Với nhiều người, theo đuổi con đường cao học là một cách hiệu quả giúp họ tích luỹ tư duy và khai phá năng lực để trở nên vững chân hơn trên con đường sự nghiệp. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại với vô vàn áp lực như hiện nay, việc đi học thạc sĩ đối với nhiều người lại chính là cách để họ có thể “trốn tránh thực tại” mỗi khi công việc bế tắc, không thuận lợi. Thậm chí, “chán việc đi học thạc sĩ” còn trở thành một câu joke (chuyện đùa) vô cùng phổ biến giữa các nhân sự trẻ ngày nay. 


Thực hư chuyện “cứ hễ công việc trục trặc là đi học thạc sĩ”


Trải qua một thời gian dài trên ghế nhà trường, không ít nhân sự tốt nghiệp ra trường với một nguồn năng lượng dồi dào và tinh thần nhiệt huyết khi chính thức được bước chân vào thị trường lao động. Thế nhưng, chỉ sau vài năm đi làm, các nhân sự này lại cảm thấy “vỡ mộng” bởi thực tế cuộc sống và môi trường làm việc vốn không hề “màu hồng” như họ vẫn tưởng. Đó cũng chính là lúc các nhân sự này nghĩ đến việc học thạc sĩ như một “lối thoát” khỏi những khó khăn, bộn bề chốn công sở. 


Chị Mai Thư - Copywriter chia sẻ: “Ngày còn học đại học, mình đã từng rất háo hức khi nghĩ về một ‘cuộc sống trong mơ’ khi có thể tự tay kiếm tiền từ công việc mình yêu thích và tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Nhưng chỉ sau 1 năm ra trường, mình nhận ra cuộc sống vốn không dễ dàng đến thế. Là một sinh viên mới tốt nghiệp, bản thân mình đã phải rất chật vật với việc bắt kịp guồng quay của công việc cũng như đáp ứng tốt những yêu cầu về mặt chất lượng và tiến độ làm việc. Thời gian đó, mình luôn ước giá như có thể quay trở lại quãng thời gian sinh viên khi mà cuộc sống mỗi ngày chỉ xoay quanh chuyện đi học, teamwork rồi đi chơi cùng bạn bè, không cạnh tranh, không áp lực. Thế là mình nghĩ đến chuyện đi học thạc sĩ”. 


Lướt một vòng các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp cụm từ “chán việc thì đi học thạc sĩ” bên dưới những bài đăng than vãn của nhân sự mỗi khi gặp khó khăn trong công việc. Chị Nguyễn Hải Linh - Corporate Culture lại cho rằng, đi học thạc sĩ không hẳn là một giải pháp để các nhân sự trốn tránh khỏi thực tại. “Mình quyết định đi học thạc sĩ vào năm 26 tuổi, sau 3 - 4 năm đi làm. Đây là thời điểm mình đã có chuyên môn nhất định, tuy nhiên lại chưa tìm được định hướng phát triển tiếp theo. Mình cảm thấy công việc đang trở nên quá quen thuộc và an toàn, thế nên mình quyết định đi học thạc sĩ để tìm kiếm cơ hội và những cột mốc mới để chinh phục.”, chị nói.


"Lạc lối" trong việc định hướng phát triển sự nghiệp, chị Hải Linh lựa chọn đi học thạc sĩ để tìm kiếm cơ hội


Bên cạnh tâm lý hoang mang hay chán nản, nhiều nhân sự lại quyết định lựa chọn con đường đi học thạc sĩ khi đã biết rõ bản thân mình cần gì sau thời gian dài cọ xát với công việc thực tế. Chị Ngô Thị Trang - Content Leader cho biết: “Kể từ khi được thăng chức, mình luôn cảm thấy ‘thiếu’ bởi bản thân đang làm một công việc trái ngành và cũng chưa có nhiều nền tảng vững chắc liên quan đến Marketing. Vì thế, mình quyết định đi học thạc sĩ sau 5 năm đi làm để củng cố thêm kiến thức và làm bước đệm cho sự phát triển bền vững sau này”. 


Muôn vàn nỗi sợ khi nhân sự quyết định bỏ việc đi học thạc sĩ 


Trong khi “bỏ việc đi học thạc sĩ” chỉ dừng lại ở suy nghĩ của nhiều người trước khó khăn trong công việc, một số nhân sự khác lại có những hành động cụ thể và táo bạo hơn khi chấp nhận đánh đổi sự nghiệp để quay về con đường học vấn. Đứng trước bước ngoặt đó, họ phải đối mặt với vô vàn nỗi sợ: sợ bị “tụt hậu”, peer-pressure hay rơi vào hoài nghi về sự lựa chọn của chính mình. 


Kể về những trải nghiệm của bản thân trước khi đi học thạc sĩ, chị Hải Linh chia sẻ: “Trong giai đoạn chuẩn bị theo học thạc sĩ, mình có trao đổi với một số anh chị trong ngành. Họ đã giúp mình định hình một phần con đường tiếp theo mà mình nên đi trong sự nghiệp. Lúc đó, mình đã cảm thấy chùn bước, bởi dường như không nhất thiết phải đi học thạc sĩ thì mình mới tìm được con đường để thành công. Mình cũng tự hoài nghi, liệu đi học thạc sĩ có thực sự sẽ giúp mình phát triển hơn không, hay mình sẽ bị lùi lại một năm kinh nghiệm so với những người khác.”


