Được hỗ trợ bởi 460 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số và tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. 


Dưới tác động của đại dịch Covid-19, ví điện tử đang trở thành phương thức thanh toán hàng đầu nhờ đảm bảo an toàn và giúp người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch trên thiết bị di động. Từ đó, các ứng dụng ví điện tử và siêu ứng dụng (gọi xe, giao hàng) có cơ hội vươn mình phát triển. Theo Allied Market Research, ba ví điện tử dành cho thanh toán cá nhân dẫn đầu thị trường Việt hiện chiếm khoảng 90% thị phần là MoMo, Moca và ZaloPay. Trong đó, hiện tại MoMo là nền tảng siêu ứng dụng có số lượng người dùng đông đảo nhất Việt Nam.


Qua loạt chiến lược được thực hiện xuyên suốt 19 năm qua, MoMo đã trở thành hình thức thanh toán tiện lợi cho cả hai đối tượng là người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp. Ví điện tử đã thu hút hơn 31 triệu người Việt tin dùng, phủ sóng khắp 63 tỉnh thành với hơn 50 nghìn đối tác.


Ra mắt từ năm 2014, MoMo đã trở thành Kỳ lân Fintech thứ hai của Việt Nam với định giá hơn 2 tỷ USD như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!


Từ ước mơ “viển vông” về một ngày ra đường không cầm theo ví...


Trong một chuyến công tác đến Bangladesh cách đây hơn 16 năm, bà Nguyễn Thị Minh Hiền (nhà sáng lập MoMo sau này) đã bị "hớp hồn" bởi cách sử dụng điện thoại để chuyển tiền của người dân nơi đây. Quá thích thú trước cách làm này, bà mong muốn mang điều này về Việt Nam. Khởi đầu là một startup, công ty M_Service (đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo) chính thức ra đời và cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại vào năm 2007. Khi đó, những nhà sáng lập mơ mộng về một ngày ra đường dù quên mang ví vẫn có thể mua được cốc cà phê, ăn tô bún bò ở một hàng quán nào đấy. 


Bước đầu hiện thực hóa ước mơ, công ty chỉ gồm 4 nhân sự và 4 máy chủ trong một căn phòng chưa đầy 25m2. Không chỉ có cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ sáng lập nên M_Service còn phải đối mặt với những nghi hoặc, lo ngại của mọi người xung quanh. Khi đó, không ai nghĩ đây là một ý tưởng sẽ "hái ra tiền". 


Trước khi có văn phòng khang trang như hiện nay, MoMo đã bắt đầu với căn phòng chưa đầy 25m2


Vượt qua mọi trắc trở, ví MoMo được đội ngũ miệt mài nghiên cứu theo mô hình Mobile Money. Các chức năng chính của MoMo thuở sơ khai là chuyển tiền qua di động, thanh toán qua di động, ngân hàng di động và nạp tiền cho điện thoại di động. Song ứng dụng chỉ có 20Kb - một dung lượng rất nhỏ, cùng giao diện đen trắng khó sử dụng. Hơn nữa, MoMo lúc ấy được tích hợp trên SIM 128K – MaxSIM của Vinaphone, vì thế chỉ có người dùng nhà mạng này mới có thể truy cập ứng dụng.


“Dịch vụ mới”, “ít tiện ích”, “khó sử dụng” là những gì mà người dùng lúc ấy nói về MoMo. Để bứt phá trên thị trường, đội ngũ sáng lập ví điện tử hiểu rằng họ cần một chiến lược táo bạo hơn. Bất chấp thị trường điện thoại thông minh còn chưa khởi sắc, MoMo quyết định tập trung phát triển ứng dụng di động (mobile-first) thay vì trên giao diện web như trước. 


Ngày 02/06/2014, MoMo có mặt trên hệ điều hành Android, đánh dấu cột mốc ví điện tử đầu tiên có ứng dụng trên di động. 15 ngày sau, phần mềm xuất hiện trên App Store của iOS. Trong tháng đầu tiên, ứng dụng ghi nhận hàng trăm nghìn lượt tải xuống và cài đặt, trở thành một trong 5 ứng dụng tài chính được tải về nhiều nhất trên Google Play. 


Đến nay, MoMo đã có được những bước tiến lớn. Từ một dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền trên điện thoại, nay người dùng có thể sử dụng cả trăm tiện ích như thanh toán Lazada, Tiki, BAEMIN, điện, nước, viễn thông, Internet, truyền hình cáp,… Văn phòng 4 người ban đầu nay đã phát triển thành các văn phòng hiện đại, tân tiến tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với hàng trăm nhân viên.


