“Adapt or disappear” (Tạm dịch: Thay đổi theo hoặc là biến mất) là câu nói cửa miệng của các thương hiệu, nhắc nhở họ theo sát và linh hoạt thay đổi theo khách hàng, thị trường. Vậy mà trong bối cảnh hành vi và tư duy của gen Z thay đổi như “vũ bão", Kate Wolff, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Lupin Creative lại cho rằng có vẻ các “thương hiệu vẫn chưa sẵn sàng thay đổi lắm". 


Nhà tiếp thị bối rối trước những vị “thần tài” trẻ tuổi


Theo Market Insider, tiềm năng tài chính của gen Z thuộc hàng phát triển nhanh nhất thế giới. Thu nhập của thế hệ này dự kiến sẽ tăng 400% lên 33 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, đưa nhóm người trẻ này thành những gương mặt nắm giữ hơn một phần tư thu nhập toàn cầu. 


Cùng với sức mạnh tài chính, gen Z cũng là nhóm khách hàng có sức mua khủng, đặc biệt là với các ngành hàng mỹ phẩm, thời trang, giải trí. Theo số liệu từ Statista, doanh thu năm vừa qua của ngành công nghiệp thời trang có tới 19% đến từ các khách hàng ở độ tuổi 20.


Gen Z sẽ nắm giữ hơn một phần tư thu nhập toàn cầu trong thập kỷ tới.


Trước những vị “thần tài" trẻ tuổi này, nghịch lý thay các thương hiệu vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận tốt nhất. Thế hệ này sống giữa một thế giới biến động đầy màu sắc. Thói quen xã hội bỗng dưng bị ngắt quãng vì đại dịch. Lớn lên trong thời kỳ có vẻ thăng hoa nhất của công nghệ. Tiếp thu mọi luồng tranh luận mở từ chủ đề quyền phá thai, bình đẳng giới và LGBT. Những chuyển dịch sống động bên ngoài đó đã hình thành nên những thế giới quan rất khác lạ bên trong gen Z. “Có thể bây giờ thế hệ này vẫn đang xoay sở khám phá chính mình, nhưng một khi họ trở thành lực lượng lao động chính, các thương hiệu sẽ khá chật vật. Những chiến thuật marketing cũ không còn thắng được trái tim và mở được ví tiền của gen Z", Kate Wolff nói. 


Những chiến thuật marketing cũ không còn thắng được trái tim và mở được ví tiền của gen Z.


Dưới đây là một số điều gen Z kỳ vọng sẽ được nhìn thấy ở cách quảng bá của các thương hiệu. Từ đó, thương hiệu sẽ rút ra được cách làm thân tốt nhất với thế hệ này. 


1. Tiếp cận qua mạng xã hội


Madeline Skrovan, Cử nhân tiếp thị tại Arizona State University nói rằng cách hai cách tiếp cận gen Z tốt nhất dành cho thương hiệu: Tiếp cận qua mạng xã hội và tìm ra điểm tương đồng với họ. 


“Duolingo, nền tảng học ngôn ngữ thế giới, là một trong những thương hiệu làm rất tốt việc này. Họ đang dẫn đầu mảng quảng cáo trên TikTok mà thậm chí còn không cần phải quảng bá thương hiệu. ‘Cú xanh khổng lồ’ đã tham gia vào các xu hướng TikTok mà gen Z quan tâm đến. Dần dần, những video 15 giây đã kết nối họ với người dùng”


“Cú xanh khổng lồ" rất được lòng gen Z vì “tính cách" thương hiệu thú vị, hài hước. 