Dù biết trước bản thân nếu theo học thạc sĩ sẽ bị “tụt hậu” so với những đồng nghiệp vẫn đang làm việc và phát triển không ngừng về cả chuyên môn lẫn kỹ năng, chị Nguyễn Trần Thị Oanh cho biết, bản thân vẫn quyết định bỏ dở công việc hiện có vì một mục tiêu lớn hơn. “Mình xác định là mình sẽ ‘tụt hậu’. Tuy nhiên, mình cũng tự định nghĩa đó là sự ‘tụt hậu’ về cái gì. Nếu học thạc sĩ, mình sẽ bị chững lại so với các bạn đồng trang lứa về kinh nghiệm làm việc trong khoảng 1 - 2 năm, cũng như bỏ lỡ những cơ hội thăng tiến. Ngoài những đánh đổi về sự nghiệp ngắn hạn, mình cũng cần đối mặt với câu chuyện về tài chính. Ở thời điểm khi đã đi làm được 5 năm, bạn bè mình đều đã đi mua nhà, mua xe. Trong khi đó, tất cả những khoản tiền mình tiết kiệm được đều dành cho việc đi du học thạc sĩ. 


Nhưng bên cạnh đó, thời gian của mình được dùng để trau dồi kiến thức, tư duy. Quan trọng hơn cả, sau khi đi chậm hơn so với sự phát triển của thị trường lao động, mình có thể áp dụng những giá trị mà mình tích lũy để ‘gỡ gạc’ lại được hay không. Về dài hạn, mình nghĩ là những người vừa có trình độ chuyên môn, vừa có tư duy làm việc sẽ phát triển vững chắc hơn. Tuy phải đi chậm một thời gian, nhưng họ sẽ đi nhanh và xa hơn, vì họ biết phải đi đâu”, chị Oanh cho biết.


Theo chị Nguyễn Trần Thị Oanh, nhân sự chọn học thạc sĩ có thể "tụt hậu" vài năm so với thị trường lao động, nhưng sẽ đi nhanh và xa hơn


Quyết định theo học thạc sĩ sau khi đi làm được vài năm


Đối với các nhân sự đã đi làm được vài năm, tài chính cùng kinh nghiệm làm việc mà họ tích lũy được trên thị trường lao động sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho con đường theo đuổi tấm bằng thạc sĩ. Chị Ngô Thị Trang chia sẻ: “Nhiều bạn sinh viên mới ra trường thường gặp khó khăn khi chuẩn bị khoản tiền để theo học thạc sĩ, một phần vì ngại xin bố mẹ, một phần là do mới đi làm nên chưa có nhiều ‘vốn liếng’. Còn đối với những người đã tham gia thị trường lao đồng được một thời gian như mình, chuyện tiền bạc sẽ không còn là một vấn đề cần phải băn khoăn. Bên cạnh đó, mình chưa lập gia đình nên cũng ‘dư giả’ về quỹ thời gian để đầu tư cho việc học.”


Còn đối với chị Nguyễn Trần Thị Oanh, lợi thế của những nhân sự đã đi làm được vài năm rồi mới theo học thạc sĩ còn nằm ở kinh nghiệm va chạm, cọ xát thực tế trong công việc. “Khi chinh phục một trình độ học vấn cao hơn, được trau dồi về tư duy và quan điểm, mình có thể sử dụng những kiến thức ấy để đối chiếu bản thân, so sánh với những kinh nghiệm trong quá khứ. Mình sẽ tự đặt câu hỏi về những quyết định của bản thân ngày trước, liệu bây giờ nghĩ lại thì có còn thấy nó đúng hay không? Và nếu được chọn lại, mình có thể làm được gì khác?” 


Chị Ngô Thị Trang cho biết, học phí sẽ không phải là một vấn đề cần băn khoăn đối với các nhân sự đã đi làm được vài năm


Tuy sở hữu những lợi thế nhất định, một số nhân sự với vài năm kinh nghiệm làm việc lại cảm thấy khó để thích nghi khi quay trở lại con đường học vấn. Nhưng đối với chị Nguyễn Hải Linh, việc học thực chất sẽ “nhẹ nhàng” hơn so với đi làm một chút. “Bởi vì, mình có học tốt hay không thì kết quả cũng sẽ không hiển thị trong con đường sự nghiệp về sau. Tất cả những gì được thể hiện sẽ chỉ là một tấm bằng, một danh hiệu. Còn khi đi làm, hiệu quả công việc tốt hay xấu sẽ tạo ra ảnh hưởng vô cùng rõ rệt. Từ đó, nhân sự sẽ cảm thấy áp lực hơn trong môi trường làm việc.


Thực ra cũng có đôi lúc, mình nghĩ đến viễn cảnh học xong thạc sĩ nhưng vẫn không thay đổi được tình hình ‘bế tắc’. Tuy nhiên, sau một thời gian theo đuổi, mình không còn cảm thấy quá hoang mang nữa. Bởi lẽ, khi mình thực sự học nghiêm túc, được trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, network, mình sẽ tự tin hơn về bản thân, về cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết công việc. Tự tin tăng lên, nỗi lo sẽ giảm đi. Lúc ấy, thay vì hoài nghi và sợ hãi về quyết định bỏ dở sự nghiệp để theo học thạc sĩ, mình sẽ tập trung vào việc làm thế nào để ‘đổ đầy’ những thiếu sót của chính mình.”


Có thể thấy, việc học thạc sĩ là quyết định quan trọng mà mỗi nhân sự đều cần phải cân nhắc rất lâu. “Bỏ ngoài tai” những lời chế giễu rằng học thạc sĩ chỉ là lựa chọn bồng bột khi gặp bế tắc, các nhân sự cần lắng nghe bản thân để xác định mục tiêu phát triển, mong muốn cụ thể đối với hành trình học vấn này.


Nội dung: Phương Anh - Thảo Vy

Minh hoạ: Huy Mai