Theo một báo cáo vào tháng 6 của AMS - Công ty cung cấp giải pháp về lực lượng lao động, thời gian tuyển dụng trung bình trong quý đầu tiên của năm 2023 đã đạt "mức cao nhất mọi thời đại", trung bình là 44 ngày. 


Việc phải trải qua một quy trình chọn lọc gắt gao khiến nhiều nhân sự không khỏi liên tưởng đến quãng thời gian thi cử thời đi học, với nỗi lo lắng, sự căng thẳng cho đến tâm lý nản lòng và thất vọng vì kết quả không như ý.


“Ám ảnh” vì quy trình tuyển dụng còn gắt gao hơn cả thi Đại học


Hiện tượng các đợt ứng tuyển ngày càng kéo dài cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm trong thời điểm hiện nay. Tại nhiều công ty và agency, quy trình tuyển dụng gắt gao với nhiều vòng test, review probation (đánh giá thử việc) được các nhân sự đánh giá là “ám ảnh” hơn cả kỳ thi Đại học. 


Anh Gia Huy - Merchant Account Management tại BAEMIN Vietnam chia sẻ: “Ngoài việc đánh giá CV và phỏng vấn, ứng viên còn phải trải qua các bài kiểm tra năng lực, làm việc nhóm hoặc phỏng vấn nhóm để có cơ hội được tuyển dụng vào công ty. Khác với sự tự tin vào năng lực của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thực tế khi bắt đầu tìm việc đã khiến cho bản thân mình nhiều lần ‘vỡ mộng’.” 


Theo anh Gia Huy, để có cơ hội làm việc tại những công ty lớn, nhân sự phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn, từ xem xét CV cho đến các bài kiểm tra năng lực, làm việc nhóm hoặc phỏng vấn nhóm


Còn đối với chị Thanh Hương - người vừa trải qua hành trình kéo dài 1 tháng rưỡi để chinh phục vị trí Quản trị viên tập sự (Management Trainee), các vòng test khiến chị không khỏi nhớ lại khoảng thời gian thi cử thời đi học: “Suốt chặng đường ấy, mình đã có vô vàn cung bậc cảm xúc. Giai đoạn chờ đợi kết quả từng vòng trong quá trình ứng tuyển là thời gian ‘tra tấn tâm lý’ nhất. Mình luôn mang cảm giác hồi hộp, lo lắng, sẵn sàng tinh thần để đi tiếp hoặc dừng lại. Khoảng thời gian từ khi có kết quả cho đến vòng thi kế tiếp cũng áp lực không kém, giống như việc đếm ngược những ngày cuối cùng trước kỳ thi Đại học vậy. Tất cả chẳng khác gì được quay trở về năm lớp 12, mình phải ôm đồm một mớ kiến thức cho an tâm, trong khi tâm trí thì không ngừng tưởng tượng về khung cảnh ngồi trong phòng thi với tỷ lệ chọi cực kì gay gắt.”


Nản lòng, muốn từ bỏ vì sợ kết quả không như ý


Khác với chuyện thi cử thời đi học, nhân sự ngày nay có quyền lựa chọn tham gia, “chinh chiến” tới cùng hoặc bỏ cuộc giữa chừng khi phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn của công ty. Chị Thanh Hương chia sẻ, ý nghĩ về việc từ bỏ hay tâm lý nản lòng đều bắt nguồn từ nỗi lo lắng, đặc biệt là trong giai đoạn Group Interview - Final Interview, khi tất cả mọi ứng viên trụ lại đều xuất sắc và thể hiện tốt ở mọi khía cạnh. 


“Mình sợ rằng sau một hành trình dài đầy hy vọng và nỗ lực, mình sẽ không đạt được kết quả tốt đẹp mặc dù đã cố gắng hết sức. Sau đó, bản thân lại phải nhanh chóng ổn định tinh thần để bắt đầu một hành trình mới, vẫn tiếp tục không lường trước được kết quả sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, không phải công ty nào cũng có vị trí mà mình muốn ứng tuyển, hoặc có thể đáp ứng đủ tiêu chí mà mình mong muốn, khiến thời gian tìm việc kéo dài nhiều tháng nữa”, chị cho biết. 


Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các “cuộc thi” ứng tuyển gắt gao, anh Bảo Khánh - Associate Director, People Growth/Support & Traffic Management tại Dentsu Redder lại chưa bao giờ cảm thấy nản lòng hay muốn bỏ cuộc. “Có 2 điểm mà bản thân mình luôn ý thức, một là khi đã chấp nhận đến buổi phỏng vấn nghĩa là mình đã hiểu biết về công ty đó và muốn đầu quân cho họ; hai là, không ai dành thời gian cho mình miễn phí cả, đặc biệt là những người có vị trí cao bên phía tuyển dụng. Nên nếu họ đã chịu ngồi xuống và trao đổi công việc với mình, nghĩa là mình đang có giá trị nào đó phù hợp với nhu cầu mà họ đang tìm kiếm. Nên thay vì bỏ cuộc, mình lại chuyển hướng tự hỏi bản thân điều gì khiến nhà tuyển dụng vẫn tiếp cận và thương lượng mà chưa chốt được. Nếu đã cố gắng cân bằng mong đợi của 2 bên mà vẫn không đạt kết quả thì mình mới chấp nhận khép lại hành trình dài hơi này.”