Người dùng có thể thanh toán nhiều tiện ích trên MoMo


… đến “Kỳ lân” thu hút hơn 30 triệu người dùng Việt


Không phụ thuộc vào các nền tảng tên tuổi, MoMo là ví điện tử độc lập thành công bởi khả năng giao dịch nhanh chóng và mạng lưới đối tác rộng rãi. Năm 2016, nhận thấy ý tưởng ví điện tử đầy hứa hẹn, Standard Chartered Private Equity và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào MoMo - con số rất lớn khi đầu tư vào một công ty startup thời điểm đó. Với số tiền ấy, đội ngũ MoMo đã vững lòng để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và mô hình phục vụ khách hàng. 


Bằng việc đầu tư vào công nghệ mới, MoMo đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc tiếp cận người dùng. Việc phát triển đồng thời cả hệ thống offline (điểm nạp/rút tiền) và online (ứng dụng, ngân hàng, đối tác) giúp MoMo trở thành Fintech (công nghệ tài chính) sở hữu lượng người dùng “khủng”. Ngày càng nhiều công ty, ngân hàng,... trở thành đối tác của ứng dụng này, đồng thời người sử dụng điện thoại thông minh cũng bắt đầu làm quen với phương thức thanh toán mới. Cục diện xoay chiều khi MoMo đạt 10 triệu người dùng năm 2019. Đến tháng 9/2020, công ty thần tốc đạt mốc 20 triệu người dùng. Đến đầu năm 2022, MoMo cán mốc 31 triệu người dùng và thu hút 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm.



Cùng thời điểm, MoMo ra mắt hình thức thanh toán/chuyển trả bằng mã QR. Ngay tại trang chủ của ứng dụng, ví điện tử đã cập nhật tính năng QR Nhận tiền và Thanh toán nhằm tối giản thao tác giao dịch. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng bổ sung tính năng cá nhân hóa mã QR để người dùng tự do sáng tạo mã theo sở thích. Như vậy, khi người dùng muốn thanh toán tại các nhà hàng, quán ăn hay cửa hàng tiện lợi, họ chỉ cần mở điện thoại, vào MoMo quét mã, nhập số tiền là đã hoàn tất đơn hàng. Còn đối với các doanh nghiệp, họ chỉ cần dán mã QR trên quầy thanh toán, không cần phải mất thời gian cung cấp số tài khoản hay điện thoại, hạn chế tối đa khả năng chuyển tiền nhầm người.


Song ở thời điểm đó, các ngân hàng xem ví điện tử gần như là đối thủ cạnh tranh. Việc thuyết phục họ chấp nhận kết nối với MoMo là điều gần như không tưởng. Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng ví điện tử này lại có thể hợp tác với 25 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, đồng thời hiện diện trên smartphone của hàng triệu người Việt. 



Một vài cột mốc ấn tượng của MoMo:

  • Năm 2017, MoMo tiên phong mở màn “cuộc đua” trở thành đối tác độc quyền của siêu ứng dụng bằng cách ký kết mối quan hệ hợp tác với CGV Cinema và ứng dụng gọi xe công nghệ Uber. Đặc biệt, hợp tác với Uber đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có thể thanh toán dịch vụ này qua ví điện tử. 
  • Tiếp đó, MoMo hợp tác với ứng dụng gọi xe taxi truyền thống là Vinasun vào năm 2018
  • Tháng 9/2019, người dùng có thể sử dụng Ví MoMo để thanh toán cho tất cả trò chơi và ứng dụng trên App Store.
  • Ngày 09/12/2019, ví MoMo trở thành một trong bốn kênh thanh toán chính thức trên cổng dịch vụ công Việt Nam, bên cạnh VNPT Pay, Vietinbank và Vietcombank. Cùng năm, công ty được The Asian Banker vinh danh là "Sản phẩm ví điện tử xuất sắc nhất".
  • Đến năm 2020, ví điện tử tiếp tục hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn BAEMIN, ứng dụng gọi xe Be và hãng vận chuyển AhaMove. 
  • Tháng 9/2020, ứng dụng hoàn tất việc kết nối hạ tầng công nghệ với 38 tỉnh, thành phố có tích hợp cổng dịch vụ công quốc gia.
  • Tháng 3/2022, MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam. 
  • Hướng đến người trẻ, MoMo cung cấp cho người dùng thêm lựa chọn thanh toán dịch vụ Netflix bằng ví điện tử thay vì thẻ tín dụng vào tháng 7/2022.
  • Từ tháng 9/2022, MoMo là ví điện tử đầu tiên trở thành phương thức thanh toán tại tất cả các cửa hàng Starbucks Vietnam trên toàn quốc.
  • Ngay khi cửa hàng Apple Store trực tuyến có mặt tại Việt Nam, MoMo đã nhanh chóng chớp thời cơ để trở thành phương thức thanh toán của hãng vào tháng 5/2023.


