Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, một sản phẩm chất lượng hay mức giá hợp lý là chưa đủ để thương hiệu hoàn toàn thuyết phục khách hàng chi tiền. Người tiêu dùng ngày càng trở nên kỹ lưỡng trước khi đưa đến quyết định mua sắm cuối cùng. Họ mong muốn cảm nhận được sự thấu hiểu và trân trọng từ phía thương hiệu. Họ tìm kiếm đề xuất hữu ích và giải pháp thiết thực cho những vấn đề đang gặp phải. 


Để nhận được sự tin tưởng và yêu thích từ khách hàng, thương hiệu cần tạo mối liên hệ chặt chẽ với đối tượng mục tiêu. Giữa vô vàn lựa chọn khác nhau, phần giá trị gia tăng mà một thương hiệu có thể đem đến cho khách hàng trở thành một yếu tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh. Khám phá ngay 6 chiến lược marketing hiệu quả giúp thương hiệu đem đến giá trị cho khách hàng qua bài viết sau!


6 chiến lược hiệu quả giúp thương hiệu đem đến giá trị cho khách hàng


1. Thúc đẩy động lực mua hàng


Dưới đây là các loại chương trình thúc đẩy động lực mua hàng phổ biến nhất mà thương hiệu có thể tham khảo:


  • Giảm giá: Những sản phẩm giảm giá tạo nên sức hút lớn với một số nhóm khách hàng. Thương hiệu có thể áp dụng chương trình này để thu hút những người tiêu dùng quan tâm nhiều về giá cả. Ngoài ra, giảm giá sản phẩm trong những ngày lễ hoặc dịp đặc biệt nào đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng.
  • Ưu đãi đặc biệt: Món quà đính kèm, dịch vụ đặc biệt hoặc những chương trình tri ân sẽ khiến người tiêu dùng bị thu hút và tăng khả năng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. . Thương hiệu có thể thông qua những ưu đãi đặc biệt dành cho người mua hàng để nhắn gửi thông điệp rằng: Chúng tôi thực sự coi trọng khách hàng và luôn muốn được phục vụ thêm nhiều lần nữa. 
  • Trải nghiệm thử miễn phí: Theo Databox, 11-30% khách hàng sử dụng bản dùng thử sau đó đã trở thành khách hàng trả phí của thương hiệu. Ai trước khi mua hàng cũng đều muốn kiểm tra xem họ thực sự nhận được gì. Và việc thương hiệu cho khách hàng dùng thử miễn phí tạo nên trải nghiệm chân thật góp phần thuyết phục họ chi tiền. 
  • Dịch vụ đăng ký. Một cuộc khảo sát của USA Today cho biết: 25% số người được hỏi đã đăng ký dịch vụ giao hàng bán lẻ định kỳ, trong khi đó có 32% dự định sẽ sử dụng loại hình này trong vòng sáu tháng tới. Khách hàng không chỉ đăng ký mua hoặc thuê một gói dịch vụ nào đó mà còn có thể yêu cầu được giao hàng hàng tháng. Đơn cử với các sản phẩm bán lẻ, từ dao cạo râu đến thực phẩm, dịch vụ đăng ký có thể phát huy hiệu quả và đem đến nguồn doanh thu ổn định cho các thương hiệu. 


Khi có các hoạt động marketing thúc đẩy động lực mua hàng, người tiêu dùng sẽ bị thu hút và tăng khả năng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu. Đơn cử như IKEA vào đợt khuyến mãi mùa đông đã giảm giá đến 75% cho một số mặt hàng. Do đó, người dùng có thể mua sắm các món đồ nội thất của IKEA với mức giá thấp chưa từng có. Từ chương trình giảm giá “điên rồ” này, thương hiệu đã hợp tác cùng agency Ogilvy Dubai thực hiện một bộ ảnh độc đáo có tên “Go furniture-crazy” (tạm dịch: Mua sắm nội thất một cách điên cuồng). 


