Nổi lên từ đại dịch, work from home hiện nay đã trở thành một lựa chọn mới bên cạnh hình thức làm việc truyền thống tại văn phòng. Nhiều người cho rằng các công việc sáng tạo, với tính chất là có thể làm ở bất kì đâu rất vừa vặn với hình thức từ xa này. Thế nhưng vẫn có tranh cãi nổ ra, một bên cho rằng văn phòng giữ cho người sáng tạo làm việc chuyên nghiệp và năng suất. Một bên thì khăng khăng họ cần sự tự do để khơi nguồn ý tưởng. Vậy đâu mới là hình thức phù hợp nhất cho giới sáng tạo?


Văn phòng 4 bức tường đang giết chết sáng tạo 


Mục tiêu ban đầu của work from home chính là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và của riêng nhân sự, đóng vai trò như một giải pháp tạm thời để các đơn vị quảng cáo hoạt động trong đại dịch. Thế nhưng, kể cả khi đã gỡ bỏ lệnh giãn cách, nhiều agency vẫn muốn áp dụng mô hình này vì những ích lợi của nó đối với công việc sáng tạo. “Ý tưởng quảng cáo không đến từ văn phòng, mà là những chất liệu tìm được ở cuộc sống ngoài kia. Được gặp gỡ gia đình, bạn bè và những người lạ mặt, được quan sát đời sống từ một góc khác thay vì cửa kính văn phòng đều làm cho các nhà quảng cáo trở nên sáng tạo hơn”, Psembi Kinstan, ECD tại DDB Group Melbourne cho biết. 


“Ý tưởng quảng cáo không đến từ văn phòng, mà là những chất liệu tìm được ở cuộc sống ngoài kia".


Đồng quan điểm đó, Adithya Deepan, Giám đốc sáng tạo tại We Are Social Singapore chia sẻ với Campaign Asia: “Sự cô lập là một công cụ mạnh mẽ cho sự sáng tạo. Nó cung cấp cho nhân sự không gian và thời gian để họ có thể phản chiếu suy nghĩ của mình một cách rành mạch, là tiền đề cho những ý tưởng độc đáo ra đời”


Chưa kể mặc cho những nỗ lực nâng cấp tiện nghi, trang trí không gian của các doanh nghiệp, khái niệm môi trường làm việc lý tưởng lại tùy vào tính cách của mỗi nhân viên. Yvonne Tan, Giám đốc nhân sự tại Dentsu International cho biết “Nhân viên ngành quảng cáo cần công ty tin tưởng, tôn trọng ý thích của họ. Mỗi cá tính khác nhau sẽ cần những mô hình làm việc khác nhau. Để họ được tự do chính là giải phóng cho sự sáng tạo”


Khái niệm môi trường làm việc lý tưởng còn phải tùy vào tính cách của mỗi nhân viên. 


Làm việc từ xa cản trở quy trình sáng tạo


Đối lập với những ý kiến ở trên, nhiều công ty không mô hình work from home đem lại nhiều lợi ích kể từ sau đại dịch. Vào tháng 5, CEO Telsa Elon Musk còn thông báo tới các nhân viên rằng họ phải đảm bảo 40 giờ làm việc/tuần hoặc là từ chức, và đây không phải là nhà lãnh đạo duy nhất khi lần lượt các agency quảng cáo như VCCP, APAC đều muốn nhân viên quay trở lại làm việc tại văn phòng. 


Craig Mapleston, Giám đốc điều hành của VCCP Singapore nói rằng việc lên ý tưởng, trình bày, thuyết trình, nhận và chỉnh sửa theo feedback đều nên gặp mặt để cùng làm với nhau. “Làm việc từ xa 100% cản trở công việc sáng tạo. Các nhân sự cần ở gần nhau không chỉ để mọi công đoạn diễn ra mượt mà, mà còn để truyền lửa lẫn nhau khi làm việc”, Mapleston nói. 


Các nhân sự cần ở gần nhau không chỉ để mọi công đoạn diễn ra mượt mà.


Theo Mapleston, điểm cập rập lớn nhất của làm việc từ xa chính là lược bỏ mọi phản ứng hóa học giữa agency và khách hàng. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp giúp xây dựng mối quan hệ, quan sát kĩ càng phản ứng đối phương và cuối cùng là bán được ý tưởng cho họ. “Nếu cứ cách nhau một màn hình máy tính thì rất khó xây dựng được những mối quan hệ ý nghĩa, và vì vậy mà càng khó bán cho họ cái gì”, Mapleston chỉ ra. 


