Thị trường Fintech tại Việt Nam trong tháng 9 chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức quan trọng. Dự kiến đạt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024, thị trường Fintech đã tăng trưởng gấp bốn lần so với năm 2016, phản ánh tiềm năng phát triển to lớn.


Tuy nhiên, với khoảng 200 công ty Fintech hoạt động vào năm 2024, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Singapore. Hơn 90% vốn đầu tư mạo hiểm vẫn tập trung vào các sản phẩm ví điện tửthanh toán trực tuyến, cho thấy các lĩnh vực khác của Fintech chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ. Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia và khung pháp lý còn thiếu đồng bộ. Đồng thời, nguồn nhân lực cũng là một thách thức lớn khi phần lớn lao động Việt Nam thiếu các kỹ năng cần thiết như kiến thức về công nghệ, nền tảng tài chính, và tiếng Anh.




“Tiền ảo/blockchain” tiếp tục đạt lượng thảo luận cao nhất, với lượng thảo luận tăng 8% so với tháng trước. Cuối tháng 9 vừa qua, Viện ABAII đã phát triển nền tảng MasterTeck, cung cấp hơn 300 khóa học về blockchain và AI nhằm nâng cao năng lực nhân lực số tại Việt Nam. Nền tảng này có sự tham gia của 120 chuyên gia trong và ngoài nước và cung cấp các chứng chỉ quốc tế minh bạch, công khai. Khóa học được thiết kế theo sát nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực như phân tích tài chính và marketing. MasterTeck dự kiến ra mắt vào tháng 10, với các tính năng hỗ trợ học trực tuyến tiện lợi cho người dùng. Bên cạnh đó, “Thanh toán điện tử” dù thu hút lượng thảo luận lớn thứ 2 nhưng đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt.



Trong tháng 9, bảng xếp hạng Công ty Thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên Mạng xã hội chứng kiến nhiều sự đổi ngôi:

  • Momo tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng điểm Total Score giảm 42% so với tháng trước. Ngày 21/9, Momo được vinh danh là “Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức tại Hà Nội. Trong tháng 9, Momo tích cực triển khai hoạt động vì cộng đồng như chương trình góp quỹ phẫu thuật tim cho em “Trái tim Hồng” đạt được hơn 6.800 lượt tương tác; “Hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3” thu hút hơn 2.500 lượt tương tác…
  • Viettel Money tăng 2 hạng với điểm Total Score tăng mạnh 425% so với tháng 8. Trong tháng 9, Viettel Money thực hiện livestream “Siêu sale mỗi ngày - Mua ngay giá tốt” thu hút hơn 7.200 lượt tương tác. Đồng thời, Viettel Money tích cực triển khai quyên góp giúp đỡ người dân vùng bão lũ bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
  • VTC Pay giảm 1 hạng dù điểm Total Score tăng 83% so với tháng trước. Trong tháng 9, VTC Pay tiếp tục triển khai những ưu đãi dành cho các game thủ nạp game. Bên cạnh đó, VTC Pay cũng triển khai chương trình "CHUNG TAY HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BÃO SỐ 3" kéo dài từ 16/9 đến 16/11.



Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các nhà đầu tư cá nhân sử dụng ví điện tử và AI để giao dịch, với số vốn nhỏ, thậm chí từ 10.000 đồng. Các nền tảng như MoMo và Zalopay đã triển khai dịch vụ mua bán cổ phiếu, thu hút hàng trăm nghìn người dùng mới. Công nghệ AI cũng được tích hợp để hỗ trợ các nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế về độ chính xác và sự phụ thuộc quá mức vào AI có thể tiềm ẩn rủi ro. Zalopay dự kiến ra mắt tính năng vay ký quỹ để phục vụ nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thời gian tới.