Từ chương trình giảm giá đến 75%, thương hiệu đã hợp tác cùng agency Ogilvy Dubai thực hiện một bộ ảnh độc đáo có tên “Go furniture-crazy”


Theo đó, bộ ảnh của IKEA khuyến khích người xem hãy nhanh chóng đến mua hàng trong dịp giảm giá sâu hiếm có này. Với mức ưu đãi lên tới 75%, khách hàng có thể mua sắm đến điên cuồng những sản phẩm của thương hiệu ngay cả khi chưa biết sử dụng vào việc gì. IKEA đã đưa ra những gợi ý sử dụng cho khách hàng có phần hài hước như: mang ghế sofa ra ngồi đọc báo trên đường, treo ghế vào chiếc xích đu, mang nệm ra ngủ ở giữa sa mạc.


IKEA đã đưa ra những gợi ý sử dụng cho khách hàng có phần hài hước như: mang ghế sofa ra ngồi đọc báo trên đường, treo ghế vào chiếc xích đu, mang nệm ra ngủ ở giữa sa mạc


2. Chương trình dành cho khách hàng thân thiết


Theo báo cáo của HubSpot, 73% khách hàng được khảo sát xác nhận sẽ ưu tiên xem xét hơn nếu sản phẩm có chương trình dành riêng khách hàng thân thiết, 79% đồng ý khả năng mua trở lại sẽ cao hơn và 66% sẵn sàng chi nhiều hơn để nhận được lợi ích từ thương hiệu. Mục đích của những hoạt động này là gửi lời cảm ơn đến khách hàng thân thiết cũng như góp phần tạo ra lòng trung thành đối với thương hiệu. Đồng thời, khách hàng lúc này cũng sẽ cảm nhận được sự trân trọng mà thương hiệu dành cho họ. 


  • Tích điểm: Thương hiệu sẽ có những chương trình giúp khách hàng nhận được điểm sau khi mua hàng, đăng ký email, thêm thông tin cá nhân hoặc phản hồi sau mua. Sau đó, họ có thể đổi từ điểm đã tích thành những phần thưởng mà thương hiệu đưa ra. 
  • Cấp độ khách hàng: Các cấp độ được sử dụng phổ biến thường bao gồm những thứ bậc như bạc, vàng và bạch kim và kim cương với phần thưởng tăng dần tương ứng. Chiến lược này cũng thuyết phục người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn hoặc mua hàng thường xuyên hơn để đạt được cấp độ cao hơn trong chương trình khách hàng thân thiết. 
  • Đặc quyền: Một số khách hàng thuộc hạng VIP sẽ nhận được đặc quyền đến từ thương hiệu. Đó có thể là cơ hội là người đầu tiên trải nghiệm các sản phẩm mới, luôn có thông tin về các chương trình khuyến mãi sớm nhất cũng như tận hưởng các ưu đãi hấp dẫn chỉ dành riêng cho họ. 


Đơn cử như Starbucks, để khuyến khích khách hàng thường xuyên chi tiêu hơn, thương hiệu đã triển khai Starbucks RewardsTM - một chương trình tích điểm (sao) cho mỗi 40,000đ chi tiêu cho sản phẩm. 


Tất cả khách hàng có thể trải nghiệm Starbucks RewardsTM bằng hai hạng thẻ Xanh và thẻ Vàng. Với hạng thẻ Xanh, thành viên sẽ được “Mua một tặng một” khi có được 5 sao đầu tiên và ưu đãi đặc biệt trong tháng sinh nhật của mình. Khi lên hạng thẻ Vàng, thành viên sẽ nhận ngay quà mừng “Mua một tặng một” và nhận được một món đồ uống miễn phí khi đạt được 25 ngôi sao. Ngoài những lợi ích trên, khách hàng đăng ký Starbucks RewardsTM trong năm cũng sẽ nhận được nhiều chương trình ưu đãi khác.