“Có thể nhiều người nghĩ rằng sáng tạo phần lớn là công việc của một người. Mọi ý tưởng, dòng suy nghĩ, cách triển khai đều nằm trong đầu và vì vậy làm việc ở đâu cũng không mấy quan trọng. Thế nhưng, sáng tạo trong quảng cáo không chỉ đơn thuần là ‘nghĩ ra ý tưởng hay’, mà còn bán được ý tưởng đó cho người khác. Công việc đó thì sẽ cần nhiều hơn một người”, Mapleston chia sẻ trên Campaign Asia


Sáng tạo trong quảng cáo không chỉ đơn thuần là ‘nghĩ ra ý tưởng hay’, mà còn bán được ý tưởng đó cho người khác, mà công việc đó thì sẽ cần nhiều hơn một người.


Giải pháp vẹn cả đôi đường


Đầu năm nay, Microsoft đã tiến hành một nghiên cứu trong phạm vi 60.000 nhân viên, với chủ đề là Làm việc từ xa ảnh hưởng như thế nào tới năng lực sáng tạo. Nghiên cứu sau đó đã được công bố trên Nature Human Behavior, tiết lộ một số sự thật thú vị: Làm việc từ xa có thể làm tăng năng suất ngắn hạn, nhưng lại làm giảm năng suất nếu tính chuyện đi đường dài với mô hình này. 


“Các nhân sự có thể không ý thức được, và cảm thấy rất phấn khích trước một mô hình làm việc mới. Thế nhưng, kết quả rút ra từ giai đoạn làm việc từ xa chính là: Vất vả hơn. Ít tinh thần cộng tác. Khả năng sáng tạo bị hạn chế. Lo ngại việc làm mới bản thân. Và giảm năng suất”, Microsoft đưa ra kết luận. 


Làm việc từ xa có thể làm tăng năng suất ngắn hạn, nhưng lại làm giảm năng suất nếu tính chuyện đi đường dài với mô hình này. 


Kể cả thế, trong bối cảnh sức khỏe tinh thần đang được nhân sự quảng cáo đặt lên hàng đầu, họ vẫn muốn linh hoạt thời gian và địa điểm làm việc để dành nhiều thời gian hơn cho đời sống cá nhân. Một gợi ý đưa ra là, nếu một bên thích tương tác, một bên thích làm việc một mình, vậy tại sao không theo đuổi mô hình kết hợp cả hai mà báo giới vẫn thường gọi là Hybrid Working?


Hybrid working là mô hình làm việc kết hợp, nhân viên vừa có thời gian làm việc ở văn phòng vừa có thời gian làm việc từ xa qua hình thức online. Theo nghiên cứu của McKinsay, cho đến năm 2030 sẽ có 66% doanh nghiệp áp dụng Hybrid Working như một tiêu chuẩn làm việc mới. “Mô hình này là sự tôn trọng của doanh nghiệp dành cho các cá tính khác nhau. Chúng tôi thấy lợi ích của việc tương tác trực tiếp và cả việc được ở một mình đối với công việc sáng tạo. Vì vậy một mô hình kết hợp cho phép sự linh hoạt sẽ giúp lãnh đạo có cả hai, mà nhân sự cũng cảm thấy thoải mái, tăng năng suất làm việc”, Stanley Clement, Giám đốc điều hành MBCS Malaysia nói. 


Theo nghiên cứu của McKinsay, cho đến năm 2030 sẽ có 66% doanh nghiệp áp dụng Hybrid Working như một tiêu chuẩn làm việc mới. 


Trong khi đó Tim Lindley, Giám đốc điều hành VaynerMedia Châu Á Thái Bình Dương tin rằng, làm việc từ xa 100% không phải là lựa chọn không ngoan, nhưng mô hình một tuần làm việc năm ngày ngay tại văn phòng cũng không phải là hình thức phù hợp nữa. “Có thể khoảng cách không giới hạn năng lực sáng tạo, và làm việc từ xa còn giúp kết nối nhân tài sáng tạo từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng việc xây dựng một không gian gặp gỡ chung cũng rất cần thiết để bổ sung cho môi trường làm việc tại nhà. Đó có thể là một văn phòng dùng để làm việc nhóm, thảo luận với khách hàng, tổ chức sự kiện,... Gặp gỡ liên tục cũng không hẳn cho ra những gắn kết tích cực. Giữ một khoảng cách với nhau có khi lại khiến công việc sáng tạo mượt mà hơn”, Lindley cho biết. 


Hằng Trần