Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật và chiến dịch sáng tạo của thương hiệu trong tuần vừa qua với series Điểm tin tuần của Advertising Vietnam! 


1. RŨ BỎ HÌNH TƯỢNG XÉO XẮT VÀ GẮT GỎNG, DUOLINGO THAY ĐỔI BIỂU TƯỢNG ỨNG DỤNG THÀNH HÌNH ẢNH CHÚ CÚ XANH DỄ THƯƠNG VỚI ĐÔI MẮT LONG LANH



Mới đây, nhiều người dùng hài hước phát hiện Duolingo đã thay đổi biểu tượng ứng dụng: từ "cú xanh" phiên bản bình thường thành chú "cú xanh" dễ thương với đôi mắt long lanh, gò má đẩy cao và khuôn miệng há hốc như đang cảm thán, ngạc nhiên.


Biểu tượng ứng dụng mới đã tạo nên hiệu ứng trong cộng đồng mạng bởi trước đây "cú Duo" vẫn thường gắn với hình ảnh "xéo xắt, gắt gỏng" thậm chí buông lời đe dọa để nhắc nhở người dùng học ngoại ngữ. Duolingo từng thay đổi biểu tượng ứng dụng nhân các sự kiện đặc biệt, khi người dùng đăng ký Plus hoặc đạt thành tích học tập tốt như Super, Streak Society.


2. CAM KẾT BÁN LẠI HOẶC TÁI CHẾ QUẦN ÁO CŨ CỦA H&M BỊ VẠCH TRẦN, THƯƠNG HIỆU THỰC CHẤT CHỈ VẬN CHUYỂN ĐẾN CÁC NƯỚC KÉM PHÁT TRIỂN ĐỂ ĐỐT HOẶC CHÔN LẤP?



H&M nổi tiếng với chương trình thu mua quần áo cũ với cam kết bán lại hoặc tái chế và tặng những phiếu mua hàng giảm giá cho khách hàng. Tuy nhiên, thương hiệu thời trang nhanh mới đây đã bị cáo buộc vận chuyển quần áo cũ đến những quốc gia kém phát triển hơn - nơi quần áo đa phần bị đốt hoặc vứt bỏ - thay vì thực hiện bán lại và tái chế như cam kết.


Cụ thể, nhóm phóng viên của tờ Aftonbladet (Thụy Điển) đã gắn thiết bị định vị thông minh để theo dõi hành trình của 10 bộ quần áo mà họ quyên góp cho H&M. Tất cả đều còn nguyên vẹn, chưa bị hư hỏng. Các phóng viên phát hiện ra dù thực hiện cam kết tái chế hoặc quyên góp quần áo cũ, H&M không hề thực hiện sàng lọc quần áo thu nhận. 10 bộ quần áo của các phóng viên dù còn nguyên vẹn nhưng vẫn được vận chuyển khỏi Thụy Điển, đưa tới 3 cơ sở thu gom tại Đức.


Sau đó, 1 bộ quần áo được đưa tới Benin - một quốc gia tại Tây Phi chuyên nhập khẩu quần áo cũ từ Châu Âu. Tại Benin, mỗi năm có một lượng lớn quần áo cũ sẽ bị đốt hoặc vứt bỏ. 1 bộ được đưa tới Ấn Độ - nơi tình trạng ô nhiễm rác thải thời trang đang ở mức báo động. 2 bộ được nghiền thành sợi, mặc dù 1 chiếc trong đó chưa hề được dùng tới. 2 bộ quần áo khác được vận chuyển tới Romania. Còn lại, các phóng viên không thể truy dấu vết trong vài tuần qua và nghi ngờ chúng đã được thải xuống đại dương.


Theo tờ Aftonbladet, từ đầu năm 2023 đến nay, các đối tác của H&M tại Đức đã xuất khẩu 1 triệu bộ quần áo đến Ghana và thương hiệu thời trang Thụy Điển là một trong 5 thương hiệu quần áo cũ phổ biến nhất tại quốc gia này. Tờ Aftonbladet cho biết hầu hết quần áo được vận chuyển đến châu Phi thường ở trong tình trạng quá tệ và không thể tái chế. Vì thế, một lượng lớn quần áo sẽ được đốt hoặc chôn lấp. Điều này đi ngược lại với cam kết tái chế quần áo cũ của H&M.


“Núi” quần áo bị vứt bỏ tại các quốc gia khác (Ảnh từ Aftonbladet)


Bên cạnh việc bê bối rác thải thời trang, việc H&M vận chuyển quần áo cũ đi khắp thế giới cũng gây ra ô nhiễm. Tổng cộng, 10 bộ quần áo mà các phóng viên gắn thiết bị theo dõi đã được vận chuyển tổng cộng 60.000km bằng tàu biển và xe tải (tương đương với 1,5 vòng Trái Đất), tiêu tốn nguyên liệu và thải ra môi trường khí thải từ các phương tiện vận chuyển.


Sau khi cuộc điều tra của tờ Aftonbladet được đăng tải, ông Harsha Bammanahali - Head of Reverse Supply Chain (Trưởng Chuỗi cung ứng ngược) của H&M thừa nhận rằng dù thương hiệu luôn cố gắng tránh việc thải quần áo ra môi trường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom, tái chế quần áo và các mặt hàng dệt may. Ông Harsha Bammanahali cũng cam kết H&M sẽ đầu tư và làm việc với các nhà lập pháp để siết chặt các quy định liên quan đến sản xuất và tái chế các mặt hàng dệt may.


