Sự bùng nổ của mạng xã hội và Influencer Marketing (Tiếp thị có ảnh hưởng) đã mang đến nhiều thuật ngữ mới mẻ. Bên cạnh KOL (Key Opinion Leader) - những người nổi tiếng hay chuyên gia am hiểu lĩnh vực, KOC (Key Opinion Consumer) - những người tiêu dùng thông minh chia sẻ đánh giá sản phẩm, giờ đây KOS nổi lên như một thế lực mới trong thị trường thương mại điện tử. 


KOS nổi bật với vai trò là nhà bán hàng chuyên nghiệp 


KOS (Key Opinion Sales) xuất hiện dưới hình thức chuyên nghiệp hơn, cụ thể là trở thành nhà bán hàng được mọi người tin dùng. KOS là thuật ngữ chỉ những người sáng tạo nội dung sở hữu kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp và kiến thức sâu rộng về ngành hàng. Vai trò của KOS không chỉ giới hạn ở việc giới thiệu sản phẩm. Họ còn là những nhà tư vấn tận tâm, giải đáp mọi thắc mắc, xây dựng lòng tin và thôi thúc người xem mua hàng. Ngoài ra, KOS cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh nhà bán hàng uy tín, tạo dựng mối quan hệ lâu dài và thu hút tệp khách hàng tiềm năng cho thương hiệu.


Ưu điểm của KOS là sự hiểu biết về sản phẩm, dễ dàng xây dựng niềm tin ở khách hàng và cung cấp trải nghiệm mua sắm tiện lợi


Trên thị trường hiện nay, KOS được chia thành hai nhóm: KOS thuộc sở hữu thương hiệu (nhân viên bán hàng được đào tạo bài bản, am hiểu sản phẩm và có kỹ năng thuyết phục); KOS không thuộc sở hữu thương hiệu (những người có sức ảnh hưởng như KOL trên các nền tảng livestream, tự do hợp tác với nhiều thương hiệu sản phẩm khác nhau).


Thuật ngữ KOS xuất hiện phổ biến trong các phiên livestream tại Trung Quốc. Đa số các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton hay Gucci của Trung Quốc đều ưa chuộng việc bán hàng qua livestream và tiếp thị nhờ KOS. Tuy nhiên, mô hình KOS vẫn còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam


Lucie Nguyễn - Tuấn Dương có thể được xem là một dạng KOS không thuộc sở hữu thương hiệu khi ký hợp đồng độc quyền livestream trên TikTok. Với tần suất livestream đều đặn cùng loạt ưu đãi độc quyền từ các thương hiệu chính hãng, vào ngày 4/4 vừa qua, sau 15 giờ livestream cho phiên live triệu USD trên TikTok Shop, Lucie Nguyễn - Tuấn Dương đạt doanh số gần 26,5 tỷ đồng, kết hợp cùng 50 nhãn hàng khác nhau. Thành công của Lucie Nguyễn - Tuấn Dương là một trong những minh chứng cho sức hút của lĩnh vực livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử. 


Buổi livestream của Lucie Nguyễn - Tuấn Dương có doanh số gần 26,5 tỷ đồng 


Mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream tại Việt Nam  


Trong bối cảnh mua sắm online ngày càng phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, sự xuất hiện của KOS, một người bán hàng chuyên nghiệp trên livestream đã mang đến làn gió mới, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Khác với hình ảnh sản phẩm được chỉnh sửa kỹ lưỡng trên website hay app bán hàng, các phiên livestream mang đến trải nghiệm chân thực, trực quan, giúp người xem cảm nhận rõ ràng về sản phẩm, từ chất liệu, kiểu dáng đến màu sắc. Dựa vào điều này, những KOS có thể dễ dàng xây dựng lòng tin với người dùng và gia tăng khả năng chốt đơn cho thương hiệu. 


 71% người dùng Internet có xu hướng “chốt deal” trực tiếp trong các buổi livestream, cho thấy sức hút nổi bật của lĩnh vực livestream bán hàng 


Thông tin từ AccessTrade Việt Nam 2024 cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Ngoài ra, theo dữ liệu từ Cốc Cốc vào năm 2023 cho thấy 77% người dùng internet tại Việt Nam đã từng xem livestream bán hàng, trong đó 71% người mua hàng trực tiếp trong các buổi livestream. Thống kê này cũng chỉ ra rằng người Việt dành trung bình 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua livestream, cho thấy mức độ phổ biến và ưa chuộng của hình thức mua sắm này.


