Hai năm sau đại dịch Covid-19 và các đợt giãn cách ngắt quãng, thị trường quảng cáo ngoài trời đã trở lại mạnh mẽ và phát triển nở rộ trong năm 2022. Theo báo cáo của Compass, tỷ lệ bảng quảng cáo được sử dụng tại các khu vực trung tâm TP.HCM vào quý 2/2022 tăng 2% so với quý 4/2021 chứng minh xu hướng phục hồi trong giai đoạn “bình thường mới”.


Bên cạnh mặt tích cực của thị trường, gần đây xuất hiện nhiều ý kiến phản ánh tình trạng “ô nhiễm” quảng cáo ngoài trời với hàng loạt trường hợp vi phạm các quy định cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM, 49% điểm quảng cáo tại TP.HCM không phép, phân bổ chủ yếu ở các vòng xoay, chân cầu vượt, tuyến đường lớn của các quận trung tâm. Ngoài ra, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho biết, doanh nghiệp và đơn vị thực hiện quảng cáo dễ mắc phải những sai phạm phổ biến như không thông báo nội dung quảng cáo, quảng cáo sai nội dung, kích thước không đúng quy định, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài,...


OOH thường được đặt ở các trục đường trung tâm, vị trí thu hút đông người qua lại nên cần đảm bảo tính thẩm mỹ và mỹ quan đô thị


Luật sư Hà Huy Phong đã có những phân tích về 5 lỗi sai phổ biến khi thực hiện quảng cáo ngoài trời, nhằm hướng dẫn doanh nghiệp và đơn vị quảng cáo phòng tránh các vi phạm và thực hiện quảng cáo đúng luật.


1. Không thông báo nội dung quảng cáo


Theo quy định tại Điều 30 Luật Quảng cáo 2012, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thực hiện quảng cáo trước khi thực hiện 15 ngày. Hồ sơ thông báo bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 29 Luật Quảng cáo. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có ý kiến trả lời thì doanh nghiệp được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo.


2. Quảng cáo sai nội dung


Sau khi đã thông báo tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện quảng cáo đúng theo nội dung đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp “sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm d khoản 3 Điều 42 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ bị buộc tháo dỡ quảng cáo.


Mẩu quảng cáo bị xử phạt do truyền tải thông tin không đúng với nội dung đã đăng ký


Đối với vi phạm “Quảng cáo sai nội dung”, đã có một số trường hợp sai phạm và nhận mức phạt cho hành vi của mình. Cụ thể, tháng 09/2022, một đơn vị thực hiện quảng cáo tại Quảng Ngãi đã bị xử phạt 16 triệu đồng khi có hành vi quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký. Theo đó, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tại địa phương đã cấp phép quảng cáo cho đơn vị với nội dung “Chuyên thuốc điều trị ung thư theo đơn bệnh viện”. Nhưng sau đó, đơn vị thực hiện quảng cáo đã sửa đổi nội dung thành “Chuỗi nhà thuốc 1 chuyên đặc trị ung thư”. Luật sư lưu ý doanh nghiệp phải tiến hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được xác nhận trên giấy phép, tránh việc tự ý sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 


3. Kích thước không đúng quy định 


Theo khoản 3 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, kích thước biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định như sau: (i) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; (ii) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.


Luật sư Hà Huy Phong đánh giá, quy định kích thước bảng quảng cáo “không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà”“không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu” nhằm mục đích đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị cũng như an toàn của những người sống quanh khu vực. Qua đó, giới hạn về chiều rộng và chiều cao của biển quảng cáo giúp hạn chế tình trạng quảng cáo chen chúc nhau, “thi đua” để có tầm nhìn tốt nhất. Ngoài ra, biển được đặt ở độ cao hợp lý giúp đảm bảo an toàn về kỹ thuật, hạn chế rủi ro xảy ra khi có gió lớn hoặc mưa bão. 


Giới hạn kích thước bảng quảng cáo giúp đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị cũng như an toàn kỹ thuật


4. Quảng cáo che khuất mặt tiền 


Theo luật sư Hà Huy Phong, những biển quảng cáo ngoài trời không được lắp đặt đúng quy định sẽ tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ, nhất là nguy cơ về cháy nổ. Không ít cơ sở kinh doanh đã lắp đặt biển quảng cáo che kín các tầng của tòa nhà. Khi có hỏa hoạn xảy ra, lực lượng cứu hỏa rất khó để tiếp cận đám cháy. Điều này khiến cho đám cháy dễ lan rộng ra các khu vực xung quanh và người bị nạn sẽ bị mắc kẹt trong tòa nhà mà không có lối thoát.


Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh “không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”. Trường hợp doanh nghiệp “treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo điểm a khoản 3 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ bị buộc tháo dỡ biển hiệu.


Quảng cáo ngoài trời cần được đặt để ở những vị trí hợp lý, không lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng


5. Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong quảng cáo


Theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo 2012, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.


Ngoài 5 sai phạm phổ biến nêu trên, luật sư Hà Huy Phong đánh giá doanh nghiệp/đơn vị thực hiện quảng cáo thường mắc phải những vi phạm như: 

  • Không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn;
  • Không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo;
  • Không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan;
  • Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không tuân theo quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia;
  • Quảng cáo che khuất đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng…


Để phòng tránh những vi phạm trên, trước khi thực hiện quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp/đơn vị thực hiện quảng cáo cần:

  • Xác định chính xác phương thức quảng cáo ngoài trời mà mình dự định thực hiện (quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo, biển hiệu…)
  • Nghiên cứu kỹ quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn liên quan đến phương thức quảng cáo ngoài trời mình dự định thực hiện để biết được các điều kiện cần đáp ứng khi quảng cáo theo phương thức này
  • Tìm hiểu quy hoạch quảng cáo của địa phương nơi thực hiện quảng cáo để biết được nơi dự định đặt quảng cáo có được phép quảng cáo hay không


Lý Tú Nhã