Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Spotify đã có mức tăng trưởng đáng kể lên đến 433 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong vòng chưa đầy 2 thập kỷ. Tính đến năm 2022, Spotify nắm giữ đến 31% thị trường streaming (phát trực tuyến) toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Apple Music. 


Để đạt được sự thành công đó, Spotify đã có những chiến lược gì trong cách tiếp cận người dùng và phát triển hoạt động truyền thông qua các năm để trở thành ứng dụng hàng đầu trong thị trường streaming toàn thế giới? Cùng tìm hiểu 6 chiến lược tiêu biểu của “gã khổng lồ” qua bài viết dưới đây!


Cá nhân hoá trải nghiệm người dùng


Vào năm 2016, Spotify đã tái định nghĩa giao diện AI của mình nhằm cá nhân hoá nội dung tuỳ chỉnh cho người dùng. Điều này giúp Spotify có thể gợi ý nội dung và danh sách phát (playlist) phù hợp với từng người dùng dựa vào lịch sử nghe nhạc của họ. Trong một thị trường mang tính bão hoà, chiến thuật marketing cá nhân hoá chứng tỏ tiềm năng vượt trội trong việc hình thành mối quan hệ, tạo sự gắn kết giữa thương hiệu và người dùng. Bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập và sử dụng hiệu quả dữ liệu hành vi người tiêu dùng, Spotify đã tạo ra những playlist chất lượng, mang đậm dấu ấn người dùng và nâng cao trải nghiệm của họ trên nền tảng. 


Đặc biệt, chiến dịch tổng kết “Wrapped” (“Nhìn lại”) của Spotify đã trở thành “vũ khí” giúp nền tảng này khuấy đảo mạng xã hội vào thời điểm cuối mỗi năm. Thương hiệu này đã sử dụng data storytelling - thủ thuật kể chuyện bằng dữ liệu để cung cấp cho người dùng một bức tranh toàn cảnh về thói quen, sở thích nghe nhạc của họ trong năm qua. Đồng thời, Spotify còn chú trọng trong việc xây dựng hình ảnh trực quan và nội dung sáng tạo để gây ấn tượng với người dùng.


Được triển khai liên tiếp trong suốt 6 năm, chiến dịch thường niên Spotify Wrapped vẫn tạo được sức hút “khổng lồ” trên mạng xã hội vào mỗi dịp cuối năm


Nắm bắt xu hướng xã hội


Đội ngũ marketing của Spotify luôn linh hoạt và sáng tạo trong các chiến dịch của mình để đáp ứng được tính thời điểm và xu hướng của xã hội. Đơn cử, nhận thấy 2016 là một năm có nhiều sự kiện biến động liên tiếp xảy ra trên toàn cầu, thương hiệu này đã thực hiện chiến dịch “Thanks, 2016. It’s been weird” (Tạm dịch: Cảm ơn 2016 vì một năm thật kỳ lạ). Trong hoạt động OOH thuộc chiến dịch, Spotify đã lồng ghép nội dung liên quan đến các sự kiện nổi bật trên thế giới với thói quen nghe nhạc của người dùng để tạo nên những bảng billboard mang thông điệp hài hước. Chẳng hạn với billboard được đặt tại thành phố Los Angeles, thương hiệu này đã dựa trên số liệu về lượt nghe nhạc trong ngày lễ Valentine và truyền tải nó một cách thú vị qua nội dung: “Gửi những người đã nghe danh sách phát Forever Alone suốt 4 tiếng vào đúng ngày Valentine: Bạn có thật sự ổn không?”.

Các bảng quảng cáo thu hút sự chú ý của người dùng toàn cầu và các phương tiện truyền thông xã hội, trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất của Spotify.


Nội dung truyền thông của Spotify thường xuyên được cập nhật phù hợp với tình hình và xu thế của xã hội


Mở rộng hệ sinh thái đối tác


Việc hợp tác với các thương hiệu khác giúp Spotify có thể tiếp cận nhiều thị trường mới, đồng thời gia tăng sự trung thành của khách hàng và chiếm thế thượng phong trước sự cạnh tranh của các đối thủ khác trên thị trường. Tính đến năm 2022, hệ sinh thái đối tác của Spotify đã có sự tham gia của 76 công ty trên toàn cầu. Trong số đó, “cú bắt tay” với Starbucks vào năm 2015 là một trong những màn hợp tác thương hiệu được nhiều người đánh giá cao. Cụ thể, trong quá trình đặt món, người dùng Starbucks có cơ hội trải nghiệm cơ hội nghe nhạc trực tuyến với playlist được tuyển chọn bởi Spotify và đổi điểm thưởng đồ uống để mua gói premium của “gã khổng lồ” streaming. Màn hợp tác sáng tạo này đã khuyến khích sự tham gia tích cực của người tiêu dùng và nâng cao chất lượng dịch vụ, danh tiếng của cả 2 thương hiệu.


Hợp tác với hàng loạt tên tuổi lớn giúp Spotify mở rộng thị trường và tiếp cận với nhiều khách hàng hơn


“Bắt trend” mạng xã hội


Nhanh chóng nắm bắt và tận dụng các xu hướng trên mạng xã hội, Spotify đã xây dựng nhiều nội dung thu hút giới trẻ, mang sức lan toả lớn cho các chiến dịch truyền thông của mình. Chẳng hạn, trong chiến dịch tổng kết năm 2016, thương hiệu này đã khai thác nhiều khía cạnh hài hước của nghệ sĩ như “sự thay đổi kiểu tóc của Justin Bieber theo từng thời điểm phát hành bài hát trên Spotify” hay “The Weeknd là kiểu trai nào trong 2016”.


Nội dung bắt trend, “mặn mà” và được bản địa hoá theo từng quốc gia là những yếu tố giúp Spotify thu hút tệp khách hàng trẻ 


Sử dụng mô hình Freemium


Freemium là một chiến lược định giá được Spotify sử dụng để cung cấp dịch vụ miễn phí, nhưng lại hạn chế trong tính năng và kèm theo quảng cáo giữa các bài hát. Chiến lược này được đánh giá là một lợi thế cạnh tranh giúp thương hiệu này khác biệt với các đối thủ khác trên thị trường. Thống kê cho thấy, với gần một nửa số người dùng lựa chọn phiên bản miễn phí, Spotify vẫn có thể tạo ra nguồn doanh thu dựa vào các quảng cáo trên nền tảng. Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh freemium cũng đã chứng minh tính hiệu quả của mình khi tạo ra tỷ lệ chuyển đổi từ người dùng miễn phí sang trả phí lên tới 46% cho nền tảng này.


Mô hình Freemium là lợi thế cạnh tranh chính của Spotify trên thị trường


Duy trì bản sắc thương hiệu


Tính nhất quán trong nhận diện thương hiệu của Spotify đã tạo ra niềm tin và nhận thức tích cực của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Để hưởng ứng xu hướng tối giản (minimalism) vào đầu những năm 2000, Spotify đã tạo ra một bộ nhận diện đơn giản, trực quan nhưng vẫn đảm bảo được tính sáng tạo và có thể duy trì qua các năm. Logo mang hình ảnh sóng WiFi cong trên nền xanh lá và các sản phẩm thiết kế đầy màu sắc từ lâu đã trở thành những điểm đặc trưng, giúp nâng cao độ nhận diện của thương hiệu trên thị trường và gây ấn tượng sâu sắc với khách hàng.


Thảo Vy