Vài ngày qua, hãng thời trang Dior đã vướng phải một làn sóng chỉ trích xoay quanh bức ảnh bị cho là bôi nhọ phụ nữ Trung Quốc, đẩy thương hiệu vào một tình huống hết sức nhạy cảm trong mối quan hệ với người dân xứ Trung. 


Cụ thể, vào ngày 12/11, sau buổi triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật West Bund, Thượng Hải, Dior đã đăng tải bức ảnh chụp một người phụ nữ có đôi mắt một mí và làn da ngăm đen trong trang phục truyền thống của Trung Quốc, trên tay cầm chiếc túi Dior. Tác phẩm được chụp bởi nhiếp ảnh gia Chen Man (Trần Mạn) đã bị chỉ trích vì tạo hình của người mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn về vẻ đẹp của Trung Quốc - người phụ nữ vốn thường có làn da trắng và đôi mắt to.


Nhiều người tỏ ra phẫn nộ về “đôi mắt ma quái, khuôn mặt u ám và bộ móng tay theo phong cách thời nhà Thanh”. Đối diện với những tranh cãi này, thương hiệu đã lập tức xóa bức ảnh khỏi các nền tảng mạng xã hội của thương hiệu, song vẫn chưa đưa ra lời giải thích nào.


Ảnh chụp màn hình từ Xiaohongshu


Một bài báo đăng tải trên tờ Tin tức Phụ nữ Trung Quốc lên án tác phẩm này là vỏ bọc cho “sự kiêu hãnh và định kiến” về gu thẩm mỹ và văn hóa của các thương hiệu phương Tây, đồng thời bôi nhọ hình ảnh người phụ nữ Trung Quốc và xuyên tạc văn hóa đất nước này. Chủ đề “Bức ảnh Dior bị tố bôi nhọ người châu Á” đã nằm trong top tìm kiếm của Weibo vào chiều thứ Tư (17/11). 


Tuy nhiên, vẫn có một thành phần cư dân mạng lên tiếng ủng hộ Dior, cho rằng thương hiệu này đang phản ánh góc nhìn đa chiều về đặc điểm sắc tộc của người Trung Quốc, thay vì chỉ đề cập đến hình mẫu tiêu chuẩn của những người phụ nữ trẻ, gầy, da trắng.


Bức ảnh Dior không phải là trường hợp duy nhất gây bão mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều thương hiệu quốc tế vấp phải chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội vì tung ra những sản phẩm mang thẩm mỹ “méo mó” về con người và văn hóa Trung Quốc. Đơn cử vào năm 2018, cộng đồng mạng Trung Quốc đã tẩy chay hãng thời trang cao cấp Dolce & Gabbana vì đăng tải một đoạn quảng cáo mô tả người mẫu Trung Quốc đang chật vật dùng đũa để các món ăn Ý. Nội dung này bị lên án vì phân biệt chủng tộc và xúc phạm đến văn hóa Trung Quốc.


Nội dung quảng cáo gây tranh cãi của Dolce & Gabbana trong chiến dịch “D&G Loves China” ba năm về trước


Qua đây, có thể nhận thấy người dân Trung Quốc đang ngày càng nhạy cảm với những biểu hiện không đáp ứng kỳ vọng bởi các công ty nước ngoài. Điều này cũng đặt ra thách thức to lớn cho các công ty cần phải “cân đo đong đếm” trong từng đường đi nước bước để chinh phục thị trường tỷ dân này. 


Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Global Times