Thế hệ Gen Z đang tạo ra một xu hướng mới trong cách họ tiếp cận công việc và cuộc sống: làm việc không chỉ vì trách nhiệm, mà còn để theo đuổi những trải nghiệm đáng giá. Một nghiên cứu của HSBC mang tên “HSBC One 2024 – Decoding Gen Z” đã cho thấy rằng với Gen Z tại Hồng Kông, du lịch chính là động lực hàng đầu thúc đẩy họ làm việc mỗi ngày, vượt xa những mục tiêu truyền thống như sở hữu nhà cửa hay lập gia đình.


Nhân sự Gen Z có góc nhìn khác biệt trong việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc


Theo khảo sát, 71% Gen Z tại Hồng Kông cho rằng “du lịch” là mục tiêu chính của công việc, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 39% mong muốn sở hữu nhà và 34% hướng tới việc xây dựng gia đình. Trong năm qua, trung bình mỗi Gen Z đã thực hiện ba chuyến du lịch, chi tiêu khoảng 35.000 HKD (tương đương 13% thu nhập).



Những số liệu này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong tư duy của thế hệ trẻ: thay vì tập trung vào những mục tiêu dài hạn và đầy áp lực như thế hệ trước, họ hướng tới việc tận hưởng cuộc sống, đặc biệt thông qua các chuyến đi khám phá thế giới. 


Chị N.A (23 tuổi, Content Creator) chia sẻ: “Mình đi làm từ hồi năm 3 Đại học nên mình cũng có những phương pháp phù hợp để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi làm xong một dự án lớn của công ty thì mình thường có xu hướng tự thưởng bản thân một kì nghỉ ngắn hạn để tái tạo lại năng lượng”.



Không chỉ dừng lại ở việc ưu tiên trải nghiệm, Gen Z còn nổi bật với tinh thần “chơi hết mình, làm hết sức”. Họ dành khoảng 10% thu nhập cho các hoạt động giải trí, nhiều hơn các thế hệ khác. Điều này phản ánh lối sống “tận hưởng hiện tại” mà thế hệ này đặc biệt đề cao.


Tuy nhiên, tinh thần thư giãn không có nghĩa là buông thả. Nghiên cứu chỉ ra rằng Gen Z vẫn giữ được tính kỷ luật tài chính cao, tiết kiệm trung bình 28% thu nhập hàng tháng và bắt đầu hành trình đầu tư từ rất sớm, ở độ tuổi trung bình là 20. 


Anh H.M (24 tuổi, Marketing Executive) cũng đồng tình với nghiên cứu: “Nếu muốn có đủ kinh phí để có một chuyến du lịch thoải mái thì mình nghĩ ai trong chúng ta đều phải làm việc thật chăm chỉ, không được buông thả bản thân quá mức”.



Tại Việt Nam, Gen Z được đánh giá là thế hệ lạc quan nhất Đông Nam Á, với 90% tin rằng cuộc sống sẽ cải thiện trong 5 năm tới (theo Vero Advocacy và Kadence International). Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, họ cũng đối mặt với nhiều thách thức như việc làm, nhà ở và môi trường.


Sự kết hợp giữa lối sống thư giãn và tinh thần lạc quan có thể lý giải tại sao Gen Z Việt Nam thường xuyên tìm đến du lịch như một cách để cân bằng cuộc sống. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch và lữ hành, đặc biệt là những dịch vụ được cá nhân hóa hoặc phù hợp với nhóm khách hàng trẻ. 


Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp tận dụng xu hướng này để giữ chân nhân tài


Trước xu hướng Gen Z coi du lịch là động lực chính khi đi làm, các doanh nghiệp có thể thay đổi chính sách phúc lợi để đáp ứng nhu cầu này. Các chương trình "workcation" (vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng) đang trở thành lựa chọn phổ biến, giúp nhân viên đổi mới môi trường làm việc, giảm căng thẳng và tăng khả năng sáng tạo. Kỳ nghỉ linh hoạt không giới hạn cũng là một giải pháp hiệu quả, cho phép nhân viên tự do sắp xếp thời gian nghỉ ngơi dựa trên kết quả công việc, từ đó nâng cao sự hài lòng và gắn bó với công ty.


Chị T.H (35 tuổi, HR) cho biết, công ty của chị làm về lĩnh vực sáng tạo nên hơn 40% nhân sự là Gen Z và chị chia sẻ thêm một số nhân sự Gen Z của công ty cũng có xu hướng như thế: “Điều này đặt ra cho chị khá nhiều lo lắng và chị sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của công ty. Tuy nhiên, may mắn là các bạn nhân sự đều làm việc chăm chỉ bàn giao công việc hoàn chỉnh trước khi nghỉ phép để đi du lịch”. 



Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể triển khai chính sách thưởng du lịch cho nhân viên xuất sắc hoặc đội nhóm đạt mục tiêu. Những gói ưu đãi như giảm giá vé máy bay, voucher nghỉ dưỡng hoặc tổ chức team-building tại các địa điểm du lịch độc đáo sẽ không chỉ tạo động lực phấn đấu mà còn củng cố tinh thần đoàn kết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực. Đồng thời, việc hợp tác với các nền tảng du lịch để cung cấp combo du lịch độc quyền cũng là một cách để nâng cao trải nghiệm nhân viên.


Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lo ngại xu hướng này có thể làm giảm sự tập trung và kỷ luật trong công việc. Việc dành quá nhiều thời gian cho các chuyến du lịch có thể ảnh hưởng đến tiến độ công việc và hiệu suất chung. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình phúc lợi hấp dẫn như trên. Thách thức đặt ra là cần cân bằng giữa việc đáp ứng mong muốn của nhân viên trẻ và đảm bảo mục tiêu kinh doanh của công ty. 



Theo anh D.C (25 tuổi, Strategic Planner): “Mình cũng thấu hiểu mối lo của công ty khi áp dụng chính sách phúc lợi du lịch, vì có thể ảnh hưởng đến tiến độ. Nhưng nếu có sự phối hợp tốt, vấn đề này hoàn toàn được kiểm soát. Trước mỗi chuyến đi, mình luôn hoàn thành công việc và bàn giao rõ ràng để vừa đảm bảo trách nhiệm, vừa yên tâm tận hưởng. Những chính sách này thực sự tạo động lực, giúp nhân viên giảm căng thẳng và gắn bó hơn với công ty”.


Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt và phù hợp. Tích cực truyền thông về phúc lợi du lịch thông qua các chiến dịch tuyển dụng, kết hợp với các tiêu chí đánh giá rõ ràng sẽ giúp cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và trách nhiệm công việc. Với sự sáng tạo trong chính sách, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng mong đợi của Gen Z mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường nhân sự.


 Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!