Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” là một trong những câu hỏi thường bắt gặp nhất trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng. Ứng viên thường e ngại câu hỏi này vì sợ câu trả lời của bản thân sẽ vô tình “vạch áo cho người xem lưng”. Tâm lý đó khiến họ lựa chọn kể về những điểm yếu… có lợi như “quá chăm chỉ”, “quá cầu toàn hay “theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Cách trả lời này có thể bị nhà tuyển dụng đánh giá là không thành thật hoặc tệ hơn là thiếu nhận thức về bản thân. 


Tuy nhiên, ứng viên cũng không nên phô bày các điểm yếu là kĩ năng bắt buộc phải có đối với vị trí ứng tuyển. Có nhiều cách để chinh phục câu hỏi về điểm yếu mà vẫn giúp ứng viên thể hiện được giá trị hay khía cạnh khác của mình, hoặc ít nhất là chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy động lực khắc phục điểm yếu. 


Làm thế nào để ứng viên xác định đúng điểm yếu của bản thân?


Điểm yếu mà ứng viên lựa chọn phải trung thực đồng thời không ảnh hưởng đến cơ hội nhận được công việc. Vậy làm thế nào để tìm ra chính xác điểm yếu nào nên trình bày với nhà tuyển dụng? 


1. Loại trừ bất kỳ điểm yếu nào liên quan đến kỹ năng được liệt kê trong bản mô tả công việc


Những kỹ năng mà công ty yêu cầu trong JD là những phẩm chất tối thiểu cần có ở một nhân sự đảm nhận công việc. Vì vậy, coi các kỹ năng đó là điểm yếu sẽ chứng tỏ ứng viên có năng lực yếu kém, từ đó “mất điểm” với nhà tuyển dụng.     


Bản mô tả công việc luôn thể hiện đầy đủ yêu cầu về các kỹ năng tối thiểu đối với vị trí tuyển dụng


2. Xem xét những điểm yếu mà ứng viên đã khắc phục được trong quá khứ


Ứng viên có thể đưa ví dụ điển hình về một kỹ năng mà bản thân từng gặp khó khăn trong việc học hỏi, sau đó giải thích cho nhà tuyển dụng về kế hoạch thay đổi và cải thiện chúng. Điều này khiến nhà tuyển dụng ấn tượng về ứng viên như một người có tinh thần ham học hỏi và thấu hiểu rõ năng lực bản thân.  


3. Tìm cảm hứng từ các bản đánh giá hiệu suất công việc trước đây


Các bản tự đánh giá hoặc đánh giá kết quả công việc ở công ty cũ có thể là gợi ý chân thực nhất dành cho ứng viên về cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Đề cập đến công ty cũ trong câu trả lời cũng là một cách giúp ứng viên tăng mức độ tin cậy với nhà tuyển dụng.   


Những lưu ý khi trả lời câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”


Thông qua câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”, nhà tuyển dụng muốn đánh giá tính trung thực, khả năng tự nhận thức và tinh thần phát triển bản thân của ứng viên. Do đó, ứng viên cần nắm vững những lưu ý dưới đây để đảm bảo câu trả lời có thể giải thích chân thành nhất về điểm yếu và thể hiện được thái độ tích cực làm việc để trở nên tốt hơn.


1. Chọn một điểm yếu không quá liên quan đến yêu cầu năng lực của vị trí ứng tuyển


Câu trả lời của ứng viên cần phải cho nhà tuyển dụng thấy rằng điểm yếu lớn nhất sẽ biến thành động lực học hỏi một kỹ năng mới, có thể giúp ích ít nhiều cho vị trí công việc. Tinh thần chủ động tìm tòi và không ngại học hỏi điều mới là điểm cộng lớn dành cho ứng viên ở bất kỳ vị trí công việc nào. 


2. Luôn trình bày kế hoạch cải thiện điểm yếu


Nhà tuyển dụng không bao giờ e ngại một ứng viên có nhiều điểm yếu mà chỉ dè chừng khi ứng viên đó không nhận thức được hậu quả để cố gắng cải thiện chúng. Do đó, sau khi trình bày điểm yếu lớn nhất của bản thân, ứng viên hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng về cách bản thân sẽ làm để từng bước thay đổi và phát triển hơn. Nếu ứng viên đã từng trải qua quá trình này với một điểm yếu khác trong quá khứ và gặt hái kết quả như mong đợi, đừng ngại nói ra với nhà tuyển dụng để tăng tính xác thực cho câu trả lời.