Nhắc đến livestream chắc chắn cái tên đầu tiên xuất hiện trong lòng khán giả là Phạm Thoại. Với cá tính riêng biệt, phong cách livestream có phần độc đáo và sôi động, Phạm Thoại là cái tên đi đầu tạo ra cột mốc doanh thu tiền tỷ tại Việt Nam. Phạm Thoại từng bán hơn 75.000 đơn hàng chỉ trong 24 tiếng livestream vào tháng 1/2023 và sở hữu doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng/tháng từ livestream bán hàng trên TikTok. Ngoài ra, anh cũng là 1 trong những mentor góp mặt cho chương trình “The Shoppertainer - Ngôi sao chốt đơn” vừa ra mắt vào cuối tháng 4 năm nay, nhằm tìm kiếm các nhân tố livestream mới có khả năng bán hàng chuyên nghiệp.


Những con số ấn tượng trong phiên livestream của Phạm Thoại


Cơ hội mới kiếm “bộn tiền” cho các bạn trẻ từ KOS


Bắt đầu lên sóng vào cuối tháng 4 trên YouTubeVTVCab, chương trình "The Shoppertainer - Ngôi Sao Chốt Đơn" do Hương Giang Entertainment sản xuất đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo giới trẻ. Chương trình là cuộc thi tìm kiếm những tài năng livestream mới, mang đến cơ hội bứt phá cho các nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực bán hàng online đầy tiềm năng.


Tại The Shoppertainer, Hương Giang đảm nhận vai trò MC, dẫn dắt chương trình cùng ban giám khảo gồm Dược Sĩ Tiến, Diệp Lâm Anh,... Hỗ trợ cho các thí sinh trong hành trình chinh phục là 4 mentor: Call Me Duy, Long Chun, Lucie - Tuấn Dương và Phạm Thoại. The Shoppertainer được kỳ vọng sẽ trở thành sân chơi tiềm năng cho các nhà sáng tạo nội dung muốn dịch chuyển sang lĩnh vực livestream. 


The Shoppertainer - Ngôi Sao Chốt Đơn” trở thành sân chơi mới cho giới trẻ trong lĩnh vực livestream bán hàng 


Ngoài ra, Lazada đã từng hợp tác cùng VCCorp tổ chức chương trình thực tế "KOC VIETNAM 2022". Một hoạt động dành riêng cho các KOC với cơ hội được trau dồi kỹ năng, thỏa sức đam mê để đạt đến trình độ cao nhất trong hệ thống KOC của Lazada là KOS. Từ đó, họ được trang bị studio hiện đại để phát sóng trực tiếp ba lần mỗi ngày. Nội dung livestream đa dạng xoay quanh các chủ đề về ngành hàng, đời sống, xu hướng,... So với livestreamer thông thường, KOS của Lazada được bảo trợ và đảm bảo chất lượng sản phẩm trong phiên livestream. Nhờ vậy, người xem có thể hoàn toàn tin tưởng vào những thông tin và đánh giá được chia sẻ.


Là quán quân của KOC Vietnam 2022, Call Me Duy có nhiều bước tiến dài trong sự nghiệp khi ở hiện tại, anh được nhiều thương hiệu ‘chọn mặt gửi vàng’ cho các buổi livestream, đồng thời cũng là mentor chính trong chương trình "The Shoppertainer”


Có thể thấy, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam nhờ vào mức độ dễ tương tác với khách hàng, đồng thời người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm. Thêm vào đó, nhiều cuộc thi cũng được tổ chức cho giới trẻ thử sức và phát triển bản thân.


Trên thực tế, ngành bán hàng livestream có một mô hình vận hành rất đơn giản. Các KOS sẽ nhận một khoản phí nhất định cho mỗi buổi livestream. Sau khi sản phẩm được bán ra, họ sẽ tiếp tục nhận được phần trăm hoa hồng từ các nhãn hàng. Ở thời điểm hiện tại, mô hình KOS dự kiến mở ra nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ đam mê livestream bán hàng. 


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.