Với hơn 1,44 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng và 83% sử dụng để khám phá sản phẩm/dịch vụ mới, Instagram là một trong những nền tảng được nhiều thương hiệu sử dụng để tiếp cận người dùng và quảng bá sản phẩm.


Tuy nhiên, giữa cơn sốt thương mại xã hội hiện nay, các doanh nghiệp nên làm gì để thu hút người dùng và gia tăng doanh số trên Instagram? Cùng tìm hiểu 3 phương pháp phát triển hình ảnh doanh nghiệp dưới đây!


1. Xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và nhất quán


Instagram là mạng xã hội chia sẻ ảnh và video nên bản thân nó thu hút người dùng dựa trên cơ sở sáng tạo. Vì thế, chị Đinh Thị Phương Thảo - Founder của thương hiệu Linh Nga Bridal đã chia sẻ rằng, doanh nghiệp cần để tâm nhiều hơn đến màu sắc, hình thức trình bày ảnh và video để đảm bảo tính thẩm mỹ và phản ánh đúng tính cách thương hiệu. 


Feed của nhà mốt Celine được trình bày nhất quán


Hiện nay, ứng dụng đã cung cấp cho người dùng nhiều chế độ chỉnh sửa ảnh và video khác nhau. Doanh nghiệp có thể tận dụng những công cụ này để tối ưu hóa các bài đăng. Ngoài ra, thương hiệu cần tránh sử dụng quá nhiều phong cách khác nhau. Điều này sẽ gây cảm giác mất thẩm mỹ, thậm chí còn khiến người dùng dễ nhầm lẫn thương hiệu của bạn với đối thủ cạnh tranh.


2. Tương tác với khách hàng


Bên cạnh việc thu hút người dùng dựa trên những hình ảnh, video đẹp mắt và sáng tạo, một yếu tố cũng quan trọng không kém chính là tương tác với khách hàng. Chị Phương Thảo chia sẻ rằng các thương hiệu có thể tận dụng sticker dạng câu hỏi hay bình chọn trên Instagram để tìm hiểu mong muốn và sở thích của khách hàng. Bằng cách tự khảo sát và thu thập dữ liệu, thương hiệu sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người dùng hơn.


Thương hiệu có thể tận dụng sticker dạng câu hỏi hay bình chọn trên Instagram để tìm hiểu mong muốn và sở thích của khách hàng


Ngoài ra, thương hiệu cũng nên trả lời tin nhắn của khách hàng sớm nhất có thể. Việc người dùng nhắn tin với thương hiệu đã thể hiện mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều thông tin về sản phẩm, do đó thương hiệu cần nắm bắt được điều này. Một yếu tố quan trọng nữa chính là thương hiệu cần cố gắng nhận càng nhiều phản hồi về thiết kế hay giá cả càng tốt. Điều này sẽ giúp thương hiệu có thêm thông tin để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.


3. Kết hợp các định dạng nội dung khác nhau 


Để phục vụ trải nghiệm người dùng, Instagram đã liên tục ra mắt nhiều định dạng nhiều nội dung. HIện tại, nền tảng đang có Feed, Stories, Reels, Video và Livestream. Các thương hiệu có thể kết hợp chúng để bổ sung cho nhau và mang lại kết quả tốt nhất.


Đối với định dạng Stories, thương hiệu có thể bật mí về các sản phẩm và dịch vụ mới, cập nhật những sự kiện liên quan đến ngành hàng của thương hiệu. Với hơn 1 tỷ người dùng trên nền tảng, Stories là cơ hội để thương hiệu gia tăng tương tác với khách hàng mục tiêu. 


Những định dạng nội dung trên Instagram


Nếu thương hiệu muốn đăng tải những hình ảnh đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao thì Feed sẽ là lựa chọn tối ưu nhất. Một Instagram Feed đồng nhất về thiết kế và nội dung sẽ tạo được sự nhất quán cho thương hiệu.


Theo Hubspot, nhiều nhà tiếp thị đã thử nghiệm video phát trực tiếp (Livestream) và nhận ra khả năng thu hút, giữ chân khách hàng hiệu quả của định dạng này. Thống kê từ công cụ đo lường tương tác Statusbrew đã cho thấy, 100 triệu người dùng đăng tải và xem video trực tiếp trên Instagram Live mỗi ngày. Chị Phương Thảo đã chia sẻ rằng các thương hiệu có thể dùng Live để phát sóng những sự kiện đang diễn ra hoặc chia sẻ những kiến thức hữu ích.


Thương hiệu có thể phát sóng những sự kiện đang diễn ra


Nguồn tham khảo: Meta Boost

Kim Ngọc