Xu hướng sử dụng Slang trong chiến lược marketing: VIFON Việt Nam dùng từ lóng trong chiến dịch quảng bá ‘Bộ Gia Vị Toàn Năng' trên mạng xã hội, ‘Elm' trở thành cụm từ lóng của năm tại giải WeChoice Award 2023

Trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi, đặc biệt khi Gen Z và Gen Alpha đang chiếm lĩnh vai trò quan trọng trong lực lượng người tiêu dùng, các thương hiệu ngày càng chú trọng đến việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi và bắt kịp xu hướng để tiếp cận họ. Slang, những từ lóng và cụm từ độc đáo, đã trở thành công cụ đắc lực trong chiến lược truyền thông, giúp thương hiệu tạo dấu ấn trẻ trung và hiện đại.  


Hãy cùng tìm hiểu xu hướng sử dụng Slang trong chiến dịch marketing thông qua bài viết sau!



Sử dụng Slang (từ lóng) trong chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội hiện đang là xu hướng của các thương hiệu có mong muốn tiếp cận với giới trẻ. Đặc biệt là khi bối cảnh Gen Z và Gen Alpha đang là nhóm người tiêu dùng chính của các thương hiệu. Chính vì thế, việc dùng slang trong chiến dịch sẽ giúp thương hiệu tăng thêm phần trẻ trung, dễ dàng tiếp cận và trở thành xu hướng. 


Theo thống kê của YouNet Media, trong nửa đầu năm 2024 đã có hơn 530 hot trend, chủ đề xu hướng bùng nổ trên mạng xã hội và có hơn 350 thương hiệu nắm bắt xu hướng này để thực hiện các chiến dịch truyền thông tại Việt Nam. Điều này cho thấy, việc nhanh chóng bắt kịp và sử dụng slang phù hợp với xu hướng không chỉ giúp các thương hiệu gia tăng sức ảnh hưởng mà còn tạo ra những chiến dịch mang tính thời đại, dễ dàng lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội.



Việc sử dụng slang không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi chiến lược truyền thông. Một số chiến lược đòi hỏi hình ảnh nghiêm túc, cung cấp thông tin chính xác và không thể sử dụng ngôn ngữ quá bình dân hoặc phi chính thức. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp đòi hỏi sự uy tín và chuyên nghiệp như tài chính, luật pháp hay y tế, việc sử dụng slang có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu. Theo báo cáo của Exclamer, hơn 60% thế hệ Baby Boomers cho rằng sử dụng những từ lóng trong các chiến dịch email marketing sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của thương hiệu. Theo sau là các thế hệ như Gen X với 50%, Millennials với 43% và Gen Z với 42%. 



Chính vì thế, khi các thương hiệu chọn sử dụng các từ lóng trong chiến dịch truyền thông thì phải chọn lọc kênh cũng như đối tượng tiếp cận phù hợp. 



Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, nhiều từ lóng mới đã xuất hiện và nhanh chóng trở thành xu hướng khiến không ít người dùng mạng xã hội phải tò mò và tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Khi nhắc đến câu nói nổi tiếng trở thành xu hướng, gia đình Hạt Nhài là một trong những cái tên không thể thiếu với nhiều slang ấn tượng như: “Elm", “Ngoan Xinh Yêu",... Những cụm từ này không chỉ đơn thuần là những lời nói phổ thông mà còn là biểu tượng của một trào lưu văn hóa số đang phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến cách giao tiếp của giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. 


Năm 2023, slang ‘Elm' của Long Hạt Nhài đã nhanh chóng lan toả khắp mạng xã hội và trở thành câu cửa miệng của một số người Việt Nam. Trong thời điểm xu hướng từ lóng ‘Elm’ bùng nổ, đã có hơn 2.550.000 kết quả tìm kiếm “trend elm là gì” trên Google trong 0,16 giây. Đặc biệt hơn trên TikTok, hashtag #elm lên tới 203.2M lượt xem, chưa kể các hashtag liên quan như #elmPam hay #elmlagi cũng được rất nhiều người tìm kiếm và sử dụng. Thay vì sử dụng từ ‘Em’ thì nhiều người sẽ thay bằng từ ‘Elm’ để hài hước và gần gũi hơn. Đáng chú ý, slang ‘Elm’ có sức ảnh hưởng đến mức chiến thắng giải Z-Slang của Wechoice Award 2023. 



Với slang ‘Ngoan Xinh Yêu’, xuất hiện lần đầu tiên trên TikTok của pamiuoi, video đã nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý từ người dùng mạng xã hội và một phần lí do cũng là vì Pam đã là một em bé được nhiều người yêu mến. Tính đến hiện tại, video của pamiuoi đã đạt được hơn 76 triệu lượt xem và có hơn 3,5 triệu lượt thích trên TikTok. 