Thay vì bỏ cuộc trước những vòng tuyển dụng gắt gao, anh Bảo Khánh cho rằng nhân sự nên tự hỏi điều gì khiến nhà tuyển dụng vẫn kiên trì tiếp cận mình


Một số người cho rằng, khi đã bỏ thời gian tham gia ứng tuyển với nhiều vòng test và áp lực cạnh tranh cao, nhân sự sẽ bất bình và khó chấp nhận kết quả nếu bị rớt ở những vòng cuối cùng. Anh Bảo Khánh cho biết, đây là loại cảm xúc phổ biến và bình thường. “Thua ở ‘phút bù giờ’ chưa bao giờ dễ chịu và dễ chấp nhận cả. Tuy nhiên, trải nghiệm đó là một bài học quý giá mà các bạn từ bỏ ngay ở vòng một, vòng hai sẽ không bao giờ có được.”


Còn đối với chị Thanh Hương, hầu hết những người tham gia “thi tuyển” với tỷ lệ cạnh tranh cao đều đã từng trải qua trường hợp bức xúc khi “trượt” ở các vòng cuối cùng. Tuy nhiên, vì những ứng viên trụ lại đều tài giỏi, nhà tuyển dụng sẽ quyết định dựa trên sự phù hợp. “Đôi khi, nhân sự tự đánh giá bản thân đã trình bày và thể hiện khá tốt, nhưng từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, cách suy nghĩ và tầm nhìn của ứng viên có thể chưa phù hợp với tiêu chí mà họ đặt ra. Việc tự đánh giá bản thân và so sánh với các ứng viên khác sẽ khiến mình khó tránh khỏi cảm xúc không hài lòng.”


Liệu sự gắt gao trong tuyển dụng có cần thiết?


Không ít nhân sự ngày nay cảm thấy, việc tham gia ứng tuyển ở các công ty có trên 4 vòng test là rườm rà và lãng phí thời gian. Tuy nhiên, anh Bảo Khánh nhận định, quan điểm này cho thấy ứng viên có thể chưa thật sự yêu thích công việc hoặc môi trường của công ty đó. Bởi lẽ, bên cạnh những “ám ảnh” thi cử, quy trình tuyển dụng cam go cũng có thể mang đến cho nhân sự cảm giác chinh phục thử thách. Anh Bảo Khánh cho biết: “Sự kỳ vọng và tự tin vào bản thân sẽ tăng dần qua từng vòng test, từ phỏng vấn qua điện thoại, gặp mặt trực tiếp bộ phận tuyển dụng, quản lý trực tiếp, giám đốc điều hành và owner. Mỗi lần vượt qua một vòng phỏng vấn, mình lại thấy bản thân có thêm cơ hội củng cố profile để sẵn sàng cho vòng tiếp theo. 


Cũng giống như việc chơi game vậy, khi mình đủ khả năng chinh phục vòng này, mình sẽ bước đến cấp độ cao hơn, nhiều thử thách hơn, và luôn tự nhủ ‘để xem mình đi được đến đâu, cùng lắm game over thì chơi lại’. Mặt khác, mình luôn hiểu rằng, khi một doanh nghiệp dành thời gian và nguồn lực cho ứng viên thông qua quy trình tuyển dụng gắt gao, thì tính cam kết và nghiêm túc với những lời hứa của họ sẽ càng cao hơn.” 


Sự chinh phục thông qua các vòng thi tuyển dụng giúp nhân sự có được nhiều trải nghiệm phong phú hơn


Ngoài ra, đối với anh Gia Huy, quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt còn giúp nhân sự có thêm cơ hội để tự đánh giá bản thân phù hợp với văn hoá của công ty hay không, củng cố và nhận định về năng lực của bản thân, đồng thời mở rộng thêm các mối quan hệ. 


Chị Thanh Hương chia sẻ: “Mình thấy những điều tốt đẹp thường không dễ dàng có được. Để tổ chức các vòng tuyển chọn, phía công ty đã dày công xây dựng một lộ trình rõ ràng, từ đó nâng cao chất lượng của ứng viên, đảm bảo tính minh bạch trong đánh giá chuyên môn và thái độ trong quá trình tuyển dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc môi trường công ty phải chuyên nghiệp và có nguồn nhân sự chất lượng cao. Do đó, nếu muốn được làm việc tại một môi trường như vậy, nhân sự phải chấp nhận quy trình tuyển dụng đã được đề ra. Thành công vượt qua nhiều vòng thi tuyển cũng là một điều đáng tự hào.”


“Ngoài việc thử thách về chuyên môn, sự kiên nhẫn, bền bỉ của ứng viên, các vòng thi tuyển cũng bước đầu kiểm chứng được sự cam kết và khao khát đầu quân cho công ty của nhân sự đó. Tuy nhiên, đối các vị trí junior hay thực thi, các công ty nên áp dụng quy trình tinh gọn để tăng tính hiệu quả tuyển dụng, cung ứng nhân lực tức thì”, anh Bảo Khánh nhận định.


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai