Trong vài năm qua, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể. Họ không còn tìm kiếm các ưu đãi tại các cửa hàng bán lẻ mà thường dành thời gian trên Instagram để tìm kiếm cơ hội mua hàng giảm giá thông qua các influencer. Ngoài ra, thay vì xem quảng cáo trên truyền hình để tìm hiểu về sản phẩm mới, người tiêu dùng có xu hướng xem quảng cáo trên YouTube nhiều hơn.
Đó chính là những thay đổi trong báo cáo Sự thay đổi xu hướng mua sắm trong năm 2023 (Top Shopping Trends of 2023) của Hubspot. Báo cáo mang đến thông tin về tình trạng xu hướng người tiêu dùng và cung cấp một số thông tin về những thay đổi trong thói quen mua sắm. Theo báo cáo, Instagram đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng nhất để tìm kiếm ưu đãi. Các Influencer trên nền tảng này đang ngày càng có ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Họ đăng tải các bài đăng về sản phẩm, giới thiệu các ưu đãi, và đôi khi còn cung cấp mã giảm giá để khuyến khích người dùng theo dõi mua hàng.
Ngoài ra, YouTube cũng đang trở thành một nền tảng phổ biến để xem các video quảng cáo và tìm hiểu về sản phẩm mới. Các quảng cáo trên YouTube có thể tiếp cận nhiều đối tượng khán giả và tạo ấn tượng tốt hơn với người xem.
Sự thay đổi trong xu hướng mua sắm người dùng trong 6 tháng đầu năm 2023
1. Người tiêu dùng thích sự linh hoạt khi ra quyết định mua sắm
Ngày nay, người tiêu dùng có rất nhiều sự linh hoạt trong cách họ mua sản phẩm. Họ có thể mua hàng một lần hoặc tham gia hình thức subscription, trả nguyên giá hoặc trả góp nhờ các nền tảng phổ biến. Báo cáo của Hubspot cho biết, có 32% người tiêu dùng đã đăng kí gói subscription trong ba tháng qua và 69% người tiêu dùng thích mua sản phẩm bất cứ khi nào có nhu cầu. Đa số người tiêu dùng muốn mua nguyên giá trong khi chỉ 21% người tiêu dùng thích mua sản phẩm trả góp. Đây là thông tin quan trọng dành cho chính sách giá và chính sách chi trả của các thương hiệu.
Chỉ 21% người tiêu dùng thích mua sản phẩm theo hình thức trả góp
2. Thế hệ Baby Boomers đang dần mua sắm qua mạng xã hội
Theo báo cáo trước đây, chỉ có 6% thế hệ Baby Boomers (sinh trong giai đoạn 1946-1964) cảm thấy thoải mái khi mua hàng trực tiếp trên mạng xã hội, và chỉ 5% những người mua hàng tin tưởng cung cấp thông tin thẻ tín dụng qua nền tảng mạng xã hội. Tóm lại, thế hệ Baby Boomers nghi ngờ về việc mua sắm qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Hubspot cho thấy hành vi này đang dần có sự thay đổi. 24% số người thuộc thế hệ Baby Boomers đã khám phá ra một sản phẩm mới trên mạng xã hội trong 3 tháng qua, tăng 41% từ tháng 5/2022. Ngoài ra, 6% đã thực hiện mua hàng trên mạng xã hội, tăng 50% so với tháng 5/2022. Mặc dù đây là những thông tin có ích nhưng các thương hiệu phải đảm bảo đáp ứng mong đợi và nhu cầu của khách hàng thuộc nhóm tuổi này. Các thương hiệu có thể lựa chọn tập trung vào các kênh khác nhau như quảng cáo truyền hình và công cụ tìm kiếm.
3. Millennials và Gen Z có thể quyết định mua hàng dựa trên quan điểm của công ty về các vấn đề xã hội
Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Theo Hubspot, Millennials và Gen Z rất quan tâm đến quan điểm xã hội của các thương hiệu khi đưa ra quyết định mua hàng. Cụ thể, 66% người tiêu dùng muốn lựa chọn sản phẩm từ các công ty có hoạt động liên quan đến việc giảm tác động đến môi trường.
66% người tiêu dùng muốn lựa chọn sản phẩm từ các công ty có hoạt động liên quan đến việc giảm tác động đến môi trường
Theo báo cáo, 39% người tiêu dùng có xu hướng mua sản phẩm dựa trên cam kết của thương hiệu về đa dạng và hòa nhập. 61% người tiêu dùng tin rằng các công ty nên quyên góp một phần lợi nhuận của họ cho các tổ chức từ thiện. Hơn nữa, 46% người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua hàng từ các công ty tích cực quyên góp từ thiện.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng rất nghi ngờ khi các công ty sử dụng các vấn đề xã hội như một cách tiếp thị mà không thực sự có hành động có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu các công ty có những cam kết và hành động thực sự, đó có thể là cách hiệu quả để xây dựng niềm tin và uy tín với người tiêu dùng.
Xu hướng mua sắm hàng đầu năm 2023
1. Người tiêu dùng dễ bị thuyết phục bởi influencer hơn là từ bạn bè và gia đình
Influencer Marketing đã chứng minh rằng đây một chiến lược tiếp thị vô cùng hiệu quả cho các thương hiệu trong những năm gần đây. Thực tế, đến năm 2021, gần 60% marketer cho biết Influencer Marketing là xu hướng tiếp thị hiệu quả nhất, vượt qua cả SEO, tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) và nội dung video ngắn. Vào năm 2022, 30% người tiêu dùng cho biết các đề xuất từ influencer là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quyết định mua hàng của họ, so với 27% cho đề xuất từ bạn bè hoặc gia đình.
Influencer Marketing là một chiến lược tiếp thị vô cùng hiệu quả cho các thương hiệu trong thời gian gần đây
Ví dụ như nếu ai đó theo dõi một influencer về trang điểm thì họ thường cho rằng influencer đó biết nhiều hơn về trang điểm so với hầu hết bạn bè của họ. Vì vậy, tập trung nỗ lực vào Influencer Marketing là quyết định hợp lý bởi những người có ảnh hưởng đã chứng minh được mức độ ảnh hưởng đối với khán giả.
2. Thế hệ Z thích khám phá sản phẩm mới qua mạng xã hội nhưng vẫn thích mua hàng tại cửa hàng
Khảo sát về tình trạng người tiêu dùng cho thấy Thế hệ Z (từ 18-24 tuổi) thường khám phá sản phẩm mới nhất qua mạng xã hội (71%), tiếp theo là qua quảng cáo trên YouTube (56%), quảng cáo trên các dịch vụ streaming (55%) và tìm kiếm trên internet (50%). Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang nhắm mục tiêu đến Thế hệ Z cần tập trung vào phương tiện truyền thông xã hội để thu hút khách hàng tiềm năng và giáo dục khách hàng về sản phẩm thương hiệu.
Khoảng 50% Gen Z cho biết họ thích tìm hiểu về sản phẩm thông qua một bài đăng về câu chuyện của sản phẩm/thương hiệu, 42% thích xem video ngắn và 42% thích đọc thông tin ngắn về sản phẩm. Tuy nhiên, có đến 73% người dùng (và 55% Gen Z) vẫn thích mua sản phẩm tại cửa hàng hơn. Vì vậy, mặc dù tập trung vào mạng xã hội để tạo khách hàng tiềm năng là việc cần làm, các thương hiệu cần cung cấp tùy chọn mua sắm tại cửa hàng để phục vụ những người muốn mua hàng trực tiếp.
3. Thế hệ Millennial và Gen X tìm kiếm sản phẩm mới tại các cửa hàng bán lẻ và công cụ tìm kiếm
Thông thường, nền tảng phổ biến nhất đối với người mua thế hệ Millennial để khám phá sản phẩm mới là mạng xã hội (51%). Tuy nhiên, báo cáo gần đây cũng cho thấy thế hệ millennial đang lựa chọn tìm kiếm sản phẩm trên công cụ tìm kiếm (50%). Điều này cho thấy rằng nếu muốn đưa sản phẩm của mình đến với thế hệ này, các doanh nghiệp cần cân nhắc quảng cáo trả phí và triển khai chiến lược SEO hiệu quả.
Đa số thế hệ Millennial tìm kiếm sản phẩm mới trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm
Nếu đối tượng mục tiêu của thương hiệu là Gen X (35-54 tuổi), cửa hàng bán lẻ là lựa chọn phổ biến nhất để khám phá sản phẩm mới. Do đó, thương hiệu nên tìm cách hợp tác với các cửa hàng bán lẻ truyền thống để đảm bảo sản phẩm có mặt ở nhiều địa điểm thực tế. Tuy nhiên, cũng giống như thế hệ Millennials, 39% người mua Gen X cũng tìm kiếm sản phẩm mới trên internet. Vì vậy, chiến lược SEO cũng là một lựa chọn tốt khác để thu hút sự chú ý của thế hệ này.
4. Sự khác nhau về cách tìm kiếm sản phẩm giữa các thế hệ
Để thu hút khách hàng mới đến với sản phẩm, thương hiệu cần tạo ra nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội. Theo báo cáo, Millennials và Gen X thường sử dụng quảng cáo hoặc nội dung được tài trợ để khám phá sản phẩm mới, trong khi đối với Gen Z thì các video ngắn trên mạng xã hội như TikTok và Instagram Reels là phương tiện ưa thích để khám phá sản phẩm mới.
Vì vậy, tùy thuộc vào nhóm tuổi mục tiêu, thương hiệu cần có một chiến lược nội dung phù hợp để thu hút sự chú ý của khách hàng. Ví dụ, nếu muốn tiếp cận Gen Z, thương hiệu nên tạo ra các video ngắn hấp dẫn trên TikTok hoặc Instagram Reels. Tuy nhiên, nếu đối tượng mục tiêu là Millennials hoặc Gen X, thương hiệu cần cân nhắc sử dụng quảng cáo hoặc nội dung được tài trợ để giới thiệu sản phẩm.
5. Điện thoại di động là thiết bị phổ biến nhất để mua sắm trực tuyến
Khoảng 75% người tiêu dùng thích sử dụng điện thoại di động để mua sắm trực tuyến, trong khi đó chỉ có 15% ưa thích sử dụng máy tính để bàn và 6% ưa thích sử dụng máy tính bảng. Do đó, khi kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc tối ưu hóa trang web cho thiết bị di động là rất quan trọng.
75% người tiêu dùng thích sử dụng điện thoại di động của họ để mua sắm trực tuyến
Nếu trang web không tương thích với điện thoại di động hoặc quá khó khăn để sử dụng trên thiết bị này, khả năng khách hàng sẽ bỏ qua và không quay lại trang web đó. Để giữ cho khách hàng ở lại trang web của thương hiệu, hãy đảm bảo rằng trang web được thiết kế tốt cho thiết bị di động, bao gồm văn bản lớn, nhiều khoảng trống (white space), phù hợp với các kích thước màn hình và có lời kêu gọi hành động thân thiện với thiết bị di động.
6. Giá cả là yếu tố quan trọng khi ra quyết định mua hàng
Theo khảo sát, 78% Gen Z và 74% Millennials đều xác nhận rằng giá là yếu tố quan trọng khi quyết định mua hàng. Tỉ lệ này cũng khá cao đối với Gen X và Boomers. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng được đánh giá là yếu tố hàng đầu.
Tuy nhiên, còn có một số yếu tố khác đáng chú ý trong tiếp thị thương hiệu. 57% Gen Z sẵn sàng mua sản phẩm nếu số tiền thu được được quyên góp cho từ thiện. Millennials thích mua sản phẩm được đánh giá tích cực (55%), Gen X đánh giá cao tính cộng đồng tích cực xung quanh thương hiệu (62%), và Boomers tìm kiếm các tính năng và chức năng của sản phẩm khi đưa ra quyết định mua hàng (55%).
7. Video dạng ngắn mang lại cơ hội quảng cáo lớn
Video dạng ngắn đang trở thành một cách quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok và các nền tảng khác. Với thời lượng ngắn gọn, video này phù hợp với xu hướng tương tác nhanh của người dùng và làm tăng cơ hội quảng bá sản phẩm. 36% người tiêu dùng đã sẵn sàng tìm hiểu về sản phẩm thông qua video ngắn như TikTok hay Reels. Nghiên cứu cũng cho thấy 52% người dùng TikTok ở Hoa Kỳ cảm thấy quảng cáo trên nền tảng này thú vị và hấp dẫn.
Xu hướng mua sắm dự kiến xảy ra trong năm 2023
Việc sử dụng thiết bị di động để mua sắm tiếp tục là xu hướng chủ đạo của ngành thương mại điện tử. Theo số liệu, trong năm 2018, giao dịch trên thiết bị di động chiếm 63,5% tổng doanh số thương mại điện tử. Đến 2020, con số đó đã tăng lên 70,4%. Dự kiến khoảng 75% người tiêu dùng sẽ ưa chuộng mua sắm qua thiết bị di động vào năm 2022. Điều này cho thấy sức mạnh của giao dịch di động sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thương mại điện tử.
Thích nghi với sự thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế của mình trong thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh
Influencer Marketing sẽ tiếp tục phát triển và vẫn là kênh quảng cáo phổ biến nhất cho các thương hiệu muốn kết nối với khán giả của mình. Thế hệ Millennials và Gen Z không chỉ tìm kiếm sự ảnh hưởng từ người nổi tiếng mà còn từ các influencer, đặc biệt là trong việc mua hàng. Ngoài ra, Metaverse và tiền ảo là một xu hướng được dự đoán sẽ gia tăng. Hơn một nửa số người tiêu dùng đã từng sử dụng metaverse hoặc mua tiền ảo hoặc sản phẩm liên quan trong vòng ba tháng qua, trong đó có 56% đã truy cập metaverse, 56% đã mua tiền điện tử và 75% đã mua NFT lần đầu tiên.
Trong bối cảnh phát triển của thương mại điện tử, việc hiểu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là rất quan trọng để tạo ra một chiến lược thương mại điện tử hiệu quả. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm hiểu và nắm bắt những xu hướng mới nhất trong hành vi mua sắm của khách hàng.
Tóm lại, hành vi mua sắm của khách hàng luôn thay đổi theo thời gian và sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai. Nếu doanh nghiệp hiểu và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, họ sẽ có cơ hội tăng doanh số và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ cần tìm hiểu và nắm bắt sâu sắc những thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng và cập nhật chiến lược của mình để đáp ứng được nhu cầu thay đổi đó. Việc thích nghi với sự thay đổi trong hành vi mua sắm của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế của mình trong thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh này.
Theo Hubspot
Quan Dinh H.