Để khuyến khích khách hàng thường xuyên chi tiêu hơn, Starbucks đã triển khai ứng dụng Starbucks RewardsTM giúp người dùng tích điểm khi mua hàng


"Starbucks RewardsTM là một phần quan trọng trong mục tiêu của thương hiệu nhằm cung cấp nhiều lợi ích hơn cho khách hàng cũng như tạo ra mối quan hệ gắn kế hơn với người mua. Với việc giới thiệu chương trình khách hàng thân thiết, chúng tôi đang làm mỗi ngụm cà phê trở nên đáng giá hơn. Chúng tôi hy vọng khách hàng sẽ đón nhận những trải nghiệm mới mà Starbucks RewardsTM mang đến”, bà Patricia, Tổng Giám đốc thương hiệu chia sẻ. 


3. Nội dung có giá trị


Việc chia sẻ kiến ​​thức thuộc lĩnh vực chuyên môn của thương hiệu sẽ nhận được phản hồi tích cực nếu đem lại giá trị cho khách hàng. Thương hiệu từ đó có thể xây dựng, củng cố hình ảnh chuyên gia và mức độ uy tín cũng như gây dựng được lòng trung thành của những khách hàng thường xuyên xem và chia sẻ nội dung.


  • Nội dung thương hiệu tự tạo: Thương hiệu có thể tham khảo sử dụng 4 dạng nội dung phổ biến bao gồm: nội dung giáo dục, nội dung giải trí, nội dung tập trung chuyển đổi và nội dung truyền cảm hứng để chia sẻ đến khách hàng. Để nội dung tạo được sức ảnh hưởng, thương hiệu cần chọn hình thức thể hiện phù hợp nhất. Ngoài ra, yếu tố sáng tạo cũng vô cùng quan trọng để thương hiệu có thể ghi dấu ấn sâu đậm với khách hàng mục tiêu. 
  • Nội dung đến từ KOL và Influencer: Theo báo cáo gần đây Influencer Marketing Hub, nội dung được tạo bởi KOL và Influencer hiện nay đang giữ vai trò quan trọng trong hoạt động marketing với: 97% marketers được khảo sát đã thừa nhận đang sử dụng hình ảnh của Influencer để tối ưu hiệu quả chiến dịch Marketing. Một cách phổ biến được các thương hiệu sử dụng để hợp tác với KOL, Influencer đó chính là mời họ trải nghiệm thử sản phẩm miễn phí. Khi những người có tầm ảnh hưởng này hài lòng, họ sẽ tạo ra nội dung để gợi ý cho tệp followers cũng mua và sử dụng giống họ.
  • User-generated content (nội dung do người dùng tạo): HubSpot đã chỉ ra rằng 76% người tiêu dùng được khảo sát thừa nhận rằng đã từng mua sản phẩm do một khách hàng khác của thương hiệu giới thiệu. Và có 72% đáp viên tin rằng những đánh giá đến từ phía một người mua hàng khác đáng tin cậy hơn thương hiệu khi tự nói về sản phẩm của họ. Vì thế, thương hiệu nếu khai thác được tiềm năng của dạng nội dung do người dùng tạo trong hoạt động marketing sẽ tiết kiệm được nguồn lực cũng như chi phí mà lại thu về hiệu quả cao hơn.


Coca-Cola vẫn luôn giữ vững phong độ là một trong những thương hiệu tạo nội dung truyền cảm hứng vào mùa Tết ý nghĩa nhất. Mùa Tết năm 2023, thương hiệu đã tung ra video ý nghĩa mang tên “Tết dẫu đổi thay, diệu kỳ vẫn ở đây” thành công thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng. 60s đầy cảm xúc đã tái hiện lại 2 thập kỷ từ cái Tết giản dị những năm 90 đến cái Tết chia xa mùa Covid-19 đến mùa xuân đầm ấm của hiện tại. Từ đó, thương hiệu nhắn gửi thông điệp: Dẫu có vô vàn đổi thay, duy chỉ có điều diệu kỳ đến từ tình thân và không khí ấm áp của bữa cơm gia đình là không bao giờ lay chuyển. Coca-Cola luôn hiện diện như một phần không thể thiếu trong những bữa ăn sum họp của gia đình, gắn kết tình thân giữa các thành viên trong ngày lễ đặc biệt này. 