Theo Aftonbladet


3. LISA (BLACKPINK) CÁN MỐC 95 TRIỆU FOLLOW TRÊN INSTAGRAM, TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ KPOP CÓ SỐ LƯỢNG NGƯỜI THEO DÕI CAO NHẤT



Vào ngày 17/6 vừa qua, thành viên Lisa (BlackPink) đã đạt cột mốc ấn tượng với 95 triệu người theo dõi trên Instagram. Thành tựu này đã khiến Lisa trở thành nghệ sĩ Kpop có số lượng người theo dõi nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội này. Cô xếp thứ ba trong số các ngôi sao châu Á có lượng follower cao nhất (sau vận động viên người Ấn Độ Virat Kohli và Gal Gadot - diễn viên thủ vai Wonder Woman), đồng thời được dự đoán sẽ cán mốc 100 triệu người theo dõi vào năm 2024.


Với cột mốc ấn tượng này, Lisa đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng toàn cầu và sự đóng góp của cô cho ngành công nghiệp Kpop.


Theo Allkpop


4. VERNON (SEVENTEEN) TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN CỦA KENZO



Vào ngày 20/06 vừa qua, Kenzo - nhà mốt xa xỉ của Pháp đã công bố tin tức về việc bổ nhiệm nam rapper Vernon (Seventeen) thành Đại sứ Toàn cầu đầu tiên của hãng. 


Theo WWD, với vai trò mới, Vernon dự kiến sẽ là nhân vật chính chính trong nhiều chiến dịch quảng cáo khác nhau của thương hiệu, bao gồm cả quần áo và giày thể thao. Mới đây, Vernon cũng đã tham dự show diễn Kenzo Men’s S/S 24 thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris. 


5. CHỈ SAU MỘT NĂM GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN, TRUNG NGUYÊN LEGEND DỰ KIẾN MỞ CỬA HÀNG THỨ HAI TẠI TRUNG QUỐC



Ngày 21/09/2022, chuỗi cà phê Trung Nguyên khai trương cửa hàng đầu tiên tại Nam Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Theo Markettimes, thương hiệu này dự kiến mở cửa hàng thứ hai tại Trung Quốc vào tháng 7/2023.


Chỉ trong gần một năm gia nhập thị trường tỷ dân, Trung Nguyên Legend đã đạt được nhiều cột mốc, giải thưởng quan trọng. Cuối năm 2022, Thế giới Cà phê Trung Nguyên Legend đạt 2 giải thưởng danh giá của thị trường Trung Quốc là “Quán Cà Phê Tốt Nhất năm 2022”“Quán Cà Phê Nổi Tiếng Của Năm”. Trung Quốc được đánh giá là một thị trường tiềm năng đối với các chuỗi cà phê bởi sự gia tăng trong xu hướng tiêu dùng cà phê rang xay của thế hệ Y (sinh từ 1980-1995).


6. CHUYÊN GIA KHUYẾN CÁO KHÔNG NÊN SỬ DỤNG ẢNH A.I PROFILE TRONG CV



Trong thời gian gần đây, ứng dụng chỉnh sửa ảnh chân dung SNOW - AI Profile đang trở nên cực kỳ phổ biến trong giới trẻ vì khả năng sử dụng A.I để tạo ra ảnh profile chuyên nghiệp chỉ từ ảnh chụp chân dung, ảnh selfie,... tương tự như ở ảnh chụp ở studio. Dù mới chỉ ra mắt từ ngày 25/5 vừa qua nhưng SNOW - AI Profile đã nhanh chóng trở nên phổ biến, đến mức xảy ra lỗi trên ứng dụng vì lưu lượng truy cập quá lớn. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại khi ngày càng nhiều người lao động Hàn Quốc sử dụng ảnh chân dung từ ứng dụng cho các hồ sơ việc làm.


Tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều người sử dụng ứng dụng. So với việc đến các studio chuyên nghiệp để chụp những bộ ảnh sử dụng trong hồ sơ việc làm với giá từ 100.000 KRW - 200.000 KRW (1,8 triệu đến 3,6 triệu đồng), người lao động chỉ phải trả mức giá thấp hơn đến 30 lần cho AI Profile. AI Profile cũng rất phổ biến trên nền tảng TikTok, hashtag #snowaiprofile đã đạt 33 triệu lượt xem, người dùng thường đăng tải những video so sánh giữa ảnh chụp thực tế và ảnh profile được thực hiện bằng ứng dụng.


Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người lao động không nên sử dụng các bức ảnh từ ứng dụng trong CV. Bởi vì ảnh được tạo A.I trở nên quá đại trà trong khi nhà tuyển dụng ưu tiên những bức ảnh phản ánh được cá tính, sự khác biệt của ứng viên. Đại diện của Job Korea - một trang web tuyển dụng tại Hàn Quốc cho biết: “Đúng là ảnh chụp trong studio cũng được chỉnh sửa qua, nhưng ảnh do ứng dụng tạo ra quá khác so với đời thực. Hiện tại, rất nhiều ứng viên gửi những bức ảnh được chỉnh sửa trau chuốt, bóng bẩy. Tuy nhiên, nếu bức ảnh được chỉnh sửa quá nhiều, nó sẽ che mờ những gì ứng viên thể hiện trong buổi phỏng vấn. Sự chân thực sẽ để lại ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì thế, ứng viên chỉ nên chỉnh sửa ảnh đơn giản như chỉnh sửa độ sáng hay làm đẹp làn da trên ảnh.”


Theo Allkpop

 

▶ Đón xem tin tức mới nhất về thị trường truyền thông, quảng cáo hàng tuần trên fanpage Advertising Vietnam!