Theo báo cáo 2024 Engagement and Retention của Achievers Workforce Institute (AWI), Emotional Salary (Mức lương cảm xúc) đang ngày càng trở nên quan trọng hơn và có đến 72% nhân sự lựa chọn sẵn sàng chọn công việc mang lại cảm giác được hỗ trợ và đánh giá cao hơn là công việc lương cao nhưng thiếu sự gắn kết. Điều đó có thực sự đúng với nhân sự Gen Z trong ngành Quảng cáo?



Lướt một vòng mạng xã hội, không khó để tìm thấy những bạn trẻ chia sẻ lương nghìn đô, tiền thưởng 8 số, mua nhà, mua xe và cũng không ít các bạn chật vật với việc nâng lương, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ lựa chọn ưu tiên Emotional Salary (Mức lương cảm xúc) và chấp nhận thu nhập chưa cao ở hiện tại để được đạt được những yếu tố khác trong công việc. 


Ít ưu tiên mức lương khi đưa mọi thứ lên bàn cân


Là thế hệ đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhiều bạn trẻ Gen Z chú trọng những giá trị “phi tiền tệ” như giờ làm việc thoải mái, linh hoạt làm việc từ xa khi cần thiết, cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, không gian đẹp giúp kích thích sự sáng tạo trong quá trình làm việc...


A.L. (2001, Content Marketing Executive) chia sẻ rằng trong công việc, yếu tố tinh thần thực sự rất quan trọng với bạn: “Mình cảm thấy nếu tâm trạng vui vẻ, thoải mái thì mình mới có động lực đi làm và gắn bó với môi trường đó lâu dài.” Với vị trí làm việc hiện tại, A.L đã có thu nhập cao hơn nhưng bạn vẫn cảm thấy yêu thích nơi làm cũ với mức lương thấp vì môi trường thoải mái, không gò bó giờ giấc và vị trí công ty gần nhà giúp việc di chuyển thuận lợi, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. 



Bên cạnh đó, cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng chuyên môn là điều mà các nhân sự trẻ ưu tiên khi lựa chọn đồng hành cùng một công ty. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên mức lương cảm xúc ở nhân sự khi họ cảm nhận được mình đang tiến bộ, có những trải nghiệm giúp nâng cao trình độ cá nhân.


H.T. (2001, Junior Copywriter) cho rằng trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện tại, bạn vẫn cảm thấy ổn với mức lương thấp so với mặt bằng chung nếu môi trường làm việc giúp bạn có thêm kiến thức và học hỏi được nhiều kỹ năng. Đồng quan điểm với H.T., bạn T.L. (2000, Senior Account) cũng đặt vấn đề công việc có thực sự hỗ trợ cho lộ trình sự nghiệp của mình hay không lên hàng đầu. Tuy nhiên, đích đến của những bạn trẻ này vẫn sẽ là tích lũy đủ những kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để có thể đến những công ty có mức lương cao hơn và đãi ngộ tốt.


Trẻ con mới chọn, người lớn… muốn hết


Có một sự thật là, một công ty đem đến mức lương cảm xúc tốt cho nhân sự không đồng nghĩa với việc họ trả lương thấp và ngược lại. Việc tăng mức lương cảm xúc là điều có lợi cho cả công ty lẫn nhân sự khi điều này giúp nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực giữa đôi bên. 


Theo OCCMundial, mức lương cảm xúc làm tăng năng suất làm việc của nhân viên lên 33%, số ngày bị mất do hiệu quả thấp hoặc tỷ lệ không đạt được mục tiêu giảm 66%, tỷ lệ nhân viên vắng mặt do tai nạn, bệnh tật hoặc các vấn đề cá nhân giảm 51% và 97% người lao động cảm thấy gần gũi hơn với nơi làm việc. Những con số cực kỳ lý tưởng này là động lực cho rất nhiều công ty trên thế giới bắt đầu chú ý hơn vào các đãi ngộ có thể thúc đẩy lương cảm xúc ở nhân viên của mình. Do đó, nhiều nhân sự Gen Z vẫn mong muốn tìm được một nơi đáp ứng đủ các yếu tố dù điều đó có vẻ “quá lý tưởng”. 


Công ty trả lương thấp chắc gì sẽ vui?


D.C. (Graphic Designer) chia sẻ: “Đúng là Gen Z đi làm vì đam mê nhưng với nhiều bạn, đam mê của họ là tiền. Do đó, không phải Gen Z không quan trọng tiền bạc đâu, chỉ là khi mình chưa tìm được một công việc với mức lương lý tưởng thì những yếu tố khác sẽ chi phối đến quyết định của mình.” 


Không phải là lựa chọn lâu dài


Trong trường hợp phải cân đo đong đếm nhiều thứ, yếu tố cảm xúc sẽ được nhiều bạn trẻ lựa chọn, tuy nhiên có vẻ đây sẽ chỉ là ưu tiên tạm thời. Dù gì đi chăng nữa thì thu nhập sẽ luôn là một trong những gạch đầu dòng quan trọng nhất khi đi làm và chi phối rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Không dễ để nhân sự có thể trụ vững ở thành phố lớn với mức lương không tốt, trừ khi họ có nền tảng kinh tế tốt hoặc có nguồn thu nhập khác bên ngoài.


H.H. (2000, Operation Executive) chia sẻ: “Hiện tại, đúng là mình vẫn ưu tiên Emotional Salary hơn, nhưng mình nghĩ khi mình lớn hơn, qua độ tuổi 30 chẳng hạn, thì mình sẽ chọn mức lương tốt vì đó là giai đoạn mình cần thực hiện nhiều trách nhiệm và hướng đến cuộc sống ổn định. Lúc đó, nếu bắt buộc phải chọn thì mình chọn môi trường khó khăn hơn với lương cao để đáp ứng nhiều nhu cầu khác.”


Đồng ý với quan điểm trên, T.H (1998, Senior Account) cũng cho rằng sự ưu tiên này mang yếu tố thời điểm. Với độ tuổi hiện tại của bản thân và những trách nhiệm đang có, T.H. sẽ ưu tiên công việc có mức lương tốt hơn. Bạn cho rằng thu nhập sẽ tương ứng với khả năng cũng như nỗ lực của mình đã bỏ ra. Do đó, trong trường hợp không thuận lợi có được mức lương như mong muốn ngay từ ban đầu, bạn sẽ cố gắng thể hiện bản thân trong công việc và đàm phán lại lương tương xứng.


Hà Duyên

Họa sĩ: Huy Mai


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!