Trong tương lai, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được ví như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Công nghệ này đã và đang thay đổi cách con người sống, từ việc ra đời xe tự lái cho đến sự phổ biến của các ứng dụng như ChatGPT. Không dừng lại ở đó, AI đang chuẩn bị tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực mua sắm, với sự ra đời của các trợ lý mua sắm thông minh - những công cụ tiên tiến có khả năng lựa chọn, đề xuất và giới thiệu sản phẩm phù hợp cho mọi người tiêu dùng.
Cơ hội và thách thức của AI đối với ngành bán lẻ thời trang
Theo báo cáo mới nhất của BoF, các hệ thống AI đang được thiết kế để tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, mang lại hiệu quả vượt trội cho cả khách hàng lẫn nhà bán lẻ. Những công nghệ này có khả năng hỗ trợ người mua trong việc tìm kiếm phong cách, so sánh sản phẩm, và thậm chí đơn giản hóa quy trình thanh toán.
Tommy Hilfiger đã sử dụng công cụ AI để dự báo xu hướng màu sắc, chất liệu, họa tiết và đường may, từ đó tạo ra các thiết kế sản phẩm mới phù hợp với sở thích của người tiêu dùng
Trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, AI đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức cố hữu như tìm kiếm thông tin trên các nền tảng thương mại điện tử, nơi người dùng thường phải tự mình sàng lọc và so sánh giữa vô số thương hiệu. Quy trình này không chỉ mất thời gian mà đôi khi còn không mang lại kết quả như mong muốn. Với AI, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Người dùng chỉ cần cung cấp thông tin về sản phẩm mong muốn, chất lượng, và ngân sách dự kiến, hệ thống sẽ tự động tổng hợp các lựa chọn phù hợp trong một danh sách tối ưu, tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi vấn xoay quanh tính khách quan của các hệ thống AI. Một vấn đề đáng lo ngại là khả năng dịch vụ này ưu tiên giới thiệu các sản phẩm được tài trợ, làm giảm tính trung lập trong quá trình đề xuất. Người dùng sẽ khó kiểm soát hoàn toàn khi dựa vào AI để tìm kiếm sản phẩm. Mặt khác, các thương hiệu và nhà bán lẻ cũng lo ngại rằng AI có thể được sử dụng để so sánh và tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ tương tự, vô tình tạo lợi thế cho đối thủ cạnh tranh.
Dù công nghệ AI ngày càng tiên tiến, con người cần hiểu rõ những hạn chế vốn có của nó. Giống như một chiếc máy tính hiện đại với nhiều tính năng, càng phức tạp thì càng dễ xảy ra lỗi. Đặc biệt, các hệ thống AI hiện tại chỉ đơn thuần là công cụ xử lý ngôn ngữ, không thể thật sự hiểu, cảm nhận, hay đánh giá vấn đề một cách toàn diện như con người.
Ông Aravind Srinivas, Giám đốc Điều hành của Perplexity AI, từng chia sẻ với tạp chí “Fortune” vào tháng 11 năm ngoái: “Thành thật mà nói, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu cách thức vận hành của AI và lý do tại sao nó ưu tiên chọn cái này hơn cái kia. Liệu đó là do số lượng đánh giá, hay bởi độ chính xác và uy tín của các xếp hạng, chẳng hạn như phản hồi từ người dùng trên các nền tảng khác nhau? Quá trình tổng hợp và phân tích thông tin của AI vô cùng phức tạp, đến mức ngay cả đội ngũ phát triển cũng chưa hoàn toàn hiểu được cơ chế hoạt động của nó”.
Ông Aravind Srinivas, Giám đốc Điều hành và người sáng lập Perplexity AI, đồng thời là cựu nhà nghiên cứu AI tại OpenAI, cùng các công ty con của Alphabet, Inc. như DeepMind và Google Brain.
Một hạn chế khác của các hệ thống AI hiện nay là sự phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu được cung cấp để “học tập”. Tương tự như một học sinh chỉ trả lời được những gì có trong sách giáo khoa, AI chỉ có thể xử lý thông tin dựa trên dữ liệu đã được nhập vào. Nếu dữ liệu không được cập nhật thường xuyên hoặc AI không thể truy cập nguồn thông tin mới, khả năng tìm kiếm và phân tích của nó sẽ bị giới hạn. Điều này khiến các công cụ tìm kiếm AI hiện tại chưa thể đạt được mục tiêu cao nhất: trở thành một hệ thống toàn diện, có khả năng xử lý mọi thông tin trên toàn bộ Internet.
