Không chỉ “khổ tâm” với deadline, đôi khi các nhân sự còn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cách hành xử nơi công sở. Trong đó, việc cả nể hưởng ứng những câu đùa hay “miếng joke nhạt” từ phía cấp trên đã khiến nhiều nhân sự gặp khó khăn. Không phản ứng thì có thể bị đánh giá là “không hòa nhập với môi trường tập thể”, nhưng hưởng ứng với những “miếng joke nhạt” thì lại phải “làm trái với lương tâm”. Phương án nào để nhân sự thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này?
Sếp “nhạt” đến mấy cũng phải… “hứng”
Thông thường, những người sếp có mong muốn trò chuyện, tiếp cận để xóa bỏ khoảng cách với các nhân viên, tạo không khí làm việc dễ chịu, hiệu quả hơn. Thế nhưng đáng tiếc là, không phải câu chuyện nào cũng có “cái kết đẹp”.
Với chị Thảo - Content Marketing, chị thường xuyên gặp phải tình huống sếp nói dông dài, kể về những câu chuyện xảy ra xung quanh bản thân và cười đùa vui vẻ. Đặt bản thân vào vị trí của sếp, chị cho rằng nếu bản thân nói chuyện mà không được ai hồi đáp thì cũng sẽ cảm thấy… mất mặt. “Mình cũng là một người thích chia sẻ những câu chuyện vui, thế nhưng không phải ai cũng cảm thấy vui như mình. Do đó, dù đôi khi sếp hơi ‘nhạt’, mình vẫn sẽ cười trừ, đáp lại vài câu để tăng tính tương tác trong công ty”, chị Thảo nói.
Khi các nhân sự khác không biết nên phản ứng như thế nào với sếp, chị Thảo phải cố gắng cười đùa hưởng ứng sếp
Trong khi đó, chị Lê Ngọc An - Content Executive lại rơi vào một trò đùa tréo ngoe hơn khi bị sếp bàn luận về tình trạng cân nặng: “Trong quá trình đi làm, có một khoảng thời gian mình từng rất stress. Để ‘up mood’ cho bản thân, mình tìm đến đồ ngọt và bị tăng cân. Vào lúc mình đang cùng ăn uống với đồng nghiệp, sếp đi ngang nhìn thấy và bảo ‘Sao dạo này béo thế em? Ăn ít lại thôi haha’”.
Chị Huyền Trân - Marketing Executive kể rằng, khi cả team đang cùng ngồi ăn uống, tán gẫu về chuyện yêu đương của nhau, sếp đã từng hỏi về tình trạng mối quan hệ của chị. “Lúc này, mình bảo với sếp là mình chưa có người yêu vì có tiêu chuẩn riêng và vẫn đang tìm kiếm người phù hợp. Sau đó, sếp vừa cười vừa bảo ‘Đừng khó tính quá, không thôi ế chỏng ế chơ thành bà già cô đơn không ai thèm thì lúc đó hối hận cũng muộn rồi’. Nghe sếp đùa xong mình chỉ biết ‘xịt keo’, nhoẻn miệng cười trừ để hưởng ứng dù tâm trạng mình không hề vui, thậm chí có phần bị tổn thương vì trò đùa ‘kém duyên’ này”, chị nói.
Cố gắng cả nể, hưởng ứng sếp vì không muốn bị “giận cá chém thớt”
Trong môi trường công sở, việc giao tiếp và hòa nhập với đồng nghiệp là một yếu tố quan trọng để gắn kết với mọi người. Vì thế, trước các câu đùa nhạt của sếp, các nhân sự vẫn phải “gồng mình” hưởng ứng.
Chị Lê Ngọc An chia sẻ rằng dù không muốn nhưng chị vẫn giả vờ vui vẻ, phần là để chiều lòng và giữ mặt mũi cho sếp, phần là vì không muốn vì một chuyện nhỏ mà bị sếp “ghim” hay “giận cá chém thớt”. Song, chị thừa nhận: “Việc ép bản thân phải hòa vào không khí vui chung lâu dần tạo cho mình cảm giác mất tự nhiên khi giao tiếp hay tương tác với sếp, uể oải vì không biết sắp tới mình còn phải tiếp tục ‘giả vờ hùa’ theo những câu đùa nhạt của sếp đến bao giờ.”
“Việc ép bản thân phải hòa vào không khí vui chung lâu dần tạo cho mình cảm giác mất tự nhiên khi giao tiếp hay tương tác với sếp”, chị Lê Ngọc An nói
Đồng tình với suy nghĩ trên, chị Huyền Trân nói rằng tình trạng phải liên tục hưởng ứng sếp trong những chuyện đùa vui sẽ khiến nhân sự cảm thấy “bằng mặt không bằng lòng”, dễ tạo rào cản/khoảng cách giữa nhân sự và sếp: “Mình hoàn toàn đánh giá cao nỗ lực của sếp khi cố gắng kết nối với nhân sự qua những câu chuyện hài hước và tạo không khí vui vẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ phản tác dụng nếu sếp không cân nhắc bối cảnh, chủ đề, lời nói hay thái độ, khiến nhân sự cảm thấy tổn thương/xúc phạm, họ sẽ dần hình thành ấn tượng không tốt và dè chừng sếp hơn thay vì hưởng ứng để gắn kết mối quan hệ.”
Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, việc sếp liên tục cười đùa còn khiến nhân sự sao nhãng trong công việc. “Khi không ai muốn trả lời, sếp thường tìm đến người hoạt ngôn nhất, có thể là mình hoặc cũng có thể là người khác. Điều này không chỉ khiến bản thân người được tìm đến không thể đặt 100% sự tập trung vào công việc, mà còn ảnh hưởng đến các nhân sự đang làm việc xung quanh”, chị Thảo nói.
Việc hưởng ứng các câu chuyện đùa của sếp có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân sự
Để tránh tình trạng gây mích lòng sếp, chị Huyền Trân chia sẻ rằng khi cảm nhận được dấu hiệu “joke nhạt” của sếp, chị thường “lèo lái” cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi và gợi một câu chuyện khác thật sự vui vẻ hơn để tất cả mọi người (bao gồm cả chị) sẽ có mood và bàn luận một cách thoải mái hơn. “Hoặc nếu cảm thấy cuộc trò chuyện không thể cứu vãn, mình sẽ tìm một lý do nào đó thông báo bận để rời cuộc trò chuyện một cách lịch sự, tránh dẫn đến tình huống làm ‘mất lòng’ nhau”, chị nói.
Từ đó có thể thấy, sếp có thể có những câu chuyện vui muốn chia sẻ với đồng nghiệp, cấp dưới để khiến không khí trở nên vui tươi hơn. Nếu không thể hưởng ứng, góp vui cùng sếp, các nhân sự có thể khéo léo rời khỏi cuộc trò chuyện để không khiến sếp và chính bản thân mình khó chịu.
Nội dung: Kim Ngọc
Minh hoạ: Huy Mai