Chiến dịch mùa Tết năm 2023 của Coca-Cola



4

. Feedback từ phía khách hàng


Hơn 88% người mua hàng trực tuyến bị ảnh hưởng bởi đánh giá của những khách hàng trước để đưa đến quyết định mua hàng cuối cùng - Số liệu được HubSpot chia sẻ. Vì thế, thương hiệu cần lắng nghe thật kỹ và điều chỉnh marketing-mix 4Ps sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của đối tượng mục tiêu. Để thu thập được những thông tin chất lượng nhất, thương hiệu có thể thuyết phục khách hàng thực hiện khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu hoặc nghiên cứu kỹ số liệu được cung cấp từ những nguồn uy tín. Việc khai thác tối đa thông tin từ feedback của khách hàng có thể đem đến cho thương hiệu nhiều lợi ích như:


  • Đo lường chính xác mức hài lòng cũng như hiểu được suy nghĩ của khách hàng
  • Nguồn thông tin đầu vào quan trọng để khiến khách hàng hài lòng hơn cũng như xây dựng cầu nối với họ
  • Cơ sở quan trọng để đưa ra các quyết định cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
  • Căn cứ để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng
  • Hỗ trợ đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn


Thấu hiểu “hội hướng nội” cảm thấy ái ngại mỗi khi rời nhóm chat sẽ có thông báo đến những thành viên còn lại, ứng dụng Zalo đã ra mắt tính năng “Rời nhóm trong im lặng”. Người dùng lúc này có thể tùy chỉnh cài đặt đối với từng nhóm chat. Cụ thể, khi chọn “Rời nhóm”, phần mềm sẽ hiển thị thông báo “Rời nhóm và xóa trò chuyện này?”. Người dùng sẽ được quyết định có bật tính năng “Rời nhóm trong im lặng” hay không. Trưởng/Phó nhóm nhận được thông báo, người dùng có thể lẳng lặng rời nhóm mà không làm xáo động bầu không khí cũng không thấy khó xử vì dòng chữ “XX đã rời khỏi nhóm”.


Thấu hiểu nhiều người dùng luôn cảm thấy ái ngại mỗi khi rời nhóm chat sẽ có thông báo cho những thành viên còn lại, ứng dụng Zalo đã ra mắt tính năng “Rời nhóm trong im lặng”


5. Tổ chức cuộc thi


Các cuộc thi tạo nên không khí hứng khởi và thu hút người tham gia bằng những phần thưởng hấp dẫn. Cuộc thi là cách vô cùng hiệu quả để tăng nhận thức về thương hiệu cũng như thúc đẩy sự tương tác một cách trực tiếp với khách hàng mà không hề gây khó chịu cho những người tham gia. Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội là nơi lý tưởng để thương hiệu tổ chức cuộc thi. Không chỉ thu hút được lượng lớn người tham gia, mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi giúp người dùng tăng động lực tham gia cuộc thi. Thông thường, nội dung mà thương hiệu đăng tải sẽ kèm theo hashtag dành riêng cho chiến dịch để dễ phân loại, theo dõi và đo lường. Để thu hút được nhiều người quan tâm và tham gia cuộc thi, thương hiệu cần tạo được động lực đủ lớn bằng giải thưởng hấp dẫn, lý do tham gia thuyết phục và giá trị thí sinh có thể nhận được. 


VinFast với cuộc thi “Phiêu cùng xe chất – Giật ngay giải nhất” đã thành công thu hút được sự chú ý cũng như xây dựng được mối quan hệ gần gũi với tệp khách hàng mục tiêu. Cuộc thi được tổ chức online với 2 vòng và mục đích cuối cùng là tìm kiếm gương mặt đại diện cho dòng xe Ludo & Impes. Vòng 1 là thử thách video cá nhân trên TikTok để chọn ra 24 cá nhân xuất sắc nhất tiến vào vòng 2 có hình thức thi ảnh theo đội. Cuộc thi chủ yếu được truyền thông trên TikTok trong giai đoạn đầu, các kênh hỗ trợ khác là Facebook và KOLs.


