Trong một thế giới đầy “hỗn loạn”, người tiêu dùng có xu hướng tìm về những cảm giác an toàn và dễ chịu thông qua việc nhớ lại những trải nghiệm hạnh phúc trong quá khứ. Nhiều thương hiệu đã nhanh chóng nắm bắt được tâm lý hoài cổ của khách hàng và áp dụng vào chiến lược marketing nhằm tạo liên kết cảm xúc tích cực và hình thành mối quan hệ gắn kết với họ. Vậy Nostalgia Marketing là gì và làm thế nào để xây dựng một chiến lược Marketing neo giữ ký ức hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!


Nostalgia marketing là gì?


“Nostalgia” (sự hoài niệm) là một thuật ngữ dùng để chỉ cảm xúc và tình cảm mãnh liệt của con người với một sự kiện, trải nghiệm, đồ vật, địa điểm hoặc một mối liên hệ trong quá khứ. Sự hoài niệm được “xúc tác” thông qua kích thích giác quan, chẳng hạn như một mùi hương quen thuộc, một bài hát về một thời đã qua hay một đồ vật xưa cũ. Những trải nghiệm gợi nhắc về quá khứ được đánh giá là có tác động tích cực về mặt cảm xúc và khiến mọi người có cái nhìn tốt hơn về cuộc sống.


Những tác phẩm mang màu sắc hoài niệm luôn thu hút sự chú ý và lượt tương tác "khủng" của người dùng mạng xã hội


Nostalgia Marketing là một hình thức marketing dựa vào sự hoài niệm để tạo ra một chiến dịch gợi nhắc khách hàng về thời thanh xuân đã qua của họ. Bằng cách sử dụng những hình ảnh, âm thanh và thông điệp quen thuộc với khách hàng, các chiến dịch Nostalgia Marketing đóng vai trò như một “cỗ máy thời gian” giúp họ cảm thấy được chữa lành, từ đó trở nên gắn kết hơn với thương hiệu và tăng khả năng đưa ra quyết định mua hàng.


Vì sao các thương hiệu nên lựa chọn Nostalgia Marketing?


Ưu điểm chính của hình thức marketing này là khả năng hình thành các kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Nghiên cứu được thực hiện bởi Harvard Business School đã chỉ ra rằng phần lớn khách hàng đồng ý chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm và thương hiệu mang lại cho họ cảm xúc hoài niệm. Việc marketing neo giữ ký ức mang lại cảm giác thoải mái và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực cho khách hàng, khiến họ cảm thấy hài lòng hơn và dễ dàng xây dựng tình cảm với thương hiệu.


How the Psychology of Nostalgia Drives the Content Strategy Behind Stranger  Things — Pop Neuro

Chuỗi series Stranger Things của Netflix đã rất thành công trong việc đưa yếu tố hoài cổ vào phong cách thời trang và lối sống của thập niên 80 nhưng vẫn tạo được sự hứng thú và thu hút người xem


Bên cạnh đó, việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, hình ảnh và âm nhạc có lịch sử lâu đời trong chiến dịch Nostalgia Marketing khiến thương hiệu trở nên đáng tin cậy và mang giá trị bền vững hơn trong mắt người tiêu dùng. Đối với thế hệ Millennials lẫn Gen Z, đây là một yếu tố quan trọng sẽ khiến họ cảm thấy tin tưởng và muốn gắn bó hơn với một thương hiệu.


Theo Dealsinsight, trong giai đoạn giãn cách do COVID-19, các từ khoá liên quan đến “hoài cổ” đã tăng từ 13 triệu lên 24,4 triệu lượt đề cập, tăng 88%. Bên cạnh đó, sự “hồi sinh” của nền văn hoá Y2K (những năm 2000) trong cộng đồng Gen Z thời gian gần đây như một lời khẳng định rằng những xu hướng mang màu sắc hoài niệm đang có chỗ đứng vững chắc trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội.