2. Tôn trọng quan điểm khác biệt


Theo Kate Wolff, gen Z thích xem họ là những cá thể đặc biệt, và đúng là họ như thế. “Họ có một phong cách sống hoàn toàn khác các thế hệ trước đây. Những áp đặt ngầm như ‘Đừng gay như vậy’, ‘Đừng nổi bật quá', ‘Đừng bàn luận công khai các vấn đề phụ nữ vì chúng là tối kỵ’ đều không mấy xi nhê với gen Z”. Theo số liệu trích dẫn từ AdWeek, 20% gen Z thừa nhận mình thuộc LGBTQ+ và rất thoải mái về điều đó. Hay chảy theo dòng sự kiện án lệ “Roe kiện Wade", 77% gen Z thể hiện rõ quan điểm phá thai nên là quyền hợp pháp. Trước những tiếng nói mạnh mẽ và độc bản như vậy, các thương hiệu nên tìm hiểu thế hệ này đang quan tâm đến điều gì, quan điểm của họ ra sao và thể hiện sự ủng hộ hoặc ít nhất là tôn trọng với những tiếng nói cá nhân này. 


Gen Z thích xem họ là những cá thể đặc biệt.


3. Minh bạch và sòng phẳng


Đặc điểm của gen Z là họ phản ánh cuộc đời trên Internet. Thế giới trực tuyến như truy vết họ mọi lúc. “Họ là thế hệ chịu trách nhiệm cho mọi hành tung của mình, và họ có quyền mong các thương hiệu cũng làm được như vậy. Điều đó đồng nghĩa, thương hiệu không nên im lặng nếu có lùm xùm nổ ra, không được lặng thinh trước một thắc mắc nhạy cảm mà phải lựa cách phản hồi vừa nhanh vừa tinh tế", Kate Wolff nói.


Đặc điểm của gen Z là họ phản ánh cuộc đời trên Internet.


4. Hành động chứ đừng chỉ nói


Công ty phân tích người tiêu dùng cho biết so với các thế hệ trước, gen Z ít hào hứng với những lời cam kết. Hãng phim Disney từng công khai ủng hộ các chính trị gia Floria - những người kêu gọi gỡ bỏ luật cấm nhắc đồng tính tại trường học, và hứa rằng sẽ quyên góp tiền cho các tổ chức ủng hộ bình đẳng. Thời gian sau đó, những khán giả đa số thuộc gen Z chất vấn: Đã ủng hộ chưa và ủng hộ khi nào? Sự mập mờ của Disney đã không làm thoả đáng, thậm chí khiến nhóm khán giả nổi giận. 


Không phải gen Z không thích các thương hiệu nói điều hay lẽ phải. Nhưng họ muốn sau lời nói phải là hành động.


Kate Wolff nói rằng gen Z không tin mấy vào những lời hô hào công khai. “Không phải là họ không thích các thương hiệu nói điều hay lẽ phải. Nhưng họ muốn sau lời nói phải là hành động", Kate Wolff cho biết. 


5. Thể hiện trách nhiệm cộng đồng


Lớn lên trong bối cảnh bắt đầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gen Z hiểu rõ mỗi món đồ mình mua là một gánh nặng của môi trường. “Họ quan tâm nhiều đến khí hậu, hệ sinh thái. Họ là thế hệ hiếm hoi ưu tiên chất lượng hơn là giá cả", Markets Insider viết. Túi đồ của gen Z khả năng cao luôn có ly/cốc tái sử dụng, túi tote, vì đây chính là xu hướng của thế hệ này. “Dù những thói quen đó là vì lý do bền vững hay vì chỉ muốn hoà nhập với mọi người thì các thương hiệu vẫn cần phải quan tâm", Forbes dẫn lời của Madeline Skrovan. 


Gen Z ý thức được áp lực mà mua sắm đặt lên môi trường. 


“Có lẽ bây giờ gen Z vẫn còn đang loay hoay khám phá thế giới, nhưng khi họ đã đến tuổi ngồi vào ghế ‘lao động chủ lực', các thương hiệu sẽ phải chật vật nuông chiều họ", Kate Wolff nói. Trên đây là 5 đặc điểm giúp các thương hiệu có cách tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn thế hệ trẻ tuổi này. 


Hằng Trần