Không một nhà tuyển dụng nào kì vọng ứng viên của mình sẽ là một người hoàn hảo


3. Cá nhân hoá điểm yếu 


Điểm yếu lớn nhất không nhất thiết phải là điểm yếu liên quan đến công việc. Đó có thể là những điểm yếu gắn bó với tính cách hay thế giới quan của ứng viên, ví dụ như ít nói, tính hướng nội, không thích đùa,... Việc ứng viên liên kết các điểm yếu này với môi trường tập thể sẽ cho thấy ứng viên đó nhận thức rõ ràng sự cải thiện các vấn đề cá nhân cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Ngoài ra, cách trả lời này cũng giúp nhà tuyển dụng hình dung được phong cách làm việc của ứng viên trong tương lai. 


4. Đề cập đến một hình mẫu lý tưởng 


Nếu không thể hoặc không muốn đề cập đến một điểm yếu cụ thể, ứng viên hãy kể về một hoặc nhiều hình mẫu lý tưởng đang theo đuổi. Qua kiểu trả lời này, ứng viên có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy cách ứng viên đánh giá đồng nghiệp xung quanh cũng như tinh thần làm việc nhóm của ứng viên. 


5. Trung thực, không kiêu ngạo và không đánh giá thấp bản thân


Điều quan trọng nhất ứng viên nên làm khi trả lời câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” chính là thể hiện sự tự tin và thái độ chân thành. Không cần phải cảm thấy xấu hổ về sự thiếu sót của bản thân miễn là ứng viên vẫn đang nỗ lực hàng ngày để trở nên tốt hơn.


Hãy trung thực, tự tin nhưng không kiêu ngạo khi trả lời câu hỏi phỏng vấn về điểm yếu


11 gợi ý lý tưởng trả lời câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”


1. Thiếu kiên nhẫn: Cá tính này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng làm việc nhóm. Hãy đề cập đến nó nếu bạn đang ứng tuyển một vị trí đòi hỏi làm việc độc lập nhiều hơn và cũng đừng quên cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẵn sàng mở lòng để tìm kiếm sự giúp đỡ.


2. Thiếu tổ chức: Bàn làm việc lộn xộn, hòm thư email không được sắp xếp khoa học,... là một số ví dụ cụ thể về điểm yếu này. Đây là tính cách tương đối phổ biến và có thể sửa chữa dễ dàng.


3. Rụt rè: Rụt rè quá mức sẽ khiến bạn tỉ mỉ trong cách suy ngẫm và quá trình thực hành. Điều này vô tình trở thành điểm mạnh cho bạn. 


4. Thiếu tế nhị: Bản tính thẳng thắn đồng nghĩa với sự thiếu đồng cảm nhưng đôi khi lại khiến công việc có thể giải quyết nhanh chóng và rõ ràng. 


5. Sợ nói trước đám đông: Đây sẽ không phải gợi ý phù hợp cho những vị trí ứng tuyển đòi hỏi cao về kỹ năng giao tiếp như quản lý dự án, nhân viên bán hàng,...


6. Kỹ năng phân tích dữ liệu yếu: Đây là điểm yếu hoàn toàn có thể cải thiện qua quá trình học hỏi hàng ngày. Khi thành thục, kỹ năng này sẽ trở thành “phụ tá” đắc lực cho công việc của bạn. 


7. Thiếu quyết đoán: Với điểm yếu thiếu quyết đoán, hãy trả lời rằng bạn từng được làm việc trong môi trường luôn nhận được sự chỉ dẫn rõ ràng với một người quản lý có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tự đưa ra quyết định của bản thân. Cách trả lời này chứng minh bạn vừa có thể là người đứng đằng sau, vừa có thể làm việc độc lập khi cần thiết.


8. Tự phê bình quá gay gắt: Điểm yếu này có thể tạo được sự đồng cảm với nhà tuyển dụng vì bất kỳ ai cũng đều có sự chỉ trích nội tâm nhất định. 


9. Quản lý vi mô: Gợi ý này phù hợp nhất nếu bạn đã từng ở vị trí lãnh đạo trước đây và đang ứng tuyển vào vai trò quản lý.


10. Nói nhiều: Đây là một ví dụ điển hình cho một điểm yếu được cá nhân hoá. Nói nhiều có thể gây mất tập trung ở nơi làm việc nhưng lại cho thấy bạn luôn sẵn sàng phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp.


11. Không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Hãy tránh lý tưởng hoá tâm huyết của bạn dành cho công việc. Thực tế, chính sự thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang âm thầm ảnh hưởng đến động lực và sức khoẻ của bạn, gián tiếp làm giảm hiệu suất. 


Theo HubSpot

Trang Ngọc