Không dễ để phân biệt giữa Copywriter và Content Writer do đặc thù công việc có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là trong bối cảnh ranh giới giữa hai vị trí đang dần bị thu hẹp.  


Nhiều thương hiệu và agency hiện nay có xu hướng tích hợp các đầu việc của Copywriter và Content Writer khi mô tả nội dung công việc của từng vị trí. Cùng tìm hiểu về vai trò “truyền thống” cũng như các nhiệm vụ mới của Copywriter và Content Writer hiện nay qua bài viết dưới đây. Liệu phân biệt hai vị trí này có quan trọng bằng việc trau dồi kỹ năng sáng tạo nội dung toàn diện trong thời đại số?


Copywriter và Content Writer: Họ là ai? 



Copywriter 


Theo The Balance CareersStudy, Copywriter là “người viết lời quảng cáo” cho thương hiệu và nhãn hàng, gồm thông điệp, tagline, kịch bản TVC, nội dung quảng cáo ngoài trời, banner ads và những tư liệu truyền thông quảng cáo khác cho mỗi chiến dịch dựa trên ý tưởng từ đội ngũ sáng tạo (Creative). 


Copywriter làm việc chặt chẽ với các đội ngũ PR, Creative, Marketing, Planner và cả Customer Service (Chăm sóc Khách hàng) của thương hiệu hoặc agency phụ trách triển khai chiến dịch. Tại một số agency, Copywriter sẽ cùng Creative lên ý tưởng, thậm chí phụ trách hoàn toàn phần ý tưởng cho kế hoạch truyền thông của đối tác. 


Phần mô tả công việc Junior Copywriter tại Ogilvy Group Vietnam gồm những đầu việc cơ bản của Copywriter như “sản xuất nội dung theo creative brief”, “làm việc với các phòng ban khác để tạo ra nội dung chất lượng”,...


Content Writer


Theo định nghĩa từ CV Library UKIndeed, Content Writer là những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng số như website, mạng xã hội, blog,... hoặc các tư liệu in ấn (print materials). Họ có thể phụ trách đa dạng các nội dung, từ viết bài PR (có yếu tố thương hiệu), bài long-form trên các website, bài đăng Facebook, viết kịch bản và sản xuất video YouTube, nội dung podcast, livestream, viết giới thiệu, mô tả sản phẩm cho doanh nghiệp. 


Các từ khóa “kế hoạch nội dung” “nội dung số”, “Fanpage”, “website”,... xuất hiện trong bản mô tả công việc Senior Content Writer của GENESYS. 


Ranh giới giữa hai vai trò đang dần bị thu hẹp


Trên thực tế, mặc dù có những công ty vẫn phân biệt rạch ròi giữa hai vị trí, nhiều agency và thương hiệu lại có xu hướng tích hợp các đầu việc của cả Copywriter và Content Writer khi mô tả công việc của từng chức danh. Nội dung công việc của vị trí Copywriter hiện nay thường yêu cầu kĩ năng sản xuất nội dung số, lên kế hoạch truyền thông toàn diện trên nền tảng số. Ngược lại, vị trí Content Writer có thể bao gồm cả các đầu việc sáng tạo nội dung TVC, viral clip, lên ý tưởng và concept truyền thông,... Thậm chí, khá nhiều doanh nghiệp gọi chung một cái tên cho người sản xuất nội dung là “Content Writer/Copywriter”. 


Chẳng hạn, bản mô tả công việc cho vị trí Copywriter tại đơn vị cung cấp dịch vụ Marketing PMAX yêu cầu kỹ năng Copywriting (“Lên ý tưởng và nội dung cho chiến dịch truyền thông”, “sáng tạo concept truyền tải được tiếng nói thương hiệu”, “viết kịch bản viral clip, TVC”), nhưng đồng thời bao gồm cả các đầu việc cơ bản của Content Writer như “phụ trách nội dung số trên Facebook, blog”, “viết bài PR và các tư liệu quảng cáo”,....


Tương tự, vị trí Content Writer của công ty e-Future yêu cầu người viết phải tham gia “lên ý tưởng và phối hợp quản lý dự án quảng cáo” bên cạnh việc sản xuất nội dung trên các nền tảng số và các kênh bán hàng. 


Bản mô tả công việc của Copywriter tại PMAX.