Nắm bắt được xu hướng này, nhiều người dùng lẫn các thương hiệu đã nhanh chóng sáng tạo nội dung với slang ‘Ngoan Xinh Yêu’ trên các phương tiện truyền thông. Các thương hiệu đã sử dụng từ ‘Ngoan Xinh Yêu’ để gọi khách hàng hoặc users, trong đó nổi bật là ngân hàng MSB Bank đã áp dụng slang của em bé Pam vào chiến dịch Valentine - ‘Kế hoàn tiền & Bí kíp ghi điểm cho các Ngoan Xinh Yêu’ hay siêu thị GO! với bài đăng ‘Deal Ngoan Xinh Yêu, Chiều nàng hết nấc”, cùng với nhiều chiến dịch của các thương hiệu khác. 



Có thể thấy, slang có thể được áp dụng trong nhiều ngành hàng và kể cả những ngành hàng liên quan đến tài chính, công nghệ, dịch vụ ăn uống. Nổi bật là FPTShop, thương hiệu đã sử dụng slang ‘Trôn Việt Nam’ trong bài đăng trên mạng xã hội hay với Highlands đã kết hợp slang ‘Em năm nay 40 tuổi rồi,...’ - câu thoại của diễn viên Phương Anh Đào trong bộ phim Mai.  


Tương tự như vậy, trong chương trình ‘Anh Trai Say Hi’, slang ‘Đã làm gì đâu’ của anh trai Quang Trung bất ngờ trở thành xu hướng với gần 4 triệu lượt tương tác và hơn 325 nghìn lượt thảo luận trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Nhờ khoảnh khắc hài hước này mà kênh VieOn đã đăng tải thêm video clip hậu trường và phân cảnh ‘Đã làm gì đâu' của anh trai Quang Trung là đoạn được phát nhiều nhất. Trên TikTok, nhiều thương hiệu cũng đã ‘bắt trend' với những video sử dụng giọng nói của anh trai Quang Trung, lượt xem trung bình của mỗi video có thể lên đến hơn 8 triệu lượt xem. 



Không chỉ sáng tạo các video hài hước trên TikTok, các thương hiệu cũng đã sử dụng slang ‘Đã làm gì đâu’ vào chiến dịch quảng bá trên Facebook. Với thương hiệu VIFON Việt Nam trong chiến dịch quảng cáo ‘Bộ Gia Vị Toàn Năng, thương hiệu không chỉ sử dụng slang của anh trai Quang Trung mà còn sử dụng nhiều câu nói viral khác để mở đầu mỗi bài đăng, ví dụ như ‘Chấn động tam giới', ‘Đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới’,... 




Việc áp dụng các từ lóng vào chiến dịch quảng cáo đã giúp cho thương hiệu đạt được nhiều thành tích với những con số ấn tượng. Với chiến dịch của FPTShop và Highlands Coffee khi sử dụng slang trong chiến lược truyền thông đã đạt được lần lượt hơn 67 nghìn và gần 14 nghìn lượt tương tác cho mỗi bài đăng. 



Việc sử dụng từ lóng trong chiến lược marketing không chỉ là một cách để thể hiện sự hiện đại và trẻ trung của thương hiệu mà còn mang lại nhiều tác dụng tích cực trong việc xây dựng hình ảnh và kết nối với khách hàng. 


Slang thường mang tính cá nhân cao, phản ánh những phong cách sống, sở thích, và quan điểm của một nhóm người cụ thể. Khi thương hiệu sử dụng slang, đặc biệt là trong các chiến dịch hướng đến nhóm khách hàng đặc biệt như Gen Z hoặc Gen Alpha, nó giúp thông điệp trở nên cá nhân hóa hơn, gần gũi hơn với đời sống thực tế của họ. Thay vì sử dụng ngôn ngữ quảng cáo truyền thống, việc sử dụng từ lóng cho phép thương hiệu tạo ra những thông điệp mang tính đối thoại, như thể thương hiệu đang trực tiếp trò chuyện với khách hàng. 


Điều này không chỉ làm tăng sự tương tác mà còn giúp thương hiệu khẳng định vị trí của mình trong lòng khách hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, các thương hiệu cần cẩn trọng trong việc lựa chọn và sử dụng slang, đảm bảo rằng chúng phù hợp với đối tượng khách hàng và kênh truyền thông mà họ hướng đến. 


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!


Xu hướng sử dụng Slang trong chiến lược marketing: VIFON Việt Nam dùng từ lóng trong chiến dịch quảng bá ‘Bộ Gia Vị Toàn Năng' trên mạng xã hội, ‘Elm' trở thành cụm từ lóng của năm tại giải WeChoice Award 2023

Kim Yến

Kim Yến

Content Writer | Advertising Vietnam

30 Thg 08 2024

Lưu

Cùng chuyên mục