Gần 80% quyết định mua hàng của một gia đình bị ảnh hưởng bởi giới trẻ. Ngoài ra, những người dùng trẻ tuổi thuộc thế hệ Gen Z và Gen Alpha cũng đang dần trở thành tệp khách hàng chính của nhiều thương hiệu. Vì thế, xuất hiện đúng nơi, đúng thời điểm sẽ góp phần giúp thương hiệu phát triển về mặt doanh số và gia tăng mức độ nhận diện trong lòng người dùng trẻ, đặc biệt trên môi trường kỹ thuật số.


Mới đây, nền tảng TotallyAwesome đã ra mắt báo cáo chuyên sâu “Youth-first Digital Insights” chú trọng vào việc nghiên cứu insight và hành vi của các thanh niên từ 4 đến 24 tuổi ở Châu Á - Thái Bình Dương. Với sự tham gia của hơn 9 nghìn thanh niên và hơn 5 nghìn bậc phụ huynh, nghiên cứu đã tiết lộ 5 chiến lược để thương hiệu thu hút người dùng trẻ trên các phương tiện truyền thông.


1. Gia tăng kết nối qua thế giới gaming


Theo báo cáo của TotallyAwesome, cứ 10 thanh niên thì có đến 9 người chơi game. Thế giới của các trò chơi muôn màu muôn vẻ, vì thế 63% thanh niên cho rằng “sự thú vị” là động lực để họ trở thành “game thủ”. 


Cứ 10 thanh niên thì có đến 9 người chơi game


Hơn nữa, trò chơi cũng là yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần của thanh niên. Trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương, 39% thanh niên bày tỏ chơi game giúp giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời 39% cảm thấy rằng chơi game khiến họ cảm thấy tốt hơn về bản thân. Chơi game được xem là công cụ giúp họ kết nối xã hội, học tập và khám phá khả năng của chính mình.


Đối với các thương hiệu, việc tham gia vào thế giới trò chơi sẽ xây dựng mối liên kết tích cực và thu hút giới trẻ. Trong đó, quảng cáo trò chơi có khả năng thúc đẩy chuyển đổi nhanh chóng. Thông tin chi tiết của TotallyAwesome cũng cho thấy giới trẻ có nhiều khả năng hành động hơn sau khi xem quảng cáo được tài trợ trong trò chơi, thúc đẩy việc khám phá sản phẩm, qua đó khuyến khích người dùng đưa ra các quyết định mua hàng trên cả trực tuyến và ngoại tuyến. 


Đơn cử như vào tháng 4/2021, tựa game mới nhất trong series Kiếm Hiệp Tình Duyên của nhà phát hành VNG mang tên “Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile” chính thức được ra mắt. Tuy nhiên, thể loại game nhập vai trên di động là phân khúc có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam với nhiều đối thủ và tựa game mới được ra mắt hàng tháng. 



Để tựa game trở nên phổ biến với đông đảo người dùng, đội ngũ đã tiên phong sử dụng kỹ thuật 3D và CGI để tạo nên nhân vật “Đại Hiệp Trấn Thành” lấy nguyên mẫu từ Đại sứ Thương hiệu - MC Trấn Thành. Vị Đại Hiệp này sẽ cùng người chơi khám phá thế giới Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile thông qua các TVC, clip quảng cáo ngắn, poster và animated banner (banner động). Ngoài ra, trò chơi còn xây dựng hình ảnh “Tứ Linh” với 4 đại sứ khác bao gồm MisThy, Tiến Linh, Min Dế Choắt để mở rộng chiến dịch đến nhóm game thủ mới và đại chúng Việt Nam.



“Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile” đã có nước đi khác lạ khi đưa các Influencer nổi tiếng vào thế giới ảo


Với chiến lược độc đáo này, tựa game “Võ Lâm Truyền Kỳ 1 Mobile” có tổng lượt cài đặt ứng dụng vượt chỉ tiêu 2,2 lần; ROI tổng thể của chiến dịch đạt 343% - vượt chỉ tiêu 3,5 lần;... 


2. Triển khai các chiến dịch Influencer Marketing


Sức mạnh của các Influencer đến giới trẻ là bằng chứng xác thực cho mức độ hiệu quả của chiến lược tiếp thị này. Theo báo cáo, có đến 94% giới trẻ đang xem và tương tác với nội dung của người có sức ảnh hưởng. Tất cả thể loại nội dung từ trò chơi đến ẩm thực, phong cách sống và giải trí đều được khán giả yêu thích.


TotallyAwesome cũng xác định rằng các nội dung của Influencer là phương tiện để người dùng trẻ khám phá các thương hiệu thời trang (23%), sức khỏe và sắc đẹp (20%), và đồ chơi (17%). Một khi họ biết thông tin về một thương hiệu mới, ¼ thanh niên sẽ quyết định mua hàng nhờ có sự chứng thực của các Influencer.


¼ thanh niên sẽ quyết định mua hàng nhờ có sự chứng thực của các Influencer


Năm 2022, thành viên Jennie (BlackPink) đã tạo nên cơn sốt khi bị bắt gặp mang một chiếc túi “cloud bag” (tạm dịch: Chiếc túi đám mây) của thương hiệu thời trang COS. Theo đó, chiếc túi màu Off-White có giá 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) của hãng thường xuyên được nữ idol diện trong các shoot hình du lịch. Với sức ảnh hưởng của Jennie, chiếc túi này đã liên tục cháy hàng trong năm 2022. Khi COS tổ chức sự kiện pop-up đầu tiên của hãng tại Seoul (Hàn Quốc) với mặt hàng bày bán chủ yếu là chiếc túi “cloud bag”, rất nhiều người hâm mộ đã xếp hàng dài trước pop-up store của thương hiệu để chờ được mua sản phẩm này. Những người tham dự sự kiện cho biết, họ đã phải đợi hơn một tiếng để có cơ hội vào trong cửa hàng.