Cần phải nhìn nhận rằng, công việc của Copywriter và Content Writer có sự tách biệt rõ ràng trong bối cảnh các nền tảng kỹ thuật số mới ra đời và dần phổ biến. Các kênh truyền thông số đòi hỏi những nội dung chuyên biệt mà Copywriter truyền thống chưa được trang bị để sản xuất hoặc chưa kịp cập nhật. Yêu cầu mới này đã dẫn đến sự ra đời của Content Writer với thế mạnh viết nội dung cho các kênh truyền thông số như website, mạng xã hội,...


Tuy nhiên, internet và mạng xã hội được nhân rộng mạnh mẽ đã khiến các kênh truyền thông số trở thành một phần không thể thiếu của các chiến dịch quảng cáo hiện nay, thậm chí rất nhiều chiến dịch chỉ chạy trên nền tảng số mà không có TVC (Television Commercial) hay quảng cáo ngoài trời (OOH) để tiết kiệm chi phí hoặc hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu. Ranh giới vốn mong manh giữa Copywriter và Content Writer lại càng bị thu hẹp. 


Ngành truyền thông - quảng cáo đang phát triển theo hướng đa kênh, đa nền tảng (omni-channel) và ngày càng được liên kết chặt chẽ (integrated). Copywriter hiện nay phải trang bị kỹ năng sáng tạo nội dung số, mở rộng phạm vi hoạt động sang các kênh truyền thông thời thượng hơn. Tương tự, Content Writer có thể được yêu cầu tham gia sản xuất nội dung quảng cáo, viết kịch bản clip, TVC,... trong nhiều chiến dịch. 


Omnichannel vs. Multichannel Marketing: How To Pick Your Best Strategy?

Truyền thông đa kênh, đa nền tảng là trạng thái "bình thướng mới" của ngành quảng cáo. (Nguồn: AudiencePrime)


Tóm lại, mặc dù không còn phân tách rạch ròi, nhưng nhận thức được sự tương đồng lẫn điểm “khác biệt” giữa hai vị trí này sẽ hỗ trợ người viết trong quá trình tìm kiếm công việc cũng như điều chỉnh lại kỳ vọng của mình với từng vị trí, từ đó xác định hướng đi phù hợp. 


Vậy người viết phải có kỹ năng gì?


Dù là Content Writer hay Copywriter, nhiệm vụ lớn nhất của người viết là truyền tải hiệu quả kiến thức, thông điệp, cá tính và quan điểm của doanh nghiệp và nhãn hàng.


Để có thể linh hoạt thích ứng với tính chất công việc của nghề “viết lách” thời hiện đại, Copywriter cũng cần có kỹ năng Content Writing, thông thạo sản xuất nội dung đa nền tảng. Ngược lại, Content Writer nên trau dồi thêm khả năng sáng tạo nội dung quảng cáo trên mọi kênh truyền thông: từ truyền hình, radio, in ấn, báo chí đến website, bài đăng Facebook, banner ads,..., thuần thục xử lý cả nội dung “long-form” và “short-form”. 


Content writer là gì? Khám phá vị trí của content writer từ A đến Z

Nhiệm vụ cuối cùng của người viết là truyền tải hiệu quả kiến thức, thông điệp, cá tính và quan điểm của doanh nghiệp và nhãn hàng.


Ngoài ra, cả Content Writer và Copywriter cần trang bị cho mình hiểu biết chung về bức tranh toàn cảnh ngành marketing - quảng cáo, các xu hướng trên thị trường và thói quen tiêu dùng mới của khách hàng, đồng thời phát triển tư duy tổng thể để có thể lên ý tưởng cho những bài viết đơn lẻ, các sự kiện marketing du kích, các dự án truyền thông ngắn hạn lẫn các chiến dịch kéo dài nhiều năm. 


Kết lại


Sở hữu kiến thức và bộ kỹ năng toàn diện là nền tảng để người viết phát triển bản thân theo sở thích và thế mạnh của mình, thậm chí là chuyển hướng sang những nhánh công việc chuyên biệt hơn như biên kịch, lên nội dung video chiếu mạng, podcast, chương trình truyền hình,.... Nhưng dù ở vị trí nào thì mục tiêu cuối cùng của người viết phải là tạo ra những nội dung chất lượng, hợp thời, mang lại giá trị lâu dài. 


Content: Hiền Phương
Design: Đạt Đặng