai trò manager thì chị có những mục tiêu gì?; Có vấn đề, khó khăn gì mà cấp dưới cần chia sẻ; Team có điểm nào tốt/chưa tốt thì cùng nhau thay đổi;... Với mình, một Manager có năng lực thường sẽ ‘nhún nhường’ và có sự ‘lạc mềm buộc chặt’ với nhân sự trong giai đoạn đầu thay vì tiếp cận họ bằng phong cách làm việc áp đặt và cứng nhắc”, chị Minh Trang nói.



Hơn nữa, một nhân sự cấp quản lý khi onboard chắc chắn sẽ sở hữu những kiến thức cơ bản liên quan đến chuyên môn. Tuỳ vào phạm vi công việc và lĩnh vực của mỗi công ty mà mỗi nhân sự sẽ có cách thích nghi và trau dồi những kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng cần có tư duy và kiến thức nhất định về khả năng nhìn bao quát và tổng quan cho tất cả các vấn đề liên quan đến công việc và nhân sự. 


“Với vị trí của một nhà quản lý, việc khó hòa nhập với nhân sự trong môi trường mới chỉ là khó khăn nhất thời và ngắn hạn. Tuỳ vào kinh nghiệm làm việc mà mỗi người sẽ có khoảng thời gian khác nhau để thích nghi văn hoá công ty mới cũng như hoà nhập, kết nối và nhận được sự ủng hộ từ cấp dưới”, chị Minh Trang đúc kết.


Nội dung: Kim Ngọc

Minh hoạ: Huy Mai