15 Y2K fashion trends that are making a comeback | Finder

Thời gian gần đây, "cơn sốt" Y2K đang quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng


Một chiến lược Nostalgia Marketing hiệu quả không nhất thiết đòi hỏi thương hiệu phải là một tập đoàn có bề dày lịch sử lâu đời. Dưới đây là 6 bước giúp các thương hiệu sáng tạo và tận dụng sự hoài niệm chiến lược marketing của mình:


1. Thấu hiểu đối tượng mục tiêu: Hãy tìm hiểu về các đặc điểm và hành vi của nhóm đối tượng mà thương hiệu muốn nhắm đến. Đây là một bước cực kì quan trọng cung cấp cho các marketer nguồn tài nguyên quý báu về nền văn hoá mà đối tượng mục tiêu đã có mối liên hệ tích cực trong quá khứ. 


2. Xác định các yếu tố thuộc ký ức: Khi đã hiểu khán giả của mình, thương hiệu cần tập hợp và lựa chọn các sự kiện, phong cách hay ý tưởng liên quan đến một giai đoạn trong quá khứ mà họ cảm thấy hạnh phúc nhất để gợi lên những cảm xúc tích cực trong họ.


3. Kết hợp với giá trị và lịch sử của thương hiệu: Hãy xem xét đến việc kết hợp lịch sử của thương hiệu vào chiến dịch Nostalgia Marketing hay không. Bằng cách nhắc khán giả những trải nghiệm trong quá khứ có liên quan đến thương hiệu, các marketer có thể dễ dàng thuyết phục họ rằng đây là một thương hiệu đáng tin cậy, mang giá trị bền vững và có khả năng giúp họ tạo ra những ký ức tích cực hơn trong tương lai.


4. Cân bằng giữa sự quen thuộc và đổi mới: Điều làm nên sự thành công của một chiến dịch marketing dựa vào ký ức nằm ở việc kết hợp khéo léo các yếu tố của quá khứ, đồng thời làm cho các yếu tố đó phù hợp hơn với khán giả hiện đại.


Là bộ phim hiếm hoi được xây dựng theo mô-típ xuyên không, “Cô Ba Sài Gòn” đã thành công trong việc đan xen giữa những yếu tố truyền thống mang đậm nét cổ kính và hiện đại, đầy sống động


5. Lắng nghe khách hàng: Hãy lắng nghe và thấu hiểu những mong muốn của khách hàng thông qua việc nghiên cứu những gì họ đang bàn tán trên mạng xã hội, cung cấp cho họ những bản khảo sát, đánh giá về thương hiệu và tận dụng những thông tin đó để xây dựng chiến lược Nostalgia Marketing của mình. Làm “sống lại” những sản phẩm hoặc dịch vụ đã cũ dựa trên mong muốn và yêu cầu của người dùng cũng là một cách để các thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu và thúc đẩy doanh số bán hàng.


Nhận thấy người tiêu dùng thời nay có xu hướng ưa chuộng những đôi giày lấy cảm hứng từ thể thao, Adidas đã cho “hồi sinh” dòng sản phẩm Gazelles (1968) và hợp tác với Gucci để tạo ra những thiết kế lạ mắt, đáp ứng thị hiếu của công chúng


6. Sử dụng mạng xã hội: Mạng xã hội thường đóng vai trò rất quan trọng trong việc lan toả các chiến dịch Marketing hoài cổ. Khi con người được “quay về” với những cảm xúc và trải nghiệm tích cực trong quá khứ, họ có xu hướng chia sẻ với người khác và góp phần giúp cho chiến dịch đạt được hiệu quả tiếp cận cao hơn. Sử dụng #throwback (quay về quá khứ), sáng tạo một hashtag cụ thể cho chiến dịch và phát triển nội dung phù hợp với nhiều nền tảng mạng xã hội là những điều marketer có thể làm để tận dụng tốt mạng xã hội cho các chiến dịch Nostalgia Marketing của mình.


Thảo Vy