Theo báo cáo của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA), MoMo là cái tên được ưa chuộng nhất trong 3 tháng đầu năm nay. Công ty chiếm 68% thị trường ví điện tử Việt Nam, vượt xa các đối thủ khác như Zalo Pay (53%), Viettelpay (27%), Shopee Pay (25%),...



“MoMo” trở thành động từ “Chuyển tiền” của người dùng nhờ các chiến lược Marketing bài bản


Meg Whitman ​- Đại sứ Hoa Kỳ tại Kenya đã từng nói: “Khi mọi người sử dụng tên thương hiệu như một động từ, điều đó là một thành tựu” (When people use your brand name as a verb, that is remarkable). Để cái tên “MoMo” ngày càng trở nên gần gũi và thậm chí còn trở thành một “câu lệnh” quen thuộc khi người dùng Việt có nhu cầu chuyển tiền thông qua ví điện tử, công ty đã triển khai các chiến lược Marketing bài bản. Từ Word of Mouth đến các chiến dịch “hệ tâm linh”, MoMo đã thể hiện rõ ràng mong muốn hướng đến người dùng trẻ.


1. Lan toả ứng dụng nhờ tiếp thị truyền miệng


Đầu tiên, ứng dụng đã lựa chọn Referral Marketing - hình thức quảng bá dịch vụ thông qua việc giới thiệu người sử dụng. Sau khi giới thiệu người khác sử dụng ví MoMo thành công, người dùng sẽ nhận được một số ưu đãi khi thanh toán trên ví. 


Referral Marketing cũng là một hình thức Word of Mouth (tiếp thị truyền miệng) khi người dùng giới thiệu về một sản phẩm, dịch vụ mà không có sự can thiệp của quảng cáo. Những người đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ sẽ chia sẻ cảm nhận về chúng theo cách tích cực, trung lập hoặc tiêu cực. Hình thức này được chuyên gia đánh giá là hiệu quả vì người dùng thường có lòng tin vào bạn bè và người thân của mình cao hơn những quảng cáo từ thương hiệu.



2. Bắt sóng các chương trình nổi tiếng và xu hướng Music Marketing


Nhằm tiến gần đến giới trẻ, MoMo đã không ít lần “bắt trend”. Vào năm 2019, khi bộ phim “Mắt Biếc” đang làm mưa làm gió các rạp phim và trang mạng xã hội, ví điện tử đã nhanh chóng kết hợp cùng nhà sản xuất bộ phim ra mắt bộ thiệp cùng tên. Lấy cảm hứng từ các nhân vật và sự kiện trong “Mắt Biếc”, bộ thiệp gồm 3 bộ tấm thiệp nhỏ với thiết kế theo nhiều phong cách khác nhau như “Chuyện tình”, “Có chàng trai…” và “Mắt liếc”. Người dùng Ví MoMo khi sử dụng tính năng chuyển tiền có thể lựa chọn bất kỳ tấm thiệp nào để gửi kèm đến người nhận. 



Ngoài ra, MoMo cũng nhanh chóng bắt nhịp Music Marketing vào năm 2020 khi hợp tác cùng nam rapper Binz - một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng trong giới showbiz lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, một điểm chung “trùng hợp” của MoMo và Binz là cả hai đều gắn liền với màu hồng. Trong khi ví điện tử có màu nhận diện là sắc hồng nổi bật, nam rapper lại có biệt danh “Binz Hồng” với sở thích diện những trang phục màu hồng. 



