Những quảng cáo Fake OOH hiện đang được các nhãn hàng ưa chuộng, đặc biệt là các nhãn hàng ở Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng công nghệ Fake OOH vào chiến dịch truyền thông của mình. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại rằng hình thức quảng cáo bằng công nghệ cao này sẽ nhanh chóng bị lỗi thời nếu không có sự sáng tạo đột phá hơn. 


Fake OOH là hình thức quảng cáo ngoài trời sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tạo ra những biển quảng cáo không có thật. Những lợi ích mà Fake OOH mang lại có thể kể đến như nhãn hàng có thể tự do sáng tạo ở bất kì không gian nào và tiết kiệm được nhiều chi phí. Ngoài ra, các nhãn hàng cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng Fake OOH có thể gây mất lòng tin từ phía người tiêu dùng và người xem có thể nhanh chóng mất hứng thú khi bắt gặp quá nhiều Fake OOH trên thị trường. 


“Công thức” quen thuộc có thể khiến các Fake OOH dễ gây nhàm chán cho người xem


Theo Livio Grossi, Giám đốc sáng tạo của agency Dentsu Creative Vietnam & Dentsu Redder: “Ở mỗi chiến dịch có Fake OOH, các nhãn hàng thường áp dụng “công thức" dùng công nghệ AI hoặc CGI để thay đổi toà nhà hoặc đặt những sản phẩm khổng lồ ở những nơi không ngờ tới.” Bên cạnh đó, ông cho rằng thay vì chỉ tập trung vào yếu tố gây bất ngờ bằng những quảng cáo giả, các thương hiệu nên hướng đến việc tạo ra những chiến dịch tương tác và giải trí thực sự. 


Một số Fake OOH ấn tượng 


Nhiều chiến dịch Fake OOH hiện nay đang sử dụng những hình ảnh trùng lặp như Livio Grossi đã nhắc đến, đối với một số người những hình ảnh này không còn gây bất ngờ và thú vị như ban đầu. Ngoài ra, Fake OOH thường tập trung vào yếu tố thị giác và thường hay gây ấn tượng đầu tiên bằng những hình ảnh độc đáo. Tuy nhiên, những biển quảng cáo này thường hay quên đi tính tương tác, dẫn đến việc sẽ dễ gây nhàm chán với người xem và các Fake OOH này có thể nhanh chóng bị lãng quên. 


Các Fake OOH với ý tưởng sáng tạo ấn tượng 


Thêm vào đó, cho đến hiện tại nhiều người vẫn tin rằng những quảng cáo ảo có thể sẽ làm giảm sự minh bạch của các nhãn hàng và giảm lòng tin của người tiêu dùng. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến cho người xem dễ dàng cảm thấy “nhàm chán" khi bắt gặp các Fake OOH. 


Fake OOH trong tương lai nên kết hợp nhiều công nghệ tiên tiến để có thể kết nối với người tiêu dùng 


Chìa khóa để giúp cho các Fake OOH thoát khỏi sự nhàm chán và có thể đứng vững trong lòng người xem chính là sáng tạo thêm nhiều thông điệp độc đáo, kết hợp với các chất liệu hình ảnh, video chất lượng. Cùng với đó, các nhãn hàng có thể sử dụng thêm nhiều công nghệ tiên tiến như CGI, AR/VR, 3D hoặc kết hợp âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng đặc biệt để tạo ra trải nghiệm đa giác quan cho người xem. 


Quảng cáo 3D OOH của Nike tại Nhật Bản 


Ông Josh Gurgiel, Giám đốc chiến lược của POLY - trung tâm sáng tạo và đổi mới của oOh!media, chia sẻ về việc các nhãn hàng tận dụng Fake OOH vào chiến dịch quảng cáo của mình: “Tôi tin rằng toàn bộ ngành quảng cáo cần tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của Fake OOH để nâng cao mức độ sáng tạo trong các quảng cáo ngoài trời truyền thống”.  


Quảng cáo Fake OOH của MILO


Chiến dịch mới đây của MILO đã gây ấn tượng với người tiêu dùng bằng các video Fake OOH ấn tượng như biến toa tàu Cát Linh thành viên pin khổng lồ, hay “nạp" năng lượng MILO vào tòa nhà Bitexco. Bên cạnh việc sử dụng các Fake OOH, MILO còn tổ chức hoạt động Trạm sạc Sức bền 24h Khổng lồ" nhằm mang đến những trải nghiệm chân thật lẫn tính tương tác, kết nối với người tiêu dùng. 


Hoạt động “Trạm sạc Sức bền 24h Khổng lồ” của MILO 


Ngoài ra, ông Alejandro Canciobello, giám đốc sáng tạo của DDB Group khu vực Hong Kong chia sẻ, các Fake OOH có thể làm nổi bật cá tính và chất riêng của các thương hiệu, từ đó làm tăng sự kết nối giữa nhãn hàng với người tiêu dùng. 


Việc sử dụng các Fake OOH không chỉ là một cách để thương hiệu trở nên nổi bật và thu hút được sự chú ý, mà còn có thể tạo ra một kết nối đặc biệt và ý nghĩa với khách hàng, từ đó tăng cường mối quan hệ giữa nhãn hàng và người tiêu dùng. Các nhãn hàng có thể cân nhắc áp dụng những ý tưởng độc đáo, cá nhân hóa vào các Fake OOH và khi người tiêu dùng cảm thấy thương hiệu là một phần của cuộc sống hàng ngày của họ, họ sẽ cảm thấy gần gũi và tin tưởng vào nhãn hàng hơn. Điều này có thể tạo ra một mối quan hệ tương tác tích cực giữa thương hiệu và khách hàng, từ đó thúc đẩy sự tương tác và trung thành.


CGI OOH của nước giặt Surf Việt Nam tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)


Nổi bật như CGI OOH của nước giặt Surf Việt Nam, nhãn hàng đã cho sản phẩm của mình hạ cánh tại Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nhằm tiếp cận gần hơn đối tượng khách hàng mục tiêu. Quảng cáo Fake OOH của Surf Việt Nam đã gây ấn tượng với người tiêu dùng bởi sự độc đáo khi lựa chọn địa điểm check-in không ai ngờ đến. 


Fake OOH là xu hướng mới đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ "lỗi thời" nếu không được sử dụng một cách sáng tạo và hiệu quả. Việc kết hợp Fake OOH với các hình thức quảng cáo truyền thống một cách thông minh sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng hiệu quả và tạo dựng thương hiệu thành công. 


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!