Cuộc thi có giải thưởng hấp dẫn được tổ chức online với 2 vòng và mục đích cuối cùng là tìm kiếm gương mặt đại diện cho dòng xe Ludo & Impes


Nằm trong khuôn khổ chiến dịch marketing mùa hè cho dòng xe máy điện VinFast E-Scooter, cuộc thi thành công đã giúp thương hiệu đoạt Giải Vàng hạng mục “Trải nghiệm thương hiệu tốt nhất trên nền tảng số” tại SMARTIES Việt Nam 2020. Hơn thế, VinFast đã vượt qua các thương hiệu lớn khác, để trở thành thương hiệu duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong danh sách “Chiến dịch truyền cảm hứng” của Tiktok toàn cầu trong đó có những tên tuổi lớn khác như Nike, Converse, Mercedes-Benz, Guess, Ebay.


6. Cá nhân hóa các hoạt động marketing


Nghiên cứu của McKinsey đã chỉ ra rất nhiều lợi ích mà tính cá nhân hóa trong hoạt động marketing đem lại cho thương hiệu: giảm chi phí thu hút khách hàng tới 50%, tăng doanh thu từ 5 đến 15% và tăng ROI (Return on Investment – chỉ số dùng để đo lường tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư ban đầu) từ 10 đến 30%. Bên cạnh đó, 71% người tiêu dùng được khảo sát thừa nhận họ mong đợi thương hiệu gợi ý những hoạt động được cá nhân hóa. Khi có trải nghiệm cá nhân hóa với thương hiệu, lòng trung thành của khách hàng sẽ được củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ. Việc thấy được những quảng cáo quá phù hợp, đọc được nội dung yêu thích và cảm nhận sự thấu hiểu đến từ thương hiệu tăng khả năng khách hàng bị thuyết phục lên cao. 


Thương hiệu muốn có những hoạt động marketing cá nhân hóa cần biết cách khai thác triệt để dữ liệu của khách hàng. Chẳng hạn, với những thông tin như ngày sinh nhật, hành vi trực tuyến và lịch sử mua hàng, thói quen lướt web của khách hàng, thương hiệu có thể tùy chỉnh cách tiếp cận sao cho phù hợp và thu hút họ nhất. 


Đơn cử như Nescafé đã sử dụng marketing cá nhân hóa để chinh phục thành công tệp những người yêu cà phê cuối thế hệ millennial và gen Z qua chiến dịch “Ta rót cà phê”. Lựa chọn chiến lược tiếp cận nói cùng ngôn ngữ vô cùng teen hợp với nhóm đối tượng mục tiêu, thương hiệu đã Việt hoá tên gọi Tarot thành Ta-rót (bao gồm động từ rót cà phê, rót nước). Lối Việt hoá dí dỏm, quen thuộc với nhóm TA đã làm tốt nhiệm vụ tạo nút giao giữa 2 chủ thể không điểm chung. Theo đó, ban đầu thương hiệu tung bản teaser 15 giây với lời mời gọi hấp dẫn: “Vị cà phê yêu thích nói gì về bạn?”. 


Nescafé sử dụng chiến lược marketing cá nhân hóa trong chiến dịch “Ta rót cà phê”


Xuyên suốt chiến dịch, key asset là web-app “Ta rót Cà Phê” là của chiến dịch. Nhiệm vụ của web-app là thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khuyến khích họ tham gia trải nghiệm “bốc bài” online. Thông điệp “Nhâm nhi Nescafé, xem chất riêng tiềm ẩn” độc đáo khiến người xem không khỏi tò mò muốn khám phá ngay “thông điệp vũ trụ” được nhắn gửi qua ly Nescafé đậm vị.



Minh Anh