Nắm bắt thời cơ chuẩn chỉnh khi cơn sốt Rap Việt mùa 1 “chiếm sóng” các trang mạng xã hội, sự song hành của MoMo cùng Binz đã giúp MV “021” thu hút nhiều cuộc thảo luận. Chưa dừng lại ở đó, thương hiệu còn tạo ra sân chơi giải trí bằng cách tổ chức cuộc thi rap battle. Trên trang cá nhân, nam rapper kêu gọi mọi người tham gia với đề bài “sáng tác bài rap về hành trình từ số 0, đã và đang trở thành số 1 của bản thân trên nền nhạc bài hát 021 (không giới hạn thời lượng bài).” 1.000 bài dự thi hợp lệ và hay nhất theo sự đánh giá của Ban tổ chức sẽ nhận được chiếc áo hoodie hồng với dòng chữ “Trendsetter" đã từng xuất hiện trong MV “021” của Binz, được thiết kế độc quyền từ Ví MoMo và thương hiệu thời trang ROUTINE.


Tiếp tục đến năm 2021, MoMo lại hưởng ứng xu hướng Music Marketing với bài hát “Chuyển tiền - MoMo liền (phiên bản đặc biệt)”. Tuy chỉ vỏn vẹn 12 câu hát lặp đi lặp lại trên nền ca khúc thiếu nhi “Tập đếm”, những giai điệu bắt tai do “hit-maker” Bùi Công Nam sáng tác đã lồng ghép những ưu điểm của dịch vụ chuyển tiền là “Nhanh - Miễn phí - Chỉ cần số điện thoại” trong bài hát: “Cần chuyển tiền thì MoMo liền. Trong MoMo đều có hết!”



Giai điệu dễ nghe, dễ nhớ của Bùi Công Nam đã khiến cả trẻ em và người lớn “thuộc nằm lòng”. Công thức Music Marketing kết hợp cùng người nổi tiếng đã giúp tính năng chuyển tiền của MoMo trở nên gần gũi với người dùng. Đến nay, nhiều người dùng đã thừa nhận, cứ nhắc đến “MoMo” là hiểu ngay phải “chuyển tiền”.


3. Khai thác đúng insight người trẻ


Nhằm gia tăng sự gắn kết với người dùng vào dịp Tết, MoMo đã triển khai chương trình “Lắc Xì” xuyên suốt từ năm 2019 đến 2023. Ví điện tử đã áp dụng xu hướng trò chơi hoá (gamification), cũng như đan xen các yếu tố văn hoá của ngày Tết cổ truyền, chẳng hạn như chủ đề "Thu Thập Con Giáp" ở mùa đầu tiên, "Lắc Lu Nhận Quà" mùa thứ 2 hay "Săn Ngọc Ngũ Hành Phúc - Lộc - Thọ nhận quà khủng" năm 2021. 


Đến năm 2023, ​Lắc Xì được ra mắt với chủ đề “Hoàng Thượng Du Xuân: Lắc Xúc Xắc - Bắt Trăm tỷ”. Chiến dịch đã giúp MoMo trở thành thương hiệu có chiến dịch quảng cáo nổi bật nhất trong dịp Tết Nguyên Đán 2023, theo báo cáo của YouGov BrandIndex. 40,1% người tiêu dùng nhận biết, tiếp cận khoảng một phần ba (33,9%) người dùng và đứng đầu bảng xếp hạng Word of Mouth là những kết quả ấn tượng của Lắc Xì đầu năm nay.



Gần đây nhất, MoMo đã nhắm mục tiêu đến những người dùng trẻ theo “hệ tâm linh” bằng cách ra mắt sự kiện “Tarot Du Ký”. Chiến dịch này đã khai thác đúng insight giới trẻ, tạo điều kiện cho họ vừa nhận được “thông điệp từ vũ trụ”, lại vừa có cơ hội mang về nhiều phần quà hấp dẫn, đồng thời gia tăng sự tương tác với gắn kết với thương hiệu. 



Bên cạnh đó, ứng dụng cũng xây dựng hình ảnh vui nhộn, dễ thương qua nhân vật mascot. Được thiết kế bởi Planion Animation, linh vật của MoMo có vẻ ngoài trẻ trung, năng động. Kết hợp cùng đôi mắt tròn to, linh vật này đã mang lại thiện cảm, ấn tượng tốt đẹp cho khách hàng. Đây cũng là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các bài đăng của MoMo trên mạng xã hội, giao diện ứng dụng và trang web. Có thể thấy, nhân vật mascot này đã trở thành yếu tố nhận diện của MoMo trên mạng xã hội. 



Kim Ngọc