“Chiếc túi đám mây” nổi tiếng nhờ được Jennie tích cực “lăng xê”


Ngoài ra, trong thời gian tổ chức world tour Born Pink vừa qua, các thành viên của nhóm BlackPink cũng đã sử dụng điện thoại có gắn ốp lưng của thương hiệu Maison de Sabré. Nhờ đó, doanh số của thương hiệu đã tăng 44% sau khi chuyến lưu diễn kết thúc. Không những thế, lượt tương tác trên Instagram của thương hiệu cũng chứng kiến lượt tăng gấp 10 lần, trong khi trên Twitter và TikTok tăng hơn 20 lần. 



Thương hiệu cũng rất nhanh nhạy khi đăng tải trên Twitter xác nhận các dòng ốp lưng mà thành viên nhóm BlackPink đang sử dụng. Chẳng hạn, Lisa sử dụng mẫu ốp “The Siling Case in Manhattan Orange”, Jennie với mẫu “The Phone Case in Lavender Purple” và Rosé sử dụng “The Phone Case in Pink Lily”.


3. Thực hiện chiến dịch rộng rãi trên nhiều nền tảng và phương tiện


Theo TotallyAwesome, sử dụng nhiều nền tảng để quảng bá chiến dịch là chiến lược khôn ngoan để tiếp cận người dùng trẻ. Giới trẻ hiện nay đang khám phá các thương hiệu trên nhiều nền tảng truyền thông từ YouTube (38%), TV (30%) đến TikTok (22%) và Instagram (18%). Khi họ muốn mua hàng, kỹ thuật số vẫn là lựa chọn hàng đầu với 55% người trẻ cho biết họ thường xuyên mua sắm trực tuyến. 


Internet là nơi người dùng trẻ tin tưởng đưa ra quyết định mua sắm 


Tuy nhiên, thương hiệu cần chú ý đến nội dung sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, giúp họ cảm thấy yên tâm khi mua hàng. Đồng thời, thương hiệu nên duy trì kết nối và tương tác với đối tượng này trên các kênh mua sắm để kịp thời giải đáp các thắc mắc hay vấn đề về đơn hàng. Cảm giác được “take care” (chăm sóc) tận tình sẽ khiến giới trẻ cảm thấy yêu mến và tin tưởng thương hiệu.


4. Phát triển nội dung cho thiết bị di động


Không chỉ quảng bá rầm rộ trên các nền tảng truyền thông, thương hiệu cũng cần đảm bảo nội dung được tối ưu hóa cho thiết bị di động. Nghiên cứu cho thấy 65% thanh niên sở hữu điện thoại thông minh và 45% có máy tính bảng. Trong đó, 75% người dùng trẻ dành trung bình gần 3 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại. 


75% người dùng trẻ dành trung bình gần 3 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại


Có thể thấy, màn hình di động là cách giới trẻ khám phá, nghiên cứu thế giới xung quanh, đồng thời mua sắm dịch vụ/sản phẩm từ thương hiệu. Vì thế, thương hiệu cần chắc chắn trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động mượt mà, không bị gián đoạn và hiển thị đầy đủ thông tin. Trong thế giới mobile app, giữ chân khách hàng đồng nghĩa với việc khiến họ quay lại ứng dụng và sử dụng nó nhiều nhất có thể tùy theo tính chất sản phẩm. 


5. Gắn giá trị thương hiệu với người dùng trẻ


Cộng đồng LGBTQ+ đang dần trở thành nhóm người tiêu dùng ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu. Trong khi các thương hiệu tập trung “phủ” cầu vồng lên bộ nhận diện hoặc sản phẩm trong tháng Tự hào để gây chú ý, giới trẻ ngày nay lại đặc biệt quan tâm đến những giá trị thật được thương hiệu đó đại diện xuyên suốt từng năm. Họ đề cao các giá trị cốt lõi như độ tin cậy (46%), tính bền vững (33%), chăm sóc cộng đồng (22%) và đề cao sự đa dạng và bình đẳng (45%). Các thương hiệu chú trọng thực hiện những yếu tố này sẽ được hưởng lợi. 



Bằng cách công khai ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, các thương hiệu có thể tiếp cận với một nhóm người tiêu dùng có sức mua khủng trên toàn thế giới


Tuy vậy, tiếp cận đối tượng theo hướng này đòi hỏi các thương hiệu phải có sự can đảm khi thực hiện những nội dung “ít người dám làm”, đồng thời đầu tư thời gian, công sức để thấu hiểu và bước vào thế giới của người trẻ. 



Coca-Cola ra mắt bộ sưu tập NFT với tất cả số tiền thu được sẽ được gửi đến các tổ chức từ thiện hỗ trợ và đấu tranh vì cộng đồng LGBTQIA+


Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và lạm phát kinh tế ngày càng gia tăng, khả năng chi trả là yếu tố ngày càng quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dùng trẻ. Để chinh phục người dùng trẻ trong thời điểm này, bên cạnh việc tạo ra giá trị thật, thương hiệu cũng cần tăng cường tương tác với người dùng trẻ trên môi trường kỹ thuật số, đồng thời đáp ứng được khả năng chi trả của họ nhằm đáp ứng xu hướng mua hàng theo cảm xúc và dựa trên chức năng của sản phẩm.


Kim Ngọc