Sự chuyển dịch của các thương hiệu thời trang dưới tác động của AI
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhiều công ty vẫn đang tích cực tích hợp AI vào các hoạt động kinh doanh của mình. Theo tờ The Guardian đưa tin vào tháng 9 năm ngoái, thương hiệu Marks & Spencer (M&S) đã áp dụng AI để cung cấp dịch vụ tư vấn phong cách cá nhân hóa dựa trên hình dáng cơ thể và sở thích của khách hàng. Hệ thống này phân tích dữ liệu từ các bài khảo sát trực tuyến, sau đó gợi ý trang phục phù hợp với thông tin mà khách hàng cung cấp, giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng và cá nhân hóa hơn. Nhờ đó, M&S đã tăng doanh số bán quần áo trực tuyến và thu hút sự tương tác nhiều hơn từ khách hàng.
Vào tháng 10 cùng năm, nền tảng Who What Wear ra mắt trợ lý ISA (Intelligent Shopping Assistant) dưới dạng chatbot, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp một cách hiệu quả. Những ứng dụng tương tự trong lĩnh vực này cũng có thể kể đến như Virtual Artist của Sephora, Rufus của Amazon, ShopBot của eBay và Room Planner của IKEA.
Tính năng Virtual Artist của Sephora cho phép người dùng quét khuôn mặt và thử nghiệm các màu son, phấn mắt, cùng nhiều sản phẩm khác để tìm ra phong cách phù hợp nhất với mình
Trong ngành thời trang, các thương hiệu như Burberry và Tommy Hilfiger từng thử nghiệm chatbot qua Facebook Messenger từ năm 2016, nhưng kết quả không bền vững. Cùng thời điểm, Audemars-Piguet và Jaeger-LeCoultre cũng thực hiện các thử nghiệm tương tự nhưng không đạt được thành công như kỳ vọng. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ đang cân nhắc triển khai các chatbot tương tự trên website của họ để cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Code-Create, một dự án thuộc Phòng thí nghiệm AI trong thiết kế, đã giới thiệu nền tảng AI thiết kế thời trang đầu tiên trên thế giới - AiDA - vào tháng 12/2022. Bà Kim Wong, đồng sáng lập của công ty, cho biết AiDA không chỉ giúp giảm khối lượng công việc mà còn mang lại những lợi ích khác, như tăng khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường. Theo ông Wong, thiết kế AI giống như việc sử dụng máy may - nó cần sự hướng dẫn và điều khiển của con người để đạt được kết quả tối ưu.
“Mục tiêu là cung cấp các ý tưởng để bạn suy nghĩ sáng tạo hơn, đồng thời tăng tốc quy trình để các nhà thiết kế có thể nhạy bén hơn với nhu cầu thị trường”, Wong chia sẻ, nhấn mạnh rằng AI là công cụ hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn vai trò sáng tạo của con người.
Theo bà Wong, AiDA không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ thiết kế thời trang, tiết kiệm hơn 60% thời gian phát triển, đặc biệt, những nhà thiết kế mới vào nghề có thể nắm bắt các kỹ thuật cần thiết chỉ trong vòng 5 phút
Theo ông Dmitry Shevelenko, Giám đốc kinh doanh của Perplexity AI, nhận định rằng tiềm năng của trợ lý mua sắm AI là vô cùng lớn. Trong tương lai, những công cụ này có thể đáp ứng chính xác nhu cầu của người tiêu dùng thông qua việc kết hợp dữ liệu từ lịch sử mua sắm, hành vi duyệt web, và các hoạt động trên mạng xã hội. Tuy nhiên, sự tích hợp này sẽ đặt ra thách thức lớn về quyền riêng tư và cách sử dụng dữ liệu cá nhân.
Vào năm 2024, công cụ tìm kiếm dưới dạng chatbot - Perplexity AI đã ra mắt loạt tính năng mua sắm mới, gồm thẻ sản phẩm trực quan, "Snap to Shop" tìm kiếm bằng ảnh, và thanh toán một lần nhấp cho người dùng Pro
Trong bối cảnh nhiều người vẫn ưa chuộng trải nghiệm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng xa xỉ như Chanel hay Hermès, việc tích hợp hệ thống AI có tiềm năng giải quyết những bất cập trong việc tìm kiếm và chọn lựa sản phẩm. Điều này càng trở nên rõ ràng khi nhân viên bán hàng tại các cửa hàng thời trang ngày nay thường xuyên sử dụng máy tính bảng để kiểm tra tình trạng hàng tồn kho, minh chứng cho hiệu quả của công nghệ khi được áp dụng vào ngành bán lẻ.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, việc tích hợp các hệ thống AI tại cửa hàng cần được nghiên cứu và triển khai cẩn trọng. Một ví dụ điển hình là Zegna, thương hiệu đã thành công khi ra mắt công cụ số Zegna X vào năm ngoái. Đây là một hệ thống tích hợp đa kênh dựa trên AI, cho phép khách hàng dễ dàng tìm kiếm phong cách cá nhân, chọn chất liệu và màu sắc, cũng như xem trước trang phục một cách chi tiết. Đồng thời, hệ thống còn hỗ trợ Zegna thu thập và phân tích thông tin giao dịch của từng khách hàng, từ đó tối ưu hóa các đề xuất và nâng cao trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa.
Như Quỳnh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.